Tôi từng đọc được một câu nói đại loại như sau: “Cờ vua nói chuyện trí tuệ trong cuộc đấu giữa người và người, cờ tướng nói chuyện trận đánh giữa quốc gia và quốc gia, còn cờ vây nói chuyện thiên hạ”. Tầm vóc của cờ vây là khác biệt với tất cả các loại cờ khác. Cờ vua hay cờ tướng là đi săn và đi diệt quân của đối thủ, chiếu vua, bắt tướng để kết thúc ván cờ. Nhưng cờ vây là đi…chiếm đất. Ngay cả cái luật chơi cũng thể hiện cái tầm.
Bàn cờ vua là 64 ô vuông đen trắng xen kẽ đơn giản, thích đi đâu đi, cờ tướng hấp dẫn hơn một chút với việc chia đôi bờ sông, với vùng trung tâm của tướng-sĩ. Còn bàn cờ vây là tượng trưng cho vũ trụ, 361 điểm thì một điểm tượng trưng cho trung tâm vũ trụ, ba trăm sáu mươi điểm tượng trưng cho ba trăm sáu mươi ngày lịch cũ, quân cờ trắng đen đại diện cho sự thay đổi của đêm và ngày (hoặc thể hiện âm-dương), bốn góc biểu thị bốn mùa trong năm. Bàn cờ vây là bao trùm vũ trụ, thiên tượng vạn vật.
Chúng ta đã nghe quá nhiều về “tứ nghệ” của văn nhân tài tử thời phong kiến. Chúng ta đã sử dụng khái niệm “cầm kỳ thi họa” như một thói quen. Nhưng nếu ai hỏi bạn “kỳ” trong “Cầm kỳ thi họa” đấy là môn cờ nào thì phải biết đấy là nói về cờ vây.
Thật kỳ lạ làm sao khi Việt Nam thuộc nhóm 4 nước đồng văn mà cờ vây lại nghèo nàn đến thế? Trong khi các nước tương đồng văn hóa là Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc thì cờ vây phát triển rực rỡ. Những quốc gia đó có những viện cờ, những bảo tàng, những giải thưởng, và cờ vây trở thành một môn cờ quốc hồn dạy làm người, dạy trí tuệ, và dạy lịch sử của chính họ.
Bên bàn cờ vây, người Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan có thể kể cho nhau nghe biết bao nhiêu câu chuyện, điển tích quanh bàn cờ. Họ cũng có thể lấy truyện Kim Dung ra để cùng bàn, cùng kể về việc vì sao Hư Trúc-Đoàn Diên Khánh phá được thế cờ trân lung để tự răn mình, hay bàn về cách mà Kim Dung đã luận về việc người chơi hay, chơi dở trong Bích Huyết Kiếm. Hay câu chuyện về một nhân vật tên là Hắc Bạch Tử trong Tiếu Ngạo Giang Hồ đã dùng bàn cờ vây làm binh khí.
Việt Nam có lịch sử cờ vây không? Ồ, có chứ. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Kỷ nhà Lê, có một đoạn như sau: “Nội mật viện Hà Đức Chính bị đồ làm thuộc đinh ở bản đạo, Phạm Tư Minh bị biếm 1 tư. Đức Chính làm hành nhân sang nước Minh báo tang, đánh cờ vây với người Minh và cãi nhau với chánh sứ.”
Trần Hưng Đạo khi trăn trối cũng dùng khái niệm đánh cờ, tư duy trong cờ vây để dặn lại cách giữ nước “Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được.”
Ở Bắc Ninh có núi Lạn Kha, điển tích kể lại, có một người tiều phu tên là Vương Chất thường ngày lên rừng đốn củi. Một hôm anh gặp hai cụ già ngồi đánh cờ bên bàn đá , bên cạnh có mấy hạt đào ăn dở lăn lóc. Đang mệt, đói bụng lại ham chơi cờ, Vương Chất bèn nhặt một hạt Đào lên vừa ngậm cho đỡ đói vừa xem đánh cờ. Xem mãi khi ván cờ tàn, hai cụ già ngẩng lên hỏi, ngươi đi đâu mà để rìu mối ăn hết cả kìa? Vương Chất quay lại đã thấy cán rìu không còn nữa, bị mục nát từ lúc nào. Lúc ngẩng lên thì không thấy hai ông già đâu nữa. Trở về làng, thấy mọi vật đã khác xưa. Hỏi về gia đình, bố mẹ đều không ai biết, mãi sau có cụ già trong làng mới bảo, từ đời lâu rồi nghe nói có một người lên núi đốn củi nhưng không thấy về. Hóa ra, hôm đó Vương Chất đã xem Tiên đánh cờ, vì thời gian tiên giới bằng cả trăm năm trên trần gian nên mới vậy. Từ đó núi có tên là Lạn Kha. Nay ở trên đỉnh núi còn tấm đá vuông rộng bằng hai chiếc chiếu, mặt hơi phẳng, tương truyền là bàn cờ tiên. Điển tích ấy không xa lạ, ở sát ngay cạnh, ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Quan quân Đại Việt khi xưa không lạ gì môn cờ vây, nhưng bằng một cách điên dại nào đó, đã có một khoảng trống hoắc hơ của của lịch sử đã xuất hiện để phân đất nước này thành hai nửa: trước có cờ vây, và sau không thấy cờ vây nữa.
Tôi, một người yêu thích lịch sử và văn hóa, đã đọc rất nhiều điển tích, đã thấy được cờ vây giống như một chứng nhân cho sự biến thiên, cho sự định hình, cho sự phát triển của những quốc gia Phương Đông, là môn cờ mà bất cứ ai có tài kinh bang tế thế của Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam đều biết và đều chơi giỏi. Vậy nên thật kỳ lạ và vô lý làm sao khi cờ vây ở Việt Nam lại nghèo nàn.
Và vì thế, tôi luôn đợi cuốn sách này xuất hiện. Để có một người đứng ra và kể cho người Việt Nam nghe có một loại cờ trí tuệ đến vậy, tinh hoa đến vậy, và bao trùm lịch sử đến vũ trụ đến vậy. Để nói cho bạn biết trên đời này có những kỳ thủ thiên tài, cách mạng, có những cậu bé đã một mình tạo nên một thời đại cho cờ vây, một mình đặt nền tảng cho cả quốc gia. Nơi đó, là những truyền kỳ tạo cảm hứng về trí tuệ, chiến đấu cho đam mê. Và cuốn sách còn nói cho bạn biết cả những mưu mô xảo trá, âm mưu đê hèn. Nhưng đó không phải là điều xấu xa gì? Đấy mới là cờ vây, như quân đen-quân trắng xen kẽ.
Trước khi đi đến đam mê và những cuộc chiến bên bàn cờ. Cuốn sách sẽ nói với bạn rằng có một lịch sử hoành tráng đến như vậy, có một môn cờ thú vị đến như thế. Tôi tin, đấy mới là điều quan trọng nhất để dẫn lối đến đam mê, rồi từ đam mê mà đi ra đại trà, và từ đó đi đến sự phát triển khi ai cũng biết, cũng quan tâm ít nhiều đến cờ vây.
Ví dụ như ván cờ Trân Lung nói với ta rằng đôi khi dám buông bỏ, lùi một bước và bạn sẽ thấy lối thoát.
Cuốn sách đương nhiên cũng có thiếu sót, như mấy đoạn về môn cờ này trong lịch sử Việt Nam. Hay bao trùm trong đó tôi tin rằng thiếu một cách kể rủ rỉ bên tai về một môn cờ đứng trên tầm một môn cờ. Nhưng hãy đặt câu hỏi nếu không có người tiên phong mở lối, há có người đi bước tiếp theo? Nếu không có những cuốn sách với sứ mệnh đặc biệt như thế này, liệu sau này có ai kể cho chúng ta nghe về những điều đặc biệt khác về một môn cờ đáng lẽ phải có vị trí trang trọng trong văn hóa của Đại Việt.
Cuốn sách này giá trị ở một người dám viết, và dám nghĩ lớn về việc khôi phục và tìm lại chỗ đứng cho một môn cờ từng tồn tại cả nghìn năm ở dải đất này.
Và nói như anh đã nói ở cuối sách "Biết rằng khó đọc. Nhưng, nếu nó thúc đẩy nền cờ vây Việt Nam mạnh lên một chút, tôi cho là nó đã hoàn thành sứ mệnh của mình."
Có thể là hình ảnh về trong nhà

Bài viết theo quan điểm của tác giả!