Khoảng khắc nào bạn nhận ra rằng bạn phải yêu chính mình nhiều hơn? Giây phút nào khiến bạn tự nhủ rằng, đã quá đủ rồi, bạn không thể tiếp tục dựa dẫm vào tình yêu của người khác và sự công nhận từ bên ngoài? Đó có lẽ là những thời điểm khó khăn nhất những cũng là bước ngoặt quan trọng nhất của quá trình trưởng thành. 
Yêu bản thân là một mối tình trắc trở và khó hiểu nhất, bởi, mỗi khi bạn nghĩ rằng bạn đã thực sự yêu thương bản thân rồi, lại có thêm những biến cố mới khiến niềm tin của bạn về bản thân bị thách thức. Cuộc khám phá vĩ đại nhất của mỗi người không nằm ở ngoài kia mà chính ở bên trong này. Yêu bản thân thật sự là cả một cuộc hành trình đi vào bên trong để thấu hiểu bản thân – cả phần ánh sáng và bóng tối. Sự đủ đầy không đến từ việc cố gắng bù vào những phần thiếu của bản thân mà đến từ việc đầu hàng với ý niệm về sự hoàn hảo.

Liệu bạn có thật sự yêu bản thân?
Câu hỏi đặt ra là: liệu bạn vẫn còn yêu bản thân có phải chỉ vì bạn chưa bao giờ bước ra khỏi vùng an toàn, chưa bao giờ cho phép bản thân được tổn thương?
Giống những bố mẹ luôn bảo bọc con mình quá mức, liệu có phải bạn vẫn luôn bảo vệ cái tôi mỏng manh của mình bằng cách luôn giữ mình trong khuôn khổ - bạn không dám thể hiện bản thân, không dám bày tỏ ý kiến, không dám thất bại, không dám thử sức trong những lĩnh vực mới. Việc bảo bọc con quá mức giúp đảm bảo chúng luôn an toàn nhưng mặt trái của nó chính là không chuẩn bị được cho con những hành trang cần thiết trên đường đời.

Đọc thêm:

Nếu bạn vẫn giữ khư khư chiếc mặt nạ hoàn hảo, nhiều khả năng rằng, khi đối mặt với những phần tối của bản thân, bạn khó lòng có thể yêu thương chúng và khó chấp nhận những sai lầm. Yêu bản thân thực sự đến từ việc dù cho cái tôi có bị thách thức bao nhiêu lần, bản thân vẫn giữ được niềm tin về những giá trị của bản thân và bao dung với những điều chưa thật hoàn hảo.
Làm bạn với phần bóng tối trong mình 
Theo lý thuyết của Sigmund Freud, nhân cách con người gồm có ba thành tố và được biết đến với tên gọi Id, Ego (cái tôi) và Superego (siêu tôi) cùng hoạt động và tạo nên các hành vi phức tạp của con người.
Id xuất hiện ngay từ khi chúng ta được sinh ra bao gồm các hành vi bản năng và nguyên thủy. Cái tôi (Ego) là thành tố chịu trách nhiệm nhận thức thực tế và thỏa mãn ham muốn của Id phù hợp với bối cảnh hiện tại. Thành tố cuối cùng là cái siêu tôi (Superego) lưu trữ tất cả những lý tưởng và chuẩn mực đạo đức, nhận thức đúng sai có được từ gia đình và xã hội.
Hãy tưởng tượng bạn đang đang kẹt trong một cuộc họp tại công ty, Id nói với bạn rằng bạn đang đói (nhu cầu cơ bản và nguyên thủy), cái Tôi (Ego) nhận thức được rằng bạn đang trong cuộc họp và còn lâu mới kết thúc (thực tế). Lúc này, dù Id chỉ muốn ngay lập tức lao ra ngoài dể được ăn thì cái Siêu Tôi (Superego) xuất hiện để chấn chỉnh bạn “Làm thế thì sẽ bị chê trách đấy!”, “Làm thế thì không được!”.

Đọc thêm:

"Đừng nghĩ vậy, kẻo họ đánh giá đấy", vị quân sư thì thầm trước khi bạn kịp buông lời, những tiếng nói thầm thì đó giúp bạn cư xử đúng mực với các quy chuẩn xã hội nhưng đôi khi cũng phán xét, bóp nghẹt và phủ nhận con người bạn. Không ai có cái Siêu Tôi hà khắc hơn hội cầu toàn và nguồn gốc của các bệnh tâm lý thường xuất phát từ việc mắc kẹt trong cuộc hội thoại đầy trách móc của vị quân sư này. Bước đầu để học cách yêu thương bản thân chính là học cách trò chuyện với vị quân sư đó bằng tình yêu thương thay vì nỗi sợ. 
Học cách làm bạn với quá khứ
Hãy nhìn những lỗi lầm trong quá khứ bằng lòng trắc ẩn. Hãy thôi tự trách mình “ Giá mà ngày đó mình nghĩ được như bây giờ, thì mọi chuyện đã khác.”

Nhắm mắt lại và dành cho phiên bản quá khứ của mình một cái ôm thật chặt. Cảm ơn bạn ấy vì tất cả những gì bạn ấy đã trải qua, những sai lầm, vấp ngã và những bài học bạn ấy chưa thể thấu suốt, những nỗi sợ, sự mất phương hướng thường trực. Rất nhiều thứ về con người cũ mà bạn không còn cảm thấy sự đồng điệu nữa, nhưng vẫn hãy cứ yêu phiên bản đó, như cái cách bạn yêu chính mình ở hiện tại.  Bạn ấy đã vất vả rất nhiều, và đã làm tất cả trong khả năng để bước tiếp. Và đừng quên rằng, nếu không có bạn ấy và những sai lầm ngày đó, bạn sẽ không có bài học ngày hôm nay. Chúng ta không trưởng thành theo năm tháng mà trưởng thành nhờ trải nghiệm và vấp ngã. Cuộc sống không phải để luôn đúng mà là để bớt sai đi.

Đọc thêm:

Yêu, được yêu, tự yêu
Tất cả các mối quan hệ đều sẽ dạy chúng ta về sự thật rằng, mối quan hệ quan trọng nhất là mối quan hệ với chính bản thân mình. Đánh mất bản thân trong một mối quan hệ thường là hệ quả của việc bạn chưa kết nối được với thế giới bên trong như bản sắc, giá trị, nguyên tắc và giới hạn. Điều đó khiến bạn có xu hướng tìm kiếm giá trị của mình thông qua một mối quan hệ nào đó. Hệ quả tiếp theo là sự lệ thuộc, nỗi sợ một mình, bị bỏ rơi vì không còn ai tin vào giá trị kia nữa. Chúng ta bấu víu vào những mối quan hệ mà chúng ta biết rõ nó không lành mạnh nhưng lại không thể ngăn bản thân trượt dài trên con đường xa dần với bản chất thật sự. Trượt càng xa thì đường về nhà lại càng khó.
Mọi cuộc hành trình vĩ đại đều bắt đầu từ những bước đi nhỏ, bước đầu tiên đi đúng hướng là bước quan trọng nhất của hành trình. Lúc này, bạn tìm kiếm và đòi lại những mảnh ghép mà bạn để chúng ra đi cùng sự ra đi của họ. Ở nơi này, bạn dịu dàng, tử tế với chính mình, bạn dành cho mình chính tình yêu thương bạn luôn dành cho người khác
Yêu thương bản thân chính là khi bạn chọn làm phiên bản chân thật của chính mình, dù không hoàn hảo nhưng nó là duy nhất.
Nguồn tham khảo:
Self-Love: Học cách làm bạn với bản thân - Minh Đào
The Pursuit of Perfect: How to Stop Chasing Perfection and Start Living a Richer, Happier Life by Tal Ben-Shahar