Kajima Isao là một cựu thẩm phán vừa về hưu với lý do cần “chăm sóc mẹ già”, và ông cùng đại gia đình chuyển về một khu dân cư yên tĩnh. Như một sự tình cờ, ông gặp lại Takeuchi Shingo, người từng bị khởi tố vì vụ án giết gia đình ba người bạn thân, và đã được ông tuyên trắng án cách đây hai năm. Hơn cả gọi là tình cờ, anh này đột nhiên chuyển đến sống sát nhà ông. Takeuchi xuất hiện như một người hàng xóm thân thiện, dễ mến, và chiếm trọn tình cảm của vợ cùng con trai ông (chỉ trừ con dâu ông, cô cảm thấy có gì đó đáng sợ ở người đán ông này). Thậm chí, vợ ông còn đồng ý để anh ta phụ giúp việc chăm sóc người mẹ chồng bệnh liệt giường. Ít ngày sau đó, mẹ ông qua đời. Hàng loạt sự việc kỳ lạ liên tiếp xảy ra từ đó, mối quan hệ giữa con trai và con dâu Isao cũng rạn nứt và bên bờ vực đổ vỡ. Đến lúc này, một số người dần dần nhận ra, đâu đó có một mầm ác đang len lỏi trong chính tổ ấm của họ, ban đầu nó chỉ là một tàn lửa nhỏ, nhưng nếu không kịp thời ngăn chặn, nó có thể sẽ thiêu rụi cái gia đình bề ngoài tưởng chừng yên ấm này…
Tàn lửa không phải một tiểu thuyết trinh thám, và cũng không có plot twist gì bất ngờ ở phút chót. Vụ án được phá cũng khá đơn giản, chỉ là tìm ra cách “làm thế nào anh ta tạo ra được chứng cứ đó”. Nhưng tôi phải nói điều này, Tàn lửa là một tiểu thuyết tâm lý cực kỳ xuất sắc, nặng đô và nghẹt thở đến từng trang. Gia đình Isao là một gia đình “kiểu mẫu” Nhật Bản, chồng đi làm, vợ quán xuyến gia đình, và “kiểu mẫu” này bao gồm cả việc người chồng dồn hết công việc nhà cho vợ, sống trong nhà như một cái bóng, ở nhà chủ yếu là ngồi “đọc báo”, đến mở cửa cũng nghĩ tới việc gọi vợ hay con dâu ra mở (!). Isao xin nghỉ việc vì cần “chăm sóc mẹ”, nhưng thật ra việc chăm mẹ là một mình Hiroe vợ ông ta làm, đến nỗi bà gần như kiệt sức và vì thế dễ dàng mở lòng với ngay cả một người lạ chỉ vừa gặp vài ngày. Đoạn đầu sách đọc khá bức bối, sự bức bối và ngột ngạt của Hiroe khi vừa bị mẹ chồng đày đọa, chị chồng soi mói, chồng dửng dưng mặc kệ… khiến tôi cũng kiệt sức theo bà. Sau khi bà mẹ chồng qua đời, ta cứ tưởng nội dung sẽ dễ thở hơn chút, nhưng không, ta bắt đầu bức bối với câu chuyện cũng “kiểu mẫu” của cô con dâu trong nhà - Yukimi. Chồng lông bông đến năm 30 tuổi mới bắt đầu phấn đấu tham gia kỳ thi tư pháp, Yukimi cũng ở nhà nội trợ, chăm con, và cố gắng làm mọi sự hoàn hảo nhất, ấy thế mà cũng bị nghi kị và dồn ép đến mức phải ra khỏi nhà. Ôi đọc truyện này xong sao tôi chẳng cảm tình được với bất cứ nhân vật nam nào trong này, chỉ có từ ghét đến rất ghét. Ghét nhất là anh con trai nông cạn, ngu ngốc, tin người lạ mà chẳng tin người vợ đầu ấp tay gối, luôn tỏ ra gia trưởng và hiểu biết, tình cảm với vợ rõ là chẳng có bao nhiêu. Ghét thứ nhì là ông Isao cũng gia trưởng nốt, mẹ mình không chăm nổi cũng không mướn người vì sợ điều tiếng, sống trong nhà chả đụng vào việc gì, rồi còn gián tiếp làm cho vợ mình “cõng rắn cắn gà nhà”. Đáng thương nhất là hai người phụ nữ trong gia đình này, đặc biệt là Yukimi khi đến phút cuối có lẽ mọi sự cũng quay lại vòng luẩn quẩn. Một cái kết chẳng biết gọi là có hậu hay không nữa…
Tàn lửa là một tiểu thuyết miểu tả tâm lý cực kỳ xuất sắc, nhưng vì thế mà tính trinh thám của nó khá nhẹ đô đối với bạn đọc yêu thích trinh thám. Một số tình tiết hơi khiên cưỡng như tôi không nghĩ có ai gặp hàng xóm mới quen vài ngày mà lại đồng ý để chăm giúp mẹ bị liệt. Cô con dâu Yukimi ban đầu được xây dựng khá thông minh và có linh cảm khá tốt, ấy thế mà đoạn sau nghe ai nói có lý một chút là xoay chiều ngay như chong chóng, gạt phăng hết những suy luận trước đó của chính bản thân mình. Ngoài ra, nhân vật Takeuchi trong này khiến tôi liên tưởng đến một nhân vật khá nổi tiếng khác, đó là Tom Ripley trong tiểu thuyết Quý ngài tài năng. Tuy nhiên, Ripley có phần khiến tôi thấy đáng thương, còn Takeuchi chỉ khiến tôi kinh sợ. Hai người bọn họ giống nhau ở điểm nào, độc giả có thể xem hết cả hai tiểu thuyết đều xuất sắc này để tìm hiểu thêm nhé.
Các bạn đọc thêm các bài review khác của mình ở page Gặm Sách nhé