Olympic Tokyo 2020 khép lại với nhiều cảm xúc lẫn lộn. Với việc bị trì hoãn 1 năm, tới việc diễn ra ngay giữa thời kỳ dịch bệnh, đến sự bi quan trong kỳ vọng của người dân và dư âm đáng buồn về tài chính của nước chủ nhà, đây là một trong những kỳ Olympic kỳ lạ và gây tranh cãi nhất trong lịch sử Olympic. Và điều này dấy lên một câu hỏi: liệu Olympic có còn cần thiết trong tình hình thế giới hiện nay? Và liệu trong tương lai thế giới có cần tiếp tục duy trì truyền thống này?
Để hiểu được phần nào lí do của câu hỏi này và cố gắng trả lời nó, cần biết được nguồn gốc, một số công đoạn cơ bản và những mặt lợi/hại của Olympic.
Olympic là gì
Thế vận hội, hay Olympic, là cuộc thi tranh tài ở nhiều hạng mục thể thao giữa các quốc gia trên toàn thế giới.
Olympic bắt nguồn từ các cuộc thi đấu thể thao thời Hy Lạp cổ đại, và người Hy Lạp giữ được truyền thống này trong hơn 1000 năm từ khoảng năm 776 TCN, cho đến khi hoàng đế La Mã Theodosius I ban lệnh cấm vào năm 394.
Đến năm 1896, Olympic mùa hè bắt đầu được tổ chức với chu kỳ 4 năm 1 lần cho đến tận ngày nay. Olympic mùa đông thì bắt đầu muộn hơn, từ năm 1924. Từ 1924 đến 1992, Olympic mùa hè và đông được diễn ra cùng năm. Nhưng từ sau 1992 trở đi, Olympic mùa hè và đông diễn ra xen kẽ cách nhau 2 năm. Olympic mùa hè sau đó vào năm 1996, còn Olympic mùa đông kế tiếp diễn ra vào năm 1994.
Quy trình tổ chức Olympic
Từ 7 tới 11 năm trước khi diễn ra một kỳ Olympic, uỷ ban Olympic quốc tế (International Olympic Committee, viết tắt là IOC) kêu gọi các thành phố trên thế giới nộp đơn đấu thầu cho việc tổ chức Olympic. Sau nhiều vòng đánh giá bàn bạc, IOC sẽ quyết định được thành phố thắng thầu, và thành phố đó sẽ có 7-11 năm để chuẩn bị, tất cả nhằm phục vụ 16 ngày Olympic diễn ra.
Thành phố chủ nhà sẽ phải tuân theo một bộ tài liệu tổ chức Olympic của IOC có tên là Host City Contract - Operational Requirements. Bộ tài liệu dài 292 trang này là bản hướng dẫn tỉ mỉ từng chi tiết cho việc tổ chức một kỳ Olympic thành công và thống nhất với những kỳ tiền nhiệm.
Một vài ví dụ điển hình cho sự chi tiết của bộ tài liệu này như là diện tích phòng đơn phải là 9m2, phòng đôi là 12m2, hay phải có đủ đèn bàn, móc quần áo, gương, hay là làng vận động viên phải cách xa nhà thi đấu nhiều nhất là 50km hoặc 1h xe chạy, nếu không sẽ phải xây thêm làng vận động viên ở nơi khác.
Gần một thập kỷ để chuẩn bị, nghe thì có vẻ nhiều, nhưng có lẽ nó chưa bao giờ là dư thừa với các thành phố chủ nhà. Có thể kể đến một vài đầu việc lớn mà họ phải thực hiện:
- Xây thêm, trùng tu hoặc cải tạo hàng tá sân vận động và nhà thi đấu để khớp với tiêu chuẩn Olympic. Họ sẽ phải đáp ứng đủ các môn thể thao: từ những sân chạy, nhà thể dục dụng cụ, bể bơi, sông hồ cho các môn chèo xuồng, vùng núi tuyết cho các môn trượt tuyết.
- Chuẩn bị phòng khách sạn cho gần 50000 nhân sự và đại diện của Olympic, từ các tổ chức thể thao, nhà báo, đại diện các nước và các thành phố, etc. Con số gần 50000 này chỉ là những người trong bộ máy vận hành Olympic, chưa kể đến những vận động viên và khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
- Xây các làng Olympic nhằm bố trí chỗ ăn ở cho hơn 10000 vận động viên.
- Chuẩn bị cơ sở vật chất và kế hoạch cho mảng truyền thông và truyền hình, phục vụ sự kiện được thế giới mong đợi nhất năm.
- Cải tạo cảnh quan thành phố nhằm thu hút khách du lịch.
Lợi và hại của việc tổ chức Olympic
Olympic là một cơ hội vàng cho một quốc gia hoặc một thành phố, nhưng đồng thời cũng là một con dao hai lưỡi mà các chính quyền chủ nhà cần cân nhắc.
Với việc tổ chức Olympic đồng nghĩa với xây dựng và nâng cấp hạ tầng, đây là khoản đầu tư mạo hiểm cho chủ nhà. Họ bỏ ra rất nhiều tiền nhằm xây dựng các công trình nhà ở và dịch vụ, cải tạo hệ thống giao thông vận tải, nâng cấp cảnh quan và diện mạo cho thành phố. Việc này kích thích thành phố chi tiền và tạo ra việc làm. Để rồi sau Olympic, những công trình này có thể được chuyển thành các hạng mục nhà ở dân sự hay tổ hợp văn phòng với mục đích thương mại, đem lại tiền cho thành phố. Và nếu họ tính toán hợp lý cho đường dài, lợi ích sẽ nhiều hơn chi phí bỏ ra. Nhưng nếu có tầm nhìn không tốt, những công trình như sân vận động hay nhà ở này sẽ trở nên hoang vắng, phí phạm và ế ẩm hậu Olympic. Chi phí thực tế có thể bị đội lên nhiều lần so với chi phí dự kiến ban đầu. Và có thể người dân bản địa sẽ không ủng hộ tiền thuế của họ bị đổ vào những khoản đầu tư vô định như vậy.
Thêm vào đó, với việc tổ chức một sự kiện mang tầm thế giới, lượng khách du lịch sẽ tăng, cả về ngắn hạn lẫn dài hạn. Về ngắn hạn, một lượng khách khổng lồ sẽ đến xem Olympic, mạnh tay chi tiền vào khách sạn, ăn uống, dịch vụ, di chuyển. Về dài hạn, với việc thành phố được quảng bá khắp thế giới song song với nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng, số lượng khách du lịch trong tương lai sẽ tăng. Nhưng dù sao thì việc này giống như đánh cược vào tương lai không biết trước vậy: có thể việc thu hút được khách du lịch trong ngắn hạn là nhờ có hào quang của Olympic, nhưng để đi được đường dài thì cần giữ lửa và nâng cao được sức hút về mặt du lịch của thành phố trong nhiều năm, kể cả khi Olympic đã kết thúc và mọi người đã phần nào lãng quên.
Một lí do mang tính chính trị hơn là việc nâng tầm quốc gia qua Olympic. Với việc được chọn làm chủ nhà cho thế vận hội, đất nước đó đã phần nào khẳng định được chỗ đứng và giá trị cho mình trên trường quốc tế. Việc được tổ chức Olympic có thể mang thông điệp rằng quốc gia này đủ trình độ và nguồn lực để tổ chức một sự kiện quy mô lớn như Olympic, đồng nghĩa với triển vọng về trình độ lao động và kinh tế. Ngoài ra, tinh thần đề cao hoà bình và sự đa dạng chủng tộc thông qua thể thao cũng có thể là thông điệp mà quốc gia đó muốn quảng cáo mình với thế giới. Điều này mang lại những lợi ích và tác hại cũng chính trị chẳng kém, như là những khả năng đầu tư và hợp tác, những mối quan hệ mang tầm quốc gia, những liên minh khả dĩ và những kẻ đối đầu ngầm ẩn hiện.
Vậy liệu Olympic có còn cần thiết?
Mục đích trong sáng nhất của Olympic là đề cao nền hoà bình thế giới qua sự quy tụ của các vận động viên đến so tài thể thao mà không quan tâm đến chủng tộc, chính trị, màu da, tôn giáo, hệ tư tưởng. Ở dạng tinh khiết nhất của Olympic, nước nào cũng bình đẳng, tham dự với sự thân thiện, tôn trọng, thượng võ và công bằng.
Nhưng cuộc chơi thể thao nhiều lúc còn là cuộc chơi chính trị. Một vài ví dụ về sự hoà lẫn của chính trị trong Olympic có thể kể đến như việc Trung Quốc phản đối lá cờ không đầy đủ mà Nhật công chiếu trong buổi khai mạc, việc Mỹ và đồng minh tẩy chay Olympic Moscow 1980 tại Liên Xô, hay Liên Xô và đồng minh tẩy chay Olympic Los Angeles 1984.
Một vấn đề ít trừu tượng hơn đó là tiền bạc. Olympic Tokyo vừa rồi là một khoản bài học đau đớn khi chi tiêu thực tế lên đến 28 tỷ đô so với 7 tỷ đô dự tính ban đầu. Cộng thêm với việc không có khách du lịch do Covid, Tokyo sẽ phải chịu những khoản lỗ nặng nề sau khi Olympic kết thúc. Điều này chắc hẳn sẽ làm Bắc Kinh 2022 hay Paris 2024 chột dạ với những viễn cảnh không mấy khả quan.
Xét trong khoảng 20 năm trở lại đây, số lượng các thành phố đấu thầu cho việc tổ chức Olympic ngày càng giảm sút. Điều này cho thấy Olympic dần dần không còn là khoản đầu tư hấp dẫn với các quốc gia nữa. Nếu cứ đà này, có thể vào một năm nào đó sẽ không có thành phố nào muốn tổ chức Olympic nữa, và một nét văn hoá tiêu biểu của loài người sẽ đi vào dĩ vãng.
Đã qua rồi cái thời chiến tranh lạnh hay các siêu cường trực tiếp đối đầu. Ngày nay, các nước đối đầu nhau kín đáo hơn, tạo ra những đợt sóng ngầm chính trị chảy dưới nền hoà bình thường thấy. Trong khi các vận động viên đang dốc sức cho những tấm huy chương, thì quốc gia của họ đang lăn lộn trong một cuộc tranh đấu khác phức tạp hơn nhiều lần.
Vậy nên, Olympic tồn tại như là một lời trấn an và một nguồn hi vọng cho nhân loại rằng hoà bình vẫn đang ở đây, và thế giới vẫn đang có nhiều sắc hồng. Có thể lời trấn an này không phải là thứ nhân loại muốn, có thể nó tốn kém và hình thức, có thể sản phẩm phụ của nó là những thông điệp mang màu sắc tranh đấu chính trị, nhưng nó lại là thứ nhân loại cần.
Referrences
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất