<i>Hình minh họa bìa sách của một bản tiếng Anh</i>
Hình minh họa bìa sách của một bản tiếng Anh
Lần đầu bắt gặp "Ruồi trâu" ngoài tiệm sách, tôi cảm thấy có chút gì đó quen thuộc với hình tượng này, nhưng thật lòng không thể nào gợn ra được một mẩu ký ức rõ ràng, về phương thức hay duyên cớ của cuộc gặp gỡ giữa tôi và nó. Có lẽ vì vậy mà nhiều lần sau đến tiệm sách, lần nào quyển sách cũng kịp thời bắt chụp được ít nhất một khoảnh khắc chú ý của tôi; níu chân tôi lại trong nỗi tò mò miên man.
Cho đến một ngày, tôi quyết định cầm lên đọc thử:
"Trong quá khứ, nhiều tác phẩm văn học, dù không phải là những đỉnh cao, nhưng được dịch đúng lúc, đã có được một tác động xã hội rất lớn, giúp định hướng lý tưởng sống, lối sống cho cả một thế hệ, như Ruồi Trâu, Thép đã tôi thế đấy..."
Phiên bản tôi đang cầm trên tay là của nhà xuất bản Dân Trí, do Hoàng Quỳnh dịch, và lời bình phẩm trên được in ở bìa sau, vốn trích từ một bài viết của nhà báo Thy Đan đăng trên tờ Công An Nhân Dân.
Bạn chắc chắn sẽ cho tôi là một kẻ đa nghi, bị lậm lụy các thuyết âm mưu đến mức vô phương cứu chữa; nhưng dù cố gắng thế nào thì tôi cũng không thể diễn dịch được bất kỳ ý nghĩa nào khác - khi đọc hai cụm từ "không phải đỉnh cao" và "định hướng lý tưởng sống" kết hợp với tên tờ báo mà hai cụm từ đó dược đăng lên - ngoài một tiếng hét đoạn trường nhưng thất thanh, sau khi đã trải qua năm bảy lần uốn nắn ngòi bút để mà không đụng chạm, kị húy bất kỳ ai. Tiếng thét đó muốn - nhưng không thể - thốt lên rằng, đây là một cuốn tiểu thuyết xoàng xĩnh nhưng đã trở nên phổ biến nhờ vào chức năng tuyên truyền vượt trội của nó.
Gượm đã! Tôi ơi, đừng phán xét vội vã như vậy chứ.
Đành rằng tôi vốn ghét cay ghét đắng cái thể loại "văn nghệ minh họa" (như cách dùng từ của Nguyễn Minh Châu), nhưng nếu tác phẩm đã đạt được đỉnh cao trong công việc của nó, hẳn phải có chút gì đó đặc biệt trong tác phẩm và một vài điều đáng học hỏi nơi tác giả. Hơn nữa, tôi thích cái sự dũng cảm của nhà xuất bản, khi họ in lời bình phẩm kia chễm chệ ngay bìa sau cuốn sách – “Bộ họ không muốn bán sách sao?”. Vậy là tôi quyết định mua.
Câu chữ dễ nhai, cốt truyện dễ nuốt, ý nghĩa dễ tiêu hóa. Sau khoảng một tuần, tôi tiêu thụ xong cuốn sách, tận dụng một hai tiếng nằm trên giường mỗi buổi tối. Lật trang giấy xoành xoạch, khá thích.

THIẾU VẮNG NHỮNG NHÂN VẬT TRÒN TRỊA

Trong cuốn sách bàn về văn học "Aspects of the Novel" (Các phương diện của tiểu thuyết), tác gia người Anh, ông E. M. Forster chia nhân vật trong thế giới hư cấu thành hai nhóm lớn: tròn trịadẹp lép.
Những nhân vật tròn trịa giống như những con người ngoài cuộc sống chân thật, với những toan tính nho nhỏ của họ; Khát khao và lý tưởng va chạm với mâu thuẫn và đớn đau, hỷ nộ ái ố hoàn quyện lại, khắc họa rõ nét một cá nhân trên hành trình phát triển của mình. Trong khi đó những nhân vật dẹp lép chẳng được như vậy; Họ chỉ hiện lên như một lát cắt nhạt nhòa vừa khớp với một khuôn mẫu, và bởi như vậy, họ hoàn thành chức năng tô điểm, làm nổi bật, hoặc thúc đẩy các nhân vật tròn trịa tiến lên trên hành trình của họ. Không ai quan tâm tới những nhân vật dẹp lép.
Nhân vật tròn trịa là những người mà độc giả có thể đồng cảm và đồng nhất hóa, để mà hiểu thế giới quan của họ và từ đó hiểu được thế giới mà họ đại diện. Có thể nói, đây là linh hồn của tiểu thuyết. Và vì vậy, phân tích tiểu thuyết trước tiên cần phân tích các nhân vật tròn trịa - xem họ diễn tiến ra sao và chuyên chở những ý nghĩa gì.
Tiểu thuyết Ruồi Trâu hẳn nhiên có nhân vật tròn trịa đầu tiên là Ruồi Trâu, một chàng sinh viên sáng dạ, bẽn lẽn và có xu hướng phục tùng. Sau khi trải qua một vài biến cố, cậu đã ngụy tạo cái chết của mình, rồi trốn biệt sang Nam Mỹ trong vòng 5 năm. Năm năm đó là quãng thời gian cậu trải nghiệm địa ngục khắc nghiệt - nhưng vô cùng thực tế - của trần gian, thứ mà cậu không bao giờ có thể tưởng tượng được khi sống cả đời mình trong một gia đình quý tộc quyền thế và chủng viện Cơ Đốc giáo. Trở về từ cõi chết, anh trở thành cây bút bàn luận chính trị nổi tiếng cay nghiệt với bút danh Ruồi Trâu, từ đó theo đuổi mục đích cả đời của mình là trả thù: trả thù tôn giáo (và mục đích phái sinh là làm cách mạng giải phóng đất nước).
Nhân vật tròn trịa thứ nhất đã rõ, nhưng một cuốn tiểu thuyết cần thêm một (vài) nhân vật tròn trịa nữa, nếu không thì gần như bất khả thi để phát triển cốt truyện. Tuy vậy, đối với Ruồi Trâu, để chọn nhân vật tròn trịa thứ hai không phải dễ. Liệu là Montaneli - vị Hồng Y Giáo Chủ đáng mến (chức danh chỉ đứng sau Giáo Hoàng) kiêm người cha bí mật của Ruồi Trâu, hay là Gemma - cô bạn thuở thơ ấu kiêm người đồng chí sát cánh cùng Ruồi Trâu?
Chỉ nội việc phải hỏi câu hỏi này cũng đã là một báo động. Có vẻ như ngoài Ruồi Trâu, các nhân vật còn lại đều không được phác họa đủ sắc nét và không được phát triển đến nơi đến chốn.
Thật vậy, vị Hồng Y đáng mến của chúng ta ở gần cuối truyện cũng hệt như ở đầu truyện. Đều là một con chiên ngoan đạo, chính trực, một lòng hướng về Tượng Gỗ và một lòng lan tỏa tình yêu thương tôn giáo đến với bất cứ ai cần viện đến nó. Phải đến khi chứng kiến đứa con trai ruột thịt - Ruồi Trâu - chết trước mặt mình, thì một bước tiến lớn mới xảy ra trong tâm lý nhân vật và bước tiến này đột ngột đến độ trông như một cơn bộc phát tâm thần phân liệt: chúng ta được chứng kiến cảnh ông đập nát hũ đựng Vật Thánh, cùng một bài diễn thuyết vạch trần hiện thực giả dối của tôn giáo ngay trong buổi lễ Viếng Thánh Thể trọng đại; coi như là đã hoàn thành ước nguyện cuối cùng của Ruồi Trâu.
Còn người đồng chí tình thương mến thương Gemma thì đầu truyện cũng hệt như cuối truyện. Nếu Montaneli thì còn có một cảnh cuối cùng thể hiện sự diễn tiến về mặt nhân vật, thì Gemma tuyệt nhiên không có cái sự xa xỉ này. Từ khi còn là một đứa con nít, cô đã là một đứa trẻ thông minh, rắn rỏi, kiên định, trầm lặng và đầy tính hy sinh. Tuổi hai mươi, cô lớn lên thành một thiếu nữ thông minh, rắn rỏi, kiên định, trầm lặng và đầy tính hy sinh. Sau khi trải qua đầy đủ biến cố của cuộc đời, cô trở thành một đồng chí thông minh, rắn rỏi, kiên định, trầm lặng và đầy tính hy sinh. Và tất nhiên, trong bất kỳ giai đoạn nào, cô cũng đều ủng hộ và hỗ trợ Ruồi Trâu - ngay cả những lúc chưa nhận ra Ruồi Trâu là người bạn xưa cũ của mình và cũng không mấy ưa mến hắn.
Tóm lại, dù có chọn ai đi chăng nữa - Gemma hay Montaneli - thì họ cũng dẹp lép, phẳng lì như miếng thịt heo trong tô hủ tiếu, và tuyệt nhiên đều thuộc một phe cùng với Ruồi Trâu.
Vậy, ta cần thiết phải đặt ra một câu hỏi: Cuốn tiểu thuyết này muốn thể hiện điều gì?
Một tiểu thuyết lịch sử cố gắng phác họa lại thực tế rộn ràng và sinh động của giai đoạn cách mạng nước Ý? Hay một bản tuyên truyền cho chân lý vĩnh hằng nào đó mà tất cả mọi người phải cùng hướng tới?
Tôi không cho bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào mà cốt chỉ để thúc đẩy một hệ tư tưởng là một tác phẩm ổn thỏa. Mà nếu có bất kỳ ai cảm thấy thỏa mãn với những cuốn tiểu thuyết như vậy thì rõ ràng họ đang không tìm kiếm văn học; họ chỉ đang tìm kiếm một sự khẳng định hoặc xoa dịu cho ý thức hệ của mình mà thôi.
Một tác phẩm ổn thỏa đối với tôi là một tiểu thuyết mà sau khi đọc, độc giả không còn có thể chắc mẩm về thế giới quan như trước khi đọc. Muốn vậy, tác phẩm phải tạo nên hai nhân vật tròn trịa đại diện cho ít nhất hai luồng tư tưởng đối nghịch nhau, và luồng tư tưởng nào cũng phải tuyệt đối thuyết phục và tuyệt đối hấp dẫn; thách thức tất cả định kiến từ tất cả các phe.
Kết: về khía cạnh phát triển nhân vật, tôi cảm thấy tiểu thuyết Ruồi Trâu phiến diện và không đủ sâu sắc để xếp vào hàng ngũ "kinh điển"; rộng rãi lắm thì chỉ có thể gọi là "vũ khí chiến tranh chính trị" (và thực tế đã diễn ra như vậy), còn khắt khe thì phải thừa nhận rằng đây chỉ là "ngôn tình mỳ ăn liền" dành cho các đồng chí cách mạng mà thôi.

HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ VÀ BỊ LÃNG QUÊN

Có lẽ cũng như bao hiện tượng nổi tiếng khác, luôn luôn bao gồm một thành phần lướt sóng chính trị xã hội và một thành phần giá trị siêu việt vượt thời gian. Hễ có bất cứ thứ gì phù hợp với dòng tự sự của một nhóm, nó sẽ được hội nhóm đó lăng xê và trở thành công cụ cho mục đích của mình. Ngay cả những tác phẩm văn học thuần khiết nhất cũng không thể tránh được kết cục bị lợi dụng này. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt giữa một tác phẩm có giá trị tự thân thật sự và một tác phẩm thuần ăn theo làn sóng; Đó là sau khi các sự kiện lắng xuống: Nó còn duy trì được vị thế của mình hay không?
Ruồi Trâu rất được lòng Liên Xô, Trung Quốc và cả Việt Nam trong thời kỳ cách mạng. Một lời nhận xét khác được in ở bìa sau cuốn sách: "Trong tâm trí đám học trò chúng tôi... lúc nào cũng thấm đẫm tinh thần lãng mạn của Ruồi Trâu, của Pavel Korsaghin trong Thép đã tôi thế đấy." – nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn.
Lại một lời bình phẩm khác gộp nhóm Ruồi Trâu và Thép đã tôi thế đấy. Tuy tôi chưa đọc Thép đã tôi thế đấy, nhưng biết rằng tác phẩm này vẫn còn được ca ngợi sôi nổi đến tận ngày nay. "Vậy, tại sao mình lại không biết đến Ruồi Trâu nhỉ?" – tôi vô cùng thắc mắc. Là do thiếu sót về mặt kiến thức của bản thân, hay tự Ruồi Trâu không còn được bàn tán với lòng nhiệt tình nức nở như xưa kia nữa? Thử tìm kiếm hai từ khóa "Rồi Trâu" và "Thép đã tôi thế đấy" trên Google, tôi xác nhận được sự chênh lệch trong mức độ phổ biến giữa hai tác phẩm.
Một so sánh vui thôi, nhưng rõ ràng sau khi đọc Ruồi Trâu thì tôi cũng không quá thắc mắc tại sao nó không còn giữ được sự nổi tiếng như xưa (ít nhất là khi so sánh trực tiếp với Thép đã tôi thế đấy). Ở đây, xin trích dẫn theo trí nhớ một lời nhận xét của Ruồi Trâu về một bài viết của chính mình: Tôi không thấy bài viết có giá trị văn học gì hết, ngược lại điều này là cần thiết đối với một bài viết nhằm dậy sóng dư luận.
Thưa bà Voynich, liệu rằng đây đồng thời cũng là ý đồ của bà khi viết cuốn tiểu thuyết này chăng?

NHỮNG ĐIỂM SÁNG

Phê bình có vẻ gay gắt vậy thôi, chứ tôi không nuối tiếc về quãng thời gian một tuần đắm chìm trong cuốn tiểu thuyết. Đọc khá cuốn, và có một vài điểm sáng mà tôi muốn liệt kê để gỡ gạc lại một chút hình ảnh cho Ruồi Trâu. Như đã nói ở trên, ngay cả một tác phẩm mà tôi không đánh giá cao, nếu đạt được đỉnh cao trong bối cảnh của nó, hẳn là có ít nhất từ một đến hai điều mà tôi cần học hỏi.
Thứ nhất, tôi đặc biệt thích bức tranh tương phản mà tác giả vẽ ra khi Aurthor (Ruồi Trâu thời trẻ tuổi) đi du lịch cùng Montaneli. Khi chàng trai trẻ còn nhìn đời bằng cặp mắt kính màu hồng đang lơ đễnh ngắm nhìn mây trời trên cao, thì lão già khắc khổ mang trong mình một tội lỗi không thể cứu chuộc - mà đang nằm lơ đễnh trước mặt ông - chỉ thấy được vách núi đáng sợ và vực thẳm hun hút phía dưới chân. Lúc mà ánh mắt của Aurthor chuyển từ trời xanh xuống vực đen, cậu chứng kiến một khía cạnh khác của thế giới, mà từ trước đến nay chưa bao giờ hay biết sự tồn tại. Cậu cảm thấy rùng rợn với thế giới xa lạ này. Và cậu đã làm gì? Cậu quyết định làm ngơ nó đi, quay lại với cuộc sống đẹp đẽ thường ngày của mình, giả vờ chưa từng có cuộc tiếp xúc kỳ quái kia. Dưới góc nhìn của hành trình anh hùng, có thể hiểu rằng cậu đã khước từ lời kêu gọi phiêu lưu đầu tiên, để sau này cậu bị quăng vào chuyến phiêu lưu đến nơi tăm tối cõi người theo một cách mạnh bạo và tàn nhẫn hơn nhiều lần. Một biểu tượng tuyệt vời. (Ngoài ra, trong khoảng thời gian này, tôi đang vật lộn với việc miêu tả núi non cho Kỳ II của bài viết này, đúng là chết đuối vớ được cọc.)
Thứ hai, tôi ấn tượng với biểu tượng có phần vĩ cuồng về cái chết của Ruồi Trâu, mà theo tác giả là tương đồng với hình ảnh Chúa Giê-su bị đóng đinh trên cây thánh giá: Cả hai đều vì nhân loại. Nếu sự hi sinh của Chúa Giê-su mở ra một thời đại mới của tôn giáo, thì sự hi sinh của Ruồi Trâu sẽ khép lại chính thời đại ấy. Sự kiện Ruồi Trâu bị xử bắn lan tỏa một bầu không khí đau buồn và hụt hẫng, bao trùm cả tất cả các phe; sau đó nhanh thôi, sự đau buồn sẽ trở thành cơn phẫn nộ, cơn phẫn nộ sẽ trở thành một làn sóng cách mạng, làn sóng cách mạng này sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết (hoặc ít nhất tôi diễn dịch ý đồ của tác giả là như vậy).
Việc một tác phẩm vay mượn hình ảnh từ tôn giáo không phải là hiếm, đặc biệt trong một tác phẩm công kích tôn giáo như này; Nhưng thú thật, trước khi đọc được sợi dây liên kết giữa Ruồi Trâu và Chúa Giê-su ở những trang cuối, tôi những tưởng tác giả đang muốn liên hệ với một câu chuyện khác trong Kinh Thánh: Abraham hiến tế Isaac.
Trong Tân Ước, hành động hiến dâng con trai Isaac của Abraham được xem là đỉnh cao của đức tin trọn vẹn vào Thiên Chúa; Tuy nhiên đây cũng là lúc mà Abraham lung lay đức tin nhiều nhất, bởi vì ông đã hy sinh quá nhiều nhưng vẫn chưa thấy được lời hứa của Thiên Chúa hiển lộ. Trùng hợp làm sao khi đó cũng là tình huống của Montaneli; Ông tự nguyện cống hiến cả cuộc đời mình cho tôn giáo, nhưng mỗi đêm lại bị hành hạ bởi giấc mơ mất ngủ vì một tội lỗi không được cứu chuộc. Trong kinh thánh thì một thiên sứ đã kịp thời hiện ra để ngăn chặn hành động giết con của Abraham; sau đó đức tin của Abraham được củng cố và ông được tưởng thưởng như đã hứa - trở thành tổ phụ của nhiều dân tộc (Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo). Trong Ruồi Trâu, chính Montaneli cũng tự tay giết chết con trai của mình - thông qua lệnh xử bắn - nhưng khác ở chỗ, không có thiên sứ nào hiện ra và người con trai đã thật sự ngã gục ngay trước mặt ông; Sau đó, Montaneli mất hết đức tin và trở thành kẻ phản Chúa. Thú vị thay. Liệu ngày đó, nếu Abraham - người cũng đang đứng trên lằn ranh của đức tin - không được vị thiên sứ ngăn lại, thì viễn cảnh Montaneli cũng sẽ là viễn cảnh của ông chăng?
Tôi thích một liên hệ tinh tế như vậy hơn. Tuy nhiên, nếu sâu sắc quá thì đâu đủ mạnh mẽ để kêu gọi cách mạng. Cần một liên hệ trực tiếp và phổ thông hơn: Ruồi Trâu phải là Chúa Giê-su của thời đại mới. Khá khen cho sự bạo gan của tác giả!
Cuối cùng, đọc Ruồi Trâu giúp tôi vỡ lẽ nhiều điều về các sự kiện ở Việt Nam. Có sự cộng hưởng nhất định giữa các tố chất của Ruồi Trâu (cùng những tương tác của anh với các đồng chí) và các câu chuyện tôi nghe được về giai đoạn cách mạng ở nước ta. Đặc biệt, khi đọc đến cảnh Ruồi Trâu lên pháp trường, tôi không thể nào không liên tưởng tới hình ảnh Võ Thị Sáu. Liệu người anh hùng đất đỏ có từng đọc cuốn tiểu thuyết này chăng? Hoặc ít nhất là người kể câu chuyện về chị đã từng đọc tiểu thuyết này chăng? Rõ ràng quyển sách đã làm rất tốt chức năng của nó trong dòng lịch sử.
Muỗi Vằn, 16/12/2022
Đọc thêm