Đầu tư cơ bản P.7 - Sự bất định
Chủ tịch quỹ đầu tư Dragon Capital, Dominic Scriven, một trong những quỹ đầu tư tay to lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam,...
Chủ tịch quỹ đầu tư Dragon Capital, Dominic Scriven, một trong những quỹ đầu tư tay to lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đã từng thú nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng mặc dù đã có hơn 30 năm kinh nghiệm chinh chiến, ông cũng không bao giờ dám chắc chắn rằng ngày mai thị trường tăng hay giảm. Nếu bạn đọc là người đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tài chính, bạn sẽ không ngạc nhiên với nhận định trên. Những nhà đầu tư nổi tiếng trên thế giới như Warren Buffett, Ray Dalio, hay Charlie Munger đều đã từng nói những câu tương tự như thế. Đối với các nhà đầu tư kì cựu, thị trường cũng giống như một thiếu nữ căng tràn sức sống, chỉ có những gã điên mới dám khẳng định họ hiểu rõ hoàn toàn tâm tư của một người phụ nữ.
Mong muốn biết trước tương lai từ lâu đã luôn là một trong những khao khát mạnh mẽ nhất của con người, đó là lý do tại sao ta liên tục tìm kiếm những thông tin về tương lai thông qua việc xem tử vi, bói bài Tarot, chiêm tinh học etc. Một cách tự nhiên, chúng ta cảm thấy sợ hãi nếu như ai đó nói rằng quyền kiểm soát tương lai của bản thân chưa bao giờ nằm trong lòng bàn tay của chúng ta. Điều này không có gì phải xấu hổ, quả thật trong cuộc sống không có gì đáng sợ hơn một tương lai đầy bất định. Tuy nhiên, học cách đương đầu với sự bất định là một trong những kĩ năng cơ bản nhưng cực kì cần thiết trong đầu tư. Tương lai sẽ luôn là một ẩn số bí hiểm, nhà đầu tư thông minh là người hiểu rõ cuộc sống sẽ luôn hàm chứa những điều không thể dự đoán trước và hoàn toàn chấp nhận thực tế này trên thị trường.
Đầu tư không phải là bộ môn khoa học chính xác
Kinh tế - tài chính từ trước tới giờ vẫn luôn là một lĩnh vực chứa nhiều sự mâu thuẫn. Một số kiến thức có thể vận dụng rất tốt trong thực tế như các quy luật kinh tế vi mô liên quan đến cung và cầu, một số khác lại chỉ mang hình thức thuần lý thuyết. Khác với những bộ môn khoa học chính thống, không có một quy luật nào trong kinh tế học mà bạn có thể áp dụng trong thực tế với mức độ tự tin tuyệt đối. Hiểu một cách chính xác, kinh tế - tài chính không phải là một bộ môn khoa học thuần túy với những mô hình lý thuyết mang độ tin cậy cao. Trong vật lý, ta có thể hiểu rõ một cỗ máy cơ khí sẽ hoạt động như thế nào nếu ta nắm rõ các quy luật vật lý vận hành cỗ máy đó, hoặc ta có thể tính được chuyển động của các vì sao trong vũ trụ một cách chính xác khi áp dụng thuyết tương đối rộng của Einstein. Tuy nhiên, sự chính xác tuyệt đối mà khoa học mang lại không thể đạt được trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, đặc biệt là trong đầu tư, đơn giản là vì cảm xúc trên thị trường luôn phá vỡ mọi quy tắc tưởng chừng như là bất biến trong vũ trụ.
Trong đầu tư tất cả những thông tin mà ta có thường là những xu hướng mang tính hình mẫu được tổng hợp trong quá khứ (thông tin định lượng và cả thông tin định tính), nhưng quyết định phải đưa ra lại luôn hướng về tương lai. Nhà đầu tư luôn phải đối mặt với một vấn đề phổ biến trên thị trường: Làm thế nào để đưa ra một quyết định tương lai chính xác khi phải dựa vào những thông tin xảy ra trong quá khứ? Mặc dù các xu hướng trong quá khứ có thể là những thông tin có giá trị, tuy nhiên những nhà đầu tư kì cựu cũng hiểu rõ một nguyên tắc quan trọng là những việc đã từng xảy ra trong quá khứ không nhất thiết phải tiếp tục diễn ra trong tương lai, cho dù các yếu tố ảnh hưởng đều như nhau. Những hình mẫu pattern đã từng rất hữu dụng trong quá khứ có thể bất thình lình phản tác dụng ngay vào thời điểm mà nhà đầu tư cảm thấy tự tin nhất. Như một câu nói nổi tiếng trong kinh tế học - thị trường không bao giờ phân phát bữa trưa miễn phí.
Trong đầu tư, không hề có một công thức hay một quy tắc nào mà nhà đầu tư có thể tự tin rằng nó sẽ luôn hiệu quả mãi mãi trong tương lai. Trọng một số thời điểm khác nhau trong thị trường, một số nhà đầu tư có thể tìm ra được những tín hiệu (signal) hay hình mẫu (pattern) mang tính dự đoán tương lai khá chính xác và sẽ kiếm được một số tiền khá lớn dựa vào những phương pháp này. Qua thời gian, số tiền lời mà họ kiếm được chắc chắn sẽ thu hút sự tò mò của thị trường. Thị trường luôn là một cỗ máy hoạt động hiệu quả, không có một phương pháp kiếm lời vượt trội nào có thể "nằm vùng" trong một khoảng thời gian lâu dài không ai để ý, và không sớm thì muộn bất kì phương thức sinh lời vượt trội nào cũng sẽ bị giải mã bởi những nhà đầu tư khác trên thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng sẽ ngày càng có nhiều người bắt đầu áp dụng những quy tắc trên với kì vọng về mức lợi nhuận vượt trội mà phương pháp này từng sản sinh trong quá khứ. Một cách oái oăm nhất, giây phút mà một phương thức đầu tư vượt trội trở nên phổ biến trên thị trường cũng là lúc tính ưu việt của nó sẽ biến mất. Như người viết đã nhấn mạnh ở phần trước, lợi thế cạnh tranh của nhà đầu tư chỉ có thể đến từ bí mật - sự thật ít người đồng ý với bạn. Nếu như một ngày nào đó khi bí mật mà bạn sở hữu trở thành kiến thức phổ thông ai cũng biết, không có gì ngạc nhiên khi lợi thế mà nó từng mang lại chỉ là câu chuyện của quá khứ.
Hiểu một cách chính xác, thị trường là một môi trường động (dynamical environment) chứ không phải là một môi trường tĩnh (static environment) như trong môi trường vật lý. Môi trường tĩnh và môi trường động khác nhau như thế nào? Để giải thích một cách đơn giản nhất và không sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên môn, môi trường tĩnh là một môi trường mà các quy tắc quản trị sự tương tác giữa các cá thể/vật thể trong môi trường đó không bao giờ thay đổi theo thời gian trong khi sự thay đổi và quá trình tiến hóa sẽ xuất hiện trong môi trường động. Sở dĩ môi trường động sở hữu khả năng thay đổi hành vi là vì các thành tố cấu thành nên môi trường này không phải là những vật thể vô tri vô giác mà là những cá thể sở hữu khả năng hành động một cách riêng biệt. Trong một môi trường tĩnh, những quy luật đã từng hiệu quả trong quá khứ chắc chắn sẽ luôn hiệu quả trong tương lai, trong khi đối với môi trường động thì ta không có gì chắc chắn liệu những quy luật đã từng hữu dụng trong quá khứ có thể tiếp tục hiệu quả trong tương lai hay không. Thị trường luôn thay đổi và tiến hóa qua thời gian là vì nhà đầu tư, như một cá thể có ý chí riêng của mình, cũng luôn tiến hóa và thay đổi hành vi để phù hợp với môi trường mà họ đang hoạt động.
Khao khát biết trước tương lai cũng như kiểm soát hoàn toàn số phận của mình vẫn luôn là một trong những ước muốn sâu thẳm nhất của con người. Đây là lí do vì sao mà những nhà tiên tri, hay tư tế thờ phụng các vị thần trong thời cổ đại đều nắm giữ vị trí quyền lực tối cao trong xã hội nguyên thủy. Họ có thể "phán" một cách rất tự tin về một việc gì đó sẽ xảy ra với một người nào đó nhưng lại luôn "im lặng" một cách khó hiểu khi phải làm điều này với chính bản thân họ. Cho dù tính chính xác của các lời sấm truyền này chưa bao giờ đáng tin cậy, tổ tiên chúng ta vẫn luôn dành cho những nhà tiên tri sự kính trọng tuyệt đối. Đối với chúng ta, sự biết trước về tương lai, cho dù nó có chính xác hay không, vẫn luôn tốt hơn là chẳng biết gì cả, và những người sở hữu nó xứng đáng có được vị trí đỉnh cao mà họ đang nắm giữ. Rousseau đã không hề phóng đại khi nói rằng đối với những việc quan trọng (biết trước tương lai chắc chắn nằm trong danh sách "những việc quan trọng"), chúng ta thà đặt niềm tin nhầm chỗ còn hơn là không tin điều gì cả.
Điều này cũng giải thích một phần lí do vì sao dân lùa gà vẫn luôn sống tốt cho dù có biết bao bài viết vạch mặt bản chất khốn cùng của tầng lớp này. Thứ họ hứa hẹn với những nhà đầu tư non nớt chưa bao giờ là lợi nhuận, thứ mà họ cam kết là "khả năng dự đoán tương lai". Mặc dù thoạt đầu hai điều trên tương đồng với nhau nhưng có một sự khác biệt rất lớn về bản chất. Sự cam kết về một tương lai mà sự bất định không tồn tại, một tương lai mà họ dễ dàng thao túng và điều khiển (dĩ nhiên là những điều nhảm nhí vô căn cứ), là một lời hứa quá tốt để bỏ qua đối với những nhà đầu tư non trẻ thiếu kinh nghiệm. Trải qua bao lần vấp ngã trên thị trường, những nhà đầu tư thông minh luôn hiểu rằng nếu có một việc gì đó quá tốt để có thể là sự thật, nó thường là như thế. Miếng phô mai có sẵn chỉ có trên cái bẫy chuột. Dân lùa gà đã luôn tận dụng triệt để khao khát thầm kín này của các nhà đầu tư non nớt, một lời hứa về sự chắc chắn trong tương lai luôn dễ dàng làm chúng ta trở thành những gã khờ khạo trên thị trường. Và do đó cho dù có biết bao nhiêu người vạch mặt bản chất đốn mạt của tầng lớp này, "dân lùa gà" biết rằng họ sẽ luôn sống khỏe, miễn là thế hệ nhà đầu tư mới vẫn còn tham gia vào thị trường qua thời gian, họ sẽ không bao giờ thiếu những con mồi mới để làm thịt.
Quá khứ và tương lai
Cựu chủ tịch General Electric Ian Wilson đã từng nói một câu nổi tiếng "Không có bất kì suy luận công phu có thể thay đổi sự thật rằng tất cả kiến thức mà bạn biết đều đến từ quá khứ trong khi mọi quyết định lại được đưa ra trong tương lai". Bạn có thể biết chính xác điều gì đã từng xảy ra trong quá khứ, nhưng điều đó không đồng nghĩa điều tương tự bắt buộc phải xảy ra trong tương lai. Thị trường là một hệ thống phức tạp với khả năng tự điều chỉnh hành vi để phù hợp với môi trường đầu tư xung quanh, và do đó nhà đầu tư thông minh cần phải ghi nhớ rằng những gì bạn biết về quá khứ luôn có khả năng không còn chính xác trong tương lai bởi vì thị trường hoàn toàn có thể thay đổi luật chơi để thích nghi với điều kiện môi trường mới. Tự thay đổi luật chơi mà không cần ai tác động là một trong những khả năng thú vị nhất của thị trường, là yếu tố đã tạo nên "môi trường động" mà nhà đầu tư luôn cần phải cảnh giác nếu như họ muốn tồn tại lâu dài trên thị trường.
Khi chiêm nghiệm về sự bất định luôn tồn tại trên thị trường, nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett đã từng đùa rằng "Những dự báo thị trường nói cho chúng ta biết nhiều hơn về người dự báo hơn là thông tin về tương lai của thị trường". Ý của ông là chúng ta không thể biết trước điều gì về tương lai nhưng ta có thể biết ai đang đóng vai một gã hề khi cố gắng thuyết phục mọi người điều ngược lại. Ngay với một nhà đầu tư lão làng như Warren Buffett hay chủ tịch Dragon Capital còn chào thua trong việc dự đoán thị trường thì tại sao những người khác lại cố gắng làm một việc vô ích đến như thế? Liệu có phải mọi việc trong tương lai đều diễn ra theo một cách không thể dự đoán?
Có một sự phức tạp trong thực tế mà người viết muốn giải thích ở đây. Warren Buffett đã không sai khi nói điều trên, nhưng ông cũng không mô tả bức tranh toàn cảnh một cách đầy đủ. Thực tế thì hầu hết những sự kiện chung về bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế thị trường thường diễn ra một cách có thể dự đoán được. Ta có thể dự đoán về các chỉ số vĩ mô như tăng trưởng GDP hay tỷ lệ lạm phát trong một biên độ dao động nhất định khá chính xác trong điều kiện môi trường bình thường (người viết nhấn mạnh là biên độ nhé!). Những gì ta biết về quá khứ luôn mang theo kì vọng về tương lai, chúng ta luôn kì vọng những gì đã từng diễn ra trong quá khứ sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai. Và do đó hầu hết những kì vọng của nhà đầu tư về thị trường đều là những kì vọng mà tất cả mọi người đều đồng ý, và phần lớn đều dựa trên phép ngoại suy từ thông tin trong quá khứ mà thị trường cung cấp. Đây chính là vấn đề lớn nhất trong đầu tư - khả năng dự đoán chính xác sẽ không mang lại lợi thế trong đầu tư nếu như những người khác cũng đều đi đến kết luận tương tự như thế. Thông tin chính xác sẽ không mang lại giá trị cho nhà đầu tư nếu như toàn bộ thị trường đều đồng với ý kiến đó, và qua đó phản ánh toàn bộ thông tin trên vào giá cổ phiếu. Ý kiến chính xác nhưng được đồng thuận bởi số đông không phải là dạng thông tin có thể mang lại lợi thế cạnh tranh bền vững cho nhà đầu tư. Như người viết đã nhấn mạnh ở phần trước, chỉ có bí mật - ý kiến chính xác nhưng ít người đồng ý với bạn, mới mang lại cho nhà đầu tư khả năng đánh bại thị trường trong dài hạn. Do đó chỉ có những nhà đầu tư sở hữu những dự đoán không được đồng thuận bởi thị trường, và vì thế thông tin vẫn chưa được phản ánh vào giá cổ phiếu, mới có khả năng tạo ra mức lợi nhuận phi thường.
Tuy nhiên, một cách oái oăm nhất, đa phần những dự đoán đi ngược thị trường đều sai. Chỉ có những dự đoán không được thị trường đồng thuận mới mở ra cơ hội sinh lời vượt trội cho nhà đầu tư, nhưng điều này cũng đồng nghĩa là tỷ lệ mắc sai lầm của những dự báo này cũng gia tăng đáng kể. Đa phần những người cố gắng đi ngược thị trường đều biến thành gã hề trong mắt số đông thay vì trở thành Warren Buffett kế tiếp của thế giới, nhưng nếu nhà đầu tư mong muốn một tỷ suất lợi nhuận vượt trội so với thị trường, chấp nhận tách rời khỏi số đông là điều kiện bắt buộc, và dĩ nhiên điều đó cũng đi kèm với tỷ lệ gia giăng trong việc đưa ra những quyết định sai lầm. Đây là nghịch lý hóc búa trong đầu tư, nếu ai đã từng trải nghiệm thị trường trong thời gian dài chắc chắn sẽ hiểu ý của người viết.
Có lẽ chúng ta sẽ có một cảm nhận khá tốt tương lai sẽ diễn ra như thế nào trong điều kiện môi trường bình thường, khi mà những xu hướng trong quá khứ tiếp tục kéo dài đến tương lai. Tuy nhiên, ta không thể nào thực sự dự đoán trước được những sự kiện mà khi đó biết trước tương lai sẽ tạo nên một sự khác biệt đáng kể. Khi sự kiện tương lai diễn ra một cách hoàn toàn khác biệt so với quá khứ và để lại hậu quả to lớn cho toàn xã hội, giới tài chính thường mô tả chúng là những "Thiên Nga Đen". Bản chất căn bản nhất của một Thiên Nga Đen là tính không thể dự đoán, như tác giả Nassim Taleb đã nhiều lần nhấn mạnh trong các quyển sách nổi tiếng của mình. Một cách thực tế nhất, những sự kiện tạo ra cơ hội sinh lời tốt nhất nếu như dự đoán chính xác luôn là những sự kiện gần như không thể dự đoán, nếu không muốn nói là hoàn toàn vô ích khi cố gắng làm một việc như thế. Hầu hết những cố gắng trong việc dự đoán Thiên Nga Đen trong quá khứ đều chỉ ra rằng việc đó khó như thế nào, tỷ lệ sai là gần như 100%.
Trong phần lớn thời gian, tương lai sẽ là sự tiếp diễn của quá khứ, và vì thế mọi người đều đồng thuận về những kì vọng trong tương lai dẫn đến tất cả những thông tin trên đều đã được phản ánh qua giá thị trường. Trong những trường hợp này thì cho dù dự đoán cá nhân của nhà đầu tư có chính xác thì cũng không tạo ra giá trị gì cả vì tất cả mọi người đều có cùng kết luận như thế. Tuy nhiên, trong một vài khoảnh khắc ngắn ngủi, một số sự kiện diễn ra theo cách hoàn toàn khác biệt với những gì đã từng xảy ra trong quá khứ, những Thiên Nga Đen bất thình lình từ trên trời rơi xuống. Lúc này, dự đoán trước được những sự kiện này mới mang lại giá trị to lớn cho nhà đầu tư vì những thông tin này chưa được phản ánh trong giá trị trường. Nhưng một điều đáng tiếc là những sự kiện Thiên Nga Đen luôn đến một cách bất ngờ không ai có thể biết trước. Lịch sử đã luôn chứng minh những cơ hội đầu tư sinh lời lớn nhất luôn đến từ những sự kiện gần như không thể dự đoán (Người viết dùng từ "gần như không thể dự đoán" vì có một số cá nhân hiếm hoi xuất sắc có thể thấy trước được những việc này, bộ phim The Big Short một ví dụ điển hình).
Khi sự thật thay đổi
Trong một lần thảo luận về các vấn đề kinh tế học, một người đã phản biện tính không đồng nhất về mặt lập luận của nhà kinh tế học nổi tiếng John Maynard Keynes. Ông ta chỉ trích rằng Keynes đã từng nói một điều gì đó trong kinh tế học, rồi không lâu sau đó quay xe 180 độ khi nói một điều hoàn toàn đối lập với nhận định ông đã từng đưa ra trước đó. Đáp lại lời chỉ trích trên, Keynes đã phản biện với một trong những câu nói nổi tiếng nhất của ông "Khi sự thật thay đổi, tôi thay đổi ý kiến của mình. Còn anh thì làm gì, thưa Ngài?"
Khi thông tin mới xuất hiện và phủ nhận niềm tin vốn có của bạn, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ coi nó như một thông tin nhiễu và nhắm mắt bỏ qua, hay là sẽ bắt đầu tìm hiểu xem liệu điều bạn đang tin có thực sự là chân lý hay không? Khi sự thật trong thế giới quan của bạn thay đổi, liệu bạn có thay đổi cùng với sự thật?
Những nhà đầu tư kiệt xuất trên thế giới, giống như John Maynard Keynes, là những người sẵn sàng vứt bỏ cái tôi của mình và sẵn sàng thay đổi ý kiến cá nhân nếu như có đủ bằng chứng thuyết phục chứng minh điều họ đang tin là sai. Đây là một trong những phẩm chất quan trọng nhất trong đầu tư, và theo ý kiến cá nhân của người viết, là phẩm chất quyết định thành tại của tất cả nhà đầu tư trên thế giới. Nếu nhà đầu tư không có đủ dũng cảm để tự thừa nhận với bản thân là mình đã sai khi có đủ thông tin cần thiết để đi đến kết luận trên, thị trường chắc chắn sẽ giúp họ làm việc đó, dĩ nhiên là với một cái giá rất đắt. Không như bố mẹ chúng ta, thị trường vẫn luôn rất tàn nhẫn với những người cứng đầu!
Để có thể tồn tại lâu dài trên thị trường, nhà đầu tư cần phải hiểu rằng tương lai luôn hàm chứa một sự bất định bất biến không thể thay đổi, có thể họ sẽ có khả năng dự đoán được một số sự kiện hoặc xu hướng tương lai, nhưng nó không thay đổi thực tế rằng những sự kiện không thể dự đoán trước mới là vấn đề ưu tiên cần phải quan tâm, những việc dễ dàng dự đoán với xác suất cao chưa bao giờ thật sự mang lại giá trị trong đầu tư. Chúng ta luôn đánh giá thấp tính bất định của tương lai mỗi khi suy nghĩ về các quyết định đầu tư, chúng ta luôn nghĩ rằng tương lai sẽ luôn diễn ra như một sự kéo dài từ quá khứ, một đường thẳng đồ thị kết nối từ quá khứ tới tương lai, và qua đó đánh giá thấp khả năng tương lai sẽ xuất hiện những Thiên Nga Đen có thể làm rung chuyển cả thị trường. Một bộ não open-minded luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin mới và khả năng kháng cự xu hướng tâm lý Thiên Kiến Xác Nhận là những kĩ năng cần thiết để bảo đảm rằng những gì nhà đầu tư tin tưởng luôn gần với bí mật hơn là ảo tưởng.
Đánh giá quá cao năng lực cá nhân, ảo tưởng nặng vào trình độ chuyên môn cũng như sự tư tin thái quá đến mức ngạo mạn vào kĩ năng đầu tư của bản thân sẽ luôn những thiên hướng tâm lý nhà đầu tư thông minh cần phải tránh xa. Thị trường luôn sẵn sàng trừng phạt những cá nhân không phù hợp với môi trường đầu tư, không nơi đâu mà những người ảo tưởng nặng về bản thân học được bài học quan trọng về giá trị của sự thật sớm như trên thị trường. Đừng bao giờ quá tự tin vào bản thân, hãy biết rằng bạn luôn có thể sai.
Một lần nữa, mọi thông tin bạn biết đều đến từ quá khứ nhưng mọi quyết định sẽ luôn diễn ra trong tương lai. Không có gì chắc chắn những điều bạn từng biết trong quá khứ sẽ tiếp tục là chân lý trong tương lai, và do đó tương lai không nhất thiết phải là đường thẳng kéo dài từ quá khứ. Đầu tư trong một thế giới bất định chưa bao giờ là công việc dễ dàng, đầu tư như thể bạn biết chắc điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai là hành động gần nhất với tự sát tài chính. Như Mark Twain đã từng nói "Không phải những điều bạn không biết là thứ khiến cho bạn gặp rắc rối, mà là những điều bạn tưởng chừng như biết chắc chắn nhưng thực tế không phải như vậy"
Hãy đầu tư như thể bạn không biết chắc về điều gì cả. Điều này sẽ rất khó khắn đối với những người có cái tôi lớn, nhưng nó sẽ giúp bạn tồn tại lâu dài trên thị trường. Giữa cái tôi và lợi nhuận thì bạn biết phải chọn cái nào rồi đấy. Ngay từ đầu bạn tham gia vào thị trường cũng chỉ vì mục đích đó thôi mà, đúng không?
Nguồn tham khảo
- The most important thing illuminated - Howard Marks
- The Essays of Warren Buffett - Lawrence Cunningham
Đọc tiếp:
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất