Kiến thức tiền đề

Những  năm gần đây, làng game chứng kiến không ít trường hợp "đội mồ sống dậy"  của nhiều hệ máy chơi game retro tưởng chừng đã "tuyệt chủng" từ lâu.  Khởi đầu phong trào "make retro great again" này là hãng Nintendō.
Lạc  đề một tí, từ "retro" trong giới game được hiểu nôm na là "cũ", là  "cổ", không còn được lưu hành trên thị trường. Không có định nghĩa chính  thức nào về từ này, nhưng khá nhiều người coi những game, hệ máy chơi  game nào trên 15 năm tuổi đời đều được xếp vào hàng retro. Khoảng năm  2003, người ta coi NES/Famicom là retro, đến 2007 thì Saturn của Sega và  PlayStation của Sony cũng là retro. Hẳn là cái ngày PS4, Xbox One,...  bị tụi trẻ chê cười là đồ chơi của đám già đầu, rồi cũng sẽ tới.
Quay  lại câu chuyện, vào tháng 10 năm 2016, Nintendō tung ra thị trường một  hệ máy "hoài cổ" của họ là Nintendō Classic Family Computer (còn được  gọi là "Nintendo Classic Mini" ở thị trường Âu châu và "NES Classic  edition" ở thị trường Mỹ). Đây là phiên bản hồi sinh của dòng máy chơi  game dùng trong gia đình của Nintendō là Famicom (viết tắt là "FC", còn  được gọi là "NES" ở thị trường Âu Mỹ) ra đời từ những năm 1980 của thế  kỷ trước, và đã dừng sản xuất từ rất lâu. Phiên bản NES Classic này có  thiết kế bề ngoài giống hệt như máy Famicom/NES ngày xưa, tuy nhiên  không thể cắm băng vào nó để chơi như phiên bản gốc hồi 1980, mà thay  vào đó là bên trong máy đã có sẵn 30 game Famicom/NES.
Ban  đầu, NES Classic chỉ mang ý nghĩa là một sản phẩm kỷ niệm cho sự ra đời  của hệ máy NES/Famicom 8 bit, nhưng nó đã đạt một mức thành công nhất  định khiến Nintendō quyết định hồi sinh thêm hệ máy kế tiếp sau đó.
Chính là Nintendō Classic Super Famicom, hay còn được Super NES Classic Edition ở thị trường Âu Mỹ. Nintendō  Classic Super Famicom (viết tắt là "SFC") là phiên bản hồi sinh của  dòng máy 16 bit Super Famicom (hay còn được gọi là Super NES, SNES ở thị  trường Âu Mỹ) chào đời vào năm 1990. Nintendō  Classic Super Famicom được bán ra vào tháng 10 năm 2017. Tương tự phiên  bản NES Classic trước, SNES Classic có thiết kế giống phiên bản gốc,  nhưng với kích thước nhỏ hơn và không thể cắm băng vào để chơi, mà thay  vào đó là 21 game được cài sẵn trong máy.
Thành  công của NES Classic và SNES Classic như kích thích Sony, để rồi họ  cũng học theo đối thủ, tung ra máy PlayStation Classic vào tháng 12 năm  2018. Tương tự đối thủ, con máy PlayStation Classic của Sony cũng không  cho phép gắn đĩa game gốc vào để chơi, mà thay vào đó thì người dùng chỉ  có thể chơi giới hạn trong những game được cài sẵn.

Thế chân vạc chia ba

Xét  về gốc độ kỹ thuật thì cả 3 con máy: NES Classic, SNES Classic và  PlayStation Classic đều là những cỗ máy chạy trình giả lập, mang hình  dáng của các hệ máy gốc nhưng chúng đều không phải là máy gốc. Máy  NES/FC gốc dùng CPU 8 bit là 6502 trong khi NES Classic edition dùng  chip ARM Cortex-A7, máy SNES/SFC nguyên bản dùng CPU 65c816 trong khi  SNES Classic edition dùng hệ điều hành Linux, CPU ARM Cortex-A7. Điều tương tự cũng xảy đến với PlayStation Classic.
Dễ  hiểu vì sao chính hãng sản xuất lại không tái tạo lại phần cứng như cũ  mà lại chọn một phần cứng khác để giả lập chính con máy của họ đã từng  sản xuất. Đơn giản là vì các dòng CPU cũ, chip cũ đã không còn được sản  xuất ở thời điểm hiện tại, nếu cố tái tạo một con máy bằng chính các  thành phần phần cứng như xưa thì giá thành sản xuất sẽ lên rất cao. Vì  vậy họ chọn phương án đơn giản hơn là dùng CPU đương đại để giả lập, mô  phỏng phần cứng ngày xưa.

 Super NT, con máy cao cấp nhái phần cứng của Super Famicom, aka SNES

Khi  phần cứng không còn như cũ, thì cũng có nghĩa là khả năng tái hiện,  trình diễn phần mềm cũng không còn như cũ. Nhưng cách mà Nintendō và  Sony làm nhằm tái hiện lại những đứa con đầu lòng của họ không phải là  mới. NES Classic, SNES Classic hay PlayStation Classic thực chất không  khác gì những con máy chạy phần mềm giả lập trên nền Rasberry được bán  trôi nổi trên thị trường. Chỉ khác là giá cả đắt hơn, mang hình hài của  những hệ máy cũ và được đóng mark thương hiện chính hãng. Khá nhiều  người sẵn sàng bỏ tiền để mua những con máy giả lập chính hãng này, vì  họ chỉ cần biết đó là hàng chính hãng sản xuất và mang hình hài của  những con máy mà họ yêu thích trong quá khứ là được. Trong khi đó, một  số khác khó tính hơn và họ không chấp nhận những con máy chạy giả lập,  với lý do được đề cập ở phần sau.
Đã  có khá nhiều con máy của các bên thứ ba vô danh sản xuất, mô phỏng lại  những hệ máy nổi tiếng này. Hầu hết trong số đó đều là những con máy với  CPU đương đại và chạy phần mềm giả lập. Chỉ một số ít trong đó là máy  nhái lại phần cứng, được gọi là "clone". Khác với máy chạy phần mềm giả  lập (emulator), máy clone bắt chước máy thật về phần cứng, mô phỏng lại  phần cứng nguyên bản nên có nhiều ưu điểm hơn giả lập phần mềm, như đề  cập dưới đây.

Real hardware vs Emulator

Nhiều  người sẽ tự hỏi, tại sao phải bỏ một khoản tiền lớn để sắm những cỗ máy  để chơi game retro, trong khi mà máy tính và hầu hết các dòng điện  thoại thông minh ngày nay đều thừa sức giả lập, mô phỏng những cỗ máy  ngày xưa, và hoàn toàn dễ dàng download game retro từ Google, không phải  tốn một đồng nào. Theo ý cá nhân của người viết thì thật không đáng để  phải tốn tiền để mua những con máy mà chúng chỉ chạy được giả lập y hệt  như bao phần mềm giả lập khác trên máy tính và smartphone hay các thiết  bị cầm tay khác, như PSP, PS Vita,... Theo người viết, NES Classic, SNES  Classic hay PlayStation Class nằm trong số không đáng mua này, vì chúng  chỉ là những con máy chạy giả lập. Nhưng đối với những dòng máy mô  phỏng/bắt chước phần cứng, hoặc máy chính gốc thì hoàn toàn xứng đáng để  tốn tiền, nếu như bạn thật sự yêu thích chúng.
Nếu  so sánh các phần mềm giả lập retro với máy thật thì sẽ dễ dàng thấy giả  lập có nhiều ưu điểm mà máy gốc không có: chẳng hạn như các filter giúp  hình ảnh đẹp hơn, tăng độ phân giải cao hơn so với máy gốc, có chức  năng save state giúp người chơi có thể lưu quá trình chơi ở bất cứ thời  điểm nào mà không lệ thuộc và chức năng save của game, của máy, hay các  chức năng cheat,... Tuy nhiên, giả lập cũng có một số khuyết điểm so với  máy gốc mà gần như không thể khắc phục được, ít ra là điều này vẫn đúng  cho đến thời điểm hiện tại. Những khuyết điểm có thể kể đến là:
-  Tính tương thích: hầu như mọi giả lập các hệ máy retro đều tồn tại một  danh sách những game không thể chơi được. Dù game đó hoàn toàn chạy tốt  trên máy gốc, nhưng không thể chạy trên giả lập. Điều này bắt nguồn từ  gốc độ kỹ thuật, phần mềm không thể mô phỏng hết mọi chức năng của phần  cứng. Mặc dù theo thời gian, danh sách này ngày càng thu hẹp nhưng vẫn  luôn tồn tại. Hầu hết các loại giả lập đều không tương thích hay tương  thích kém với các thiết bị ngoại vi của console, như chuột, súng,...  nhưng hầu hết người chơi đều không mấy quan tâm tới những thứ này.
-  Tính chính xác: vì phần mềm được chạy trên phần cứng A gần như không  thể mô phỏng chính xác 100% chức năng của phần cứng B, bất chấp A có  mạnh mẽ hơn B thế nào đi nữa, cho nên dẫn tới việc chạy lệch lạc, không  đúng với ý đồ của game (phần mềm) được viết ra. Không nên dùng giả lập  để phát triển game cho console, vì giả lập thường có khuynh hướng chạy  "lụi", không đúng với ý đồ, hoặc là không chạy được.
-  Lag: dù CPU ngày nay mạnh mẽ hơn xưa rất nhiều, nhưng các loại giả lập  trên các nền tảng CPU hiện đại như PC, smartphone vẫn luôn gặp rắc rối  trong việc mô phỏng các phần cứng của console năm xưa. Bởi vì clock  timing khác nhau, nên giả lập bằng phần mềm khó bắt chước hết nhịp của  phần cứng. Vì vậy các loại giả lập luôn gặp phải hiện tượng lag,  framedrop, phải bỏ qua một số lệnh khi chạy. Dễ gặp nhất là hiện tượng  input lag. Nếu chơi trên máy console thật, khi nhấn nút thì hầu như hình  ảnh được phản hồi theo nút nhấn ngay, nhưng đối với giả lập thì khoảng  thời gian để phản hồi này kéo dài hơn. Dễ dàng kiểm chứng bằng một cái  camera quay tốc độ cao (dân gian gọi là "quay chậm"). Giả lập càng chính  xác thì khoảng delay này càng cao. Một ví dụ điển hình là Bsnes, giả  lập SNES/SFC được gọi là chuẩn xác nhất, nhưng cũng là giả lập ngốn tài  nguyên nhất và lag nhất. Một nguyên do khác dẫn đến lag là do công nghệ  hiển thị/xử lý ảnh. Một hệ console ra đời luôn phù hợp nhất với công  nghệ hiển thị hình ảnh của dòng TV trong thế hệ của nó. Trong khi đó thì  trong hầu hết các trường hợp, giả lập xuất hình ảnh ra loại màn hình có  công nghệ khác với loại TV tương thích với console mà nó mô phỏng, và  cũng vì giả lập thường xử lý thêm thắt cho ảnh xuất ra, chẳng hạn như  nội suy để tăng độ phân giải, làm hình ảnh xuất ra chậm hơn. Tuy nhiên  cũng cần phải nói là tuy độ trễ của giả lập cao hơn máy thật, nhưng trừ  một số game hành động, thể thao ra thì độ chậm phản hồi của giả lập vẫn  nằm trong ngưỡng có thể chấp nhận được.
-  Cảm giác thật: đối với nhiều người đã từng cắm băng catridge vào máy  NES/FC, SNES/SFC hay bỏ đĩa CD vào đầu PlayStation trong thời thơ ấu thì  cảm giác đó rất thần thánh. Các loại máy dùng giả lập không thể mang  lại cảm giác này. Hình ảnh trên giả lập rõ ràng hơn vì độ phân giải cao  hơn, đẹp hơn vì có đủ loại filter đáp ứng thị hiếu của nhiều loại con  mắt. OK. Nhưng xét cho cùng thì những hình ảnh mỹ lệ mà bạn thấy do giả  lập xuất ra vốn không phải là hình ảnh mà nhà sản xuất muốn cho chúng ta  thấy. Hình ảnh trên máy SNES/SFC gốc có độ phân giải 256 x 224 điểm  ảnh, nhưng qua giả lập thì có thể lên đến 720 điểm ảnh. Đây không phải  là hình ảnh mà nhà sản xuất cho chúng ta thấy, mà chỉ là một loại hình  ảnh giả đã qua xử lý. Đối với nhiều người thì chơi game đúng độ phân  giải, màu sắc thật sự của chúng trên màn hình CRT vốn dành cho chúng,  còn đáng giá hơn hình ảnh màu mè, độ phân giải HD hay FHD do giả lập  xuất ra.
-  Tính pháp lý: giả lập là đối tượng chịu nhiều ánh mắt kỳ thị của những  gamer "nghiêm chỉnh", là đối tượng quan tâm của luật tác quyền. Tuy giả  lập có một số công trạng nhất định trong việc duy trì, giữ gìn văn hóa,  di sản game retro, nhưng đối với các hãng sản xuất game, máy chơi game  thì nó là cái gai cần phải nhổ. Vì hầu hết người chơi giả lập đều tìm  kiếm các nguồn cung cấp Rom (game) phi pháp (lậu) trên net, gây thiệt  hại về mặt kinh tế đối với chính hãng. Bản thân giả lập không phạm pháp.  Nếu bạn sở hữu Rom/game một cách hợp pháp và chạy Rom/game đó trên giả  lập thì hoàn toàn không phạm pháp. Nhưng phần lớn các loại giả lập đều  không được thiết kế để đọc Rom/game qua các phương tiện chính thống như  băng catridge/CD/DVD/UMD,... mà chúng đọc dữ liệu game qua ổ cứng, thẻ  nhớ,... và thường là nguồn game được tải từ net. Việc này là phạm pháp  và các hãng game, hãng sản xuất máy chơi game và các nhà làm luật không  thích điều này.

Ưu, nhược điểm của Cờ lông

Trên  đây là so sánh một số điểm hơn thua giữa các loại giả lập và máy thật.  Vậy còn máy nhái/clone thì sao? Vì máy nhái/clone cố gắng mô phỏng, bắt  chước phần cứng của máy thật nên nó gần với máy thật hơn các loại giả  lập. Hiện tượng input lag, "chạy lụi" ít thấy hơn trên các loại máy  nhái. Tuy nhiên máy nhái cũng có những vấn đề của nó, mà chủ yếu là độ  tương thích.
Máy  nhái là máy do bên thứ ba, thường là các hãng sản xuất không tên tuổi,  mô phỏng lại phần cứng của các hệ console có tiếng tăm và thường là  không được chính hãng cấp phép. Nói nôm na là "lậu". Trong lịch sử  Nintendō, họ chưa từng cấp phép cho hãng nào khác sản xuất máy chơi game  của mình, ngoại trừ các dòng máy do Sharp sản xuất. Nintendō từng cấp  phép cho Sharp sản xuất dòng các dòng máy NES/FC, SNES/SFC được tích hợp  trong TV CRT của Sharp. Tuy nhiên các dòng máy này, dù được chính  Nintendō cấp phép sản xuất, vẫn gặp vấn đề về độ tương thích. Một vài  game không thể chạy trên FC TV (Tv tích hợp máy NES/Famicom) và số lượng  game không chạy được trên SF1 (Tv tích hợp máy SNES/Super Famicom) thì  nhiều hơn.

SF1 do Sharp sản xuất, Nintendō cấp phép. Máy này tích hợp màn hình CRT với Super Famicom.

Vấn đề pháp lý

Về  mặt kỹ thuật thì các bên thứ ba đều có thể sản xuất được các loại máy  nhái từ trong thời của console chính hãng còn đang sống. Nhưng vì sao mà  mãi một thời gian khá lâu sau đó, người ta mới bắt đầu thấy sự xuất  hiện của các loại máy nhái phần cứng này? Vì luật bản quyền. Nếu một  hãng thứ ba muốn sản xuất console thuộc bản quyền của hãng khác, chẳng  hạn như Nintendō, thì với mỗi máy bán ra phải trả một khoản tiền cho  Nintendō. Như vậy thì lợi nhuận sẽ không còn được bao nhiêu, mà cũng  không có gì đảm bảo rằng con máy của bên thứ ba đó sẽ bán được nhiều hơn  máy chính hãng. Luật bảo hộ độc quyền đối với phần cứng là 20 năm. Máy  NES/Famicom của Nintendō ra đời năm 1983, tức là từ 2003 trở đi thì  không còn được bảo hộ độc quyền, các bên khác có thể tự do bắt chước  phần cứng mà không phải trả phí cho Nintendō. Vì vậy mà thời gian đó trở  về sau đã có nhiều hệ máy nhái của Famicom, và chúng không khác nhiều  với máy chính hãng, đều có thể cắm catridge vào để chơi.
Trong khi đó thì phần mềm, BIOS được bảo hộ độc quyền 50 năm. Giữa  thập niên 1980, hãng EPSON từng bán ra thị trường loại máy nhái phần  cứng của dòng máy tính PC-9801 của hãng NEC, bị nghi ngờ xâm hại quyền  sở hữu trí tuệ BIOS nên dính kiện tụng, phải ngừng bán. Năm 2000, NEC đã  công khai hệ điều hành và BIOS của máy tính X68000 của mình, nhưng kể  từ sau đó thì không thấy có hãng game nào công khai phần cứng hay phần  mềm của họ hết. Giữa năm 2018, một trang mạng cho tải game retro  (emuparadise) đột ngột dừng hoạt động cung cấp Rom lậu. Họ bóng gió rằng  có sự can thiệp của ông lớn làng game. Mọi người đều hiểu rằng đó là  Nintendō. Nhiều người trách móc, tại sao Nintendō lại quá nhỏ nhen, để  bụng đến những tựa game đã hơn 20 năm tuổi của mình. Nhưng người trách  thì không biết rằng phần mềm được bảo hộ độc quyền đến 50 năm.


Máy tính X68000 của NEC.

Lựa chọn

Như  vậy, nếu là người yêu thích game retro thì bạn sẽ lựa chọn phương tiện  nào cho mình? Câu trả lời tùy thuộc vào mỗi cá nhân, nhưng nhìn chung  thì có thể quy vào các hướng chính như dưới đây.
-  Chọn máy thật: nếu là người đã trải qua tuổi thơ với nó. Thích cảm giác  của tuổi thơ, hoặc là người lập trình, phát triển game cho chính hệ máy  đó và cần độ chính xác. Hoặc đơn giản là người yêu chính nghĩa, chuộng  công lý và không muốn lôi thôi với vấn đề bản quyền. Mặc dù có những hệ  máy đã hơn 30 năm tuổi nhưng vẫn còn được bán/trao đổi trong các  nhóm/cộng đồng gamer hoài cổ. Giá cả từ rất rẻ đến rất đắt so với giá  trị thực của máy. Hên xui. Còn về chất lượng thì chắc là khỏi cần nghĩ  bàn. Anh bạn kỹ sư điện tử của tôi cho biết, đồ điện tử ngày xưa bền hơn  đồ điện tử ngày nay rất nhiều, bởi vì mạch của chúng đơn giản hơn, ít  chức năng hơn nên khó chết hơn. Không nhiều máy NES/SNES chết, nhưng ta  thấy khá nhiều máy PS3/PS4/XBOX chết. Cũng giống như con điện thoại ngu  Nokia cục gạch ngày xưa thì sống dai hơn con mấy con điện thoại khôn  ngày nay. Nhiều người vẫn tự hào về những cục TV CRT của họ đã hơn 20  năm vẫn coi đẹp, trong khi một mặt than phiền về đám TV HD, FHD, 4K gì  đó cứ giở chứng suốt.
-  Chọn máy nhái: nếu đúng kiểu người thích máy thật bên trên nhưng không  đủ điều kiện để sở hữu máy thật, vì độ hiếm của chúng hay vì sao đó. Một  số máy nhái còn có tính năng ưu việt hơn cả máy thật, như Super NT là  máy nhái của SNES/SFC nhưng nó có khả năng xuất ra hình ảnh FHD. Một số  máy nhái được thiết kế kiểu cầm tay, như Supaboy nên khá tiện lợi hơn  máy thật.
-  Chọn giả lập: đại đa số chọn hướng này vì tính tiện lợi của nó, mặc dù  có những khuyết điểm cố hữu khó thay đổi được. Ai cũng có thể chơi được  game retro qua giả lập trên PC hoặc điện thoại khôn. Hướng tiếp cận này  quá phổ biến trong thời buổi ngày nay. Hoặc đơn giản là con nhà nghèo,  không muốn bỏ một khoản tiền để mua máy thật/máy nhái và thêm một đống  tiền khác để mua băng đĩa game. Hoặc vì nghèo nên phải sống trong căn  nhà chật hẹp, không thể chứa nổi cái TV CRT to đùng và một mớ dây nhợ  lòng bong kèm theo nó.

 Clip  so sánh input lag giữa máy Famicom thật với giả lập Famicom trên  Raspberry PI 3, giữa máy Super Famicom thật với giả lập Super Famicom  trên giả lập.
Tóm  tắt: trên FC thì cần 92 ms để hình ảnh phản hồi từ khi nhấn nút, còn  trên giả lập FC là 179 ms. Trên SFC cần 112 ms để hình ảnh phản hồi từ  khi nhấn nút, còn trên giả lập SFC cần 200 ms.