Tôi không biết bạn đã trải qua bao nhiêu mối tình, nhưng sẽ có ít nhất một lần trong đời bạn lợi dụng tình yêu. 

Khoan hãy phản bác hay phán xét khi đọc dòng đầu tiên này. Tôi biết bạn không muốn bị nhìn nhận là một "Gã trai hư" (Bad boy/F*** boy) hay "Cô nàng lẳng lơ/Đào mỏ" (Slut/Gold digger) trong tình yêu. Và tôi cũng không có ý đó khi viết bài này. Chỉ là, đôi khi, chính bạn cũng không tự nhận thức được mình đã/đang/sẽ có khả năng lợi dụng tình yêu và đối phương. 
Đừng lo, tôi cũng vậy. Đó chính là lí do có bài viết này. 

Có 2 dạng lợi dụng tình yêu: 
Dạng 1: Chủ động 
Bạn yêu anh ta say đắm nhưng bạn chỉ thấy mặt anh ta trên giường, còn lại mất tăm. Bạn yêu cô ta say đắm nhưng bạn chỉ thấy mặt cô ta khi cô ta muốn mua một chiếc váy hay túi hàng hiệu nào đó. Bạn vừa chia tay sau 9 năm yêu nhau và quen ngay anh chàng đang đeo đuổi mình để chọc tức người cũ. Người yêu bạn ngay sau đó thường xuyên nhắn tin, hỏi han nhưng không có ý định quay lại. 
Đó lần lượt là những ví dụ cho sự chủ động lợi dụng về thể xác - vật chất - tinh thần. Ngoài ra còn vô số những hình thức khác. Không khó để tìm ra chân dung một kẻ lợi-dụng-tình-yêu-có-chủ-đích" bằng cách vào Google tìm kiếm "Signs a guy is using you" và nhận lại gần cả tỉ kết quả trong vài giây. 
Tuy nhiên, mục tiêu của tôi ở bài viết này, không phải lên án trường hợp nêu trên, mà mong muốn bàn luận và đi sâu vào dạng 2 nhiều hơn. Dạng tình yêu mà chúng ta, phần lớn đều mắc phải trong một quãng nào đó ở cuộc đời.

LOVE ADDITION

Chứng nghiện tình yêu

hay sự lợi dụng tình yêu đến từ những chấn thương tâm lý chưa được chữa lành

NÓ LÀ GÌ?

Chứng Love Addiction đến từ Đại thi hào của thời đại
Love Addiction -  Nghiện tình yêu là một tập hợp những hành vi lạm dụng/lợi dụng tình yêu trong vô thức, để cảm thấy bản thân quan trọng hoặc đặc biệt theo một cách nào đó. Nói cách khác đây là sự nhầm lẫn giữa việc "nghiện cảm giác Dopamine trong não tăng cao" với tình yêu thật sự. 

Trên thực tế, cảm giác "nghiện người yêu" là bình thường đối với tất cả các cặp đôi. Theo một nghiên cứu, trong vòng 6 tháng đầu tiên của mối quan hệ, não của những người đang yêu say đắm và những gã nghiện, có những điểm tương đồng với nhau. Đây được gọi là Thời gian trăng mật (Honey moon). Sau giai đoạn này, mối quan hệ sẽ phát triển theo hướng bình ổn, an toàn và cân bằng. Tuy nhiên, những Love Addict (người nghiện tình yêu) thường không thoát được khỏi giai đoạn này, họ luôn muốn thấy bản thân trong trạng thái "rơi vào tình yêu" (fall in love). Họ thường cảm thấy tuyệt vọng và có những hành vi tiêu cực (nghi ngờ đối phương, nghi ngờ bản thân,...) khi mối quan hệ đi vào trạng thái cân bằng. 
“We should love, not fall in love, because everything that falls, gets broken.”
Nhà nhân chủng học và diễn giả TED, Helen Fisher cho rằng: Love Addict có hành vicơ chế não bộ giống với các chứng nghiện khác, gắn liền với cả niềm vui và đau khổ. Thể hiện rõ ràng qua 4 giai đoạn: khao khát, dung nạp, ruồng bỏ và tái nghiện. 
Khao khát (Desire)
Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh qua Trung tâm phần thưởng của não (Brain Reward Center). Khi chúng ta yêu, não giải phóng một lượng Dopamine lớn, mạch tự thưởng được kích hoạt khiến ta có cảm giác thèm muốn khao khát tình yêu. Điều này tạo động lực để chúng ta liên tục yêu nhiều hơn. 
Biểu hiện: Thèm muốn cảm giác yêu và được yêu, khao khát thuộc về người yêu cả về mặt cảm xúc lẫn thể xác. Cảm xúc dâng trào (ngắn hạn) khi bày tỏ yêu thương và cảm nhận được yêu thương. Cảm thấy chỉ có tình yêu và đối phương mới làm mình vui vẻ được như vậy.
Tặng cho bạn một bài hát có liên quan đến cảm giác "phê pha" này
Dung nạp (Tolerance)
Đây là giai đoạn não cố gắng thiết lập lại sự cân bằng sau khi nhận thấy rằng sự gia tăng Dopamine đang vượt mức độ bình thường (bằng cách ngưng sản xuất hoặc giảm số lượng thụ thể Dopamine). Tuy nhiên, do não đã quen với liều lượng Dopamine cao, nên cơ thể thường không chịu nổi. Dẫn đến việc chúng ta phải liên tục yêu hoặc tạo ra hành vi để cảm thấy được yêu nhằm đưa Dopamine quay về với mức cao. Và liều lượng cứ gia tăng dần theo thời gian.
Biểu hiện: Ám ảnh, liên tục đuổi theo những cảm giác hưng phấn trong tình yêu. Đây một dạng ý nghĩ thâm nhập (intrusive thinking) của quá trình cai nghiện: 
- Khó khăn dành thời gian một mình, liên tục tương tác và bám dính với người yêu nhiều hơn
- Bỏ bê việc cải thiện bản thân, mục tiêu cần thiết (công việc, sự nghiệp, học vấn,...) và mối quan hệ xã hội (gia đình, bạn bè,...) để đầu tư cho cảm giác yêu đương 
- Có tâm trạng tồi tệ khi không được đối xử như mong muốn (stress, ghen tuông, lo sợ, cảm giác bị bỏ rơi, cuộc sống vô nghĩa, tức giận,...) 
- Sử dụng nhiều phương thức tiêu cực nhằm thao túng đối phương để tạo ra/đổi lấy cảm giác yêu đương nhiều hơn mỗi ngày (hy sinh bản thân, hi sinh tiền bạc, đòi hỏi, kiểm soát, giận dỗi, lạm dụng tình dục, ngoại tình,...)
- Bóp méo thực tại, dung túng cho các hành vi sai trái của đối phương, khó khăn trong việc từ bỏ mối quan hệ. Cho dù đó là mối quan hệ một chiều, độc hại, lợi dụng về thể chất/tinh thần hoặc không phù hợp hay hết tình cảm
Ruồng bỏ (Withdrawal)
Khi chất kích thích (ở đây là tình yêu) bị lấy đi mất, Dopamine trong não quay lại mức bình thường. Không có dopamine tạo cảm giác hưng phấn, khiến chúng ta trở nên nhạy cảm hơn với những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm
Biểu hiện: Cảm giác tuyệt vọng khi không có mối quan hệ. Trải qua các dấu hiệu chung của sự cai nghiện bao gồm giai đoạn phản kháng, kêu la, tình trạng suy sụp, lo lắng, xáo trộn giấc ngủ (ngủ quá nhiều hoặc quá ít), biếng ăn hoặc thèm ăn, bực tức, và cảm giác đơn độc kéo dài. Và phải dành nhiều thời gian để phục hồi sau mỗi chuyện tình.
Tái nghiện (Relapse)
Đây là giai đoạn chúng ta bỏ cuộc với sự thiếu vắng và quay trở lại với chất kích thích 
Biểu hiện: Dễ dàng bị kích thích bởi các yếu tố liên quan tới mối quan hệ cũ dù đã một thời gian dài sau chia tay. Ví dụ những sự kiện, con người, nơi chốn, bài hát hay những sự gợi nhớ khác từ bên ngoài liên quan đến người ra đi đều có thể đánh thức kỷ niệm. 
Liên tục tìm kiếm mối bận tâm trong tình cảm (có nhiều crush, chinh phục các đối tượng mới, tìm kiếm người yêu, sử dụng tình dục để cảm nhận tình yêu,...). Bắt đầu mối quan hệ mới một cách gấp rút và thiếu suy xét (Cảm giác tự đánh lừa chính bản thân mình là mình đang yêu ) hoặc quay trở lại với những mối quan hệ sai lầm cũ.
NGUYÊN NHÂN 
Love Addiction, tương tự như các chứng nghiện khác, hình thành như một cơ chế để bảo vệ bản thân khỏi những nỗi đau chưa được giải quyết
Love Addiction thường xảy ra với những đối tượng mang trong mình Trauma (một dạng tổn thương tâm lý gây ra bởi một hoặc một chuỗi những trải nghiệm đau khổ) với nhiều cấp độ khác nhau. Được hình thành dựa trên sự "gắn bó không an toàn", bắt nguồn từ thời thơ ấu kéo dài tới tuổi thanh thiếu niên. Hầu hết những người "nghiện tình yêu" đều có một quãng thời gian dài không được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về tình yêu, sự kết nối và công nhận. Ví dụ như: bị phớt lờ, bị bỏ bê, bị nhiếc mắng, bị đánh đập, hoặc không dám bày tỏ suy nghĩ,... khi có nhu cầu được an ủi và yêu thương với người nuôi dưỡng và mọi người xung quanh. 
“Love Addiction develops when reality is too painful for the conscious mind to manage and so a fantasy version of a loved one and of life with that person develops.”
Tạm dịch: Love Addiction hình thành khi thực tế đau đớn vượt quá tầm kiểm soát của ý thức. Từ đó, hình thành nên một ảo vọng về tình yêu và cuộc sống.

Các mối quan hệ dựa trên Love Addiction được hình thành dựa trên "Ý tưởng về tình yêu" (Idea of love) hơn là Tình yêu thật sự. 
Những người "nghiện tình yêu" thường có một ảo vọng được giải cứu bởi tình yêu. Đa phần những kẻ nghiện yêu, trong vô thức đều nhìn nhận rằng, "tình yêu sẽ cho họ một mục đích, sẽ cứu rỗi, chữa lành và hoàn thiện lý do sống trên đời của họ". Đồng thời cho họ sự an toàn, được công nhận là có giá trị và xứng đáng được yêu thương - thứ mà họ không bao giờ có được khi còn là một đứa trẻ. Suy nghĩ kỳ diệu này khiến "người nghiện yêu" thích bám víu vào mối quan hệ, ngay cả khi đó là mối quan hệ sai lầm.
Nói ngắn gọn, kẻ nghiện tình yêu gắn bó với tình yêu bằng những mặt tối của bản thân. Love Addiction là mối quan hệ nhân danh tình yêu để cứu rỗi chính mình. 
KẺ LỢI DỤNG LẠI CHÍNH LÀ NẠN NHÂN
Cố vấn lâm sàng cao cấp của Meadows - Pia Mellody cho rằng: Nghịch lý ở những người rơi vào Love Addiction là họ luôn dính vào những người mang lại cho họ sự đau khổ, dù cho bên trong họ khao khát được yêu thương. Đối tượng mà những người Love Addiction thường vô thức bị thu hút là dạng Tránh né sự thân mật. Hay khoa học đặt cho họ một cái tên là Dismissive Avoidant Attachment. Đây là 1 trong 4 kiểu người trong nghiên cứu của bác sĩ Phillip Shaver và Cindy Hazen. Thông tin chi tiết bạn có thể đọc tại ĐÂY
Khi cảm thấy đã đi quá xa trong một mối quan hệ, quá giới hạn cho phép của bản thân, họ thường có xu hướng trốn tránh bằng các cách sau: 
- Tìm một thú vui nào đó khác để quan tâm phát triển và bỏ bê mối quan hệ
- Che giấu đa số thông tin bản thân (tránh việc bị đối phương kiểm soát)
- Hạn chế sự tiếp xúc thân mật bằng cách giữ khoảng cách với đối phương

Điều này gây ra một chu kỳ đau đớn cho những người rơi vào Love Addiction (bạn có thể so sánh với 4 giai đoạn của cơn nghiện được đề cập ở đầu bài để hiểu rõ hơn): 
- Cả 2 rơi vào một mối quan hệ yêu đương. Sau một thời gian nhất đinh, "người nghiện tình yêu" tự xây dựng cảm giác ảo mộng cho mình. Đồng thời, đối phương bắt đầu dựng lên các bức tường để tránh né sự thân mật.
- Love Addict trở nên say mê và mù quáng. Mối quan hệ trở thành trung tâm của vũ trụ trong họ. Cảm nhận được sự bất an và khao khát đó của đối phương khiến những Avoidant khó chịu và xa lánh ngày càng nhiều. Điều này kích hoạt nỗi sợ bị bỏ rơi của người nghiện tình yêu và họ càng bám chặt hơn vào người yêu.
- Love Addict trở nên thất vọng, tức giận và buồn bã. Việc đầu tư vào mối quan hệ, dường như "đổ sông đổ biển". Họ cố gắng tự sửa chữa bản thân và vẫn hi vọng đối phương sẽ thay đổi. Tại thời điểm này, Avoidant có xu hướng xa cách với mối quan hệ và có khả năng ngoại tình (thực tế hoặc tư tưởng).
- Love Addict nhận thức rõ ràng hơn trước mong muốn này của những Avoidant. Họ thường có xu hướng gặn hỏi, nhiếc móc và có những hành động quản lý hay thao túng. 
- Love Addict cảm thấy ăn năn, hối hận và xấu hổ với những hành vi tiêu cực của mình. Người nghiện tình yêu hạ mình xin lỗi và một lần nữa quay lại giai đoạn hi vọng đối phương sẽ thay đổi. 
- Có những trường hợp, Love Addict muốn kết thúc mối quan hệ, Avoidant lại quay ngoắt 180 độ và đấu tranh để trở về như cũ. "Cơn nghiện" ngăn không cho Love Addict kết thúc và mọi thứ quay lại với quỹ đạo níu kéo - né tránh. 
Chu kỳ này có thể lặp lại nhiều lần trong một mối quan hệ. Cho tới khi một sự kiện nhỏ như "giọt nước làm tràn ly" xảy ra và mối quan hệ kết thúc. Rất nhanh chóng, Love Addict vội vàng tìm và rơi vào một mối tình khác. Chu trình lại bắt đầu. 
Okai, back lại xem bạn có thấy mình đã/đang hoặc có thể sắp rơi vào trường hợp này?
CÁCH CHỮA LÀNH

Nếu bạn đang rơi vào Love Addiction, cách chữa lành tốt nhất cho nó chính là tìm một loại nghiện khác như thuốc lá, rượu, bia, thuốc phiện để "đánh bật" tình yêu ra khỏi đầu. Thôi, tôi đùa. Nhưng việc tìm một thứ tích cực để tăng Dopamine trong não là một con đường đúng đắn và đáng để thực hiện cho vấn đề này. Bạn có thể đọc bài tham khảo dưới đây hoặc tự search "How to increase Dopamine" trên Google. 
Hm bài cũng hơi dài rồi, mà tôi thì lười viết quá. Cách chữa lành thì đành hẹn lại ở bài lần sau vậy (hoặc mãi mãi không có, nếu tôi cứ tiếp tục lười như dị à hi). Chỉ là, có  một lời khuyên be bé: Con tim chúng ta đã phải đập liên tục mỗi ngày, từ lúc chào đời cho tới khi tắt thở. Nó là cơ bắp hoạt động mệt mỏi nhất cơ thể rồi. Hãy sáng suốt và đừng để "những cơn say dopamine" làm tổn hại đến nó thêm nữa!
Một chiếc note nhỏ: Cảm ơn vì đã dành thời gian cho bài viết. Trân trọng!
Nguồn tham khảo