Tác giả: Jil Lepore, 30 tháng 3, 2020
Chỉ mới khoảng một thế kỷ trước, hầu như không ai sống một mình, trái ngược với hiện tại khi rất nhiều người phải chịu cảnh đơn côi lẻ bóng, phải đóng cửa để khóa bản thân trong bốn bức tường. Tại sao cuộc sống thời hiện đại lại cô đơn đến thế?
lonely person

Nàng tinh tinh ở vườn thú Philadelphia Zoologica Garden mất vì bệnh sau một trận cảm lạnh vào sáng ngày 27 tháng 12 năm 1978. Theo như báo chí tường thuật thì “Nàng Tinh Tinh” qua đời “trong sự chú ý của người bạn đồng hành”. Cả nàng và bạn đồng hành của mình, một chàng tinh tinh bốn tuổi, được sinh ra ở gần sông Gabon ở Tây Phi và cùng nhau đến Philadelphia vào tháng 4. “Loài linh trưởng chỉ có thể bị bắt khi còn trẻ,” người coi sóc sở thú, ông Arthur E. Brown giải thích, và nói thêm rằng thường chỉ có thể bắt một hoặc hai cá thể một lần. Ở môi trường hoang dã, “chúng sống với nhau thành từng nhóm khoảng nửa tá và xây các tấm phản trên các nhánh cây bằng que và lá để nằm ngủ.” Nhưng ở Philadelphia, trong những ngôi nhà khỉ chỉ có hai đứa ở với nhau, chúng đã dần “quen với việc ngủ trong vòng tay nhau trên một tấm chăn phủ dưới sàn nhà,” ôm nhau thật chặt, một cách tuyệt vọng, đau đớn, trong những đêm trường giá buốt.
Philadelphia Zoological Garden là thảo cầm viên đầu tiên ở Mỹ. Thảo cầm viên này được khai trương vào năm 1874, hai năm sau khi Charles Darwin xuất bản quyển sách “Biểu lộ cảm xúc ở con người và động vật”, trong đó ông kể lại những gì bản thân đã học được về mối gắn kết xã hội ở loài linh trưởng từ Abraham Bartlett, người quản lý thảo cầm viên Zoological Society of London:
“Tôi được đảm bảo bởi người trông coi thú ở Zoological Gardens rằng có nhiều loài khỉ rất thích vuốt ve và được vuốt ve bởi các cá thể khỉ khác và bởi những người mà chúng cảm thấy gắn kết. Ông Bartlett đã mô tả cho tôi hành vi của hai cá thể tinh tinh khi được đưa đến gần nhau, dù khi đó cả hai đều đã khá già so với những cá thể khác thường được đưa vào vào đất nước này. Chúng ngồi đối diện nhau, chạm vào nhau với đôi môi trề ra, và một con thì đặt tay lên vai con còn lại. Sau đó cả hai đều ôm chặt lấy nhau trong vòng tay. Sau đó chúng đứng dậy, một tay vẫn đặt lên vai nhau, tay kia nâng đầu nhau, mở miệng ra, và reo hò trong sung sướng.”
Cả chàng và nàng tinh tinh ở Philadelphia chỉ là hai trong số bốn cá thể tinh tinh ở Mỹ. Khi nàng tinh tinh mất thì những người chứng kiến không chỉ khóc thương, mà trên hết họ còn quan sát và đánh giá hành vi của người bạn đồng hành của nàng. Họ nói rằng trong suốt một quãng thời gian dài, chàng tinh tinh cứ cố gắng làm cho nàng tỉnh. Rồi sau đó chàng ta “phát điên lên trong sự đau khổ”. Cơn bộc phát này trùng khớp với những gì mà Darwin đã mô tả về con người: “Những người phải chịu đựng sự đau khổ ngoài sức tưởng tượng thường cố tìm cách giải tỏa bằng bạo lực hoặc bằng các cử chỉ điên khùng.” Chàng tinh tinh đau khổ bắt đầu bứt tóc khỏi đầu. Chàng gầm rú, tạo ra những âm thanh mà người trông coi sở thú chưa nghe bao giờ: Hah-ah-ah-ah-ah.  “Tiếng khóc của nó có thể được nghe ở mọi ngóc ngách trong khu vườn. Nó lao mình vào các thanh chắn ở trong chuồng và cố đập đầu mình xuống nền gỗ cứng. Và khi nỗi đau tột độ này qua đi, nó vùi đầu dưới đống rơm ở trong một góc và kêu thảm thiết như thể tim nó sắp vỡ ra.” 
Chưa có điều gì tương tự như vậy được ghi chép trước đó. Người quản lý Brown đã viết một bài báo học thuật với tựa đề “Nỗi đau của loài Tinh Tinh” sau sự việc này. Ông tường thuật lại rằng một thời gian dài sau cái chết của nàng tinh tinh, chàng tinh tinh đực “liên tục ngủ trên một thanh gỗ trên nóc chuồng, quay lại với tập tính trước đó, và có vẻ như lo lắng nhiều hơn về các nguy cơ không lường trước được. Sự lo lắng này được nâng lên mức cao hơn do sự cô đơn của nó.”
Cô đơn là nỗi đau, là sự bất đồng. Con người cũng là loài linh trưởng và có nhu cầu giao tiếp xã hội còn nhiều hơn cả tinh tinh. Chúng ta khao khát sự gần gũi. Chúng ta khô héo nếu không có nó. Ấy vậy mà từ rất lâu trước khi dịch bệnh hiện nay nổ ra, kéo theo nó sự cô lập và cách ly xã hội bắt buộc, thì con người đã tự xây những chuồng khỉ cho riêng mình rồi. Trước thời kỳ hiện đại, có rất ít người sống một mình. Rồi dần dần, không lâu lắm, bắt đầu tư khoảng một thế kỷ trước, xu hướng đó đã thay đổi. Ở nước Mỹ, bây giờ cứ trong 4 người lại có ít nhất 1 người sống một mình. Ở một vài vùng của đất nước, đặc biệt là ở thành phố lớn, tỷ lệ đó còn cao hơn rất nhiều. Bạn có thể sống một mình mà không cảm thấy cô đơn, hoặc cũng có thể cảm thấy cô đơn dù không sống một mình, nhưng hai yếu tố đó thường gắn chặt với nhau; và mối liên quan này khiến cho việc phong tỏa xã hội, buộc mọi người phải trú ẩn tại nhà khiến cuộc sống chúng ta ngột ngạt không chịu nổi. Nghe thì có vẻ hơi hiển nhiên nhưng sự cô đơn là một thứ vô cùng tệ hại đối với sức khỏe của bạn. Vào năm 2017 và 2018, cựu Tổng Y sĩ Hoa Kỳ, ông Vivek H. Murthy đã công bố tình trạng “đại dịch cô đơn”, còn nước Anh thì có Bộ Trưởng Bộ Cô đơn đầu tiên. Để chẩn đoán bệnh này, các bác sĩ ở U.C.L.A đã đề xuất Thang Đo Sự Cô Đơn. Bạn có thường xuyên, đôi lúc, hiếm khi hay không bao giờ cảm thấy như dưới đây?
Tôi cảm thấy không hạnh phúc khi phải làm nhiều thứ một mình.
Tôi không có ai để nói chuyện cả.
Tôi không thể chịu được việc ở một mình.
Tôi có cảm giác dường như chẳng ai hiểu tôi.
Tôi không còn cảm thấy gần gũi với ai đó nữa.
Tôi không thể trông cậy vào ai được nữa.
Tôi cảm thấy tách biệt với mọi người.
Trong thời đại ai cũng bị cách ly, liệu một dịch bệnh có đang dẫn đến một dịch bệnh khác?
“Cô đơn” là một thuật ngữ theo mốt, và như những từ ngữ theo mốt khác, nó được dùng để mô tả mọi thứ mà con người muốn nhắc đến nhưng không dám gọi tên và không rõ sẽ giải quyết như thế nào. Có rất nhiều người thích ở một mình. Bản thân tôi cũng rất thích ở một mình. Nhưng sự đơn độc và tách mình, những điều mà tôi thích, thì lại khác hoàn toàn với sự cô đơn, vốn là thứ mà tôi ghét. Cô đơn là một dạng trạng thái căng thẳng tột độ. Các nhà khoa học thần kinh đã xác định được cô đơn là một trạng thái cảnh giác cực cao có nguồn gốc di truyền từ tổ tiên linh trưởng và sau này là tổ tiên trong thời kỳ săn bắn hái lượm của chúng ta. Phần lớn các nghiên cứu trong lĩnh vực này được dẫn dắt bởi John Cacioppo, ở Trung tâm Nghiên cứu Nhận thức và Khoa học Thần kinh Xã hội, ở Đại học Chicago. Cacioppo đã mất vào năm 2018 và được biết đến với cái tên Giáo sư Cô đơn. Trong quyển sách “Together: The Healing Power of Human Connection in a Sometimes Lonely World” (Harper Wave), Murthy giải thích cách thuyết tiến hóa về sự cô đơn của Cacioppo được kiểm chứng bởi các nhà nhân chủng học ở Đại học Oxford, những người đã truy được dấu vết của trạng thái này từ năm mươi hai triệu năm trước - thời của những con linh trưởng đầu tiên. Những con linh trưởng cần phải ở trong một nhóm thân mật với nhau, có thể là một gia đình hoặc là một nhóm nhỏ, để sống sót. Điều này cũng cực kỳ đúng với loài người thời đó (những người mà bạn không biết khả năng cao sẽ giết bạn, một rủi ro mà mọi loại linh trưởng đều gặp phải). Bị tách rời khỏi nhóm vì lý do nào đó, như là đi lạc hoặc đi nhầm vào một nhóm mà trong đó không ai biết hoặc hiểu bạn - có thể kích hoạt trạng thái chiến đấu-hoặc-bỏ-chạy. Cacioppo tranh luận rằng cơ thể bạn coi việc ở một mình, hoặc ở với người lạ, là trạng thái khẩn cấp. “Trải qua nhiều thiên niên kỷ, tính cảnh giác cao độ để phản ứng với sự cô lập đã hằn sâu vào hệ thần kinh và tạo ra cảm giác căng thẳng khi chúng ta sống trong cô đơn,” Murthy viết. Chúng ta thở dốc, tim đập nhanh, huyết áp tăng, và trằn trọc không ngủ được. Chúng ta biểu lộ sự sợ hãi, rơi vào trạng thái phòng thủ, và cố gắng tự làm mọi thứ - tất cả những điều này xua đuổi những người muốn giúp đỡ, và ngăn cản chúng ta, những người đang cô đơn, đạt được thứ có ích cho mình nhất: kết nối được với người khác.
Nhìn theo góc độ này thì dịch bệnh cô đơn khá là giống với dịch bệnh béo phì. Theo góc nhìn tiến hóa thì sự hoảng loạn khi ở một mình, giống như việc không thể cưỡng lại được với thực phẩm có hàm lượng calo cao, là các phản ứng có tính thích ứng với môi trường xung quanh cao. Nhưng giai đoạn gần đây, chúng ta đang sống trong một thế giới mà luật lệ (gần như) ngăn chặn việc chém giết lẫn nhau, và chúng ta cũng phải làm việc chung với những người lạ mỗi ngày. Vấn đề lúc này có khả năng cao cũng tương tự như việc người béo phì tiếp xúc với quá nhiều thực phẩm có hàm lượng calo cao. Những phản ứng lúc này sẽ phản tác dụng.
Sự cô đơn, Murthy lập luận, là nguyên nhân của một loạt vấn đề - sự lo âu, bạo lực, chấn thương tâm lý, tội phạm, tự tử, trầm cảm, sự thờ ơ với chính trị, hay thậm chí cả phân cực chính trị. Murthy viết với lòng trắc ẩn, nhưng kiểu lập luận cái-gì-cũng-quy-cho-sự-cô-đơn này rất khó nuốt, không phải chỉ vì phần lớn những điều anh ta nói về sự cô đơn giống như cách người ta nói về vấn đề vô gia cư trong những thập niên 1980, khi khái niệm vô gia cư còn rất mơ hồ nhưng dễ đề cập đến hơn là “sự nghèo đói”. Cách nói này khi đó chẳng có ích chút nào (kể từ đó số lượng người Mỹ vô gia cư cũng tăng lên). Tò mò thay, Murthy cũng thường liên hệ hai điều này với nhau và giải thích sự cô đơn giống như cảm giác vô gia cư. Cảm thấy thuộc về với Murthy là cảm thấy như đang ở nhà. “Bạn cảm thấy như đang ở nhà khi bạn cảm thấy mình được thấu hiểu,” anh viết. Nhà có thể là bất cứ đâu. Xã hội loài người rất phức tạp, con người có những mối quan hệ ý nghĩa, thân mật với rất nhiều kiểu người khác nhau, thậm chí là vượt qua cả rào cản địa lý. Bạn có thể cảm thấy như ở nhà với bạn bè, hay ở chỗ làm việc, hay ở phòng ăn của trường đại học, hay sân vận động Yankee, hay ở một quán bar nơi bạn ở. Cô đơn là khi bạn cảm giác không có nơi nào là nhà cả. “Từ cộng động này đến cộng đồng khác”, Murthy viết, “tôi gặp những người cô đơn cảm thấy bản thân như vô gia cư dù đã có một mái nhà che trên đầu mình.” Có lẽ người trải qua sự cô đơn và người vô gia cư đều muốn một mái ấm với những người cần và yêu thương họ, muốn biết rằng xã hội cần và quan tâm đến họ. Đấy không phải là một chính sách chính trị. Đấy là một cáo trạng của cuộc sống hiện đại. 
Trong cuốn “A Biography of Loneliness: The History of an Emotion” (Oxford), nhà Sử học người Anh Fay Bound Alberti định nghĩa sự cô đơn là “một nhận thức, một cảm giác có ý thức về sự ghẻ lạnh hoặc tách biệt mang tính xã hội khỏi những điều có ý nghĩa khác.” Cô phản đối suy nghĩ rằng sự cô đơn là một yếu tố phổ biến, xuyên suốt trong lịch sử và là nguồn gốc của những thứ khiến chúng ta đau khổ. Cô lập luận rằng sự cô đơn không hề tồn tại trước thế kỉ thứ 19, hoặc ít nhất không phải ở dạng mãn tính. Điều đó không có nghĩa là những người, góa chồng, góa vợ, hay những người nghèo khổ, ốm yếu, hoặc những người bị xã hội ruồng bỏ - không cảm thấy cô đơn; mà thật ra là vì thời đó chúng ta gần như không thể tồn tại được nếu không sống cùng, không được kết nối với những người khác bằng những mối quan hệ tình cảm, trung thành và mang tính nghĩa vụ, nên cô đơn chỉ là một trải nghiệm nhất thời. Các quân vương có lẽ rất cô đơn, một cách kinh niên. (Sẽ rất cô đơn nếu bạn là người đứng đầu!) Còn với phần lớn những người bình thường, những người có cuộc sống hàng ngày với quá nhiều mối liên kết phức tạp cần đến sự phụ thuộc và tương tác - và còn phải chia sẻ với nhau nơi trú ẩn - thì việc cô đơn kinh niên hay vô cùng tuyệt vọng đồng nghĩa với cái chết. Từ “cô đơn” hiếm khi xuất hiện trong Tiếng Anh trước những năm 1800. Robinson Crusoe ở một mình, nhưng không bao giờ cô đơn. Một ngoại lệ là Hamlet: Ophelia chịu đựng sự cô đơn và sau đó cô đã để mình chết đuối.
Sự cô đơn thời hiện đại, theo quan điểm của Alberti, là đứa con của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa duy vật. “Rất nhiều sự chia rẽ và phân cấp được phát triển kể từ thế kỉ thứ 18 - giữa cái tôi và thế giới, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa công cộng và tư nhân - đã được tự nhiên hóa thông qua chính trị và triết học của chủ nghĩa cá nhân,” cô viết. “Liệu có phải là ngẫu nhiên mà ngôn ngữ của sự cô đơn lại xuất hiện cùng một thời điểm?” Câu trả lời là không. Sự trỗi dậy của tính riêng tư, thứ bạn có thể mua được như một sản phẩm của thị trường chủ nghĩa tư bản là một yếu tố dẫn tới sự cô đơn. Điều tương tự xảy ra với chủ nghĩa cá nhân, cũng là một thứ bạn phải trả tiền để có được.
Cuốn sách của Alberti là lịch sử của sự cô đơn trên phương diện văn hoá (ví dụ như cô đưa ra một phiên bản tươi sáng hơn của cuốn “Wuthering Heights” hay Tuyển tập thư của Sylvia Plath). Nhưng dưới phương diện lịch sử xã hội thì mọi thứ còn thú vị hơn: các học giả nhận định rằng bất cứ thứ dịch bệnh cô đơn nào được cho là đang tồn tại đều có sự liên quan rất mật thiết với việc sống một mình. Khó có thể nói rằng sống một mình khiến con người trở nên cô đơn hay vì cô đơn nên con người mới sống một mình; nhưng những bằng chứng ủng hộ vế thứ hai có vẻ chiếm ưu thế hơn: chính lực đẩy của lịch sử, không phải việc tự đưa ra lựa chọn, đã dẫn đến việc con người sống một mình. Đây là một thách thức đối với những người đang cố gắng chống lại dịch bệnh cô đơn, vì lực đẩy của  lịch sử thì không bao giờ ngừng nghỉ.
Trước thế kỉ thứ 20, theo những nghiên cứu nhân khẩu học theo chiều dọc tốt nhất (ND: nghiên cứu theo chiều dọc (longitudinal) là nghiên cứu trong đó dữ liệu trên một nhóm đối tượng được thu thập lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian nhất định), khoảng 5 phần trăm số hộ gia đình (hoặc khoảng 1 phần trăm của dân số thế giới) chỉ có một thành viên. Con số này bắt đầu tăng lên từ khoảng những năm 1910, dưới tác động của các yếu tố như đô thị hoá, sự thuyên giảm số lượng người giúp việc tại gia, tỷ lệ sinh giảm, và việc mô hình gia đình truyền thống với nhiều thế hệ được thay thế bằng mô hình gia đình hạt nhân. Đến thời điểm David Riesman xuất bản cuốn “The Lonely Crowd” vào năm 1950, 9 phần trăm hộ gia đình chỉ bao gồm duy nhất 1 thành viên. Vào năm 1959, ngành tâm thần học phát hiện ra sự cô đơn, từ một bài tiểu luận tinh tế của một chuyên gia phân tích người Đức, Frieda Fromm-Reichmann. “Sự cô đơn dường như là một trải nghiệm đau đớn và đáng sợ khiến con người có thể làm bất cứ điều gì để tránh được nó”, cô viết. Cô cũng đã từng rùng mình khi cân nhắc kỹ về nó. “Sự khao khát được gắn kết thân mật với người khác sẽ luôn ở trong mỗi cá nhân từ lúc sơ sinh cho đến hết cuộc đời,” cô viết, “và không một ai không bị đe dọa bởi nguy cơ mất đi sự thân mật đó.” Những người không cô đơn sợ sự cô đơn tới mức trốn tránh nó, vì họ sợ rằng nó có thể lây nhiễm tới họ. Những người cô đơn thì ghê sợ những điều bản thân đang trải qua tới mức trở nên kín đáo và tự ám thị - “sự cô đơn khiến những người này có một niềm tin đáng buồn là không một ai khác đang trải qua hoặc có thể hiểu được điều họ đang trải qua hay đã trải qua”, Fromm-Reichmann viết. Một bi kịch của sự cô đơn là những nạn nhân của nó không thể thấy rằng rất nhiều người khác cũng có cảm nhận giống họ. 
“Trong nửa thế kỉ vừa qua, giống loài chúng ta đã bắt đầu một thí nghiệm xã hội đáng chú ý,” nhà xã hội học Eric Klinenberg viết trong cuốn “Going Solo: The Extraordinary Rise and Surprising Appeal of Living Alone'', từ năm 2012. “Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, rất nhiều người, ở mọi độ tuổi, ở khắp mọi nơi, từ mọi khuynh hướng chính trị - đã bắt đầu ổn định cuộc sống như một người độc thân (singletons).” Klinenberg cho rằng điều này, hay phần lớn của nó, là một chiến thắng của nhân loại; nhưng hợp lý hơn thì nó phải là một thảm họa. Bắt đầu từ những năm 1960, phần trăm những hộ gia đình chỉ có một thành viên tăng lên đáng kể, kết quả của tỉ lệ ly dị cao, tỉ lệ sinh vẫn giảm, và tuổi thọ cao hơn nói chung. (Sau sự trỗi dậy của gia đình hạt nhân, người già bắt đầu sống một mình, vì phụ nữ thường sống lâu hơn chồng của họ.) Tài liệu y khoa về sự cô đơn bắt đầu xuất hiện từ thập niên 1980, cùng lúc đó những nhà hoạch định chính sách cũng bắt đầu quan tâm và gắn khái niệm hộ gia đình 1 thành viên với khái niệm “vô gia cư”, một tình trạng kinh khủng hơn nhiều so với nó: vô gia cư là trở thành một hộ gia đình mà không sở hữu một mái nhà. Cacioppo bắt đầu nghiên cứu của mình vào những năm 1990, khi con người đang xây dựng mạng lưới máy tính để kết nối với nhau dễ dàng hơn. Klinenberg, tốt nghiệp đại học vào năm 1993, cũng đặc biệt quan tâm đến những người chọn sống một mình vào thời điểm đó.
Tôi nghĩ tôi là một trong số họ. Tôi cố gắng sống một mình khi mới 25 tuổi vì cảm thấy điều đó có vẻ quan trọng với mình, giống như việc sở hữu một đồ nội thất không thể tìm thấy ở ngoài đường cũng quan trọng với tôi khi đó vậy. Nó như một dấu hiệu của sự trưởng thành, tôi có thể trả tiền thuê nhà mà không cần người thuê lại căn hộ tôi thuê. Giờ nghĩ lại tôi có thể nói rằng khi đó mình đơn giản là đủ khả năng trả tiền để mua sự riêng tư; còn tôi-của-ngày đó sẽ khẳng định bản thân đã “được là chính mình”. Tôi chỉ trụ được có 2 tháng. Tôi không thích xem tivi một mình, và không có tivi. Còn thời điểm đó, nếu không phải thời hoàng kim của tivi, thì là thời hoàng kim của “The Simpsons”, thế nên tôi bắt đầu xem tivi với người sống ở căn hộ ngay bên cạnh mình. Tôi chuyển vào sống cùng anh ấy, và sau đó chúng tôi kết hôn.
Trải nghiệm này có thể không khớp với câu chuyện mà Klinenberg kể. Klinenberg lập luận rằng công nghệ truyền thông kết nối, khởi đầu bằng việc phổ cập điện thoại vào những năm 1950, đã giúp việc sống một mình trở nên thuận tiện hơn. Với đài, tivi, mạng Internet, mạng xã hội, chúng ta có thể cảm thấy như ở nhà khi online. Hoặc là không. Năm 2000, Robert Putnam ra mắt cuốn sách có tầm ảnh hưởng của mình, “Bowling Alone”, với chủ đề xoay quanh sự suy giảm của những mối quan hệ cộng đồng tại Mỹ. 4 năm sau đó, Facebook ra mắt, và trở thành nơi kiếm tiền từ sự cô đơn. Có người nói rằng sự thành công của mạng xã hội là sản phẩm của dịch bệnh cô đơn, một vài người lại nói mạng xã hội là một yếu tố gây ra dịch bệnh, còn một số khác thì cho rằng nó là phương thuốc chữa duy nhất. Hãy kết nối! Hãy ngừng kết nối! Dẫu sao thì The Economist vẫn phải tuyên bố sự cô đơn là “Bệnh phong của thế kỉ 21”. Và dịch bệnh thì ngày càng phát triển. 
Đây không còn chỉ là một hiện tượng khác thường ở Mỹ. Sống một mình, không chỉ phổ biến ở Mỹ, mà thậm chí còn phổ biến hơn ở những nơi khác trên thế giới bao gồm các nước Scandinavia, Nhật Bản, Đức, Pháp, Vương quốc Anh, Úc và Canada, và cũng đang dần trở nên phổ biến ở Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Sống một mình sẽ tốt nhất ở những nước có hệ thống bảo trợ xã hội tốt. Và tệ nhất với những nước như Mỹ. Chúng ta không chỉ cần mạng Internet mà còn cần cả mạng lưới an sinh xã hội nữa.
Và rồi một sự giam cầm lớn ở mức độ toàn cầu bắt đầu: cách ly cưỡng chế, cách ly xã hội, phong tỏa biến cả xã hội thành một “vườn thú” giam giữ con người. Dù sao có Zoom còn tốt hơn là chẳng có gì. Nhưng chuyện này sẽ kéo dài được bao lâu? Và chuyện gì sẽ xảy ra khi kết nối Internet của bạn bị gián đoạn: là một sự hoảng loạn, là cảm thấy sợi dây cuối cùng kết nối con người với nhau bị cắt đứt? Đó là một thí nghiệm tồi tệ và đáng sợ, một thí nghiệm để xác định xem con người có khả năng chịu đựng sự cô đơn đến mức nào. Liệu bạn có bứt tóc? Bạn có lao đầu vào bức tường giam giữ mình? Bạn có ném đồ đạc, khóc lóc và kêu gào với cảm giác bị nhốt? Chuyện đó có xảy ra thường xuyên, hay là hiếm khi, hay là không bao giờ? Có xảy ra nhiều hơn hôm nay so với hôm qua?

Bài gốc đăng trên The New Yorker
Bài viết được tài trợ dịch thuật bởi anh Minh Triet Luu, founder Soft Decor với mong muốn đóng góp cho Spiderum những nội dung chất lượng, qua đó góp phần xây dựng một cộng đồng người trẻ Việt ham học hỏi, văn minh và giàu tri thức.