Hãy nghĩ về trải nghiệm chăm sóc khách hàng tuyệt vời nhất bạn từng có, và tại sao chuyện đó lại đến với bạn. Phải, đó chắc chắn là do nhân viên, được sự khuyến khích và ủng hộ từ một người quản lý giỏi, hiểu họ cần những gì và cung cấp cho họ những công cụ cần thiết để hoàn thành tốt công việc.

Những công cụ đó không nhất thiết là hữu hình. Quản trị con người hiệu quả là đảm bảo quyền lợi cho nhân viên ở bất kỳ thời điểm nào, hiểu được mối quan tâm chính của người quản lý là phải làm sao để nhân viên của mình làm việc hiệu quả nhất. Bởi vì một nhân viên khi đã nhận được sự ủng hộ, họ biết rằng mình luôn có người quản lý đằng sau giúp đỡ. Những người như vậy sẽ luôn vui vẻ trong công việc. Họ thậm chí có thể di chuyển cả một tòa nhà nếu được yêu cầu. Những người quản trị giỏi giữ chân được lao động chất lượng, những người quản trị kém thì luôn lãng phí tài năng bởi vì nhân viên không rời khỏi công ty, họ chỉ đang rời khỏi người quản lý.

Hoàn cảnh mà Barcelona đang gặp phải lúc này là họ thiếu khả năng quản trị. Có một câu hỏi rất hay mà hầu như buổi huấn luyện kỹ năng quản trị nào cũng có, đó chính là: “Trở thành một người quản lý là như thế nào?”. Ai cũng sẽ có câu trả lời cho riêng mình. Nào là phải cân bằng công việc, phải có kết quả tốt, phải tối đa hóa quy trình làm việc, bla bla bla… Nhưng không, câu trả lời tốt nhất có chăng nên là: “Làm một người quản lý là trở thành nhân viên và những vấn đề mà họ gặp phải.” Người quản lý nhân văn nhất là người dành thời gian tương đương, thậm chí là nhiều hơn để chắc chắn rằng nhân viên của mình có đủ sự trang bị cả về tinh thần lẫn cảm xúc để tỏa sáng. Những người quản lý “ngây thơ” thì cho rằng những vấn đề của nhân viên nên bỏ ngoài công việc và một khi đã đến công ty, bạn phải làm việc chăm chỉ. Nhưng chính những vấn đề đó sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm của công ty bởi vì nó ảnh hưởng đến người lao động.

Ở Barça, những người quản lý chuyện tiền bạc đang làm rất tốt. Những con số về doanh thu, cho dù bạn có tin hay không, vẫn liên tục tăng. Tài trợ vẫn rất đều đặn, mọi thứ đều sáng sủa và đẹp đẽ. Nhưng CLB lúc này giống như một con thỏ làm bằng socola – một thứ rỗng tuếch bên trong, bởi vì nó đã lờ đi thứ sẽ phá hủy tất cả: Con người.

Cuộc phỏng vấn gần đây nhất của Eric Abidal đã được gói gọn lại chỉ trong một câu nói. Trong một cuộc nói chuyện dài đến 35 phút, Giám đốc kỹ thuật của CLB đã nói rất nhiều, từ việc ông cảm thấy như thế nào về công tác chuyển nhượng, những cầu thủ, hành trình đi tìm một số 9 mới, cho đến chấn thương của Dembele, tất cả. Tuy nhiên, có một câu nói trong buổi phỏng vấn đó đã khiến cho Lionel Messi, người xưa nay rất ít khi lên tiếng trên mạng xã hội, phải đưa ra phản hồi trên Instagram của mình.

Dù bạn có suy nghĩ gì về lời nói của một trong hai người, thì chuyện Messi phản hồi trên Instagram chứng minh một điều rằng những con người tối quan trọng nhất của một tổ chức đã thất vọng nhiều đến mức nào với khả năng quản trị của CLB. Giả sử Barça là một công ty được vận hành hợp lý, Messi thấy những gì Abidal nói, và anh hiểu được rằng những người quản lý, trong trường hợp này là Ban lãnh đạo đội bóng ủng hộ mình, Messi sẽ đến nói chuyện riêng với họ: “Này, tôi đã thấy những gì Abidal trả lời trong cuộc phỏng vấn, và tôi chắc chắn rằng anh ấy không có ý nói như vậy. Hãy cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra đi.”. Hoặc Messi gặp trực tiếp Abidal và hai người họ nói chuyện. Vị GĐKT khi đó sẽ giải thích những gì anh ấy thực sự muốn nói, và mọi chuyện trở lại bình thường.

Khi mà việc quản lý tốt và mang tính cổ vũ trở thành quản lý khủng hoảng thì những thứ đáng lẽ ra không nên công khai lại bị công khai một cách trắng trợn. Arturo Vidal trải lòng về việc anh không cảm thấy mình được coi trọng. Ivan Rakitic nói về những cảm xúc tồi tệ của anh một phần đến từ việc quản lý. Và khi đó những người quản trị chỉ lo giải quyết các khủng hoảng, giống như bậc cha mẹ quá bận rộn trong chuyện tiền bạc nên họ chỉ để ý đến con mình khi nó khóc vì đói hoặc bị bỏ rơi. Không cách nào hữu hiệu hơn để đánh sập một công ty ngoài việc lờ đi thứ quan trọng nhất cấu thành nên nó: Con người. Người lao động không vui đồng nghĩa với sản phẩm kém chất lượng. Nhiều người cho rằng các cầu thủ được trả hàng triệu đô, họ nên “ngậm miệng lại” và thi đấu. Nhưng không, một cầu thủ không vui sẽ luôn là một cầu thủ không vui.

Quản trị khủng hoảng là hình thức tệ nhất trong việc quản trị, bởi vì nó thụ động thay vì chủ động. Nếu như một nhân viên rời công ty bởi vì họ muốn tăng lương nhưng người quản lý lại không đáp ứng, họ sẽ ra đi và tìm kiếm một công việc mới. Người quản lý sau đó đề nghị tăng lương với ý định giữ chân họ, và nó khiến cho người này rơi vào hình thức tệ nhất của quản trị khủng hoảng. Điều đó giúp nhân viên hiểu ra rằng họ không có giá trị với người quản lý cho đến khi họ bộc lộ được giá trị đó cho một người quản lý khác. Hiếm có nhân viên nào chọn ở lại trong tình huống này cả, bởi vì tâm lý này vẫn còn tồn tại.

Nếu Bartomeu sa thải Abidal bởi những gì anh ta nói thì Bartomeu quả thực không có kỹ năng quản trị con người. Nhiều nguồn tin cho hay ông không muốn sa thải Abidal, rằng ông muốn Abidal và Messi làm lành. Hay nói cách khác, ông ta muốn những nhân viên của mình tự giải quyết khủng hoảng giữa hai người, mặc dù khủng hoảng đó được gây nên bởi chính khả năng quản lý và sự thờ ơ của ông ta. Messi không tức giận bởi những gì Abidal đã nói. Có một chút, nhưng những gì ẩn sâu bên trong mới đáng để bàn. Có lẽ là do kế hoạch xây dựng đội hình không thể nào tồi tệ hơn khi giao trọng trách lên vai cầu thủ xuất sắc nhất từng chơi bóng đang bước vào giai đoạn xế chiều, phụ thuộc vào một hiện tượng chỉ mới 17 tuổi trong cuộc đua giành cú ăn ba. Ban lãnh đạo không cung cấp cho các cầu thủ những công cụ cần thiết để tỏa sáng, và họ tức giận vì điều đó.

Pique đã từng nói với Valverde: “Tôi không quan tâm ông nghĩ gì. Chắc chắc tôi sẽ đi dự sự kiện ấy.”. Đó là dấu hiệu rõ ràng nhất về việc quản lý kém. Chúng ta cũng nhìn thấy điều đó tại PSG đối với trường hợp của Kylian Mbappe và Thomas Tuchel. Huấn luyện viên không cảm thấy có sức mạnh để làm những gì ông ta cần, cầu thủ thì không cảm thấy họ nên có một giải pháp khác để có thể làm hài lòng đôi bên, vì vậy không bên nào cảm thấy vui vẻ và những vấn đề vốn dĩ nên được giữ trong nội bộ lại bị phát tán ra ngoài. Messi cảm thấy phật lòng vì thời gian dài phải chịu đựng sự thờ ơ, những thất bại trên sân cỏ và sự thiếu đi tham vọng đích thực của đội bóng và các cầu thủ. Laporta có thể là một người vị kỷ, nhưng ông ấy tận dụng được khía cạnh con người trong việc quản lý. Nếu như cầu thủ của tôi vui thì tôi cũng vui. Và nếu như mọi người đều có tinh thần tốt, thì chiến thắng và những chức vô địch sẽ liên tục đến.

Sự xuất sắc của những tập thể mà Pep Guardiola từng dẫn dắt được gây dựng nên bởi sự quản lý hiệu quả. Nó không phải kiểu “Chạy đi, đồ khốn, chạy đi” mà nó là kiểu “Chạy đi đồ khốn, và tôi sẽ làm việc chăm chỉ giống như cậu để kết quả của sự kết hợp giữa chúng ta sẽ không gì khác ngoài thành công vang dội.”. Khích lệ nhân viên trong việc đạt được thành công của chính họ là nguyên lý cơ bản của quản trị tốt. Việc chọn những HLV kế thừa theo ý muốn của mình, ban lãnh đạo Barcelona đã tự làm khó chính vị HLV đó và đội bóng. Luôn là những kỳ chuyển nhượng rối như tơ vò, không hề có sự chuẩn bị, hành động rất thụ động trước những khủng hoảng thay vì lường trước những gì có thể xảy ra, lên kế hoạch cho chúng và có những quyết định hợp lý. Mọi thứ đều rất hoảng loạn. Sa thải Valverde là hoảng loạn, bổ nhiệm Setien cũng là hoảng loạn bởi vì họ không thể tìm được bất kỳ ai mà họ muốn. Dembele và Coutinho cũng là mua trong hoảng loạn. Nó cũng giống như việc người chồng dừng tại ga tàu để mua hoa cho vợ của mình, cố gắng làm lành sau khi cô ấy nói rằng muốn ra đi bởi vì anh ta đã không để ý đến cô. Đó chỉ là một miếng băng cá nhân tạm thời, rồi vết thương đó sẽ lại chảy máu một lần nữa.

Barça đang chảy máu. Barça chảy máu bởi vì những con người được bổ nhiệm để trở thành những quản lý tốt, để đảm bảo nhân viên được vui vẻ và tạo ra sản phẩm chất lượng, lại chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân và cái tôi của họ. Ở chiến dịch quảng bá tiếp theo, CLB sẽ thông báo về việc họ đạt được mục tiêu doanh thu tỷ Euro. Mọi người sẽ cười vui vẻ và chúc mừng lẫn nhau, cầm cây vĩ lên kéo đàn violin trong khi mọi thứ đang cháy âm ỉ ở bên trong. Câu chuyện về Messi và Abidal lại không phải là câu chuyện giữa hai người họ. Nó là về Bartomeu và việc ông ta đã không hoàn thành công việc của mình. Ông ta sẽ không nhận ra nó ngay lúc này, giống như cái cách mà ông ta không nhận ra nó trước đây, và sẽ lại có một cuộc khủng hoảng diễn ra với cùng 1 nguyên nhân như những cuộc khủng hoảng trước đó. Thật đáng tiếc, người quản lý đã bỏ qua thành tố quan trọng nhất của một tổ chức: Con người.
---
Bài viết được thực hiện bởi một người bạn của mình: Minh Đức.