Tâm thần phân liệt là như thế nào? | SAMURICE
Tâm thần phân liệt hay Schizophrenia là căn bệnh đặc biệt, cực kỳ khó nhận biết và cũng khó chữa trị. Hãy cùng SAMURICE tìm hiểu tâm thần phân liệt là bệnh gì, triệu chứng như thế nào và làm thế nào để chữa.
Tâm thần phân liệt hay Schizophrenia là căn bệnh đặc biệt, cực kỳ khó nhận biết và cũng khó chữa trị. Hãy cùng SAMURICE tìm hiểu tâm thần phân liệt là bệnh gì, triệu chứng như thế nào và làm thế nào để chữa.
Nội dung hôm nay sử dụng các trích dẫn, nghiên cứu khoa học đến từ cẩm nang MSD về tâm thần phân liệt, Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, Thư viện quốc gia Hoa Kỳ, nghiên cứu của Liên minh quốc gia về bệnh tâm thần Hoa Kỳ, Cẩm nang chẩn đoán và thống kê về rối loạn tâm thần, bài giảng của nhà nghiên cứu thần kinh học Robert Sapolsky tại đại học Stanford. Đường dẫn của các nguồn trên sẽ được để trong phần mô tả bên dưới.
Còn bây giờ, hãy cùng tìm hiểu về tâm thần phân liệt.
Ảo giác là thế nào?
Chắc chắn bất cứ ai từng sở hữu điện thoại cũng đã trải qua cảm giác này. Đang đi đường hoặc đang ngồi yên, tự dưng thấy điện thoại rung trong túi quần. Hình như có tin nhắn, ta tự nhủ. Xong rồi khi rút điện thoại từ túi quần ra thì mới thấy là chả có thông báo gì, không tin nhắn, không cuộc gọi nhỡ. Chả gì cả. Nhưng mà ta có thể khẳng định chắc nịch là đã thấy rung rung ở đùi.
Đến đây chắc hầu như ai cũng bỏ qua, nghĩ là mình thấy nhầm thôi. Nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi biết theo nghiên cứu của tiến sĩ Robert Rosenberger Đại Học Georgia Institute of Technology cho thấy 90% học sinh trong trường đã trải nghiệm hiện tượng này. Đây là hiện tượng ảo giác tri giác có tên là Phantom Vibration.
Phantom Vibration xảy ra khi chúng ta đã quen với việc sử dụng điện thoại và bộ não đã phát triển cơ chế nhận dạng để biết khi có tín hiệu đến với điện thoại trong quần. Nhưng cũng vì cơ chế này, khi có những cử động đặc biệt ở vùng túi quần, não bộ sẽ nhầm lẫn và tưởng rằng đó là điện thoại rung và báo cho chúng ta một cảm giác không có thực. Nói ngắn gọn, đó là ảo giác.
Ví dụ về Phantom Vibration vừa rồi được đưa ra nhằm mục đích dẫn đường cho các bạn đến với nội dung ngày hôm nay, nội dung thực sự cần phải được lắng nghe với sự chú tâm. Nếu các bạn thấy túi quần rung là loại ảo giác vô hại, hãy tưởng tượng đến những người phải chịu đựng ảo giác gần như là 24h mỗi ngày, những bệnh nhân tâm thần phân liệt.
Tâm thần phân liệt là gì?
Schizophrenia là từ ghép gồm 2 phần là Schizo và Phrenia. Schizo có gốc nghĩa Hy Lạp, nghĩa là phân tách còn Phrenia là để chỉ những chứng bệnh tâm thần. Dù có nghĩa là tâm thần bị phân tách nhưng Schizophrenia không có nghĩa là chứng đa nhân cách, đây là một chứng hoàn toàn khác biệt.
Tâm thần phân liệt không chỉ là 1 bệnh mà thực tế là 1 chùm các triệu chứng không đồng nhất. Một số ví dụ điển hình là tâm thần phân liệt hoang tưởng hay Paranoid Schizophrenia, tâm thần phân liệt suy giảm nhận thức Catatonic Schizophrenia và thậm chí còn có cả sự kết hợp giữa tâm thần phân liệt và trầm cảm là Schizoaffective Disorder.
Schizophrenia là bệnh về sự bất thường trong nhận thức. Ví dụ, mọi người có thể kể câu chuyện theo trình tự logic A đến B rồi C và D. Người bệnh tâm thần phân liệt sẽ có bộ não hoạt động khác biệt, đưa câu chuyện từ A đến D rồi Z và C. Đây chỉ là ví dụ về sự khác biệt giữa 2 bộ não, không phải một biểu hiện của căn bệnh này.
