Người trẻ sống dưới nỗi lo cơm áo gạo tiền, bản thân còn lo chưa đủ thì chuyện gì sẽ xảy ra khi họ còn phải lo cho thêm một người. Rồi mình cảm thấy sao chính mình lại chênh vênh như lúc này, nhớ lúc còn đi học mình cũng có cảm giác cô đơn đấy nhưng lần này khác lắm.
Cô đơn người lớn (ngại quá khi mình tự nhận là người lớn) khác với cô đơn khi còn là một thiếu niên vô ăn lo nghĩ. Mình bắt đầu đi làm, kiếm ra tiền chia nhỏ rồi chia tiếp thành từng đồng chắt chiu để trang trải, nói cách khác ở thời điểm này mình có thể như bao người cùng tuổi, mình dùng tiền của mình để chi trả cho sự ổn định do mình tự tưởng tượng.
Rồi khi bản thân nhận thức được sự ổn định trong cuộc sống đầy bộn bề ngày nay thật là xa xỉ, mình tự làm bản thân mình trở nên bận rộn rồi quên mất luôn cả việc chăm lo cho thân thể. Thấy vài cục mụn nổi đầy trên mặt như phần thưởng cho kẻ gồng gánh sức nặng của đồng tiền, lắm lúc mình cảm thấy khó thở sau ngày nhận lương khi chưa kịp duy trì những cuộc vui tác tráng với lũ bạn thì nhà trường thông báo “Nợ học phí” và các quỹ tín dụng nhắn vài dòng tin yêu thương “ Hóa đơn trả góp đã đến kỳ thanh toán”. Mình chẳng còn thiết tha với những mong muốn được sống an nhàn trong thời đại chẳng còn chỗ thở cho những cá nhân cầu mong cho sự yên bình trong tương lai.
Mình hằng ngày lướt qua tấm gương để trong nhà mà cảm thấy sao thật trống rỗng, nó cứ làm mình nhớ mãi chi tiết tấm gương cám dỗ trong Harry Potter, rằng nó có thể cho bất kỳ ai đứng trước thấy một viễn cảnh chính họ mong muốn. Với Harry Potter là mong muốn gia đình đoàn tụ, nhân vật Ron Weasley mong muốn cầm trên tay chiếc cúp Quidditch và cụ Dumbledore sẽ là gặp lại người em gái của cụ. Những mong muốn dĩ nhiên đều không có thật, và cái giá mà chiếc gương cám dỗ muốn nạn nhân trả chính là thời gian dài đằng đẵng đăm chiêu vào chiếc gương rồi sẽ đến một ngày người đó sẽ chết đói vì thiếu ăn. Chẳng phải ngoài đời thật chúng ta cũng có chiếc gương như vậy sao? Có đấy chúng ta cũng có đấy, “tấm gương cám dỗ” đều nằm trong đầu mỗi người. Tuy nó không phải là thứ hữu hình vật lý có thể sờ, có thể nắm được nên như vậy nó còn nguy hiểm hơn phiên bản trong Harry Potter, nạn nhân có thể dùng bất cứ thứ gì đập vỡ quách đi tấm gương thì mọi thứ sẽ đâu về đó nhưng làm sao có thể làm xước một “tấm gương” đã yên vị trong tâm trí mỗi người. Không có cách nào cả, nếu như vẫn chưa kéo những nạn nhân ra khỏi nó, tấm gương đó sẽ chiếu đi chiếu lại hình ảnh đẹp đẽ đầy mộng mị về những thành quả hay là những thứ không thể nào trở thành sự thật, “tấm gương” đó đầu độc họ trở thành một nạn nhân đang ngồi vắt chéo chân nhìn vào hình phản chiếu vô hồn của chính mình. Rồi mình cũng tự hỏi rằng họ có nhận thức rằng bản thân đang bị cám dỗ hay không? Nếu không thì vẫn còn lại chút may mắn khi họ có thể được ai đó nắm tay kéo ra khỏi vũng lầy thế nhưng đúng hay không khi một người nhận thức được những cám dỗ ngọt ngào đó lại không hề muốn bước ra khỏi vùng lầy mà có khi tiêm nhiễm cho những người khác một “ tấm gương”? Và mình cũng có một sự tò mò rằng mình sẽ thấy gì khi mình nhìn vào tấm gương đó?
Quá nhiều câu hỏi cần được giải đáp nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục cũng như quá nhiều thứ ta cần phải xử lý nhưng có những thứ mà ta quên ngó tới. Có một lần bạn mình làm mất ba món đồ ba lần trong ngày, mình có câu nói đùa vu vơ rằng “ À chắc là tại vacxin Covid đó”. Câu đùa đó chắc chỉ có hai đứa mình hiểu khi có tin đồn rằng Vacxin Covid làm cho người tiêm bị giảm trí nhớ, việc bạn mình không nhớ lần cuối thấy món đồ đó đang ở đâu làm mình nảy ra tiếp thêm một câu đùa làm mình phải ghi lại trong ngày hôm đó.
- Ê mày! Với trí nhớ như vậy thì có khi nào về già mày chẳng nhớ nhà vệ sinh đâu không?
- Ủa chồng tao để làm gì?
- Mày vừa nói rằng mày không hề muốn kết hôn và yêu đương sau này mà?
- Ừ.
Rồi chính mình tự gieo vào trong đầu một đống suy nghĩ, rồi dần dần cuối ngày não bộ của mình đã đến mức “ tràn bộ nhớ”. Mình liên tục hỏi rằng “Điều này sẽ thành sự thật sao?”. Có khi nào mình chẳng muốn kết hôn thì lúc tuổi nhất sinh thập tử thì bên cạnh mình chỉ là chiếc máy trợ thở và tiếng bíp bíp từ điện tâm đồ? Hay là mình lo xa quá rồi đó? Hay là thật buồn mình còn đang tuổi xuân xanh mà, sau này biết đâu sẽ tìm được “người ấy” mà thôi?
“Người già chết trong sự cô đơn”
Yahoo Search: 254.000.000 kết quả tìm kiếm
Google Search: 10.200.000 kết quả tìm kiếm (0.44 giây)
Mình dành những giờ cuối cùng trong ngày sau khi mình và bạn thân đã trò chuyện. Mình bắt đầu tìm kiếm những cụm từ như cô đơn, kết quả đều là những bài viết về chuyện cô đơn trong tình cảm nên dừng lại từ khóa đó. Mình tiếp tục tìm kiếm từ khóa “ người già” và tất nhiên tất cả những bài viết kinh doanh thuốc men đều tập trung tại đây. Thế là mình đã thẳng tay đánh ra dòng chữ “Người già chết trong sự cô đơn” với những kết quả tìm kiếm như trên chỉ trong tích tắc. Người ta nói rằng con người dễ thu hút bởi những số liệu lớn và có lẽ mình cũng đã bị ảnh hưởng không kém cạnh, với một khía cạnh của sự thật, việc những người đã đến tuổi gần đất xa trời lại không có ai bên cạnh chẳng còn là điều hiếm thấy. Mình biết điều này thật tế nhị nhưng bạn có bao giờ nghĩ rằng một người thân trong gia đình của bạn sau này sẽ đối mặt với tử thần một mình và chẳng có giọt nước nào rơi xuống kề bên chưa? Mình quả thật cũng chẳng hề muốn chuyện này xảy ra, mọi người cũng thế, ai ai mà chẳng muốn thế giới này vận hành theo hướng tích cực chứ? Nhưng mình tiếc lắm, điều này là thật và mình cũng chẳng phải là người có thiên hướng tin tưởng vào sự công bằng trong đời lắm đâu vì cái cán cân chẳng bao giờ là chính xác. Vẫn sẽ có những sai số, và một trong những sai số đó chính là câu hỏi ngu muội của mình sau khi đọc bài báo “ Một số người cao tuổi bị bỏ mặc, chết trong cô độc giữa dịch Covid 19 ở Tây Ban Nha” của tờ báo Thanh Niên, mình đã tự hỏi rằng: Con cháu họ đâu? Tại sao những người đó không liên hệ người khác để giúp đỡ?
Ngay lập tức sau khi mình đã hỏi nhưng câu như vậy và cho rằng còn nhiều hướng giải quyết, mình đổ lỗi cho chính nạn nhân rằng việc chết trong cô độc là do chính họ chọn. Việc này vô cùng tai hại, mãi sau này khi bị chính bạn mình lên tiếng thì mới nhận ra mình đã những suy nghĩ ngu ngốc như thế nào. Suy nghĩ của mình là một thiên kiến nhận thức phổ biến được gọi là “ Ngụy biện về một thế giới công bằng”, những người có những lỗi ngụy biện này có thể thấy rõ nhất khi đối với họ trắng là trắng và đen là đen, người tốt chính là anh hùng và kẻ xấu cần phải được diệt trừ. Ví dụ nhé, đã có một khoảng thời bên Mỹ vào những năm 70 thì đã có những cô gái bán hoa bị hạ sát hàng loạt nhưng có lẽ điều đáng nói ở đây nhất rằng việc cảnh sát đã để vụ án kéo dài dẫn đến nhiều cô gái bị giết hơn chỉ bởi vì định kiến không được trong sạch, điều mà mọi người lúc đó dành cho gái mại dâm, đa số kể cả cảnh sát có những ngần ngại khi tiếp nhận vụ án sát nhân hàng loạt vì đa số nạn nhân xứng đáng bị như vậy. Vậy thì mình lại nghĩ rằng có đúng không khi chúng ta đang có quyền phán xét giá trị mạng sống của một người đến vậy? Đối với những lời do chính mình dành cho những nạn nhân lớn tuổi chết cô độc trong thời kỳ dịch bệnh là suy nghĩ nông cạn và thiếu chiều sâu.
“Những người hành nghề mại dâm là mục tiêu của những kẻ giết người hàng loạt vì chúng có thể coi họ là những mục tiêu dễ dàng, những người không có gia đình để nương tựa, hoặc những người sử dụng các giáo điều tôn giáo hoặc xã hội có lợi cho việc phạm tội đối với những người hành nghề mại dâm, hoặc sự kỳ thị của xã hội gắn liền với mại dâm như một lời biện minh cho việc giết họ.”
Xét đến cùng, trước khi biết đến lỗi ngụy biện này, mình cũng từng như thế, mình cũng đã từng sai và cố chấp bảo vệ cái lý lẽ ngông cuồng của mình vì mấy khi một người có thể hiểu được ngụy biện khi lòng tự tôn của anh ta quá cao?
Trong cuộc họp báo ngay 23.3, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles cho biết binh lính thuộc Đơn vị khẩn cấp quân sự (UME) đã phát hiện những thi thể nằm trên giường trong một số viện dưỡng lão, trong quá trình kiểm tra và khử trùng ngăn đại dịch COVID-19.
“Tại một số nơi, quân đội thấy cảnh một số cụ già bị bỏ rơi hoàn toàn, thậm chí một số người chết trên giường”, bà Robles nói trên đài Ana Rosa TV.
Được biết, khi các nạn nhân lớn tuổi được chính quyền Tây Ban Nha báo cáo với cánh báo chí thì đã có một vài nguyên nhân cơ sở, đa số nạn nhân đã báo là tử vong ngay trong viện dưỡng lão mặc cho có những nhân viên đang tức trực mỗi giờ. Người già và một đứa trẻ sơ sinh có thể cách biệt nhau về tuổi tác nhưng đối với cả hai đều là những cá thể mong manh, dễ bị tổn thương và cần được bảo vệ. Và quả thật khi ta đã đánh giá thấp sự cô đơn thì có lẽ chẳng còn quan trọng gì với việc để người già một mình đối phó với căn bệnh và một đứa con nít tự chơi đùa với chiếc nĩa và ổ điện trong phòng, “Tự họ lo liệu được” hay là câu “Tôi sẽ để mắt tới họ!” thường sẽ là câu bao biện dễ dàng thốt ra nhất.
Ở phía ngược lại, chẳng có gì để chắc chắn được họ sẽ không gặp chuyện khi những người cao tuổi cũng đánh giá thấp sự cô đơn họ đang gánh phải. Hiện tượng Kodokushi ở Nhật cho tới nay vẫn đang là một minh chứng đáng đau buồn về sự ra đi âm thầm của những thế hệ đi trước, để lại trong nền văn hóa của “Xứ sở mặt trời mọc” rất nhiều câu chuyện bi thương khi con cháu thường sẽ sống ở thành phố hiện đại và các cụ già sẽ an phận ở miền thôn quê hẻo lánh hoặc là cuộn mình trong nơi nhà thuê chỉ vỏn vẹn mấy mét vuông. Đa số những người quy sinh ở tình thế cực kỳ bi thương thì thường là họ đã lên kế hoạch từ trước, việc nhận thức cái chết đang tìm đến mình một cách nhanh chóng chẳng có cớ gì để thông báo cho một ai đó rằng tôi đang sắp chết hoặc nếu như họ đã có thông báo thì vẫn bị người thân trong gia đình gạt phăng đi vì cho rằng những suy nghĩ đó lúc bấy giờ tạm thời là viển vông và có phần ủ rũ vì tuổi già mà thôi. Lắm lúc, người già cảm thấy như tấm vé hết hạn, thanh xuân vừa chớm của họ chỉ là thước phim giải trí trong lúc mơ. Và khi tỉnh dậy, đâu lại vào đó, vẫn là cái lưng đau đến mức run bần bật hoặc nếu không thì chắc cũng là do cái đầu gối lâu năm không còn đủ “nhớt” để vận hành bộ máy rỉ sét này.
Mình từng khổ sở khi mẹ mình tỉnh dậy giữa đêm khi cơn nhói chợt tái phát ở vùng cột sống bị thoát vị đĩa đệm, mẹ nói rằng ước gì cứ nhắm mắt mãi mãi để không còn đối mặt với cái thứ nghiệt ngã của sinh lão bệnh tử này. Mẹ mình buông những câu chửi thề lên bộ phận gắn liền với cơ thể, la lớn rằng sau nó không bộc phát lên thành cú đau điếng người cùng một thể mà nó cứ nhoi nhói trong người như một khối thịt có tri giác biết hành hạ bà vậy. Mình lại nghĩ về sự trải nghiệm của những người cùng tuổi mẹ mình bây giờ, ngay cả mình cũng chẳng thể khiến mọi thứ tốt đẹp hơn, cơn đau cột sống của mẹ mình và nỗi cô đơn của những “cái bóng xế chiều” vẫn còn đó, vẫn còn cay cáy trong lòng.
Đọc thêm:
Thế là có phải ta đang suy nghĩ quá đơn giản về cô đơn?
Mình e rằng chúng ta đã và đang đánh giá thấp sự ảnh hưởng của “vợ của chú đơn” mang lại.
Còn nhớ ngụy biện về một thế giới bình đẳng mình đã đề cập ở trên chứ, không ít lần mình hỏi ý kiến của những người xung quanh mình nghĩ sao về việc người trẻ ngày nay cảm thấy “lẻ bóng” một mình hơn bao giờ hết? Bạn đoán xem, đúng như vậy. Nhiều người đã trả lời mình rằng họ thừa nhận có tồn tại về việc người trẻ tuổi cảm thấy cô độc trong xã hội này, nhất là khi sau khi trải qua đại dịch Covid, sự lạc lối trong cô lập mang cho chúng ta một cảm giác thật khó chịu khi mất hàng tháng trời không tiếp xúc với “mùi người”. Bên cạnh việc thừa nhận đó, một phần lớn những người mình đã hỏi như trên cho rằng “cô đơn” là một lựa chọn. Tức, một người cô đơn cho rằng anh ta hoặc cô ta cô đơn là chính việc họ nghĩ rằng họ nên thế và xứng đáng được thế. Phần lớn các người mình được khảo sát trả lời ngụ ý rằng thật ra chẳng có việc mình bị ế hay xấu và đẹp nào ở đây cả, tất cả chỉ dừng lại ở việc “lựa chọn”. Lựa chọn khiến con người chọn một lối sống ẩn dật, lựa chọn khiến con người kẹt mãi trong thế giới gương đầy ảo tưởng và mộng mị, lựa chọn khiến con người gào la và than thân trách phận về một số phận an bài và đầy cay đắng.
Không, chính mình sẽ đứng ở đây và nói ngược lại quan điểm như sau rằng: Cô đơn chẳng hề là một sự lựa chọn, nó là một giai đoạn của một đời người. Thật ra, đa phần chẳng ai muốn lựa chọn cho mình một cuộc sống cô đơn trừ khi đó chính là phong cách sống của một số người vì có một lý do đặc biệt riêng biệt và họ hạnh phúc, sống tốt với điều đó. Ngược lại, những người mắc kẹt trong việc cảm thấy lạc lõng trong đời sống, rất khó để cho họ thấy một viễn cảnh tích cực hơn. Vì khá giống như bệnh trầm cảm khi ai ai cũng mang nó làm thành những câu đùa, việc trêu chọc một ai đó “vẫn chưa có ai yêu” hoặc “ế tới già” rất dễ làm lung lay những ai đang hoài nghi về giá trị của bản thân. Thế nên, việc cảm thấy bản thân mình sao mà lọt thỏm giữa đám đông ngoài kia hay cảm thấy mình thật khác biệt đều là một giai đoạn trầm lắng của một kiếp người. Mỗi người đều sẽ có mức cảm nhận và khoảng thời gian đối chọi khác nhau, một điều phổ biến nhất khi người phải chịu đựng “sức ép của sự cô đơn” thường đi tìm liều thuốc an thần từ những người thân hoặc bạn bè, tất nhiên, họ thèm khát điều đó.
Bài viết này mình cũng xin dành cho những ai đang chứng kiến người thân hoặc bạn bè đang chìm đắm trong sự lẻ loi, mong rằng hãy dành thời gian bên họ một cách thường xuyên vì như mình đã nói rằng cô đơn là một giai đoạn của một đời người. Bởi vì nhắc tới giai đoạn thì sẽ luôn có thời điểm kết thúc, tức, bạn có thể chứng kiến nhỏ bạn của chính bạn quẹt phải liên tục trên ứng dụng Tinder và trầm ngâm nhìn về phương xa thì với sự động viên nhiệt tình thêm sự chia sẻ có tính xây dựng thì mình nghĩ ngày nào đó dù cho không có nửa kia của mình thì “người bạn lướt Tinder” đó đã tốt hơn nhường nào. Người thân và những cụ già đang gặp vấn đề tương tự cũng như thế, họ đều cần sự sẻ chia một cách chủ động và không màng khó khăn. Lắm lúc mình nghĩ chỉ cần một cái ôm hoặc lặng im ngồi nghe đối phương hàn thuyên tới sáng cũng đủ mang lại cho họ giá trị của bản thân rồi.
Còn chính “bệnh nhân” thì sao? Họ nên làm gì?
Mình xin dành những dòng tâm sự cho những “bệnh nhân” về những phút cuối của bài viết này. Đây là bài viết “lẩu thập cẩm”, nó không theo một thể thống nhất, nó chẳng nói đầu đuôi rõ ràng vì ngay thời điểm bài viết này đang được sinh ra, mình chẳng còn tỉnh táo để nhận thức được sự ảnh hưởng đầy tiêu cực của sự cô độc mang lại. Cô độc nó thật sự là một chất độc tâm lý khiến con người chẳng còn thấy mùi vị của cuộc sống nhưng lạ lùng vì chỉ có mình cảm thấy vô vị nhưng những người khác thì không. Đúng thật, cảm thấy hiu quạnh lâu ngày dễ dẫn đến triệu chứng “trầm cảm” nhanh hơn bao giờ hết.
Việc nuôi thú cưng cũng là một liều thuốc giảm đau hữu hiệu, việc gắn kết với một vật thể sống có tri giác hoặc gợi nhắc ta về việc… dọn phân mỗi ngày cũng giúp mình bận rộn và bớt suy nghĩ lăng tăng đi một tí chẳng hạn. Và hơn hết, mình hiểu rằng những ngày cô đơn đến trĩu lòng thì sẽ thật hay và thật tuyệt nếu như được nhiều người biết đến thông qua mạng xã hội. Việc này chẳng giúp các bạn được gì nhiều đâu, sau khi bạn bình thường thì có vô tình gặp lại bài viết sướt mướt của mình thì ngại chết. Mình từng có không ít nhiều muốn nhảy xuống cống để trốn khi người lạ “đào mộ” được một số bài viết “trời ơi đất hỡi” mà mình chẳng hề muốn nó tồn tại. Thay vào đó, gọi điện cho một ai đó không phải là một ý tồi nhưng mà hãy hướng những dòng tâm sự của bạn với những người dễ tin tưởng và không dễ đánh giá phiến diện lên người khác nhất. Nếu không có ai để chịu lắng nghe thì một chút vận động cơ thể bằng các bài tập thể dục cũng khá là hiệu quả, hoặc là dọn dẹp nhà cửa nè, chơi một loại nhạc cụ nè, rất nhiều thứ cần trí não của bạn nghĩ ra. Hãy làm bất cứ điều gì đừng để cô đơn của bạn tiến tới giai đoạn chán chường vì chỉ khi bạn còn tỉnh táo thì giai đoạn tồi tệ đó sẽ sớm kết thúc.
Kết
Cô đơn chẳng hề được chấm dứt đâu, nó vẫn sẽ xuất hiện lại bất cứ giai đoạn của một đời người. Nhưng nó sẽ kết thúc trong một khoảng thời gian tồn tại, cố gắng đừng biến nó trở thành sự lựa chọn cho chính bạn, hãy chấp nhận nó đi vì sau khi bạn vượt qua thử thách thì nó sẽ như một lời chào tạm biệt, hẹn ngày tái ngộ từ người bạn cũ vậy.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất