Dịch từ trích đoạn trong quyển Bullshit Jobs của David Graeber (1961-2020). Ông là nhà nhân chủng học, nhà phê bình kinh tế xã hội, và tác giả sách. 
In memoriam: D.G. 
---
Năm 1930, nhà kinh tế học John Maynard Keynes tiên đoán rằng, vào cuối thế kỷ [20 này], công nghệ sẽ đủ tiên tiến để các quốc gia như Vương quốc Anh hoặc Mỹ có thể đạt được mức làm việc 15 giờ một tuần cho người lao động. Có mọi lý do để tin rằng ông ấy đoán đúng. Xét về mặt công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể. Ấy vậy mà điều đó đã không hề xảy ra. Công nghệ nếu có đã và đang được vận dụng cũng là để viện ra cách thức buộc tất thảy chúng ta phải làm việc nhiều hơn. Để được như vậy, các công việc vô nghĩa buộc phải được tạo ra. Hàng đống người, cụ thể ở Châu Âu và Bắc Mỹ, dành trọn đời mình thực thi những nhiệm vụ mà họ thầm tin rằng chẳng cần thiết chút nào. Tổn hại to tát về tinh thần và đạo đức từ đấy nảy sinh. Đó là một vết thương lan trải khắp linh hồn chung của chúng ta. Ấy vậy mà gần như chẳng một ai lên tiếng nói về nó.
Vì sao thế giới không tưởng mà Keynes hứa hẹn – vốn hồi thập niên 60 vẫn được háo hức ngóng trông – chẳng bao giờ thành hiện thực? Câu trả lời chung của ngày nay nằm ở chỗ ông không đặt nó trong sự tăng trưởng cực đại của chủ nghĩa tiêu thụ. Giữa một bên là ít giờ làm việc hơn và một bên là nhiều món tiêu khiển và tiêu dao khoái hoạt, chúng ta đồng nhất chọn vế sau. Điều này vẽ ra một câu chuyện đạo đức hay ho, nhưng dù là một phản tư sơ sài tức thời nhất cũng trỏ ra rằng điều ấy chẳng thể nào đúng cho được. Vâng, chúng ta đã chứng kiến sự hình thành của vô thiên lủng liểng công việc và ngành nghề mới từ thập niên 1920, nhưng rất ít trong số chúng liên quan mật thiết đến việc làm ra và phân phối sushi, iPhones, hay những đôi giày thể thao sang chảnh.
Vậy thì những công việc mới mẻ ấy kỳ thực là những công việc gì? Một báo cáo mới đây so sánh tình trạng lao động ở Mỹ vào năm 1910 và 2000 cho chúng ta một bức tranh rõ nét (và tôi cũng nói thêm, một bức tranh y hệt với thực trạng tại Anh). Trong suốt chiều dài thế kỷ qua, số lượng nhân viên được thuê làm/giúp việc trong nhà, trong ngành công nghiệp, và trong khối nông nghiệp đã sụt giảm rất nhiều. Đồng thời, “các nhân viên khối dịch vụ, chuyên môn, quản lý, văn phòng, bán hàng” lại tăng gấp ba, từ “1/4 lên 3/4 tổng số lao động”. Nói cách khác, những công việc mang tính sản xuất đã, theo dự báo, bị thay thế bằng tự động hóa. (Kể cả khi tính luôn tổng lượng người lao động trên toàn cầu, bao gồm những tập thể cong lưng cun cút làm việc ở Ấn Độ và Trung Quốc, họ vẫn chưa thể gần bằng được tỉ lệ phần trăm trước kia.)
Nhưng thay vì tạo điều kiện giảm đáng kể thời gian làm việc để giải phóng dân số thế giới, cho họ theo đuổi các dự án riêng, các thú vui riêng, các tầm nhìn và tư tưởng riêng, chúng ta lại chứng kiến sự trương phình trong khối “dịch vụ” không kém cạnh gì khối hành chính, để rồi tạo ra những ngành nghề hoàn toàn mới như dịch vụ tài chính hay bán hàng từ xa, hoặc sự giãn nở chưa từng có của các khối ngành như luật doanh nghiệp, quản lý đào tạo và sức khỏe, nhân sự, và quan hệ công chúng. Và những con số ấy thậm chí còn không phản ảnh được toàn thể những con người chỉ làm việc cung cấp hỗ trợ về hành chính, kỹ thuật, hoặc an ninh cho các ngành nghề vừa nêu, và tương tự, cho hàng lốc những ngành nghề phụ trợ khác (tắm chó, giao bánh pizza suốt đêm) vốn chỉ tồn tại vì tất cả mọi người khác đang dành quá nhiều thời gian của mình chỉ cho công việc.
Đó chính là những công việc mà tôi đề nghị nên gọi là “công việc xàm xí”.
Như thể một ai đó đang bịa ra những công việc vô nghĩa lý chỉ để giữ cho tất cả chúng ta không ngừng không nghỉ lao động. Và bí ẩn chính là ở điểm này. Trong chủ nghĩa tư bản, đây chính thị là điều không thể xảy ra. Thật sự, trong những nhà nước Xã hội chủ nghĩa kém hiệu quả, nơi lao động được xem là một quyền lợi kiêm nghĩa vụ thiêng liêng, hệ thống đó nghĩ ra rất nhiều công việc vì nó buộc phải như thế. (Đó là vì sao tại các cửa hàng bách hóa Xô Viết, để bán một miếng thịt cần tới ba nhân viên.) Nhưng dĩ nhiên, đây đích xác là cái vấn đề mà sự cạnh tranh trên thị trường cần phải giải quyết. Ít nhất, theo lý thuyết về kinh tế, doanh nghiệp vị lợi nhuận chẳng đời nào vung tiền thuê mướn những nhân viên mà họ không thật sự cần. Thế mà chuyện này vẫn thành hiện thực.
Khi các doanh nghiệp có thể tiến hành cắt giảm nhân sự bất nhẫn, những nhân viên bị sa thải hay tăng tốc sản xuất nhất lại là lớp người đang thực sự sản xuất, vận chuyển, sửa chữa và duy tu bảo dưỡng mọi thứ. Bằng một thứ nhào nặn lạ kỳ không một ai có thể giải thích trọn vẹn, số lượng nhân viên ngồi không lãnh lương rốt cuộc vẫn gia tăng, và ngày càng có nhiều người lao động – thực chất không khác mấy với người lao động dưới thời Xô Viết – làm việc 40, thậm chí 50 giờ một tuần theo con số trên giấy tờ, nhưng trên thực tế chỉ vỏn vẹn có 15 giờ, đúng như Keynes dự báo, bởi lẽ phần thời gian còn lại của họ dành cho việc tổ chức hay tham gia những hội thảo hướng nghiệp, cập nhật Facebook, hay tải phim về các thiết bị nghe nhìn để thưởng thức.
Câu trả lời chắc chắn không nằm ở phạm trù kinh tế: nó là phạm trù đạo đức và chính trị. Giai cấp thống trị đã nghiệm ra rằng một dân số hạnh phúc và giàu năng suất lao động có rỗi rãnh thời gian là mối nguy hại cốt tử. (Hãy nghĩ xem những gì đã xảy ra khi điều này chỉ mới tiệm cận hiện thực vào thập niên 60). Và, mặt khác, cảm giác công việc chính là một giá trị đạo đức tự thân, rằng bất cứ ai không sẵn lòng nạp mình vào một kỷ luật công việc hà khắc trong suốt thời gian tỉnh giấc của mình chẳng xứng đáng để nhận được gì là một quan niệm có lợi cho giai cấp thống trị.
Đã từng có lúc, khi đang nghĩ về sự tăng trưởng rõ vô tận của các trách nhiệm hành chính tại các khối học thuật tại Anh Quốc, tôi đã nảy ra một phiên bản khả dĩ của địa ngục. Địa ngục chính là một tập thể những cá nhân đang dành ra phần nhiều thời gian của họ thực thi một nhiệm vụ mà họ không hề ưa thích cũng chẳng giỏi giang. Hãy hình dung những người được thuê vì họ là những thợ làm tủ tài ba, và rồi phát hiện ra rằng người ta muốn họ dành phần lớn thời gian để chiên cá. Hoặc nếu công việc kỳ thực phải được hoàn thành, cũng chỉ có một số lượng nhất định cá cần phải được chiên. Tuy thế, theo cách nào đó, họ đều trở nên ám ảnh bởi sự tức tối trước ý nghĩ rằng một vài đồng nghiệp của mình có lẽ đang dành thời gian để đóng tủ và không phải thực thi những trách nhiệm chiên cá mà chẳng mấy chốc sẽ biến thành hàng đống cá chiên nửa sống nửa khét khắp xung quanh. Đó là điều mà tất cả mọi người đều làm.
Tôi cho rằng quả thật đây là một sự mô tả khá chính xác về đặc tính đạo đức của nền kinh tế chúng ta.
Giờ đây, tôi nhận thấy rằng bất cứ lập luận nào như thế cũng sẽ vấp phải những phản đối tức thì: “Anh là cái thá gì mà phán rằng công việc nào thật sự 'cần thiết'? 'Cần thiết' là gì? Anh chỉ là một giáo sư nhân chủng học – ai mà 'cần' tới công việc đó?” (Và, quả tình, rất nhiều người đọc xã luận sẽ xem sự tồn tại của công việc hiện tại tôi đang làm chính là ví dụ rõ ràng của lãng phí xã hội.) Và ở một mức độ nào đó, điều đó hiển nhiên đúng. Chẳng có một thước đo khách quan nào dành cho giá trị xã hội cả.
Tôi không quyết nói với ai đó đã bị thuyết phục rằng họ đang mang lại một đóng góp ý nghĩa cho thế giới rằng thực ra họ chẳng đóng góp gì sất. Nhưng vậy còn những người tự họ vững tin rằng công việc của mình đang vô nghĩa lý thì sao? Mới đây thôi, tôi bắt liên lạc với một bạn cùng trường mà từ lúc 15 tuổi đến nay bặt vô âm tín. Tôi ngạc nhiên khi khám phá ra rằng trong quãng thời gian ấy, anh ta đã trở thành một thi sĩ, và rồi thành viên trình diễn của một nhóm nhạc indie rock. Tôi đã nghe một vài ca khúc của anh trên vô tuyến, chẳng biết tí tị gì rằng ca sĩ của nhóm chính là người quen. Anh ta rõ ràng là xuất chúng, sáng tạo, và tác phẩm của anh không thể chối cãi đã làm cho cuộc sống nhiều người khắp trên thế giới thêm phần tươi sáng và lạc quan hơn. Ấy thế mà, sau vài album không thành công, anh ấy đã mất hợp đồng, nợ chồng nợ chất và với một đứa con gái sơ sinh, rốt cuộc, như cách anh nói, anh “chọn lựa chọn mặc định của vô vàn những kẻ chẳng có phương hướng: trường luật.” Giờ đây anh ấy là một luật sư doanh nghiệp làm việc cho một hãng luật nổi tiếng ở New York. Anh ta là người đầu tiên thừa nhận công việc của mình hoàn toàn vô nghĩa, chẳng đóng góp thứ gì cho thế giới, và theo tiên lượng của chính anh, nhẽ ra chẳng nên tồn tại.
Có rất nhiều câu hỏi ai cũng có thể đặt ra, bắt đầu với: Điều ấy nói lên điều gì về xã hội của chúng ta, vốn dường như đang sản sinh ra một nhu cầu cực kỳ hạn chế cho thi sĩ-nhạc công tài năng, nhưng lại có nhu cầu vô cùng tận dành cho những chuyên gia luật doanh nghiệp? (Trả lời: Nếu 1% dân số thế giới kiểm soát hầu hết những nguồn lực tài chính, cái mà chúng ta gọi là “thị trường” phản ánh cái mà chính nhóm đó cho là hữu ích hoặc quan trọng, chứ chẳng phải ai khác.) Nhưng chưa hết, nó cũng chỉ ra rằng hầu hết những người đang trong các công việc vô nghĩa rốt cuộc cũng nhận ra thực tế ấy. Tôi không rõ mình có từng gặp một luật sư luật doanh nghiệp nào chưa từng nghĩ công việc của mình là thứ bá láp bá xàm cả. Điều tương tự cũng xảy ra với hầu hết những ngành nghề liệt kê ở trên. Có cả một tầng lớp chuyên gia được trả lương muốn né tránh toàn bộ những thảo luận liên quan đến công việc của họ, nếu như ta bắt gặp họ ở các bữa tiệc và thú nhận rằng mình đang làm một điều gì đó có vẻ được xem là lý thú (một nhà nhân chủng học chẳng hạn). Hãy cho bọn họ vài ly, và họ sẽ tuôn ra hàng tràng về sự vô nghĩa lý và ngu xuẩn của công việc họ đang làm.
Ở đây tồn tại một bạo lực tâm lý to tát. Làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu nói về đạo đức nghề nghiệp khi âm thầm cảm thấy công việc của mình chẳng nên tồn tại? Làm thế nào mà nó không tạo ra một cảm giác oán giận và tức căm sâu sắc cho được? Ấy thế mà xã hội chúng ta tài lắm, khi những kẻ thống trị nó đã nghĩ ra được một cách, như trường hợp của những kẻ chiên cá, hòng bảo đảm rằng sự tức tối ấy được chĩa mũi dùi về chính những con người đang thực sự làm những công việc hữu ích. Chẳng hạn: trong xã hội, dường như có một quy luật chung rằng, công việc càng mang lại lợi ích cho người khác đến đâu thì người làm công việc ấy càng ít được trả lương đến đó. Một lần nữa, một thước đo mang tính khách quan sẽ khó mà thủ đắc, nhưng sẽ dễ hiể hơn nếu đặt câu hỏi: Điều gì xảy ra nếu giả sử như toàn bộ tầng lớp lao động ấy biến mất? Dù bạn muốn nói như thế nào về những điều dưỡng, nhân viên vệ sinh, hay thợ cơ khí, rõ ràng là nếu như họ biến mất chỉ sau một làn khói, hậu quả, hay thậm chí là thảm kịch, sẽ nhãn tiền. Một thế giới không có người dạy học hay phu bốc vác sẽ chẳng mấy chốc gặp phải vấn đề, và thậm chí một thế giới vắng bóng những nhà văn viết truyện khoa học giả tưởng hay nhạc sĩ sáng tác ska rõ ràng sẽ chẳng còn toàn vẹn. Chẳng rõ nhân loại sẽ lâm vào thảm trạng ra sao nếu những CEO tư nhân, những nhà vận động hành lang, những nhà nghiên cứu quan hệ công chúng, chuyên gia thống kê, bán hàng từ xa, thừa phát lại, hay những tư vấn luật cũng sẽ biến mất như thế. (Nhiều người đồ rằng nhân loại sẽ tiến bộ đáng kể.) Ấy thế mà ngoại trừ một vài ngoại lệ được tâng bốc (bác sĩ), quy luật này vẫn đúng đến kinh ngạc.
Tệ hại hơn nữa, đó là dường như cách mọi thứ đang vận hành vẫn tỏ ra hợp lý trên diện rộng. Đây là một trong những sức mạnh bí ẩn của chủ nghĩa dân túy cánh hữu. Bạn có thể nhìn thấy các tờ lá cải gieo rắc sự tức giận về phía những nhân viên chạy tàu vì đã làm tê liệt London khi tranh cãi về hợp đồng lao động; nhưng nếu các nhân viên chạy tàu có thể làm London tê liệt, tức là công việc của họ thật sự cần thiết, và dường như đó mới chính là thứ đã khiến người khác thấy khó chịu. Điều này còn rõ nét hơn ở Mỹ, khi Đảng viên Đảng Cộng Hòa đã thành công đáng kể khi gây oán với những giáo viên trung học và các thợ ô tô (mà không phải những nhân viên hành chính trường học hay các giám đốc hãng vốn mới là người gây ra vấn đề) vì nhận tiền lương và lợi ích tưởng như không tương xứng với công sức. Như thể họ được bảo rằng: "Các vị phải đi dạy dỗ lũ trẻ hay chế tạo xe thôi! Các vị phải có công việc đàng hoàng tử tế cái đã chứ! Và chưa kể là, các vị dám cả gan trông chờ lương hưu và chăm sóc y tế dành cho giai cấp trung lưu á hả?”
Nếu một ai đó đã kiến thiết ra một thể chế việc làm vừa khít cho việc duy trì quyền lực của tư bản tài chính, những gì họ đã làm là đỉnh của đỉnh. Những công nhân thực chất, giàu năng suất đang bị bóp chẹt và bóc lột không ngừng nghỉ. Phần còn lại là sự phân chia giữa những giai tầng không có công ăn việc làm bị toàn thể nhân loại lên án và giai tầng còn lại những con người được trả thù lao để chẳng làm việc gì, trong những vị trí được tạo ra để khiến họ đồng nhất với những quan điểm và cảm tính của tầng lớp thống trị (những nhà quản lý, quản trị hành chính..) -  và cụ thể hơn, những hóa thân tài chính của nó – đồng thời duy trì một sự tức tối âm ỉ dành cho bất kỳ ai mang lại giá trị rõ rệt và không thể chối cãi cho xã hội thông qua công việc của mình. Rõ ràng, hệ thống ấy chẳng phải được tạo ra có chủ đích. Nó xuất hiện từ suốt gần một thế kỷ sai và sửa. Nhưng đó lại là lời lý giải duy nhất cho việc vì sao tất cả chúng ta, bất chấp những công năng do công nghệ mang lại, vẫn đang không thể chỉ làm việc ba hay bốn giờ một ngày.

--
Chương 3: Vì sao những người đang “xàm xí việc” thường nói không thích? (Bàn về Bạo lực tinh thần, Phần 1)
Công sở là chốn phát xít. Công sở là những biệt giáo tạo nên để ngốn ngấu cuộc đời; cấp trên oa trữ thời gian của ta như lũ rồng oa trữ bạc vàng châu báu. – Nouri.
Trong chương sách này, tôi muốn bắt đầu tiến hành đi sâu vào một số ảnh hưởng về đạo đức và tâm lý gây ra khi vướng vào một công việc xàm xí.
Cụ thể, tôi muốn đặt câu hỏi hết sức hiển nhiên: Tại sao công việc xàm xí lại là vấn đề? Hay nếu muốn nói chính xác hơn là: Vì sao thường xuyên làm một thứ công việc vô nghĩa lại khiến con người ta khổ sở? Thoạt nhìn, lời giải thích chẳng hề hiển nhiên như nhẽ ra nên như thế. Nói gì thì nói, chúng ta vẫn đang bàn bạc về những con người đang được hiệu quả thuê mướn bằng tiền – thường là rất nhiều tiền – để chẳng làm gì cả. Xã hội hay nghĩ những con người được thuê chẳng để làm việc gì này thường cho là mình đang may mắn, nhất là khi theo cách này hay cách khác họ có thể tự xoay sở mà ít có sự giám sát. Nhưng cứ mỗi khi tôi nghe thấy những chứng nhận từ chính những người này nói rằng họ không thể tin vào sự may mắn của bản thân vì đã có được công việc, điều phi thường lại nằm ở chỗ rất ít người trong bọn họ cho là như thế. Trên thực tế, có rất nhiều người còn tỏ ra kinh ngạc với chính phản ứng của mình, không sao hiểu nổi vì sao hoàn cảnh đã khiến họ cảm thấy vô giá trị hoặc thảm não dường ấy. Thật sự, chính việc không thể tìm thấy được một lời giải thích rõ ràng cho cảm xúc – họ chẳng thể tự vỗ về mình bằng bất cứ câu chuyện nào thuộc về bản chất của tình huống và vì sao tình huống ấy lại là sai – đang khiến họ càng thêm não nề. Ít nhất, một nô lệ chèo thuyền vẫn biết rằng mình đang bị áp bức. Một nhân viên văn phòng buộc phải ngồi đồng bảy giờ rưỡi mỗi ngày giả vờ lách cách gõ lên màn hình để nhận 18 đô la một giờ, hay một thành viên tổ tư vấn trẻ tuổi buộc phải tái đi tái lại cùng một buổi hội thảo về sáng kiến và sáng tạo để nhận 50.000 đô la một năm, quả là khó thủng.
Trong một quyển sách đã viết về chủ đề nợ, tôi đã nhắc đến hiện tượng “hoang mang về đạo đức”. Tôi dùng thực tế xuyên suốt lịch sử nhân loại, hầu hết con người dường như đều đồng thuận rằng trả lại khoản nợ mình nợ một ai đó là hiện thân của đạo đức và người cho vay đều bạc ác để làm ví dụ. Khi mà sự tăng trưởng về số lượng của các công việc xàm xí vẫn là một hiện tượng diễn ra tương đối gần đây, tôi nghĩ rằng nó cũng tạo ra một sự lúng túng đạo đức tương tự. Một mặt, mọi người được khuyến khích công nhận rằng con người sẽ luôn tìm thấy lợi ích tối đa, tức là tìm cho mình một hoàn cảnh mà ở đó họ có thể có được lợi ích tối đa khi sử dụng tối thiểu thời gian và công sức, và đa phần chúng ta đều giả định như thế - đặc biệt nếu như chúng ta nói về những vấn đề theo cách trừu tượng. (“Chúng ta không thể giúp đỡ người nghèo! Khi đó bọn họ sẽ chẳng có động lực để tìm kiếm việc làm nữa!”) Mặt khác, trải nghiệm của bản thân chúng ta, và của những người thân thiết nhất, dường như lại mâu thuẫn với các kết luận kia trong nhiều trường hợp khác nhau. Người ta gần như chẳng bao giờ hành xử và phản ứng với các tình huống xảy ra theo đúng cách mà các lý thuyết về bản chất con người thường tiên liệu. Kết luận hữu lý duy nhất chính là, trừ một số trường hợp thiết yếu, các lý thuyết về bản chất con người kìa thường là sai bét. 
Trong chương sách này, tôi không chỉ chất vấn vì sao con người lại cảm thấy bất hạnh khi thực thi một công việc có lẽ với họ dường như vô nghĩa lý, mà còn để tư duy sâu xa hơn về những nhận định rút ra từ chính bất hạnh ấy, và về cơ bản chúng nói lên được điều gì.
Chuyện về một chàng trai trẻ rõ ràng ngồi không hưởng lương nhưng không sao giải thích được hoàn cảnh của mình.
Tôi sẽ bắt đầu bằng một câu chuyện. Câu chuyện về một anh chàng trẻ tuổi tên Eric, có trải nghiệm công việc đầu đời là một công việc vô nghĩa tuyệt đối đến hài hước.
Eric: Tôi đã trải qua rất, rất nhiều công việc tồi tệ, nhưng cái công việc xàm xí từ trong ra ngoài, toàn tập phim bộ chính là “công việc chuyên môn” đầu tiên của tôi sau khi tốt nghiệp, chừng mươi năm về trước. Tôi là người đầu tiên trong dòng họ học đại học, và do bởi đã ngây thơ nai tơ tin vào mục đích của giáo dục cao học, theo cách nào đó tôi dự rằng nó sẽ mở ra cho tôi những viễn cảnh cơ hội chưa từng có trước đây.
Nào ngờ, nó lại trao cho tôi những cuộc tập huấn sinh viên ở PricewaterhouseCoopers, KPMG, vân vân. Tôi đã chọn ngồi nhận trợ cấp sáu tháng trời, tận dụng đặc quyền tiếp cận với thư viện cao học để đọc tiểu thuyết xứ Ăng lê và Pháp, trước khi bên trợ cấp thất nghiệp buộc tôi phải tham gia một buổi phỏng vấn, buồn thay, đã đẩy đưa đến một công việc.
Công việc ấy yêu cầu tôi làm việc tại một hãng thiết kế lớn trong vai trò “trực giao diện”. Giao diện là một hệ thống quản lý nội dung – về cơ bản là một mạng nội bộ có một giao diện người dùng – thiết kế để giúp ích việc chia sẻ công việc của công ty trên khắp bảy văn phòng khắp nước Anh.
Chẳng bao lâu Eric phát hiện ra rằng người ta thuê anh chỉ vì một vấn đề truyền thông xảy ra trong tổ chức. Nói cách khác, cậu ta chỉ là một nhân vật chữa cháy: toàn bộ hệ thống máy tính chỉ trở nên cần thiết khi các công ty hợp danh không thể nhấc điện thoại lên phối hợp công việc với nhau.
Eric: Đó là một liên doanh, mỗi văn phòng do một công ty quản lý. Tất cả nhân viên dường như đều đã theo học tại một trong ba trường tư và cùng trường thiết kế với nhau (Royal College of Art). Là những cậu học trò trường công tuổi 40 cực kỳ háu thắng, họ thường tìm cách làm vượt đối thủ để giành được các gói thầu, và hơn một lần, hai văn phòng khác nhau hóa ra đã tìm tới cùng một văn phòng khách hàng để chào việc và buộc phải hối hả gộp gói thầu của mình trong bãi xe của một khu công nghiệp ảm đạm nào đó. Giao diện được thiết kế ra để giúp các công ty trở nên đa hợp tác hơn, khắp các văn phòng, hòng bảo đảm rằng điều ấy (và vô thiên lủng những ngớ ngẩn khác) không tái diễn, và công việc của tôi là lập trình, điều hành và bán lại cho nhân viên.
Vấn đề là, chẳng mấy chốc Eric hiểu ra rằng mình thậm chí còn chẳng phải là kiểu nhân viên chữa cháy. Cậu ta chỉ là một người đánh dấu tíc vào các hạng mục: một doanh nghiệp cương quyết với dự án và, thay vì tranh cãi, những doanh nghiệp khác giả vờ đồng tình. Và rồi họ làm đủ mọi cách để đảm bảo dự án không diễn ra êm ả.
Eric: Nhẽ ra tôi nên nhận ra rằng chẳng một ai khác muốn thực thi ý tưởng của một doanh nghiệp cả. Vì lẽ gì mà họ lại trả tiền cho một thằng sinh viên ngành lịch sử 21 tuổi chẳng chút kinh nghiệm về IT vắt vai đảm đương công việc này? Họ mua cái phần mềm rẻ mạt nhất có thể, từ một đám những tay họ lừa tên gạt, do đó phần mềm đầy lỗi, luôn chực sụp, và trông như màn hình chờ của Windows 3.1. Toàn bộ nhân lực phát điên khi chính cái phần mềm ấy được thiết kế hòng kiểm soát hiệu suất công việc, ghi lại từng phím gõ, hoặc cảnh báo khi họ đang tải torrent phim khiêu dâm bằng internet của công ty, và do đó họ chẳng muốn dây dưa gì với nó. Bởi tôi chẳng hề có chút sở trường nào về viết code hay viết phần mềm, tôi chẳng làm được nhiều nhặng gì để cải thiện tình hình, do đó về cơ bản tôi được giao việc bán và quản lý một cục phân chẳng ai thèm, lại còn hỏng lên hốc xuống. Sau vài tháng, tôi nhận ra rằng suốt ngày tôi gần như chẳng có việc gì làm, ngoài chuyện trả lời một vài câu hỏi đến từ những tay thiết kế mù tịt muốn biết cách tải một file lên hệ thống, hay tìm kiếm email của một ai đó trong sổ địa chỉ.
Sự vô nghĩa tuyệt đối trong hoàn cảnh của Eric chẳng bao lâu đã dẫn đến những hành vi phản kháng – ban đầu còn nhẹ nhàng, và rồi ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Eric: Tôi bắt đầu đi trễ về sớm. Tôi giãn chế độ của công ty “một pint bia mỗi trưa thứ Sáu” thành “trưa nào cũng uống thoải mái”. Tôi đọc tiểu thuyết ngay tại bàn. Tôi đi ra ngoài để ăn trưa tận ba giờ đồng hồ. Tôi hoàn thiện khả năng đọc tiếng Pháp của mình, ngồi chân không với một quyển Le Monde và một quyển từ điển Petit Robert Pháp-Anh. Tôi thử nghỉ việc, và sếp tăng lương cho tôi 2600 bảng Anh, số tiền mà tôi miễn cưỡng chấp nhận. Họ cần tôi đích thị là vì tôi chẳng có những kỹ năng để thực thi điều mà họ không muốn thực thi, và họ sẵn lòng trả tiền cho tôi để không làm điều đó (Có lẽ ai đó có thể tóm tắt Bản thảo Kinh tế và Triết học năm 1844 của Marx như sau: nhằm ngăn chặn nỗi sợ bị xa lánh sức lao động của mình, bọn họ đã dùng tôi làm vật thí để đổi lấy sự xa lánh sự hoàn bị bản thân còn ghê gớm hơn).
Theo thời gian, Eric ngày càng phản kháng trắng trợn, hy vọng có thể tìm thấy một thứ gì đó hòng thật sự khiến cậu bị sa thải. Cậu ấy bắt đầu say xỉn khi đi đến sở làm và đi “những chuyến công tác” có trả phí để gặp những khách hàng không tồn tại.
Eric: Một đồng nghiệp từ văn phòng Edinburg, người tôi đã bày gan giãi ruột một lần nọ khi say tại một cuộc họp thường niên, bắt đầu thu xếp các cuộc họp giả cho tôi. Một lần tại một sân đánh gôn gần Gleneagles, người này đã quật gậy vô nghĩa trong đôi giày gôn quá cỡ mượn của ai đó. Sau khi vẫn thoát tội, tôi bắt đầu thu xếp các buổi gặp tưởng tượng với những người tại văn phòng ở London. Công ty sẽ cho tôi vào một căn phòng nực nồng khói thuốc ở St. Athans tại Bloomsbury, và tôi sẽ gặp những người bạn cũ ở London để đối ẩm suốt ngày theo lối cũ ở các quán Soho, vốn thường sẽ trở thành một chầu nhậu thâu đêm ở Shoreditch. Hơn một lần, tôi trở về văn phòng vào sáng thứ Hai trong đồng phục đi làm từ thứ Tư tuần trước. Tôi từ lâu đã ngưng cạo râu, và tính đến thời điểm đó, tóc tai tôi nom cũng như bị cuỗm từ một thành viên của Led Zeppelin khi lưu diễn. Đã hai bận khác tôi tìm cách nghỉ việc, nhưng cả hai lần sếp lại đề nghị trả thêm tiền cho tôi. Rốt cuộc, tôi được trả một số tiền ngốc nghếch cho một công việc mà khả quan nhất chỉ là trả lời điện thoại hai lần một ngày. Tôi cuối cùng đã quỵ ngã ở ke ga Bristol Temple Meads một chiều cuối hè. Tôi lúc nào cũng thích được nhìn thấy Bristol, và do đó quyết định “tham quan” văn phòng công ty tại Bristol để theo dõi “dung lượng người dùng”. Thực ra thì tôi đã bỏ ra ba ngày để dùng MDMA tại một tiệc thân mật theo chủ nghĩa phân phối vô chính phủ tại St. Pauls, và cú giã thuốc khiến tôi đốn ngộ rằng sống trong một trạng thái vô mục đích tuyệt đối thảm não khủng khiếp làm sao.
Sau những nỗ lực quang vinh, Eric cuối cùng đã tự thay thế mình thành công.
Eric: Rốt cuộc, đáp lại sức ép, sếp tôi đã thuê một sinh viên vừa tốt nghiệp ngành công nghệ máy tính để tìm xem có thể cải tiến những gì cho giao diện người dùng của công ty. Trong ngày làm việc đầu tiên của cu cậu, tôi đã viết ra một danh sách những gì cần làm – và ngay lập tức viết luôn đơn từ chức, mà tôi đã gửi đến văn phòng sếp khi ông ta đang nghỉ mát, chấp nhận không nhận tháng lương cuối cùng qua điện thoại thay vì thông báo chính thức theo luật định. Trong cùng tuần lễ ấy tôi đã bay sang Ma rốc để chẳng làm gì cả tại thị trấn ven biển Essaouira. Khi trở lại, tôi đã bỏ sáu tháng sau đó lao động chân tay bằng cách trồng rau trên ba mẫu đất. Tôi đọc bài viết Strike! của anh khi nó được đăng. Hẳn với vài người đó đã là một sự mặc khải về việc chủ nghĩa tư bản tạo ra những công việc không cần thiết để các bánh xe tiếp tục xoay vòng, nhưng với tôi thì không.
Điều lý thú rút ra từ câu chuyện này chính là nhiều người sẽ nhận định công việc của Eric là một công việc đáng ao ước. Cậu ta được trả nhiều tiền để chẳng làm gì cả. Cậu ấy cũng gần như chẳng nhận được lời cố vấn nào. Cậu ấy có được sự tôn trọng và mọi cơ hội để tận dụng hệ thống. Thế nhưng bất chấp những thứ đó, dần dần công việc ấy đã hủy hoại Eric.
Ảnh: John Riordan
Vì sao?
Tôi cho rằng, ở mức độ vĩ mô, đây là một câu chuyện về giai cấp xã hội. Eric là một chàng trai trẻ có xuất thân giai cấp lao động – một đứa con của các công nhân nhà xưởng – vừa tốt nghiệp và ngập tràn các kỳ vọng, bất thình lình đối mặt với va chạm đầu tiên “thế giới thật”. Thực tế mà nói, trường hợp của Eric bao gồm sự thật rằng (a) trong khi các nhà quản lý trung niên có thể chịu trách nhiệm khi đưa ra nhận định rằng một chàng trai da trắng đôi mươi có thể chí ít là một tay thành thạo máy tính (mà trong ca này, cậu chẳng hề có chút đào tạo chuyên môn nào về máy tính), và (b) có thể trao cho một ai đó giống như Eric một tình huống chẳng mấy khó nhọc nếu như nó phù hợp với những mục đích tạm thời của họ, (c) cơ bản họ xem cậu không khác gì mấy một trò hề. Cũng chính là công việc của cậu theo nghĩa đen. Sự hiện diện của cậu ở công ty cũng rất gần với một trò đùa tinh quái mà một số nhà thiết kế đang dấy lẫn cho nhau.
Chưa hết, điều khiến Eric trở nên phát điên chính là thực tế cậu ta không tài nào có thể hiểu ra được công việc của mình có phục vụ bất cứ mục đích nào hay không. Cậu thậm chí còn không thể tự nhủ công việc đang làm có thể giúp nuôi sống gia đình; cậu ấy nào đã có gia đình. Đến từ một nền tảng mà hầu hết mọi người đều tự hào với việc tạo ra, bảo dưỡng và sửa chữa tất cả mọi thứ, hoặc bất cứ điều gì mang lại cảm giác nó chính là thứ người ta nên cảm thấy tự hào, Eric đã giả định rằng vào đại học và tiến vào thế giới công việc cũng đồng nghĩa với việc thực hiện cùng những điều tương tự ở một quy mô to tát, thậm chí ý nghĩa hơn. Trái lại, rốt cuộc cậu ấy lại được thuê đích thị vì những gì cậu chẳng thể thực hiện. Cậu tìm cách từ nhiệm. Họ lại cứ đưa cậu thêm tiền. Cậu cố tìm cách để bị sa thải. Họ không sa thải. Cậu cố gắng trêu ngươi bọn họ, để khiến mình trở thành một giễu nhại mà họ dường như đã nghĩ về cậu như thế. Nhưng vẫn không tạo ra một khác biệt gì dù là nhỏ nhất.
Để hiểu rõ về những gì thật sự đang xảy ra ở đây, hãy cùng nhau hình dung một sinh viên ngành lịch sử khác – chúng ta có thể gọi cậu ta là nghịch-Eric – một chàng trai trẻ tuổi có chuyên môn nghề nghiệp nhưng lại đặt trong cùng một hoàn cảnh. Liệu một nghịch-Eric như thế có hành xử khác đi hay không? À, thực ra là không, vì cậu ta sẽ hòa nhịp với vở diễn. Thay vì sử dụng những chuyến công tác giả đò để tự hành xác, nghịch-Eric sẽ dùng chúng để tích lũy thêm vốn xã hội, những mối quan hệ về sau sẽ cho phép cậu ta hướng tới những điều tốt đẹp hơn. Cậu ta hẳn sẽ xem công việc kia như một bước đệm, và chính cái dự án thăng tiến nghề nghiệp này hẳn đã tạo nên ý nghĩa cho cậu ta. Nhưng những thái độ ấy và mưu chước ấy chẳng tự nhiên mà có. Những đứa trẻ có chuyên môn được dạy phải suy nghĩ như thế từ thủa bé. Eric, vốn chưa được dạy cách suy nghĩ và hành động như thế, không thể nào tự mình làm vậy. Kết quả là, rốt cuộc Eric đã đi trồng cà chua, chí ít trong một thời gian.
---
Về sự sai trái và vô mục đích nằm tại gốc công việc xàm xí, và tầm quan trọng cần phải truyền đạt chúng đến cho giới trẻ
Ở một tầng sâu hơn, câu chuyện về Eric mang tất cả mọi điều mà người trong cuộc cho là đau đớn về hoàn cảnh của mình. Chẳng phải chỉ ở sự vô mục đích của nó – rõ là nó vô mục đích. Đó còn là sự sai trái. Tôi đã đề cập đến sự căm phẫn mà những người tiếp thị điện thoại cảm nhận được mỗi khi phải dụ dỗ hay ép thúc ai đó làm một điều họ nghĩ rằng đi ngược lại với lợi ích của mình. Đó là một cảm giác nhiều cung bậc. Chúng ta thật sự chẳng có một cái tên riêng để gọi nó. Sau rốt, mỗi khi nghĩ đến lừa đảo, chúng ta chỉ nghĩ đến những ả gái điếm, những nghệ sĩ giả mạo; họ thường được xem là những nhân vật trữ tình, những kẻ nổi loạn sống bởi trí tuệ của mình, đồng thời cũng đáng để ngưỡng mộ vì họ đã thành thạo được một kỹ nghệ nhất định. Đó là vì sao những con người ấy đã làm nên những anh hùng chấp nhận được trong điện ảnh Hollywood. Một nghệ sĩ giả mạo có thể dễ dàng sung sướng về điều mình đang thực hiện. Thế nhưng buộc phải dụ dỗ ai đó hoàn toàn là một thứ khác. Trong những hoàn cảnh ấy, rất khó tránh khỏi cảm giác chúng ta ở cùng trong tình huống với người mà ta đang dụ dỗ: ta vừa bị sức ép và thao túng bởi cấp trên, chỉ có mình ta, với sự sỉ nhục bổ sung khi ta cũng đang dối gạt lòng tin của một ai đó mà nhẽ ra ta nên chọn không làm.
Có thể tự hình dung rằng những cảm giác do các công việc xàm xí gây ra sẽ rất khác. Suy cho cùng, nếu như nhân viên kia đang dụ dỗ một ai đó, thì đó là sếp của họ, và họ đang làm điều đó trong sự đồng thuận hoàn toàn của cấp trên. Thế nhưng thi thoảng đó đây, nó cũng chính là điều khiến nhiều người thấy hoàn cảnh của mình vô cùng khó chịu. Ta thậm chí chẳng có sự thỏa mãn khi biết mình đang thuyết phục thành công một ai đó. Thậm chí ta còn không làm đúng với lời nói dối của mình. Hầu hết thời gian, ta cũng thậm chí chẳng làm đúng theo lời nói dối của một ai khác. Công việc của ta giống một chiếc khóa kéo chưa kịp cài ai cũng nhìn thấy nhưng biết rằng tốt hơn hết chớ đừng nhắc tới.
Nếu còn gì nữa, dường như là cảm giác vô mục đích.
Có lẽ thực sự nghịch-Eric sẽ tìm thấy một cách nào đó để xoay trở sự vô mục đích kia và tự thấy mình cũng là một phần của câu đùa; có lẽ giả sử như cậu ấy là người muốn được việc, cậu đã sử dụng các kỹ năng hành chính của mình để tiếm chiếm toàn thể văn phòng; nhưng thậm chí con cái các gia đình giàu có và quyền lực cũng cảm thấy khó xử trong tình huống này. Lời chứng sau đây cho chúng ta một cảm nhận về sự băn khoăn mang tính đạo đức mà họ thường cảm thấy:
Rufus: Tôi nhận công việc vì cha tôi là Phó chủ tịch công ty. Tôi phụ trách giải quyết khiếu nại. Là một công ty y sinh (theo tên gọi), tất cả những sản phẩm bị gửi trả được xem là hiểm họa sinh học. Do đó tôi có thể dành nhiều thời gian một mình trong phòng, không có bất kỳ hướng dẫn hay việc gì để làm. Phần lớn ký ức của tôi về công việc là hoặc chơi Minesweeper hoặc nghe podcast.
Tôi quả thật có dành nhiều giờ để đọc các spreadsheet, ghi lại những thay đổi trên văn bản Word, vân vân, nhưng tôi bảo đảm mình đóng góp bằng không cho công ty. Tôi dành toàn bộ thời gian trong văn phòng cắm tai nghe. Tôi chỉ chú ý tối thiểu đến những người xung quanh và “công việc” được giao.
Tôi ghét từng phút một phải làm việc ở đó. Thực tế, có nhiều ngày, tôi về nhà sớm, nghỉ trưa hai đến ba giờ đồng hồ, bỏ ra hàng giờ liền “trong nhà vệ sinh” (thực ra là đi dạo), và chẳng một ai hó hé một lời. Tôi được trả thù lao cho từng phút một.
Nghĩ lại, nó cũng giống một thứ công việc cầu được ước thấy.
Khi nhìn lại, Rufus hiểu rằng anh đã có một thỏa thuận hời đến lố bịch – dường như anh thật sự kinh ngạc vì lý gì mình lại ghét công việc quá thể như thế vào lúc đó. Nhưng chắc chắn anh ấy đã không thể nào hoàn toàn bỏ qua cách các đồng nghiệp nhìn nhận về mình: con trai của sếp được trả lương để làm trò mèo; gã quá cao trọng chẳng chuyện trò với họ; những cố vấn rõ ràng đã được thông báo “không được mó tay”. Những điều ấy khó mà khơi ra cảm giác tốt lành.
Ảnh: Martina Paukova
Ấy thế mà, câu chuyện này lại bật ra một thắc mắc khác: Nếu như cha của Rufus không thật sự trông cậy cậu ấm của mình phải làm công việc kia, vì sao ông lại bắt anh phải chọn nó ngay từ đầu? Hẳn ông đã có thể cho con trai một khoản phụ cấp dễ dàng chẳng kém, hoặc, theo lối làm khác, giao cho cậu chàng một công việc cần phải thực hiện, giáo huấn những nghĩa vụ, và có một số động tác tối thiểu để bảo đảm các công việc ấy thật sự được tiến hành. Trái lại, dường ông cảm thấy điều quan trọng nằm ở chỗ Rufus có việc hơn là có kinh nghiệm làm việc.
Khó hiểu nhẩy! Càng khó hiểu hơn vì thái độ của người cha kia dường như lại cực kỳ phổ biến. Chẳng phải lúc nào cũng thế. Từng có thời điểm hầu hết sinh viên đại học theo học tại trường mà cha mẹ họ có khả năng tài chính để chi trả vẫn nhận được học bổng toàn phần hoặc một phần, vẫn nhận được lương. Người ta cho đó là một điều tốt khi có một đôi ba năm trong cuộc đời của chàng trai hay cô gái trẻ ấy, tiền bạc không phải là động cơ chủ yếu; khi anh hay cô ta có thể tự do theo đuổi các giá trị khác: triết, thơ ca, thể chất, thử nghiệm tình dục, các trạng thái hướng thần, chính trị, hoặc lịch sử nghệ thuật phương Tây. Ngày nay, người ta lại cho rằng điều quan trọng là họ nên lao động. Tuy nhiên, việc họ làm một công việc hữu ích thì lại không được cho là quan trọng. Thực tế, giống như Rufus, người ta chẳng kỳ vọng các bạn trẻ ấy lao động gì cả, mà chỉ hiện diện và giả vờ đang làm việc. Một số sinh viên viết thư cho tôi để phàn nàn về hiện tượng này. Ở đây Patrick kể lại công việc trợ lý bán lẻ của mình tại một cửa hàng tiện ích của hội sinh viên như sau:
Patrick: Tôi chẳng cần công việc kia (cũng đủ tiền để trang trải), nhưng sau một số sức ép từ gia đình, tôi đã đăng ký nhận làm bởi một cảm giác bổn phận méo mó rằng cần có kinh nghiệm để trang bị trước những gì sẽ xảy ra sau khi tốt nghiệp. Trên thực tế, công việc chỉ lấy đi thời gian và năng lượng dành cho những hoạt động khác mà tôi vẫn đang thực hiện, như tổ chức chiến dịch và hoạt động xã hội, hoặc đọc sách để bồi dưỡng tâm hồn, thứ mà tôi nghĩ càng khiến tôi ghét công việc kia hơn.
Công việc khá là chuẩn tắc với một cửa hàng tiện lợi sinh viên và bao gồm việc phục vụ khách hàng ở quầy thanh toán (có thể dễ dàng thực hiện bằng máy móc) với một điều kiện bắt buộc được nêu rõ, trong bản đánh giá công việc sau giai đoạn thử việc, rằng tôi “nên tích cực và chan hòa hơn khi phục vụ khách hàng.” Họ không chỉ muốn tôi làm một công việc máy móc có thể thực hiện chẳng kém phần hiệu quả, mà họ còn muốn tôi giả vờ rằng tôi thích thú với thực trạng đang xảy ra.
Mọi thứ cũng chừng như dễ nuốt giá như ca làm việc của tôi vào buổi trưa, lúc mọi thứ trở nên thật sự đông đúc và do đó thời gian trôi qua tương đối nhanh. Có ca làm việc vào chiều Chủ Nhật khi chẳng một ai đến trường quả thật kinh khủng. Họ có cách để buộc chúng tôi không thể ngồi không, kể cả khi cửa hàng vắng teo. Do đó chúng tôi không được ngồi yên ở quầy tính tiền đọc báo. Ngược lại, quản lý bịa ra đủ mọi việc vớ vẩn để chúng tôi phải làm, như đi khắp cửa hàng để xem hàng hóa có còn hạn sử dụng hay không (mặc dù chúng tôi biết chắc như đinh đóng cột chúng còn hạn nhờ vào tỉ lệ nghỉ việc) hoặc sắp xếp lại các món hàng trên kệ theo một trật tự còn nguyên vẹn hơn cả trật tự hiện đang có.
Cái điều tệ ơi là hại nhất của công việc chính là nó trao cho tôi quá nhiều thời gian để suy nghĩ, vì công việc chẳng chút đòi hỏi gì về khả năng tư duy. Do đó tôi chỉ việc nghĩ ngợi về độ xàm xí của công việc, việc một chiếc máy có thể làm thay chúng tôi, việc tôi không khỏi cậy trông chủ nghĩa cộng sản toàn tòng, và không ngừng nghĩ đến lý thuyết những phương án tổ chức xã hội thay thế ở đó hàng triệu con người phải làm cái công việc ấy suốt cuộc đời mình để sinh tồn. Tôi không khỏi nghĩ về thứ cám cảnh nó mang lại. 
Đương nhiên, đó chính là chuyện xảy ra khi ta lần đầu mở toàn thể cái thế giới khả năng xã hội và chính trị cho một đầu óc trẻ trung bằng cách cho bộ óc ấy đến trường và rồi bảo nó hãy ngừng suy nghĩ đi và dọn dẹp những kệ hàng đã dọn sạch boong. Giờ đây cha mẹ cảm thấy những người trẻ nên có cái trải nghiệm này. Nhưng thật sự thì Patrick phải học được điều gì qua bài tập ấy?
Đây là một ví dụ khác:
Brendan: Tôi học ở một đại học cỡ nhỏ ở Massachusetts để trở thành giáo viên dạy lịch sử ở bậc trung học. Gần đây tôi bắt đầu công việc tại nhà ăn tập thể.
Một đồng nghiệp từ ngày đầu đã bảo với tôi rằng: “Một nửa công việc ở đây là làm cho mọi thứ có vẻ sạch, và nửa còn lại là tỏ ra bận bịu.”
Trong vài tháng đầu tiên, người ta yêu cầu tôi “giám sát” buồng nguyên liệu. Tôi lau dọn các khay đựng thức ăn buffet, châm cho đầy các món tráng miệng, và dọn bàn khi mọi người đã rời đi. Đấy chẳng phải một căn phòng to tát, do đó thường tôi chỉ phải làm năm phút là xong, mỗi 30 phút một lần. Rốt cuộc tôi đã đọc được rất nhiều bài đọc bắt buộc trong khóa học nhờ vào đó.
Tuy nhiên, đôi khi một trong những vị cố vấn kém cảm thông hơn sẽ có mặt và làm việc ở đó. Trong trường hợp này, tôi buộc phải để mắt trông chừng mọi lúc để bảo đảm rằng họ sẽ luôn thấy tôi đang tỏ ra bận rộn. Tôi chẳng hiểu vì sao mô tả công việc không thể nào công nhận thực tế tôi chẳng có mấy việc để làm – giả như không dành nhiều thời gian và năng lượng để tỏ ra bận bịu, tôi đã có thể đọc và dọn xong bàn nhanh và hiệu quả hơn rồi.
Nhưng đương nhiên, hiệu quả chẳng phải là mối bận tâm. Thực tế, nếu chúng ta chỉ đang nói về việc dạy cho sinh viên thói quen lao động hiệu quả, thì điều tốt nhất là hãy phó mặc cho chúng học hành. Suy cho cùng, bài tập ở trường mới chính là công việc đích thực theo mọi nghĩa ngoại trừ việc ta không được trả tiền để học (dù rằng khi nhận học bổng hoặc phụ cấp, quả thật ta đang được trả tiền để học đó thôi). Thực sự là, như hầu hết mọi hoạt động khác mà Patrick hay Brendan nhẽ ra đã có thể tham gia nếu không buộc phải nhận lãnh những công việc thuộc về “thế giới thật”, bài tập trên lớp của các bạn quả tình sẽ thật hơn những dự án đa phần không sinh lợi mà họ buộc phải thực hiện. Bài tập ở trường có nội dung thực thụ. Ta phải đến lớp, đọc bài, làm bài tập hay viết luận, và được đánh giá dựa trên kết quả. Nhưng nói theo thực tiễn, dường như điều này mới chính là điều đã khiến bài tập trường lớp trở nên kém phù hợp với những người đảm đương trọng trách – cha mẹ, giáo viên, chính phủ, các nhà hành chính – những người đều hết thảy cảm thấy rằng họ cũng cần phải dạy sinh viên về thế giới thực. Họ quá chú trọng vào kết quả. Ta có thể học bất cứ cách nào ta muốn miễn sao vượt qua được kỳ thi. Một sinh viên thành công phải học được cách tự rèn luyện, nhưng rèn luyện này lại không giống với rèn luyện cách thực thi mệnh lệnh. Dĩ nhiên, điều tương tự cũng áp dụng đúng với các dự án và hoạt động khác mà sinh viên sẽ tham gia khi không đến lớp: từ tập kịch, chơi trong ban nhạc, đến tham gia phong trào chính trị, hay làm bánh hoặc tạo tác lọ hoa để bán cho sinh viên khác đồng trang lứa. Tất cả những thứ có vẻ như là sự đào tạo phù hợp cho một xã hội người trưởng thành làm việc tự do, hoặc thậm chí là một xã hội chủ yếu cấu thành từ những chuyên gia tự quản (bác sĩ, luật sư, kiến trúc sư, vân vân) mà đại học ngày trước đã từng có nhiệm vụ đào tạo ra. Thậm chí đào tạo ra những con người trẻ cho các tập thể được tổ chức một cách dân chủ vốn dĩ là chủ điểm của những mộng mơ của Brendan về chủ nghĩa xã hội toàn diện. Nhưng cũng như Brendan đã trỏ ra, nó chẳng hề trang bị gì cho công việc tại công sở làm việc ngày nay, vốn càng lúc càng trở nên xàm xí.
Brendan: Rất nhiều công việc dành cho sinh viên kia buộc chúng tôi phải thực hiện cái kiểu việc tầm phào như sao chép chứng minh thư, hay giám sát phòng trống, hay lau dọn bàn ghế đã sạch sẽ sẵn rồi. Ai cũng cảm thấy bình thường, vì chúng tôi có tiền khi đi học, bằng không sẽ tuyệt đối chẳng có một lý do nào chỉ để cấp tiền cho sinh viên và sau đó tự động hóa hoặc bỏ hẳn công việc.
Tôi không sao quen thuộc với cách mọi thứ vận hành, nhưng rất nhiều công việc ở đây do Ngân sách liên bang chi trả và gắn liền với tiền nợ học phí của các bạn sinh viên. Đó là một phần của một hệ thống liên bang thiết kế ra nhằm tạo ra vô số nợ nần cho sinh viên – từ đó hứa hẹn o ép họ vào công việc trong tương lai, vì nợ sinh viên cực kỳ khó xóa – theo kèm bởi một chương trình giáo dục xàm xí tạo ra để đào tạo và trang bị cho những công việc xàm xí trong tương lai.
k.