https://www.pinterest.com/pin/662592163942246335/
https://www.pinterest.com/pin/662592163942246335/
Bài viết này tập trung về cách học viết, chứ không phải là một công thức cụ thể để mọi người áp dụng. Vì đối tượng mình nhắm đến là những người muốn viết nhưng e ngại, sợ bị mọi người chê bai. Mỗi người có một cách viết, trình độ, tư duy viết khác nhau, viết văn là phải tự do chứ không gượng ép. Nếu đã gượng ép thì bạn đang làm nghề Contentwriting hoặc Copywriting, thậm chí bạn đang viết để thi lấy điểm 9 điểm 10 trong kì thi nào đó.
Để viết được một bài văn làm mọi người chú ý (tầm 10 người thôi cũng được). Thì cần phải có tư duy viếtvăn phong. Tư duy viết chúng ta có thể học từ sách, blog cá nhân, từ một khóa học nào đó - nơi tập trung vào chủ đề viết lách. Tư duy viết luôn có khuôn mẫu sẵn tùy theo mục tiêu bạn đang hướng đến. Lựa chọn ra sao thì tùy theo ý của bạn.
Còn về văn phong thì sao ? Muốn văn phong tốt lên hay không, thì còn phụ thuộc vào việc luyện tập hàng ngày, không ai có thể dẫn đường chỉ lối cho bạn. Giống như việc đứa trẻ tập đi vậy, không ai có thể chỉ dạy chúng phải bước đi như thế nào, tư thế đứng ra làm sao. Mà tự nó tìm cách tập đi. Chỉ cần có lời động viên, nâng chúng lên từ cha mẹ, chúng sẽ tự tập đi hàng ngày.
Vậy, làm thế nào để có văn phong tốt ?
Đọc sách: Đọc sách là một nguồn dữ liệu cực lớn để tiếp thu văn phong mới. Mỗi quyển sách có phong cách hành văn, cách thể hiện cảm xúc khác nhau, vì vậy người đọc cũng có gu đọc sách khác nhau. Hãy lựa chọn cuốn sách theo ý thích của bạn, để tắm mình trong sự tưởng tượng theo văn phong của tác giả. Từ đó ta mới dễ dàng tiếp thu văn phong mới.
Upslash
Upslash
Đối với mình, việc tiếp thu văn phong là một hình thức tiếp thu trong vô thức, theo cảm nhận riêng của từng người đọc. Phong cách viết sẽ tự hoàn thiện theo những mẫu văn, quyển sách mà người đọc cảm thấy hay. Chứ không thể nào copy từng câu từng chữ, cách dùng câu, dùng từ, cách để dấu câu sao cho đúng như theo văn phong của tác giả quyển sách.
Hãy tập viết mỗi ngày:
"95% everything you do is the result of habit" - Aristotle -
Tập viết mỗi ngày giúp chúng ta hoàn thiện khả năng viết, viết nhiều rồi mới biết chúng ta viết hay ở đâu, đang sai ở điểm nào. Hoạt động này có thể dùng ở đâu ? Khi ta viết thư, viết nhật ký, khi ta viết review, viết một nội dung nào đó mà chúng ta đang tìm hiểu và yêu thích.
Viết thư, viết nhật ký để thể hiện quan điểm, cảm xúc, sự quan sát của ta về thế giới, sự vật hiện tượng xung quanh trong một thời điểm nào đó, để gửi cho chính chúng ta hoặc người nhận thư.
Khi viết xong nhật ký, hãy đọc lại bài viết một lần và cảm nhận cách hành văn của mình đã ổn hay chưa ? Nếu cảm thấy lấn cấn thì hãy sửa lại đoạn văn ấy, sao cho ta có cảm giác đọc thuận miệng, có cảm xúc gì trong bài nhật ký là được.
App Slowly - KẾT NỐI THẾ GIỚI QUA NHỮNG BỨC THƯ
App Slowly - KẾT NỐI THẾ GIỚI QUA NHỮNG BỨC THƯ
Khi viết thư thì sao ? Đối với mình, viết thư là phương tiện giao tiếp bằng văn bản, cho những đối tượng từ xa mà ta mong muốn gửi đến. Nhưng để người nhận hiểu được những mong muốn, tình cảm của ta một cách chân thành, đúng đắn. Thì chính chúng ta phải để ý tới cách hành văn, lỗi chính tả, nắn nót từng chữ, không gạch xóa để thể hiện sự chân thành của mình đối với người nhận. Sau đó, chúng ta đọc thư của người khác và tiếp thu cách viết văn của họ, từ đó mỗi người viết thư đều tự chỉ dạy cho nhau cách viết văn hay, mà không cần phải để người khác dạy dỗ hoặc chỉ trích về lối viết của chúng ta.
Khi viết review, nội dung ta đang tìm hiểu thì sẽ như thế nào ? Có khi nào các bạn thấy những bài review giống na ná nhau hay không ? Có khi nào bạn tự viết ra một nội dung mà bạn cảm thấy lấn cấn, không vừa ý sau khi đọc chúng không ? Đó là do tư duy xây dựng bài viết của bạn hoàn toàn khác so với tay viết chuyên nghiệp.
Khi viết nội dung nào đó, các tay viết chuyên nghiệp tìm hiểu công thức viết theo nội dung mà họ mong muốn, nghiên cứu kĩ các nguồn tài liệu. Họ biết người đọc là ai, đang cần gì trong tác phẩm của họ. Kinh nghiệm thực tiễn, góc nhìn, kỹ năng cá nhân của họ xây dựng lên cách hiểu về nội dung, sự cá nhân hóa trong bài viết. Từ đó họ cho ra một tác phẩm hay, chuẩn.
Cuối cùng, họ đăng bài viết lên cho mọi người cùng quan sát và kiểm chứng, việc tiếp thu thêm những bình luận có ý xây dựng, hoặc nhìn thấy được góc nhìn khác của người bình luận trong bài viết của họ, cũng giúp họ trau dồi thêm kinh nghiệm. Nếu bạn muốn thực sự có một văn phong tốt, cách hành văn tốt, tư duy viết tốt thì hãy tìm hiểu kỹ trước khi viết. Hoặc đơn giản chỉ cần cảm thấy đủ tự tin đăng bài viết của mình lên để mọi người cùng góp ý, xây dựng.
Đừng viết với cảm xúc tiêu cực và dùng nó để tấn công một đối tượng nào đó
Không ai trên đời này suốt ngày nghe lời than vãn, những lời chỉ trích đầy hận thù của bạn nhằm công kích một đối tượng nào đó. Viết trong lúc đầu óc chứa đầy tiêu cực, cảm xúc ấy dẫn ta đến nhiều sai lầm trong tư duy viết, bạn bất chấp thông tin sai lệch để bảo vệ quan điểm của mình, đôi lúc bạn tự bóp méo chính mình để thỏa mãn cảm xúc. Câu nọ xọ câu kia làm bạn trở thành trò cười cho người đọc, khiến người đọc khó chịu và tấn công bạn nhiều hơn là đồng tình. Vậy là con người đầy tiêu cực, thô lỗ trong bạn sẽ xuất hiện trong vòng tròn hận thù không lối thoát. Thậm chí những tiêu cực đó làm bạn ghét viết, dẫn đến việc bỏ đi sở thích viết bấy lâu nay của bạn.
Ghi lại những ý tưởng bất chợt nảy ra trong đầu.
Upslash
Upslash
Khi đi dạo phố, lướt web, trò chuyện cùng bạn bè, khi đọc một quyển sách… sẽ có những ý tưởng chợt lóe lên trong đầu bạn. Nếu rảnh rỗi thì hãy tận dụng cảm xúc cùng với ý tưởng của bạn đang có, để viết ra chúng ngay trên điện thoại, laptop,... hãy thử hỏi những tay viết bạn đang thần tượng, những người thích viết văn, trong mối quan hệ của bạn xem. Có phải họ đã từng lợi dụng cảm xúc và ý tưởng chợt lóe lên để viết ra ngay tức khắc những gì họ muốn hay không ?
Còn nếu bạn không có cơ hội viết ngay lập tức. Hãy note ý tưởng, lên một dàn ý ngay lúc đó, để sau này có dịp viết lại.
Việc này cũng có hai mặt tốt xấu theo cách cảm nhận của riêng mình, điều tốt là khi mình viết lại những ý tưởng này, thì mình sẽ có nhiều nguồn thông tin khác bổ sung vào bài viết (nhờ vào việc nói chuyện với ai đó, đọc một quyển sách, thấy một câu quote đầy ý nghĩa, hoặc đơn giản hơn là một tấm hình phù hợp với ý tưởng). Mặt khác, khi xem xét lại ý tưởng trong note, sau một thời gian không còn cảm xúc bốc đồng. Mình sẽ cảm thấy ý tưởng đó thật ngớ ngẩn và loại bỏ chúng ngay lập tức.
Mặt xấu là khi không còn cảm xúc để viết, mình sẽ cảm thấy hụt hẫng rất nhiều. Nhìn qua nhìn lại dàn ý mà không có một từ ngữ nào có thể thốt ra được đối với ý tưởng đó từ trước.
Viết đa dạng thể loại, nhưng đừng ép bản thân phải làm.
Mình thấy viết đa dạng nội dung rất hữu ích, nhưng viết được thì mình cần phải có thời gian thích thú tìm hiểu một chủ đề mới qua sách, phim, bài viết của người khác... Tiếp thu đủ lượng thông tin cần thiết theo đúng sở thích thì chúng ta mới có đủ tư liệu để tham gia vào chủ đề mới.
Nói làm sao cho người khác hiểu.
Theo ta nghĩ, các môn phái khác khoa trương nhiều phương thuật sử dụng trường kiếm khác nhau nhằm làm mờ mắt những tay kiếm còn non nớt. Như thế nghĩa là buôn thần bán thánh. Một tinh thần như vậy trong kiếm pháp là đê tiện
Trích Phong Chi Quyển trong Ngũ Luân Thư - Miyamoto Musashi -
Muốn cho người khác hiểu bạn thì phải biết người xem của bạn đang là ai, người ta muốn gì. Đừng lạm dụng từ Hán Việt, Cổ ngữ, Ngoại ngữ quá nhiều với người không thích lắm lời văn vẻ, nếu có dùng thì phải giải thích cho người đọc của bạn hiểu được. Nếu thực sự, bạn muốn dùng thuật ngữ chuyên ngành, thì phải biết rằng bạn đang viết cho người cùng ngành và ngang trình độ với bạn, chứ không phải viết ra để hù một người mới yếu kém hơn bạn, để tỏ vẻ thượng đẳng.
Đừng có nói lan man không đúng mục tiêu, kiểu như đặt tiêu bạn đề: “Mình nâng cao trình độ tiếng như thế nào”. Sau đó bạn kể tràng giang đại hải hành trình của bạn, chứ không nói cụ thể cần nâng cao tiếng Anh thì phải có phương pháp, cách thức nào, kinh nghiệm thật của bạn đã dùng và có hiệu quả hay không.
Tóm lại, hãy xem bạn là người đọc. Chính bạn còn thấy khó chịu vì độ lan man của người khác thì đừng xem nhẹ độ lan man của chính mình.
Kết.
Mình viết ra bài viết này trong khi đang học cách viết quảng cáo: “Để viết một bài quảng cáo hiệu quả. Người viết quảng cáo phải học nguyên tắc viết bài và văn phong. Việc viết được một bài quảng cáo hiệu quả thì phải có nguyên tắc viết và tư duy rõ ràng, còn về văn phong thì mỗi người mỗi khác nhau, không có một khuôn cụ thể giúp người viết có văn phong tốt hơn.”
Mình đang ghi chép đoạn trên thì trong đầu tự nảy ra ý tưởng, rồi viết ra kinh nghiệm xây dựng văn phong của chính mình, từ những ngày đầu tiên đăng bài lên spiderum này. Thôi thì mình xem đó là cách mình đang luyện viết hàng ngày.
Gửi cho những ai đang tự ti về trình độ viết của bạn: “Nếu cảm thấy đủ tự tin thì hãy viết đi, viết cái bạn thích, viết theo phong cách của riêng bạn. Đơn giản hơn là bắt chước văn phong của tay viết bạn yêu thích. Cố lên, rồi một ngày bạn sẽ được mọi người công nhận. Từ đó động lực viết sẽ đẩy bạn trên con đường viết lách này”