Bàn về việc đọc sách: mục đích, phương pháp và hình thức
Đã có rất nhiều tranh luận về việc đọc sách, hôm nay mình chỉ xin nêu quan điểm, nhấn mạnh ba lần, là quan điểm cá nhân của mình về...
Đã có rất nhiều tranh luận về việc đọc sách, hôm nay mình chỉ xin nêu quan điểm, nhấn mạnh ba lần, là quan điểm cá nhân của mình về việc đọc sách, với mong muốn các bạn tham khảo và cùng thảo luận (hay tranh luận) về chủ đề mà chúng ta cùng yêu thích này.
Về mục đích của việc đọc sách, có hai trường phái chính: đọc sách để giải trí và đọc sách để tiếp thu kiến thức. Đại diện cho hai trường phái này chính là hai thể loại sách: hư cấu và phi hư cấu (fiction và non-fiction), và cả hai thường xuyên xung đột lẫn nhau. Hai ý kiến này đều không sai, còn đối với bản thân mình, mình đọc sách hết 90% là để giải trí. Từng có một người bạn của mình (chỉ đọc thể loại sách phi hư cấu, cụ thể là sách self-help và sách tiểu sử các nhân vật nổi tiếng, cách họ dạy làm giàu…), nói với mình rằng: đọc sách hư cấu thì có ích lợi gì đâu? Thật lạ lùng khi không ai tranh luận về việc bạn nghe nhạc, bạn xem phim mục đích là gì, mang lại ích lợi gì, mà mọi người lại rất hay tranh luận về việc đọc sách để làm gì. Quan điểm của mình là: mình không thần thánh hóa việc đọc sách, nếu bạn hứng thú với việc đọc chỉ đơn thuần để giải trí sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng, cứ tiếp tục điều đó. Rào cản lớn nhất khiến nhiều người không tiếp cận việc đọc sách, ấy là họ cứ nghĩ việc đọc là việc gì đó rất cao siêu. Không phải như vậy, hãy đọc sách với tâm thế như cách bạn xem phim, bạn nghe nhạc, rồi sẽ đến lúc bạn đọc như cái cách mà bạn thở vậy (như cô bé trong Giết con chim nhại đã từng so sánh).
Như vậy, phương pháp đọc sách tốt nhất là gì, và làm thế nào để nhớ được hết nội dung những cuốn sách mà bản thân đã đọc qua? Mình từng thấy rất nhiều bạn lên hỏi phương pháp đọc nhanh một quyển sách, và cách để nhớ được hết những gì đã đọc. Quan điểm cá nhân của mình là: không nên đọc nhanh, và ghi nhớ tất cả những gì mình đã đọc thì để làm gì? Như đoạn trước, đối với mình, một người coi 90% việc đọc sách là để giải trí, không việc gì mình phải rút ngắn cái sự sung sướng đó của mình lại cả. Trừ khi cuốn sách quá dở, với một cuốn sách hay, tác giả đã dày công xây dựng cốt truyện, nhân vật, tại sao khi đọc ta lại phải nhảy cóc, lược bỏ bớt, để rồi gấp sách lại, tất cả đọng lại chỉ là nội dung tóm tắt méo mó của tác phẩm đó (thế thì lên Wiki đọc có nhanh hơn không?). Còn việc ghi nhớ tất cả những gì đã đọc, xin khẳng định với ai mình không biết, với mình điều đó là không thể, và cũng đâu cần thiết. Với mình, cái gì đáng nhớ thì chắc chắn mình không quên, còn cái gì quên rồi tức là nó không cần phải nhớ. Nhiều quyển mình vừa đọc đây thôi, biết rằng nó không dở lắm, nhưng cầm lên mình không nhớ mấy về nội dung của nó nữa. Ngược lại, nhiều quyển mình đọc từ nhiều năm trước, ấn tượng nó mang lại cho mình sâu đậm đến nỗi nếu mình đọc lại, chỉ cần đọc câu trước là mình biết câu sau nhân vật sẽ nói gì. Đấy là những thứ đáng nhớ, và không cần thủ thuật gì, mình biết mình cũng sẽ không thể nào quên.
Cuối cùng, một chủ đề cũng được chia làm hai trường phái, đó là hình thức của việc đọc: đọc e-book hay đọc sách giấy. Phe e-book cho rằng e-book nhỏ gọn, dễ mang theo, tính kinh tế cao hơn (vì sách bản quyền mua e-book rẻ hơn sách giấy), và bảo vệ môi trường hơn. Phe sách giấy thì chỉ có một luận điểm: không gì sánh được với việc cầm một cuốn sách trên tay, sờ chất giấy, ngửi mùi giấy, và nâng niu cất nó vào bộ sưu tập sau khi đã đọc xong. Mình theo phe sách giấy, đơn giản vì mình cũng nghĩ vậy đấy. Và đặc biệt là mình thích mua để sưu tầm. Một quyển sách mình đọc qua e-book rồi, nếu thực sự quá yêu thích nó, mình sẵn sàng bỏ tiền ra để mua bản sách giấy. Chỉ để bỏ lên tủ sách, thỉnh thoảng lấy ra lật lật vài trang, hít hà rồi cất nó vào lại. Khi nào quên quên bớt, lại lục ra đọc lại, đang đọc trang sau mà cần tìm kiếm thì lật mấy trăm trang trước ra kiếm lại cũng tiện hơn e-book, không nhắm được nó ở đoạn nào. Bởi thế mình tin là, dù thời đại phát triển đến đâu, sách giấy cũng sẽ không chết được, mà e-book và sách giấy sẽ cùng sánh bước song song với nhau, phục vụ cho hai loại đối tượng khác nhau, nhưng cùng mục tiêu chung là thỏa mãn nhu cầu được đọc, một nhu cầu của con người mà mình chắc chắn chưa bao giờ và sẽ không bao giờ ngừng lại.
P/S: đọc thêm các review sách của mình tại page Gặm Sách nhé
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất