Đắc Nhân Tâm là một trong những sách dạy kỹ năng sống đầu tiên mình đọc, vào khoảng năm 2012 - 2013 và mình thấy rất ưng ý. Sách đọc nhanh gọn, dễ hiểu. Mình hiểu rằng có nhiều người đọc khá là dị ứng với "sách self-help" kiểu Đắc Nhân Tâm, tuy nhiên, mình bất ngờ là họ không chỉ dừng ở mức không thích, họ còn rất chủ động tẩy chay quyển sách này. 
Để chia sẻ các bạn ba bình luận tiêu cực về sách, 2 bình luận dạng tẩy chay, 1 bình luận nói về tác động xấu lên bản thân (tiếng Anh).

Hình chụp trong nhóm Facebook Dota2VN

Nguồn ở đây:
Điều này khiến cho mình tò mò và tìm hiểu xem tại sao mọi người không chỉ không thích lại còn khuyên người khác tránh nó nữa. Và sau khi đọc qua một số bình luận cũng như nói chuyện với nhiều người mình biết, mình nhận ra rằng: đa số mọi người đều không hiểu sách Đắc Nhân Tâm viết về vấn đề gì. Và nếu họ hiểu họ cũng chỉ đến phần bề mặt.
Bài viết này mình sẽ chỉ tập trung vào sách Đắc Nhân Tâm và giải thích quyển sách viết về điều gì và nhiều người đã hiểu sai nội dung sách như thế nào. Bài viết này không viết về thể loại sách dạy kỹ năng sống nói chung vì trong nhóm sách đó, mình chỉ mới đọc Đắc Nhân Tâm.

Dale Carnegie Là Ai Và Sách Đắc Nhân Tâm Ông Viết Để Làm Gì?

Có lẽ đa số mọi người nghĩ rằng sách Đắc Nhân Tâm là một quyển sách viết về một trong những điều sau:
- Sách dạy mình đối nhân xử thế.
- Sách dạy mình kiếm tiền.
- Sách dạy những điều giúp mình có cuộc sống hạnh phúc, kiểu như đây là một công thức để tôi có cuộc sống viên mãn.
Điều một là hiểu nhầm, hai điều sau là sai. Biết đối nhân xử thế chỉ là một công cụ, biết đối nhân xử thế không phải là đích đến cuối cùng.
Vậy đích đến cuối cùng của quyển sách này là gì? 
Để biết được điều đó, trước nhất cần nhớ rằng Dale Carnegie là một doanh nhân. Và vì Wikipedia đã có một bài viết đầy đủ về ông nên mình tiện sao chép lại luôn vào đây: 
"Dale Breckenridge Carnegie (trước kia là Carnagey cho tới năm 1922 và có thể một thời gian muộn hơn) (24 tháng 11 năm 1888 – 1 tháng 11 năm 1955) là một nhà văn và nhà thuyết trình Mỹ và là người phát triển các lớp tự giáo dục, nghệ thuật bán hàng, huấn luyện đoàn thể, nói trước công chúng và các kỹ năng giao tiếp giữa mọi người. Ra đời trong cảnh nghèo đói tại một trang trại ở Missouri, ông là tác giả cuốn Đắc Nhân Tâm, được xuất bản lần đầu năm 1936, một cuốn sách thuộc hàng bán chạy nhất và được biết đến nhiều nhất cho đến tận ngày nay. Ông cũng viết một cuốn tiểu sử Abraham Lincoln, với tựa đề Lincoln con người chưa biết, và nhiều cuốn sách khác."
Một doanh nhân sẽ vận hành một cỗ máy doanh nghiệp, và những gì ông viết ra là dựa vào những năm tháng trải đời kinh doanh vận hành doanh nghiệp. Ông đã nhìn ra được điểm then chốt để giúp ông và doanh nghiệp của ông thành công. Vậy vậy theo bạn bộ phận nào trong một cỗ máy doanh nghiệp ở Mỹ những năm 1920 - 1930 đã giúp ông thành đạt? 
Bạn có thể nói đó là đơn vị sản xuất, hoặc là đơn vị quản lý nhân lực (HR), hoặc là sự tài năng của ban quản trị. Nhưng mình nghĩ câu trả lời đúng ở đây đó chính là: bộ phận bán hàng (sales). Mình sẽ dùng từ sales ở đây vì từ "bán hàng" trong tiếng Việt không làm toát hết nghĩa được từ này, bạn đọc về sau sẽ rõ.
Và tất cả những gì trong quyển sách Đắc Nhân Tâm viết ra chỉ xoay quanh đúng một lĩnh vực ấy: bán hàng. Những kỹ năng được nhắc đến trong sách như: thành thật quan tâm đến người khác (nguyên tắc 4), tạo được ấn tượng tốt ban đầu (nguyên tắc 5) hay Khơi gợi sự cao thượng (nguyên tắc 19) đều chỉ để phục vụ cho mục tiêu là sales. 
Tại sao lại là sales?
Sales là một lĩnh vực thú vị. Nghề sales hiện diện khắp nơi, ở mọi ngõ ngách trong cuộc sống, nhưng nó lại là một trong những ngành nghề bị đánh giá thấp nhất trong xã hội. Sales là những người bán hàng, cũng là những người đứng giữa giúp phân phối hàng hóa. Vai trò của họ hầu như bị đánh giá rất thấp, kể cả những người trong ngành, và nhiều lúc bị mang tiếng xấu. Ví dụ bạn đọc báo hay nghe những tin kiểu như: người nông dân bị thương lái ép giá, thì thương lái ở đây là sales, và họ cứ như là một thế lực xấu xa chỉ biết nghĩ đến tiền và tiền. Hay là cò đất, những kẻ chỉ mua đi bán lại bất động sản ăn chênh lệch mấy chục, mấy trăm triệu. 
Nhưng đó chỉ là bề nổi trong lĩnh vực sales. Những người sales không phải chỉ là những người mặc áo sơ mi đi giày da gọi điện mời chào bán bảo hiểm hay là đứng tiếp thị trong Thế Giới Di Động. Khi chúng ta hiểu được về nghề sales, chúng ta hiểu được tại sao Dale Carnegie lại tốn công viết một quyển sách về nó và cũng hiểu được quyển sách đó hay chỗ nào.
Như vậy chúng ta đã biết được Dale Carnegie là ai và sách Đắc Nhân Tâm viết về sales. Vậy hãy tìm hiểu về lĩnh vực sales.

Nghề Sales: Thấy Mà Không Thấy

Như Peter Thiel đã viết trong sách "Từ Không Đến Một", dân sales giống như diễn viên, họ bán hàng mà như không bán hàng, cũng như diễn viên diễn mà như không diễn. Có thể trong đời bạn gặp rất nhiều dân sales giỏi, bạn không biết họ là vì họ không muốn cho bạn biết. Họ không bao giờ nói cho người khác biết họ làm trong lĩnh vực bán hàng cả, cho nên mấy cái tên miêu tả ngành nghề của họ không hề có chữ sales trong đó. Dân sales chuyên thu thập bán dữ liệu thông tin thì gọi là "nhà khoa học dữ liệu" (data scientist), dân chuyên đi bán quảng cáo cho khách hàng gọi là "dịch vụ khách hàng" (account manager), người đi bán chữ thì gọi là "phát triển nội dung" (content writer), người chuyên đi bán thương hiệu thì gọi là "phát triển doanh nghiệp" (business development), dân chuyên đi bán quyền sở hữu công ty thì gọi là "chuyên viên ngân hàng đầu tư" (investment bankers). Người đi quảng cáo bán năng lực bản thân thì gọi là "thí sinh ứng tuyển công việc" (job candidate). Còn mấy người đi bán thân thì gọi là "chính trị gia" (politicians). Nhưng vì con người có một ác cảm với những chữ "buôn bán" nên họ phải cố gắng giấu nó đi khỏi ý thức, và nó chỉ hoạt động trong tiềm thức. Nó bị giấu kỹ đến mức người ta quên luôn là họ đang sales.
Steve Jobs đang sales iPhone
Do đó có thể thấy rằng nghề sales hiện diện khắp mọi ngõ ngách trong cuộc sống và chúng ta thấy mà như không thấy họ. Hằng ngày chúng ta đi đường đều thấy quảng cáo rợp trời, quảng cáo khắp nơi. Chúng ta bật điện thoại lên cũng thấy quảng cáo, mở máy tính lên coi Youtube cũng thấy quảng cáo. Nhưng nếu hỏi một người rằng người đó có tin quảng cáo đó không, anh ta sẽ bảo không. Con người là thế, họ luôn tin rằng những gì họ cảm nhận là tự họ có, là khách quan, họ không bị tác động bởi quảng cáo. Chúng ta mua cái váy đẹp là vì ta có mắt thẩm mỹ tốt. Mua cái son của hãng Dior là vì màu của nó bắt mắt. Mua đôi giày Nike là vì đã tìm hiểu kỹ và thấy hãng đó có giày phù hợp với chân mình nhất. Chúng ta luôn tin rằng thế giới quan của chúng ta là duy nhất, và không bao giờ bị tác động bởi quảng cáo. 
Nhưng khi bạn tin rằng bạn là một phiên bản độc nhất, thì đó là lúc quảng cáo hoạt động hiệu quả nhất. Bởi vì mục đích của quảng cáo là phải khiến sản phẩm đi ngầm vào tâm trí bạn một cách tự nhiên nhất, giống như đôi lúc bạn mải tập trung làm việc mà quên mất là đang nghe nhạc vậy. Khi quảng cáo đã đi vào được tiềm thức của bạn thì nó mới nằm ngủ sâu trong đó được, để khi đúng thời điểm bạn cần một sản phẩm giống nó, nó sẽ thức dậy. Hãy tưởng tượng, bạn hằng ngày sẽ không nghĩ đến việc uống Coca-cola, nhưng khi bạn đi bộ giữa trưa nắng và thèm nước giải khát, hình ảnh chai nước Coca-cola sẽ sáng lên trong đầu bạn. 
Bạn nhớ đến khái niệm hai thế giới mình đã nói trong bài trước chứ, con người chúng ta là thế. Chúng ta luôn tin rằng mình là bản thể riêng, khác biệt, suy nghĩ độc lập, trong khi thực tế chúng ta luôn sống trong một thế giới bị chi phối bởi quảng cáo.

Sales Trực Tiếp

Nhưng không phải công ty nào cũng có đủ tiền để chạy quảng cáo (như Spiderum chẳng hạn) và không phải lúc nào quảng cáo đại trà cũng hiệu quả. Quảng cáo hiệu quả nhất là gây dựng thương hiệu công ty thông qua uy việc gây dựng mối quan hệ cá nhân. Những người có thể gặp trực tiếp đối tác và kí được hợp đồng làm ăn là những người sales tài ba nhất. Đó là những người thường xuyên vận dụng các quy tắc trong Đắc Nhân Tâm.
Chúng ta không thích những người đó, đặc biệt là những người làm ở bộ phận sản xuất. Những người thiết kế sản phẩm hẳn thường xuyên tức giận khi thấy rằng họ làm thêm tối tăm mặt mũi cho kịp thời hạn cung cấp sản phẩm, vậy mà mấy tay sales (tức mấy người làm account) thì chỉ ngồi văn phòng, gọi điện thoại trò chuyện với khách hàng, còn được khách hàng rủ đi ăn, thậm chí trong là cả đi du lịch chung với gia đình khách hàng (chuyện này có trong công ty mình). Họ nói rằng mấy cha sales chỉ giỏi chém gió, vẽ vời cho khách hàng, hành hạ đội sản xuất.
Và do đó họ thường đánh giá thấp vai trò của đội sales.
Hãy lấy ví dụ của Elon Musk và tập đoàn Space X. Tập đoàn của ông được thành lập với những sứ mệnh đưa con người ra ngoài khám phá vũ trụ và thậm chí là định cư ở hành tinh khác. Bước đầu tiên phải là chế tạo được các phi thuyền không gian tốt. Điều đó Elon giải quyết bằng cách chiêu mộ những kỹ sư tài ba nhất về khoa học tên lửa để phát triển sản phẩm. Nhưng một bài toán nan giải khác đó là Space X lại cạnh tranh với NASA. Space X chỉ là một start-up với 3000 công nhân, NASA thì bản thân nó là nguyên ngành công nghiệp vũ trụ với hơn 500,000 công nhân ở hơn 50 bang khác nhau! Do đó, chính phủ Mỹ hoàn toàn không dễ dàng chấp nhận việc cho một start-up vươn lên và làm mất việc vài chục nghìn người được, nó sẽ gây ra sự phẫn nộ cho các cử tri ở nhiều bang. Elon phải đi gặp gỡ các chính trị gia, đi dự rất nhiều buổi gặp mặt với các lãnh đạo của NASA trong nhiều năm trời để nói chuyện, để thuyết phục và nói cho họ biết rằng tên lửa của công ty ông làm thì tốt hơn nhiều so với của NASA và về lâu dài nó sẽ tốt hơn cho nước Mỹ. 
Cuối cùng vào năm 2009 thì Elon cũng đạt được điều ông muốn, và sản phẩm của Space X đã tìm được đầu ra. 
Hay là công ty Palantir. Công ty này ít ai biết đến nhưng họ chuyên về xử lý dữ liệu liên quan đến quốc phòng và dữ liệu họ cung cấp đã giúp CIA lần ra được chỗ trú ẩn của Osama Bin Laden. Tuy nhiên, công ty này không có vị trí bán hàng. Thay vào đó, họ điều CEO của họ là Alex Karp đi nói chuyện với khách hàng. Mỗi tháng Alex Karp dành 25 ngày đi gặp gỡ xây dựng mối quan hệ và những lời nói thuyết phục lòng người của ông mang về cho công ty những thương vụ bạc triệu, nhỏ thì 1 triệu USD, lớn thì 100 triệu USD. Tổng kết năm 2018, doanh số của công ty là 1 tỷ USD dù họ không có một đội ngũ bán hàng nào cả! Tuy vậy, gần đây Palantir đã bắt đầu thay đổi khi quy mô công ty tăng mạnh và họ đang xây dựng một đội ngũ sales đầu tiên.
Nghề sales quan trọng như thế nhưng ít ai thực sự dành thời gian hiểu về nó do nó không đong đo đếm được. Bạn làm ra được sản phẩm thì khách hàng phản hồi bạn biết ngay, bạn có các thông số để đo lường chất lượng sản phẩm. Nhưng làm sao bạn đo được chính xác lợi nhuận thu về từ việc gây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng? Vì cái gì dễ thì làm trước nên một trong những bộ phận quan trọng nhất của các start-up cần chú trọng là đội ngũ sales - marketing thì đều bị bỏ qua. Ai cũng quan tâm đi tuyển lập trình viên tài ba, thậm chí mình còn thấy bài đăng thông báo tuyển Giám đốc Công nghệ (CTO) cho một công ty chưa đến 20 người nữa! Mọi người nghĩ rằng chỉ cần sản phẩm họ tuyệt vời thì khách hàng sẽ tự đến (hay còn gọi là hội chứng Apple), cần gì những người sales chém gió. Càng giảm số lượng người trung gian bán hàng ở giữa thì càng giảm chi phí bán hàng, và do đó các công ty thường không muốn gây dựng nên đội sales. 
Quan niệm sản phẩm xuất sắc thì khách hàng tự đến thể hiện rõ qua câu nói "hữu xạ tự nhiên hương" và mình quan sát thấy mỗi khi đọc bài chia sẻ lại có người buông lời chê bai một cách vô thức: a lại đi PR rồi à, lại seed rồi, suốt ngày quảng cáo. Ví dụ như đây là một bình luận dưới bài viết đánh giá điện thoại Bphone 3 trên trang Tinh Tế.

Ngay cả ở Spiderum, mình biết có nhiều bạn đọc rất khen ngợi trang web này, khen ngợi người viết và những bài viết. Nhưng bao nhiêu bạn đọc trong này thực sự bỏ tiền ra đóng góp cho trang web? Dù bạn có nói mình là người trí thức cao như thế nào, ủng hộ các tác giả trẻ như thế nào, thì hẳn việc bỏ tiền túi ra ủng hộ cũng là một điều gì đó rất khó. Mình đã thử xem số người nói ủng hộ và số người đóng góp cho mình tỷ lệ là bao nhiêu. Tính đến giờ chỉ mới có 5 bạn thực sự đóng góp cho mình, như vậy khỏi cần tính tỷ lệ. Mong bạn đừng hiểu nhầm mình đang phàn nàn về mọi người, viết là thứ mình rất vui và mình vẫn viết dù có được mọi người quyên tiền ủng hộ hay không. 
Ngay cả bản thân mình dù đã coi và học được rất nhiều từ các kênh YouTube giáo dục nhưng mình cũng rất lưỡng lự khi phải bỏ tiền ra ủng hộ. Chỉ khi Wikipedia gửi email lần thứ 3 kêu mình quyên góp thì mình mới móc ra 10 USD ủng hộ cho trang web này, dù nó đã giúp mình rất nhiều trong việc học suốt 10 năm qua.
Bạn thấy đấy, dù sản phẩm có xuất sắc như thế nào mà không có một người biết sales thì nó cũng chẳng tự kiếm đủ tiền nuôi sống nó. Một công ty không chỉ cần sản phẩm xuất sắc mà còn cần một đội ngũ sales hùng hậu nữa.

Nghề Sales hay sách Đắc Nhân Tâm Khiến Con Người Trở Nên Giả Tạo

Một lý do khác mình được biết khiến mọi người tẩy chay quyển Đắc Nhân Tâm vì họ cho rằng những lời khuyên trong đó biến họ thành một người giả tạo. Người đọc được khuyên lúc nào cũng phải tỏ ra hòa nhã, phải cố gắng tạo ấn tượng tốt, phải tránh nặng lời, phải nhu mì.
Tóm lại là sống như một thằng... dở hơi!?
Thật ra thì trong sách có nói đến việc chúng ta cần phải chân thành và đó là điểm mấu chốt. Chúng ta phải có sự chân thành. Người sales giỏi là người thuyết phục, thu phục được tâm của người khác (do đó sách mới có tựa đề là Đắc Nhân Tâm, chữ Đắc nghĩa là "thắng"). Điều cốt lõi của một người làm sales không phải là mục tiêu doanh số, mà nằm ở sự thuyết phục. Người sales chỉ làm được điều đó nếu người đó có sự chân thành. Doanh số chỉ là kết quả hiển nhiên sau khi thuyết phục thành công.
Nhưng sự chân thành ở đây không phải là nói sự thật, mà sự chân thành ở đây là chúng ta nói ra những gì mình tin. 
Chúng ta có thể lấy ví dụ thực tế là những người truyền giáo. Bạn đã gặp những người này chưa? Bản thân mình đã gặp rất nhiều, trong và ngoài nước. Họ sẽ chủ động tiếp cận bạn một cách rất kiên trì dù bạn từ chối họ. Khi bạn lắng nghe họ sẽ kể về niềm tin họ, về đấng tạo hóa, các lời khuyên răn của Ngài, về những thảm họa sắp ập tới và tại sao chúng ta cần phải tìm đến Ngài để nương náu. Bạn sẽ thấy những gì họ nói rất là chân thành, nó thực sự phát ra từ con tim của họ. Bạn sẽ thấy ngọn lửa nhiệt huyết của họ trong từng câu chữ. Họ không hề lừa dối bạn. Và nếu bạn tiếp xúc lâu hơn bạn sẽ thấy phần lớn họ không được tiền để làm việc này, thậm chí họ còn phải đóng tiền cho "bề trên" nữa.
Nhưng chẳng có gì trong lời nói của họ là đúng sự thật cả. Họ rất chân thành, nhưng họ không nói gì thật cả.
Đó là sự phức tạp của con người. 
Mình tin rằng những người sales giỏi không nhất thiết là nói dối, chỉ là họ đã tự lập trình lại não của họ để họ tin vào những lời nói của họ. Các nghiên cứu về thần kinh học đã chỉ ra rằng con người ta nói dối giỏi nhất khi họ thực sự tin vào những gì họ đang nói dối. Tức lúc đó họ nói dối một cách vô thức. Và bạn khoan nhận định rằng nói dối là xấu xa, bởi vì não người được thiết kế để nói dối. Nó nói dối bản thân nó trước, rồi nó nói dối người khác.
Nếu không tin bạn hãy hồi tưởng lại những lúc bạn muốn tìm gặp crush của bạn để nói chuyện và ngồi cạnh crush nói chuyện, có bao nhiêu lời nói của bạn khi đó là sự thực, bao nhiêu là bạn nghĩ ra để lấy lòng crush? Bạn đã bao lần bịa ra cái cớ gì đó để được đụng vào người người ấy? Và khi chàng trai cố gắng mở miệng thuyết phục cô gái làm tình với chàng trai, bao nhiêu lời chàng trai đó nói là sự thật? Những lời nói dối đó có khiến bạn trở thành kẻ xấu xa giả tạo không? Khi chàng trai nói "Anh sẽ yêu em mãi mãi", đó là lời chân thành, dù nó không đúng sự thật.
Nếu bạn hỏi mình quyển sách gì mình cho là hay nhất và mọi người nên đọc, mình sẽ nói rằng đó là quyển "Homo Sapiens - Lược sử loài người", và mình thực sự nghĩ vậy. Còn chuyện quyển sách đó có đúng là hay nhất trong các quyển sách không thì lại là vấn đề khác.
Đọc sách Đắc Nhân Tâm xong chúng ta cần phải rèn các kỹ năng đó một cách tự nhiên. Nếu chúng ta khen người khác, đó là vì chúng ta thực sự nghĩ rằng đó là một điểm đáng khen, chứ không phải bịa ra để khen. Rất khó để giải thích nhưng khi bạn nắm những kỹ năng trong sách một cách nhuần nhuyễn, bạn hoàn toàn có thể gây ấn tượng mạnh cho người khác một cách rất tự nhiên. Bạn thấy nội dung quảng cáo của Durex Việt Nam có ấn tượng chứ? Hẳn là có rồi. Nhưng nó có gượng gạo không? Không hề, rất là tự nhiên. Kỹ năng gây ấn tượng mà Dale Carnegie nhắc đến nó cũng tương tự vậy.

Bản thân mình không còn giống con người mình năm 2012 khi mới đọc quyển Đắc Nhân Tâm nữa, nhưng mình tin chắc con người mình bây giờ không phải là một phiên bản giả tạo. Và tất nhiên là ngoài việc trau dồi các kỹ năng giao tiếp, mình cũng cần phải đọc và học rất nhiều để không phải là loại thùng rỗng kêu to.

Đọc Để Thấm

Nói ngắn gọn, sách Đắc Nhân Tâm là viết về nghệ thuật sales và nghệ thuật này nhấn mạnh đến sự thuyết phục, chứ không phải chỉ là tiền bạc. Và để làm chủ được điều này người đọc cần hiểu rằng mọi thứ xuất phát từ sự chân thành. Việc không hiểu được điều này đã khiến nhiều người tẩy chay sách.
Hãy để những dòng chữ trong sách Đắc Nhân Tâm thấm dần vào người bạn một cách nhẹ nhàng giống như các quảng cáo bạn hay thấy vậy. Mình nghĩ bạn cứ dùng nó một cách khéo léo hằng ngày, trong lời ăn tiếng nói, rồi từ từ bạn sẽ thấy rằng bạn đang thay đổi theo đúng cách mà Dale Carnegie nhắc đến trong sách. 
Chúc bạn thành công!
Bài tương tự:
Nguồn tài liệu viết bài: