Rối loạn lưỡng cực hay bipolar disorder là một bệnh tâm thần phổ biến nhưng rất khó đoán. Có nhiều trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán là mắc trầm cảm thay vì hưng-trầm cảm.
Vậy thì bipolar disorder, rối loạn lưỡng cực hay rối loạn hưng-trầm cảm cụ thể là như thế nào?
Rối loạn lưỡng cực phức tạp hơn bạn nghĩ.
Rối loạn lưỡng cực phức tạp hơn bạn nghĩ.
Rối loạn lưỡng cực hay bipolar disorder là một bệnh tâm thần phổ biến nhưng rất khó đoán. Có nhiều trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán là mắc trầm cảm thay vì hưng-trầm cảm. Với tính chất phức tạp của căn bệnh thì việc đưa ra chẩn đoán chính xác cũng là một thử thách với các lương y.
Vậy thì bipolar disorder, rối loạn lưỡng cực hay rối loạn hưng-trầm cảm cụ thể là như thế nào? Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu qua về bệnh tâm thần này.

Thế nào là rối loạn lưỡng cực?

Hãy cùng bắt đầu với trải nghiệm chuyên khoa. Chia sẻ với tờ phụ nữ online, bác sĩ chuyên khoa Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP. HCM từng kể lại trải nghiệm của những bệnh nhân rối loạn lưỡng cực này. 
Đầu tiên là câu chuyện về anh Q, một người thiết kế quần Jeans có tiếng ở Tân Bình. Lần đầu anh phát bệnh là ở tuổi 25 nhưng đã bỏ qua, không khám chữa để bệnh tự thuyên giảm. Cách đây 15 năm, căn bệnh trở lại và anh hoang tưởng rằng mình là một nhà thiết kế tài ba.
Các triệu chứng bắt đầu trở nên nghiêm trọng hơn khi anh làm việc không kể ngày đêm, bỏ ăn ngủ, thường coi khinh đồng nghiệp. Sau nhiều đôi co với người thân và đồng nghiệp, cuối cùng anh cũng đến viện và chữa trị. Thời điểm này, anh được chẩn đoán là mắc tâm thần phân liệt.
Kể từ ngày đó, bi kịch luôn tiếp diễn vì sau 5 năm điều trị không giảm, anh bắt đầu nảy sinh những quyết định tiêu cực và có ý đồ tự sát đến 3 lần. Có lần anh cho tay vào ổ điện, thậm chí là nhảy lầu. Và tới đây, anh mới được tới bệnh viện tâm thần và chẩn đoán chính xác là rối loạn lưỡng cực. 
Câu chuyện tiếp theo mà bác sĩ Hiển kể lại là về cô H, Chị H kể rằng mình thường bị bạn bè phàn nàn vì nói quá nhiều, và thường hay lạc sang chủ đề khác. Chị kể lại đợt chị gặp khách hàng mặc áo xanh, chị lại khuyên khách hàng đi biển, bằng một cách nghĩ nào đó mà câu chuyện được chi đưa ra tận Hawaii. Có lần, đang trong giờ làm việc thì chị lại rủ đồng nghiệp mình đi mua sắm, trong khi thường ngày chị rất tiết kiệm. Và cũng có những thời điểm, đồng nghiệp lại thấy chị sống khép kín, khác hoàn toàn với những gì trước đó. 
Có thể thấy, hai câu chuyện vừa kể có sự nhập nhằng giữa những biến đổi của tâm trạng và bệnh tâm thần. Làm thế nào để biết được họ có mắc rối loạn lưỡng cực không hay chỉ có sự thay đổi tâm trạng thất thường thôi? 

Tại sao bị rối loạn?

Theo giải thích của bác sĩ phẫu thuật thần kinh Sanjay Gupta của Đại Học Michigan, thùy trán của não có chức năng đánh giá tình hình và đóng vai trò như chiếc phanh để chúng ta kìm hãm bản thân trước những hành động thái quá. Trong khi đó phần hạch hạnh nhân của não đóng vai trò điều khiển cảm xúc con người. 
Người mắc rối loạn lưỡng cực hưng cảm sẽ có thùy trán không bình thường, khiến họ không biết được đâu là điểm cần phải dừng lại. Trong lúc đó hạch hạnh nhân lại hoạt động quá cường độ với nhiều cảm xúc khác nhau cùng được sản xuất.
Trong trại thái rối loạn lưỡng cực trầm cảm, thùy trán sẽ đảo ngược công dụng và ngăn cản người bệnh trong mọi việc. Và đồng thời thì hạch hạnh nhân lại không hoạt động đủ công xuất khiến người bệnh gần như không có động lực làm việc gì. 
Nhưng bệnh này từ đâu mà ra? 
Một lần nữa, chúng ta lại đến với kết luận quen thuộc. Chúng ta không biết.
Rất có thể nó đến từ di truyền, một mã gene nào đó đã quyết định rằng người này có rối loạn lưỡng cực. Nghiên cứu cho thấy gia đình có phụ huynh mắc rối loạn lưỡng cực thì con cái có nguy cơ mắc rối loạn lưỡng cực gấp 10 lần người thường.
Và cặp song sinh cùng trứng có thể cùng mắc rối loạn lưỡng cực trong khi song sinh khác trứng thì tỉ lệ giảm đáng kể. 
Nhưng vì không thể xác định được chính xác gene nào tạo ra bệnh này, chúng ta không thể đi đến kết luận được mà chỉ có thể cộng nhiều yếu tố từ di truyền tới môi trường lại thành nguyên nhân của căn bệnh.

Triệu chứng

Rối loạn lưỡng cực không chỉ là sự thay đổi trạng thái cảm xúc thất thường. Những cung bậc của người mắc rối loạn lưỡng cực thường nằm ở mức cực đoan, nghĩa là khi họ hưng phấn, họ cực kỳ hưng phấn và không thể nghĩ tới hậu quả của hành động mình gây ra. Và khi họ trầm cảm, những ý nghĩ tiêu cực sẽ ám lấy họ và có rất nhiều trường hợp đã tìm tới giải pháp cực đoan nhất. 
Thời gian hưng phấn hoặc trầm cảm của người bệnh có thể kéo dài từ vài ngày cho tới vài tuần, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của họ. 
Trong trạng thái hưng phấn, người bệnh sẽ có các biểu hiện như:
Tăng tính tự trọng hoặc phóng đại bản thân, họ có cảm giác như mình hơn người hoặc có nhiệm vụ đấng tối cao ban cho và phải làm bằng được;
Giảm nhu cầu ngủ, có thể sống nhiều ngày không ngủ mà không thiếu hụt năng lượng;
Nói chuyện nhiều hơn bình thường;
Tư duy phi tán hoặc tư duy dồn dập;
Tính dễ bị phân tán tập trung;
Tăng các hoạt động có mục đích.
Tham gia quá nhiều vào các hoạt động có rủi ro cao (ví dụ, mua sắm nhiều, đầu tư kinh doanh dại dột)
Trong khi đó, rối loạn trầm cảm có các triệu chứng như sau:
Khí sắc trầm hầu hết trong ngày;
Giảm sự quan tâm hoặc thích thú trong tất cả hoặc gần như tất cả các hoạt động trong hầu hết thời gian trong ngày;
Tăng hoặc giảm cân đáng kể ;
Mất ngủ (thường mất ngủ kiểu tỉnh giấc giữa đêm) hoặc chứng ngủ nhiều;
Kích động hoặc chậm chạp tâm thần vận động được quan sát bởi người khác của người khác (không phải tự nhận xét);
Mệt mỏi hoặc mất năng lượng;
Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi quá mức hoặc không thích hợp;
Suy giảm khả năng suy nghĩ hoặc tập trung hoặc do dự thiếu quyết đính;
Những suy nghĩ liên tục về cái chết hoặc tự sát, nỗ lực tự sát, hay kế hoạch tự sát cụ thể sẽ được lập ra.

Các loại rối loạn lưỡng cực phổ biến 

Nếu chúng ta đặt 2 thái cực cảm xúc hưng cảm và trầm cảm lên một trục, chúng ta có thể biểu diễn cảm xúc của người bình thường như sau, cụ thể là ở mức kiểm soát được, dù có lên và xuống giữa 2 mặt hưng phấn và trầm cảm nhưng sẽ không đến mức cực đoan. Nhưng với những người mắc rối loạn lưỡng cực thì chúng ta có các trường hợp như sau. 

Rối loạn lưỡng cực 1

Với những người mắc rối loạn lưỡng cực loại một hay rối loạn hưng cảm sẽ có cảm xúc chủ yếu nằm ở cực hưng cảm với một số trường hợp toàn bộ cảm xúc sẽ chỉ nằm ở cực hưng cảm và không có trầm cảm. 
Người bệnh thường bắt đầu có các dấu hiệu đầu tiên ở khoảng 18 tuổi nhưng bất cứ ai ở độ tuổi khác cũng có thể mắc rối loạn hưng cảm. 
Rối loạn hưng cảm có thể kéo dài tới 7 ngày và thậm chí có khả năng khiến người bệnh phải nằm viện vì kiệt sức. 

Rối loạn lưỡng cực 2

Với người mắc rối loạn lưỡng cực loại hai hay rối loạn trầm cảm, họ sẽ trải nghiệm cảm xúc chủ yếu nằm ở cực trầm cảm. 
Ngược lại với người bệnh rối loạn hưng cảm, những người mắc loại 2 sẽ trải nghiệm những đợt trầm cảm dài có thể tới 2 tuần và có thể có 4 ngày hưng cảm.

Rối loạn cảm xúc chu kỳ

Người bệnh sẽ xuất hiện cảm giác hưng cảm và trầm cảm nhẹ. Tình trạng này ít nghiêm trọng hơn hai loại lưỡng cực trên và thường chỉ trải qua trong 1 hoặc 2 tháng thì cảm xúc của họ sẽ ổn định trở lại. 
Nỗi khổ của người rối loạn lưỡng cực là việc họ không biết cảm giác hưng - trầm cảm khi nào sẽ xuất hiện. Mà đã không biết thì sẽ rất khó nhận thức và kiểm soát hành vi của mình, bởi hưng cảm hay trầm cảm thì đều sẽ có thể dẫn đến hành vi nguy hại cho bản thân. 
Vậy nên giống như tâm thần phân liệt, họ cũng có cuộc sống phụ thuộc vào người nhà và gia đình. Và cũng giống như tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực không có thuốc chữa đặc trị. 

Chữa trị

Chữa trị cho rối loạn lưỡng cực thường phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau cùng lúc với những tâm lý trị liệu cho từng trường hợp cụ thể. 
Nhưng nhìn chung, các loại thuốc cần sử dụng cho rối loạn lưỡng cực là thuốc chỉnh khí sắc như lithium và một số antipsychotics hay thuốc chống loạn thần. 
Ngoài ra, còn tùy tình trạng của bệnh nhân mà các toa thuốc sẽ có sự điều chỉnh. Bệnh nhân nghiêm trọng, thuyên giảm và đã thuyên giảm có các liều thuốc khác nhau. 
Nhưng chỉ thuốc và trị liệu thôi là chưa đủ. Có một số trường hợp đặc biệt cần có trị liệu bằng sốc điện và trị liệu ánh sáng. 
Suy cho cùng, chữa trị cho người bệnh rối loạn lưỡng cực là không có câu trả lời cụ thể. Mỗi trường hợp sẽ có một lối điều trị khác và vì không có thuốc đặc trị, đây là căn bệnh mãn tính sẽ đi cùng bệnh nhân cả đời. 

Chia sẻ

Trải nghiệm với người bệnh rối loạn lưỡng cực rất cực đoan. Nếu bạn không để ý và đủ yêu thương để giúp họ tìm lại cân bằng cảm xúc trong những trường hợp thái quá, họ sẽ dần mất đi liên hệ với xã hội.
Những người rối loạn hưng phấn cao độ có thể đem toàn bộ gia tài đi đầu tư mạo hiểm, có thể dễ bị lừa, dễ bị lôi kéo vào những tệ nạn xã hội không đáng có và thậm chí còn gây nguy hiểm cho mạng sống không chỉ của mình mà còn của người khác. 
Ngược lại, bệnh nhân rối loạn trầm cảm có thể khiến cuộc sống của chính họ rơi vào mất cân bằng khi không thể tìm được mục đích sống. 
Xã hội của chúng ta rất phức tạp và mỗi người đều chỉ muốn trở thành một phần có ích. Nhưng những căn bệnh tâm thần như rối loạn lưỡng cực sẽ ẩn mình trong hình dáng của những cảm xúc thất thường và ngấm ngầm phá hủy cuộc sống của bệnh nhân và người thân. 
Vậy nên nếu bạn phát hiện ra người thân hoặc gia đình có các biểu hiện cực đoan của rối loạn lưỡng cực, hãy cân nhắc việc tìm tới bác sĩ tâm thần và khám phá câu trả lời trước khi quá muộn. 

Lời kết

Vừa rồi là chia sẻ về rối loạn lưỡng cực, tập sau của tâm thần phân liệt. Nếu bạn chưa xem video đó thì có thể click vào link bên dưới để tìm hiểu rõ hơn về các căn bệnh tâm thần. Nếu bạn thấy nội dung này bổ ích, hãy chia sẻ với bạn bè để cùng nhau tăng cường nhận thức về những căn bệnh khó lường nhất trong xã hội ngày nay và cùng chung tay giúp đỡ những người bệnh trong cuộc sống.
Cảm ơn các không ai cả đã lắng nghe và xin hẹn gặp lại trong lần tới. Peace!

Footnote

Nội dung trên được tham khảo từ các nguồn như:
Các rối loạn lưỡng cực - Rối loạn tâm thần - Cẩm nang MSD - Phiên bản dành cho chuyên gia (msdmanuals.com)
Healthline.com
Phunuonline.com