Nhờ sự rối loạn này mà người mắc tâm thần phân liệt thường gặp khó khăn khi đối mặt với những tư duy phức tạp, như những ví dụ trừu tượng chẳng hạn. Khi xem báo đài và nghe thông tin, chúng ta có thể phân biệt được giữa sự việc và các bình phẩm xoay quanh sự việc đó. Sự rối loạn trong suy nghĩ của tâm thần phân liệt dễ dẫn họ tới việc đi quá sâu vào các bình phẩm và lẫn lộn giữa những sự thực và sự thêu dệt qua các bình luận.
Đó là bệnh tâm thần phân liệt, khi bộ não đánh lừa chúng ta và cho chúng ta những mạch suy nghĩ không hợp lý. Nhưng đó không phải là tất cả. Như đã kể ở trên, tâm thần phân liệt là một chùm các bệnh lý khác nhau với các triệu chứng đặc biệt. Vậy thì các triệu chứng đó là gì?
Các triệu chứng
Đầu tiên, nói đến tâm thần phân liệt, hầu hết mọi người đều nghĩ đến bệnh hoang tưởng, nhìn thấy nghe thấy những thứ không có thật. Dù đúng với một số trường hợp nhưng đó không phải là toàn bộ tất cả về tâm thần phân liệt. Vậy các triệu chứng cụ thể của căn bệnh này là thế nào?
Theo cẩm nang y khoa MSD, tâm thần phân liệt được chia ra thành 4 dạng: Dương tính, Âm tính, Thiếu tổ chức và cuối cùng là Nhận Thức.
Dương tính
Về các triệu chứng dương tính, chúng ta có các hoang tưởng hay các Delusions và các ảo giác hay Hallucination. Hoang tưởng là niềm tin sai lệch với thực tại. Một số loại hoang tưởng có thể thấy bao gồm:
1/ Hoang tưởng truy hại: bệnh nhân tin rằng họ bị theo dõi, bị tra tấn hoặc có ai đó đang mưu đồ làm hại mình. Ví dụ: không ai làm gì nhưng bệnh nhân tin chắc như đinh đóng cột là ông hàng xóm muốn đồ sát mình.
2/ Hoang tưởng liên hệ: bệnh nhân tin rằng các đoạn văn, lời hát hoặc các sự kiện, hiện tượng đời thực có liên hệ trực tiếp với họ. Để dễ hiểu, bệnh nhân có thể sẽ nói rằng mình chính là người mẫu của bức tranh Mona Lisa nổi tiếng.
3/ Hoang tưởng bị đánh cắp tư duy hoặc bị áp đặt tư duy: người bệnh sẽ tin rằng suy nghĩ của họ có thể bị nghe trộm và bị phát tán. Một số người bệnh khác tin rằng có người hoặc thế lực nào đó đặt suy nghĩ của họ vào đầu mình, thao túng và điều khiển mình.
Nhìn chung, các hoang tưởng đều không đến từ thực tại mà được góp nhặt từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, thay đổi và biến thành những suy nghĩ, những niềm tin không thể tồn tại trong đời thực. Lưu ý, đây chỉ là các suy nghĩ và các niềm tin chứ không phải ảo giác.
Ảo giác là hiện tượng đặc biệt hơn của tâm thần phân liệt. Các ảo giác mà người bệnh trải nghiệm là những nhận thức mà chỉ mình họ thấy, không ai khác có thể cảm nhận được. Giống như chiếc điện thoại rung trong quần mà chúng ta đã bàn cùng nhau ở đầu video, đối với người bệnh thì các ảo giác này hoàn toàn có thực và họ không có cớ gì để không tin vào sự tồn tại của nó.
Các ảo giác có thể tác động lên cả 5 tri giác của người bệnh, họ có thể nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận thấy, ngửi thấy và thậm chí là biết vị của ảo giác như thế nào. Trong số các ảo giác trên thì ảo giác thính giác là phổ biến nhất.
Với các bệnh nhân bị ảo giác thính giác, họ có thể nghe được tiếng nói vọng lại từ xung quanh và đây không phải lời nói ngẫu nhiên của những người quanh họ. Các lời nói này như đang nói trực tiếp với người bệnh, bình phẩm về hành động của họ và sỉ nhục họ. Một số trường hợp cực đoan còn có nhiều giọng nói khác nhau, cùng bình luận với nhau về hành vi người bệnh.
Với các bệnh nhân bị hoang tưởng và ảo giác, cuộc sống của họ thực sự rất phiền hà vì liên tục bị ảnh hưởng bởi những biến cố không có thực. Từ đó, chất lượng cuộc sống giảm sút và khó có thể tiến xa trong cuộc đua của xã hội.
Âm tính
Với các triệu chứng âm tính, người bệnh có thể bị ăn mòn về cảm xúc, không có biểu hiện trên khuôn mặt, ngôn ngữ bị suy giảm, ít nói, ít trả lời và bị trống rỗng nội tâm. Họ còn có thể bị mất khoái cảm, cụ thể là mất hứng thú với hoạt động xung quanh và tăng cường làm các hành động không cần thiết. Cuối cùng, họ có thể mất dần các quan hệ với xã hội.
Với các triệu chứng âm tính, người bệnh sẽ dần mất động lực và suy giảm ý thức, mục tiêu và mục đích trong cuộc sống.
Thiếu tổ chức
Các triệu chứng thiếu tổ chức của người mắc tâm thần phân liệt có thể được coi là một phần của các triệu chứng dương tính nhưng cũng có thể phân loại riêng. Những triệu chứng này có thể là các rối loạn về tư duy hoặc các hành vi kỳ dị.
Ví dụ, sự rối loạn về tư duy có thể được diễn tả thông qua sự cấu thành bất thường của ngôn ngữ. Họ có thể nói những câu vô nghĩa, được tạo nên nhờ những từ ngữ rất ngẫu nhiên. Hoặc họ có thể dễ dàng bị lệch chủ đề, bàn từ chủ đề A sang chủ đề Z một cách rất ngẫu nhiên.
Về các hành vi kỳ dị, nó có thể là những hành vi nhỏ lẻ nhẹ nhàng như cách cư xử như trẻ con, dễ kích động. Hoặc tới mức cao hơn là không làm chủ được diện mạo, vệ sinh cá nhân hoặc thậm chí là mặc nhiều quần áo ấm vào mùa hè.
Nhận thức
Về sự thiếu hụt về nhận thức của bệnh nhân tâm thần phân liệt, một số biểu hiện có thể thấy bao gồm suy giảm khả năng chú ý, tốc độ xử lý thông tin, trí nhớ, tư duy trừu tượng, khả năng giải quyết vấn đề và tương tác cơ bản trong xã hội. Ngoài ra, tư duy bệnh nhân cũng không linh hoạt, không nghĩ ra cách xử lý vấn đề và thiếu khả năng thông hiểu quan điểm người khác; từ đó, khả năng học hỏi và phát triển cũng dần suy giảm.
Phân loại
Nhờ các nhóm triệu chứng trên, các bệnh nhân tâm thần phân liệt thường được phân loại thành 2 nhóm. Nhóm thiếu hụt và không thiếu hụt:
1/ Nhóm thiếu hụt: bệnh nhân có các triệu chứng âm tính nổi bật mà không quy cho các yếu tố khác như trầm cảm, lo âu, môi trường hoặc tác dụng phụ của thuốc.
2/ Nhóm không thiếu hụt: bệnh nhân chủ yếu là những người chịu hoang tưởng, ảo giác và rối loạn tư duy nhưng hầu như không có các triệu chứng âm tính.
Các giai đoạn
Dù các triệu chứng vừa kể trên có thể dễ nhận biết nhưng hầu như các bệnh nhân của tâm thần phân liệt đều không có những biểu hiện đó khi mới bắt đầu có bệnh. Thêm vào đó, những biểu hiện tâm lý của bệnh nhân có thể dễ dàng nhầm lẫn với các hành vi kích động tâm lý ở người bình thường. Vì vậy, kể cả có phát bệnh, gần như các bệnh nhân lẫn người nhà đều không biết cho tới khi mọi thứ đã dần tệ đi.
Theo cẩm nang MSD Manual, các giai đoạn phát triển của tâm thần phân liệt có thể được chia ra như sau:
1/ Giai đoạn tiềm phát, đây là thời điểm bệnh nhân có thể không có triệu chứng hoặc có một phần suy giảm năng lực xã hội, có chút méo mó về tư duy và tri giác. Nhưng chủ yếu đều là các biểu hiện nhẹ, dễ bị bỏ qua hoặc chỉ được nhận ra thông qua các phương pháp đặc biệt.
2/ Giai đoạn tiền triệu, đây là thời điểm bệnh nhân bắt đầu có những triệu chứng lâm sàng như rút lui, cô lập khỏi xã hội, dễ cáu và đa nghi, sinh ra những tư duy bất thường và có các triệu chứng thiếu tổ chức. Đây là giai đoạn thực sự phức tạp vì các biểu hiện này không xảy ra thường xuyên, có thể bùng phát trong một tuần hoặc nhiều tuần nhưng cũng có thể âm ỉ và phát triển trong nhiều năm. Với các bệnh nhân phát triển âm ỉ, căn bệnh này sẽ núp bóng sự cáu kỉnh, khó ưa và chống đối xã hội. Vì vậy công tác phát hiện và chữa lành cũng khó có thể được thực hiện.
Nhưng có điều cần lưu ý. Với hai giai đoạn trên, dù các triệu chứng có thật và được phát hiện thì cũng không hẳn là nguy hiểm. Với tỉ lệ chỉ chưa đầy 40% tiến triển thành tâm thần phân liệt hoàn toàn, các bệnh nhân hoàn toàn có thể tiếp tục cuộc sống bình thường với sự giúp đỡ của người thân và gia đình. Nhưng điều đó khó có thể được nói với các giai đoạn tiếp theo.
3/ Giai đoạn loạn thần, các triệu chứng diễn ra thường xuyên hơn và thường ở mức tồi tệ nhất. Những người bị hoang tưởng hoặc ảo giác sẽ nhìn thấy, nghe thấy nhiều hơn, những hoang tưởng họ chịu đựng sẽ lớn hơn và gây ra nhiều sự hoang mang trong tâm trí.
4/ Giai đoạn trung gian, các triệu chứng có thể xảy ra theo từng thời kỳ hoặc liên tục, gây thiếu hụt về chức năng và có xu hướng khiến bệnh tệ hơn.
5/ Giai đoạn muộn, khi tình trạng bệnh tật có thể được thiết lập, nghĩa là xác định cụ thể các tính chất. Đây là thời điểm tình trạng khuyết tật có thể ổn định, xấu hơn hoặc giảm bớt.
Chẩn đoán
Theo Tiêu chuẩn lâm sàng trong cuốn “Cẩm nang chẩn đoán và thống kê về rối loạn tâm thần” viết tắt là DSM, để chẩn đoán tâm thần phân liệt, người bệnh phải được xác nhận là có 2 trong các triệu chứng đặc biệt. Người bệnh phải bị hoang tưởng, ảo giác hoặc suy giảm ngôn ngữ CÙNG LÚC với các triệu chứng âm tính. Nếu chỉ có hoang tưởng, ảo giác mà không có các triệu chứng âm tính thì khó có thể xác nhận người bệnh bị tâm thần phân liệt.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng phải có một khoảng thời gian phát bệnh cụ thể, trong khoảng 6 tháng và trong đó phải có 1 tháng là ở giai đoạn tiền triệu.
Cuối cùng, người bệnh phải có tình trạng không liên quan tới các chất kích thích. Nếu không thì chẩn đoán sẽ không chính xác.
Có thể thấy, các phương thức chẩn đoán thực sự rất chi tiết và cần bệnh nhân đáp ứng khá nhiều tiêu chuẩn để có thể thực sự được nhận kết quả chính xác. Điều này không phải là ngẫu nhiên vì bệnh tâm thần nói chung đều rất khó chẩn đoán, khó xác định cụ thể nguyên nhân từ đâu và người bệnh có đang giả vờ hay không.
Hãy tạm bỏ qua trường hợp có người muốn giả bệnh và cùng đặt câu hỏi quan trọng nhất: “Tâm thần phân liệt kinh khủng như vậy thì nguồn gốc của nó từ đâu mà ra?”
Câu trả lời ngắn gọn nhất…chúng ta không biết.
Nguồn gốc
Theo tài liệu tổng hợp bởi Thư viện y khoa quốc gia Hoa Kỳ - NIH, cụ thể là bài đăng về nghiên cứu di truyền của hơn 36.000 trường hợp tâm thần phân liệt, chúng ta chỉ có thể nói là tâm thần phân liệt rất có thể đến từ di truyền.
“Tâm thần phân liệt là một rối loạn có tính di truyền cao. Nguy cơ di truyền được quy bởi một số lượng lớn các alen, bao gồm cả các alen chung có tác động nhỏ có thể được phát hiện bằng các nghiên cứu liên kết toàn bộ bộ gen. Báo cáo này dựa trên một nghiên cứu liên kết bộ gen của bệnh tâm thần phân liệt trong nhiều giai đoạn lên đến 36.989 trường hợp và 113.075 đối chứng. Chúng tôi xác định 128 liên kết độc lập bao gồm 108 locus được xác định bảo tồn đáp ứng ý nghĩa toàn bộ bộ gen, 83 trong số đó chưa từng được xác định.”
Bên cạnh đó, những trường hợp mắc tâm thần phân liệt dù không có tiền sử gia đình nhưng yếu tố di truyền vẫn có liên quan. Những người có họ hàng bậc 1 có nguy cơ mắc bệnh lên đến 12% trong khi trong quần thể chung chỉ là 1%. Và với các cặp song sinh cùng trứng thì tính đồng nhất rơi vào khoảng 45%, nghĩa là khi một đứa song sinh mắc thì đứa còn lại có thể cũng mắc theo.
Mặc dù vậy, chúng ta cũng chưa kể kết luận là tâm thần phân liệt chỉ được truyền từ đời này sang đời khác. Một nguyên nhân khác được đưa lên tranh luận là ở cơ sở sinh học. Một số cho rằng sự thay đổi cấu trúc não, từ sự giãn rộng não thất tới lớp vỏ não mỏng có thể gây ra biến chứng não. Một số nhà nghiên cứu khác cho rằng sự thay đổi trong hóa học thần kinh, đặc biệt là sự ảnh hưởng của chất dẫn dopamine lẫn glutamate lên các nơ ron thần kinh đã tạo nên tâm thần phân liệt.
Ngoài ra, một số ý kiến khác còn cho rằng tâm thần phân liệt đến từ các virus ở hệ thần kinh trung ương hoặc các chấn thương từ khi còn nhỏ.
Thuốc chữa
Thuốc chữa hiệu quả cho tâm thần phân liệt hiện tại chưa tồn tại. Từ đây chúng ta có thể thấy ngay được khó khăn trong việc chữa trị. Thứ thuốc duy nhất có thể hỗ trợ trong quá trình chữa lành là Antipsychotic hay thuốc chống loạn thần, nhưng sử dụng thứ thuốc này thực sự đem lại nhiều câu hỏi hơn là sự giải tỏa.
Dù có thể hỗ trợ giảm đi các triệu chứng một cách hiệu quả, thuốc chống loạn thần không phải thuốc chữa hiệu quả mà cần đi kèm với các phương pháp chữa lành khác như thuốc hỗ trợ và tâm lý trị liệu. Ngoài ra, các tác dụng phụ của thuốc như tăng cân ngoài ý muốn, phụ thuộc thuốc hoặc thậm chí là phản tác dụng cũng khiến việc sử dụng chống loạn thần cần được cẩn trọng hơn.
Mặc dù vậy, khi phát hiện ra sớm và chữa trị sớm, người bệnh sẽ có thể kiểm soát bản thân tốt hơn và tái hòa nhập với xã hội hiệu quả hơn.
Chia sẻ
Nhìn chung, tâm thần phân liệt là một căn bệnh thực sự rắc rối và vô cùng đau đớn cho những người chịu đựng lẫn người thân của họ.
Dù không phải nghĩa chính thức nhưng Schizophrenia còn có thể hiểu là căn bệnh tách bệnh nhân ra khỏi xã hội nhờ những triệu chứng vô cùng khó lường của mình. Không ai muốn làm kẻ lạc loài, khác biệt, bị tách biệt khỏi đám đông và đặc biệt không ai muốn bị nhìn vào với ánh mắt đặc biệt.
Hành động cho tay vào túi quần tìm kiếm điện thoại một cách vô thức có thể hơi khó chịu với người bình thường. Nhưng với bệnh nhân tâm thần phân liệt, khi phải liên tục lắng nghe những lời chỉ trích bên tai, không có cách để tắt tiếng đi hoặc liên tục phải nhìn thấy những thứ không tồn tại, đôi khi là người đã khuất và cả những quái vật không có thực…chúng ta có thể phần nào hiểu được khó khăn của họ trong cuộc sống.
Khi chỉ có mình họ nhìn thấy, nghe thấy những thứ đó, thật khó để chia sẻ được với người khác về trải nghiệm của mình. Điều này vô tình đã khiến họ rơi vào sự cô đơn không đáng có. Họ không chỉ bị chỉ trích bởi chính bộ não của mình mà còn không thể chia sẻ được với ai. Vì thực tế mà nói, phần lớn chúng ta đều chỉ nhìn thấy sự phiền hà khi đối mặt với các câu chuyện hoang đường của bệnh nhân thay vì cảm thông cho họ.
Một bi kịch có thực trong xã hội ngày nay là chúng ta có quá ít thông tin và hiểu biết về căn bệnh này. Phần lớn khi nhìn vào những người có bệnh tâm lý hoặc tâm thần đều quy về một bệnh đó là bị điên. Ngoài ra, chúng ta còn hay mang trong mình quan niệm rằng những người này sẽ không kiểm soát được hành vi và sẽ có khuynh hướng bạo lực. Trong khi đó những người mắc tâm thần phân liệt lại có khuynh hướng ngược lại.
Người bị tâm thần phân liệt nói chung ít bạo lực hơn người không bị tâm thần phân liệt.
Những bệnh nhân có khả năng gây bạo lực là những người rối loạn sử dụng chất kích thích, có hoang tưởng bị hại hoặc không sử dụng thuốc theo đơn. Nhưng nhờ suy nghĩ chung về hành vi bạo lực của những người không có khả năng tự chủ đã khiến chúng ta xa lánh và bỏ rơi những người mắc tâm thần phân liệt.
Nhưng mọi chuyện còn có thể tệ hơn.
Khi bị bỏ tù, chúng ta có thể ra khỏi tù. Nhưng khi nhà tù là bộ não của chúng ta, là nơi chúng ta sống cả trong lúc đang ngủ thì đây thực sự là một địa ngục.
Có khoảng 20% bệnh nhân tâm thần phân liệt tìm tới sự giải thoát và 5 đến 6% trong số đó đã thành công. Và số lượng những người có ý tưởng hoặc có toan tính có lối thoát cực đoan còn nhiều hơn thế. Tự sát là nguyên nhân gây tử vong chính ở người bệnh tâm thần phân liệt, đưa tuổi thọ trung bình của người bệnh xuống 10 năm. Và theo nghiên cứu của Liên minh quốc gia về bệnh tâm thần - NAMI, với độ tuổi trung bình phát bệnh là độ tuổi 20 ở nam giới và 30 ở nữ giới, con số 10 năm vừa kể trên còn đáng sợ hơn nữa.
Với các bệnh nhân mắc tâm thần phân liệt, sự cô đơn trở thành một mối nguy lớn mỗi khi họ tỉnh táo và nhận thức được về bản thân. Và để thêm dầu vào lửa, những người giữ được tỉnh táo hay những bệnh nhân có chức năng tiềm phát tốt và những người có tiên lượng hồi phục cao nhất cũng chính là những người có nguy cơ tự sát cao nhất.
Với những người này, sự tỉnh táo không hẳn là món quà mà nó giống với lời nguyền thì hơn. Khi biết bản thân khó có thể hòa nhập cộng đồng, chịu đựng những bất ổn tâm lý và bất công trong cuộc sống, họ dễ sinh ra các suy nghĩ tiêu cực và dần đi đến kết luận cực đoan. Vì bản thân vẫn minh mẫn, họ vẫn cảm thấy buồn, đau và dễ bị ảnh hưởng bởi sự thất vọng dựa trên thực tế của bệnh tình.
Lời kết
Tại sao chúng ta lại phải sống? Chẳng phải sống là để tạo ra và tận hưởng một hành trình đẹp hay sao? Vậy thì thế giới vô thực mà ta đang trải nghiệm hàng ngày là gì? Địa ngục hay trần gian? Và cuối cùng thì sự tồn tại của mình đang có lợi hay có hại cho những người mà mình đang yêu thương? Những câu hỏi này cứ thế ăn mòn họ từ bên trong.
Và để kết thúc phần chia sẻ này, tôi xin để lại câu nói từ một bệnh nhân tâm thần phân liệt mà tôi từng tiếp xúc trực tiếp khi anh còn tỉnh táo.
“Tôi muốn biết lý do vì sao mình phải uống thuốc, nhưng cái tôi tìm thấy là một mớ thuốc khác”
Footnote
Nội dung trên được tham khảo từ các nguồn như:
Tâm thần phân liệt - Rối loạn tâm thần - Cẩm nang MSD - Phiên bản dành cho chuyên gia (msdmanuals.com)
Psychiatry.org - Clinical Practice Guidelines
Biological insights from 108 schizophrenia-associated genetic loci - PubMed (nih.gov)
What is Schizophrenia? | NAMI: National Alliance on Mental Illness
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất