Tôi dậy sớm. Đến trường sớm. Bẽn lẽn nhìn mặt trời như hai người bạn đã giận nhau lâu ngày, nay bỡ ngỡ làm lành. Tôi không biết rằng nắng sớm có thể dịu dàng đến vậy. Không khí mát ngọt còn đọng sương sớm có thể ngây ngất đến vậy. Hôm nay là một ngày đặc biệt.
Tôi nhập học!
Không phải nhập học ở ngôi trường thông thường nào. Mà là Ngoại-thương. Nơi tập hợp những con người tài-giỏi-và-năng-động-nhất.
Ngôi trường - như mọi người vẫn thường nói về nó - rộng đúng bằng cái lỗ mũi. Nhưng lớp vỏ vật chất nào có diễn tả được hết cái tinh thần bên trong. Tôi chắc mẩm như vậy. Sau này càng chắc chắn hơn. Bởi vì vũ trụ của chúng ta bắt đầu từ vụ nổ lớn, còn điểm kỳ dị ban đầu nằm trong cái lỗ rún của một ai đó bên trong ngôi trường này.
Đúng như vậy thật. Hãy nhìn nước sơn của ngôi trường đang chực chờ bong ra từng mảng lớn, có lẽ vì không chất chứa được nội lực đang chảy cuồn cuộn bên trong nó. Dấu vết thời gian lưu lại trên mặt sơn, làm cho màu trắng chuyển ngà. Một màu ngà nhè nhẹ như tấm giấy Papyrus của người Ai Cập cổ xưa. Hay màu ngà tựa hồ hàm răng cương nghị của các đấng mày râu nghiện thuốc lá đã lâu năm. Đây là một họa phẩm tài tình, là kết tinh khi mà sự ngẫu nhiên của thiên nhiên hòa quyện với ý chí mạnh mẽ của ngôi trường. Điểm xuyết cho nó là các vết ố lớn, loang lổ. Ố chim Hồng Tước. Ố đen Huyền Vũ. Ố ngọc Lục Bảo. Ố nâu gỗ lim. Ố xám khói bếp.
Tuyệt phẩm! Một tô cháo lòng full-topping theo trường phái hiện thực. Cũng có thể là một bản giao hưởng màu sắc theo trường phái ấn tượng. Dù là gì đi chăng nữa, nó đủ sức thắp sáng mọi thụ thể hình nón kể cả ở những người mù màu.
Mà đúng vậy thật. Tôi mù màu.
Tôi bước vào cổng trường. Mọi người đã ở đây hết rồi. Băng qua sân trường. Có lẽ định nghĩa về từ "sớm" của tôi hơi khác mọi người. Ngước lên trên. Tôi đi dép xăng-đan. Nhìn tán lá bàng. Tôi mặc áo thun cổ tròn. Làm thủ tục nhập học. Tôi không nhớ mình mặc quần gì. Rảo bước vào hội trường. Bộ đồng phục trắng. Biểu trưng đỏ. Một cánh cửa mới đang mở ra trước mắt.
Ở đây, tôi gặp lại một số khuôn mặt quen thuộc, thì ra là các bạn ngồi cùng phòng thi trước đó. Có gì đó hơi lạ. Trong ký ức của tôi, những khuôn mặt này vốn không rạng rỡ và thân thiện như vậy. Cũng trong ký ức đó, khuôn mặt của tôi vốn không tươi cười và chủ động thế này.
Chúng tôi trao đổi số điện thoại - điều mà tôi chưa từng làm trước đây. Tôi còn chẳng thêm Facebook với mấy đứa bạn hồi cấp ba.
Vài anh chị khóa trên gạ tôi mua một đĩa CD, thủ thỉ rằng chứa toàn bí kíp cho thời sinh viên. Về nhà mở ra mới thấy chứa toàn bản sao chép lậu của các đầu sách self-help.
Có khoảng 100 đầu sách. Hồi đó tôi không đọc sách phi-hư cấu. Tôi còn chẳng biết self-help là cái gì. Dẫu vậy, tôi thấy có gì đó sai sai trong hành động sao chép lậu và thương mại hóa các bản hướng dẫn làm người thế này.
Nhưng mà. Có lẽ đây là một phần của văn hóa hối-hả-và-quyết-liệt mà tôi còn chưa hiểu hết nhỉ?
Bước vào chốn dành cho các doanh-nhân-tương-lai thì cũng nên làm mới bản thân một chút nhỉ?
Trở về phòng trọ, bầu trời rộng mở trên đầu. Cảm giác tích cực vẫn còn di chứng từ lúc nãy. Nhưng không hiểu sao, tôi thấy có chút gì đó không yên trong lòng. Tôi không biết phải miêu tả cái cảm xúc này như thế nào. Nó làm tôi nhớ lại một câu chuyện đã cũ.
Đó là lần tôi cùng đoàn trường lên Đà Lạt để tham dự một cuộc thi giải Toán trên máy tính cầm tay. Tôi được giải cao nhất đoàn và đó là buổi sáng trao huy chương. Trong khi chờ tên của mình được xướng lên một cách trang trọng, tôi đã nhắm mắt cầu nguyện suốt cả buổi: “Làm ơn đừng có ra mà! Làm ơn đừng có ra mà!”. Chẳng là tối hôm trước, tôi có ăn một chút bậy bạ.
Đó là một cảm giác không ổn, nhưng vẫn phải tỏ ra ổn cho người khác xem. Không chỉ là giữ nét mặt rất đỗi thản nhiên bất chấp các cơn đau quặn xảy đến bất ngờ, mà còn là nỗi lo sợ nơm nớp ai đó sẽ phát hiện ra món bơ dầm nát toét của mình tạo ra trong nhà vệ sinh. Đó là một cảm giác không ổn, nhưng vẫn phải tỏ ra ổn cho chính bản thân mình. Không chỉ là sự ăn năn vì đã bỏ vào bụng một đống các loại khô bò-gà-nai kèm với coca và trà xanh, mà còn là niềm hy vọng rằng sẽ không có bất kỳ chất nhuyễn nào rỉ ra xuyên suốt buổi lễ danh giá. Đó là cảm giác mắc kẹt trong cuộc hoà giải với tự nhiên. Những đợt gió lạnh mơn trớn, mời gọi một sự buông bỏ, nới lỏng kiểm soát nơi cơ hoành đường ruột, để những thứ cần được trao trả về với môi trường được trao trả về với môi trường. Có những khoảnh khắc, tôi gần như đã chấp nhận bỏ cuộc, tự nhủ dù gì thì đó cũng chỉ là mớ chất xơ đã qua xử lý. Mặc dù tỷ lệ chất lỏng có hơi nhiều, nhưng vẫn là chất xơ mà thôi. Chất xơ và một dung dịch hoà tan có độ pH trung tính. Một phản ứng sinh lý tự nhiên của cơ thể. Một trong tứ khoái của dân tộc An Nam. Vậy thì cái danh dự của một con người. Cái tôi chấp niệm của cá nhân. Có thật sự đáng không? Nếu có thì tại sao tôi lại đau khổ thế này?! Tôi không muốn chịu đựng nỗi đau này thêm bất kỳ giây phút nào nữa!! Cái viễn cảnh buông bỏ thật sự vỗ về con người. Nó làm ta mơ màng khoan khoái và chìm đắm trong sự an lạc. Nhưng cái hỗn loạn của thực tế lại lôi ta trở lại. Đứng giữa lằn ranh của hai sự lựa chọn, tôi đã ngồi đó tập thở đều suốt cả một buổi sáng. Quả là một kỳ tích của bản thân. Một chiến công không thể chia sẻ. Tôi luôn tự hào về nó. Lần đó, tôi đã vượt qua được chính mình. Đã phá vỡ giới hạn của bản thân. Tôi trở thành một con người khác sau đó, gan góc hơn.
Thế mới thấy, trong tất cả những khuôn mặt rạng ngời mà bạn từng chứng kiến trên bục nhận thưởng, bạn sẽ không bao giờ biết ai trong số đó đang thực sự xúc động và ai đang bị rối loạn tiêu hóa. Tôi không có ăn tục nói phét! Tôi đi đến kết luận này bởi vì chính tôi đã thể nghiệm cái cảm giác đau thương này rồi. Oanh liệt đấy! Nhưng đau thương. Trên thực tế, Nguyễn Du mà còn sống khi biết được chuyện này sẽ nuốt một ngụm trà, khà ra một tiếng rõ to, rồi tự trích dẫn chính mình: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Tôi sẽ đáp lại Nguyễn Du rằng: “Khi bạn tưởng rằng mình đang thành công nhất, chính là lúc bạn dễ bị tổn thương nhất!”. Rồi cả hai cùng cười phá lên. Hiệu ứng chuyển cảnh được chèn vào.
Dù sao thì, quay lại câu chuyện đi học Ngoại thương. Tôi không dám chắc thử thách lần này có lớn như lần đó hay không. Nhưng tôi có mục đích rõ ràng khi bước chân vào ngôi trường này và tôi sẽ không chùn bước.
Để bạn hiểu thêm về mục đích này, tôi xin giới thiệu bản thân mình đôi chút.
Tôi học Quản trị kinh doanh ở Ngoại thương cơ sở 2, thành phố Hồ Chí Minh, khóa K52, nhập học năm 2013. Suốt 12 năm đi học, tôi lệch hẳn về các môn tự nhiên. Lên đại học, tôi muốn chọn ngành nào tiếp xúc nhiều hơn với con người và xã hội. Mặt khác, suốt 12 năm học, tôi cũng chán ngán với việc phó mặc giá trị bản thân cho thầy cô đánh giá. Lên đại học, tôi muốn học gì để sau này tự nắm trong tay cuộc đời của mình.
Kết hợp hai yếu tố này, quản trị kinh doanh hiện ra như một ngành hoàn hảo. Tôi lấy Steve Jobs làm hình tượng hướng tới, người mà đã để lại một “vết-nứt-có-thể-nhìn-thấy” trên vỏ Trái Đất, nhờ vào cá tính đặc biệt của bản thân. Hồi ấy, tôi cũng muốn làm Trái Đất nứt đi đôi chút và biến cá tính của mình thành một thứ gì đó có-thể-sùng-bái. Suy cho cùng, với một con người tài năng và cuốn hút như tôi thì đây không phải là một ước mơ gì đó quá xa vời.
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
(Chinh phụ ngâm khúc - Đặng Trần Côn)
Nhưng mà tôi thì nào có chí (hồi nhỏ từng có lần tôi bị chí, có lẽ tôi đã tiêu diệt hết toàn bộ chí của cuộc đời mình từ lúc đó). Sau buổi nhập học, tôi gặp đủ bề khó khăn.
Khó khăn đầu tiên là các môn học trái hệ. Hồi cấp 3, những môn tôi cần quan tâm và hệ thống giáo dục tôi được đặt vào có đặc điểm phản-hồi-tức-thời. Tức là điểm số, các bài kiểm tra miệng, các bài kiểm tra 15 phút, được thiết kế dày đặc để học sinh có động lực nhồi nhét vô não những kiến thức mà thầy cô mớm cho. Hơn cả vậy, tôi thuộc lớp chuyên tin, có nghĩa bất cứ điều gì mới mà tôi học được, liền có thể thấy ngay kết quả trên màn hình máy tính.
Trong khi đó, môi trường đại học thì chẳng ai bận tâm đến sinh viên, đến sinh viên còn chẳng tự bận tâm đến chính mình. Những môn như Toán cao cấp, Mác 2 hay Kinh tế vĩ mô thì dường như không mang lại bất cứ phản hồi tích cực nào. Không thể không thắc mắc: “Học mấy cái mẹ này để làm gì?”, nhất là khi giảng viên còn chẳng thèm cố gắng định hướng cho sinh viên hiểu.
Nói vậy chứ, tôi cũng hứng thú với một môn trong suốt học kỳ I. Đó là Mác 1. Ít nhất thì giảng viên còn bỏ chút tâm huyết làm bài giảng trở nên thú vị - bằng cách sao chép gần như y nguyên video nhập môn triết học về Công lý của giáo sư Michael Sandel đăng trên Youtube. Trong một buổi học khác, giảng viên lấy ví dụ về chủ nghĩa duy tâm: “Những người theo chủ nghĩa duy tâm nói rằng ý thức tồn tại trước vật chất. Nghĩa là, nếu ta tin trên tay tồn tại quả táo thì trên tay sẽ thật sự xuất hiện quả táo”. Tôi phải bật cười vì ví dụ đó, gật gù rằng: “Người cổ đại ngốc thật nhỉ?”. Sau này, khi thật sự tìm hiểu về triết học, tôi mới há hốc mồm nhận ra ai mới là kẻ ngốc.
Khó khăn thứ hai là những tình huống quái gở mà thật sự lúc đó tôi không biết phải đánh giá sao.
Trong một lần tôi có dịp được làm việc chung với một nhóm sinh viên nổi bật của lớp, toàn là những con người trẻ, giỏi giang và năng động. Đến lúc này, lần đầu tiên tôi mới biết được rằng sự tự tin của người khác có thể mang lại cảm giác đe dọa tới những người xung quanh như thế nào. Nhất là khi những người xung quanh chưa quen với bầu không khí có mức độ tự-tin vượt ngưỡng “bình thường” như vậy. Nhất là khi cái sự tự tin đó được sử dụng để quả quyết một ý tưởng đại loại như: “Theo tìm hiểu thì cô thích cái này, nên chúng ta sẽ làm vậy!”. Nhất là khi những người xung quanh chưa bao giờ tiếp xúc với một cách học tập “có chiến lược” như vậy.
Hay trong một lần thuyết trình nhóm. Phần trả lời câu hỏi, một bạn nữ thuộc nhóm thuyết trình đã trả lời hết sức hồn nhiên: “Ừ! Mình cũng nghĩ thế.”, làm cả lớp cười phá lên. Tôi nghe có nhận xét: “Đúng là P khùng!” (không phải tôi, trùng tên thôi). Thì đúng là khùng thật. Ở ngôi trường này, chấp nhận người khác đúng đồng nghĩa thừa nhận bản thân sai. Mà dù có sai thật đi chăng nữa, cũng không ai lại thành thật đến vậy. Ở đây, quy trình phản hồi chuẩn-Ngoại-thương sẽ gồm 3 bước. (Lưu ý chỉ áp dụng khi bạn sai rành rành không chối được nữa.)
Bước 1: Phân bua bài thuyết trình vẫn đúng đắn một phần.
Bước 2: Biện minh tại sao nhóm không thể trình bày toàn bộ ý - hoặc là không đủ thời gian thuyết trình hoặc là không đủ thời gian chuẩn bị.
Bước 3: Khen rằng người đưa ra lời phản biện là thông minh và sắc sảo.
Quy trình 3 bước này đảm bảo bạn trông vẫn rất tự tin và chuyên nghiệp dù cho có lỡ nói 1+1=3.
Lúc đó tôi không nhận ra những điều trên có vấn đề. Tôi chỉ nghĩ rằng mình có vấn đề. Năng lực thích nghi yếu kém và không đủ năng động để tồn tại ở một nơi có văn hóa “EQ” cao bậc nhất như vậy. (Thật ra thì việc tôi thích nghi kém là có thật, nhưng tôi không nghĩ đến nỗi tệ như thế.)
Ý là gì ư? Môi trường ở đây rất có vấn đề. Văn hóa ở đây không thích hợp để nảy sinh những mối liên hệ chân thành; bất cứ tình bạn sâu đậm nào được hình thành ở nơi đây cũng có thể gọi là “kém thích nghi với môi trường”.
Cái vấn đề lớn nhất và cũng lố bịch nhất nơi đây phải kể đến sự tôn sùng kỳ lạ hai chữ chuyên-nghiệp. Thế hệ trước truyền cho thế hệ sau sự tự hào mang tên chuyên nghiệp; sự tự hào này được nuôi dưỡng, nảy nở, ngày càng mở rộng và ngày càng to lớn, cho đến một lúc trở thành một con “ngáo ộp”, áp đặt ngược lại lên những người sinh viên nhỏ bé thế hệ sau, cố gồng mình chạy theo tiêu chuẩn của thế hệ trước; cái sự chuyên nghiệp, vốn có ý nghĩa tích cực, trở nên gượng ép và lố lăng.
Ai cũng muốn chứng tỏ bản thân mình chuyên nghiệp. Để vậy, trước hết phải chứng minh bản thân có năng lực. Ai cũng muốn tỏ ra tự tin. Lúc nào cũng sẵn sàng cho mọi thứ. Dù cho có là thứ mình chẳng hề hay biết. Hay chưa bao giờ thực sự bỏ thời gian ra để tìm hiểu. Có người sẽ nói đây là một sự ngạo mạn. Có người sẽ tỏ ra thương cảm cho là không đủ dũng cảm để thừa nhận điểm yếu. Nhân cách được gói gém thành một món hàng, mà có một vài thủ thuật để định vị nó ở phân khúc cao cấp. Nếu nghiêm túc thì sẽ là nghiêm túc, chuyên nghiệp và có năng lực. Nếu năng động thì sẽ là năng động, chuyên nghiệp và có năng lực. Nếu dễ thương thì sẽ là dễ thương, chuyên nghiệp và có năng lực. Nếu chống đối thì sẽ là chống đối, chuyên nghiệp ngầm và có năng lực. Nếu ngu xuẩn thì sẽ là ngu xuẩn, chuyên nghiệp và có năng lực ngầm. Mọi mối quan hệ dường như đều có tính toán, không phải là lợi ích hữu hình như chiếm hữu một chân trong nhóm thuyết trình, thì cũng là mục đích truyền thông, quan hệ công chúng hay hình thành liên minh tiếp thị cho hình ảnh bản thân. Mục đích cuối cùng là bán-được-mình, nếu thành công thì sẽ có cơ hội tranh chức bí thư lớp, trở thành yếu nhân trong một tổ chức sinh viên hoặc chỉ đơn giản là để người khác ngước nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ, cũng đồng nghĩa với ghen tị.
Điều này là bình thường mới trong một thế giới “marketing hóa” cực độ như ngày nay. Và nhân cách cũng chỉ là một công cụ để tương tác với xã hội, nó không quan trọng bằng mục đích cuối cùng của cá nhân. Nhưng việc khám phá ra những sự thật này không dễ dàng chút nào. Đặc biệt với một người đặt nền móng hiểu biết xã hội trên chủ nghĩa lãng mạn như tôi.
Không thấy được ý nghĩa trong các môn học dẫn tới thiếu động lực. Sự tự do quá mức khi sống xa nhà dẫn tới sự hỗn loạn. Môi trường thay đổi đột ngột đòi hỏi nhiều thích nghi. Những mối quan hệ mới chưa đủ sâu sắc để nâng đỡ. Tôi lâm vào tình trạng stress cao độ, không thể ngủ vào ban đêm và tới lớp chỉ để nằm gục xuống bàn. Dần dần, tôi chẳng thiết tha tới lớp, nhiều hơn 2 môn tôi không lên lớp buổi nào và khoảng 80% môn tôi chỉ học 3-5 buổi đủ để điểm danh.
Mong muốn bỏ học ám ảnh tôi trong suy nghĩ. Như bao sinh viên khác, tôi cũng được truyền thông mớm cho no nê các câu chuyện về những tỷ phú công nghệ bỏ học và khởi nghiệp thành công, nào là Bill Gates, nào là Steve Jobs. Chưa bao giờ tôi lại muốn đi theo con đường của Steve Jobs đến thế. Suy cho cùng thì tôi cũng khá thông minh và cũng khá có gu đấy chứ? Biết đâu sẽ thành công thật? Còn hơn là trải qua những tháng năm vô nghĩa ở đây. Mà tuổi trẻ thì biết rồi đấy! Bốn năm có cảm tưởng như là cả cuộc đời.
Nhưng tôi biết mình sẽ chẳng bao giờ dám bỏ học. Bởi vì tôi còn chẳng biết mình muốn cái gì. Đến điều ước ngày sinh nhật mà tôi còn không ước nổi thì nói gì đến việc theo đuổi một ước mơ cụ thể. Nếu ngày mai có bỏ học thiệt, khả năng cao là tôi vẫn chỉ nằm trên cái nệm này mà nhai đi nhai lại những hình tượng vĩ cuồng cùng những suy nghĩ tiêu cực.
Khi không hài lòng với thực tế, con người thường nghĩ về quá khứ. Tôi nhớ nhiều về những ngày tháng học chuyên Tin. Nơi tôi và đám bạn cư xử như một đám ô hợp. Game và manga là mối bận tâm thường ngày. Buồn ngủ thì leo tường ký túc xá về mà ngủ. Đi học thì không cần mang sách vở, thậm chí còn không cần mang cặp. Bị bêu tên ngày chào cờ không phải là thứ gì đó quá đặc biệt. Thi Toán thấp hơn cả lớp Văn cũng chẳng sao. Bày đủ trò nghịch ngợm. Chửi thề luôn miệng là chuẩn mực ứng xử. Nhưng tất cả đều thật, không ai phải gồng mình theo một hình mẫu chuyên nghiệp nào. Ở ngôi trường mới, tôi cảm thấy như người rừng lạc vào chốn văn minh.
Lúc này, điều mà tôi muốn nhất có lẽ là quay lại cuộc sống man rợ nơi rừng rú của mình.
Tôi là người mà nếu không tìm được ý nghĩa trong việc gì đó thì sẽ không thể tiếp tục làm nó. Đây là điểm mạnh. Nhưng đôi khi lại là điểm yếu. Trong trường hợp này thì may mắn thay, nó là điểm mạnh, dẫn dắt tôi đến những hành động có tính xây dựng hơn, kéo tôi ra khỏi vũng bùn trước đó.
Chìa khóa là tìm một câu lạc bộ để tham gia. Cốt là để có một vài mối bận tâm giúp điều hướng bản thân hằng ngày, tốt hơn nữa là có được một vài mối quan hệ có ý nghĩa.
“Chị chỉ hơn mấy đứa 1 tuổi thôi, cũng chẳng biết gì đâu.” – Chị trưởng bộ phận nói vậy với mấy đứa chúng tôi. Tôi cho rằng câu nói này đại diện cho tinh thần của câu lạc bộ và cũng là lý do tại sao tôi có thể gắn bó với nơi này lâu đến vậy.
Câu lạc bộ tôi tham gia thiên về văn hóa. Mặc dù tên của nó là câu lạc bộ Tiếng Nhật trường Đại học Ngoại thương (FJC), nhưng thời ấy chúng tôi chỉ suốt ngày tổ chức các workshop (buổi chia sẻ) như hướng dẫn gấp kusudama hay một vài lễ hội nho nhỏ như Bách Quỷ Dạ Hành. Trong nội bộ thì hoạt động chính cũng là các chương trình teambuilding (xây dựng đội ngũ), không thì cũng là những buổi đi chơi xa tự phát của các nhóm thành viên. Điều này làm câu lạc bộ nổi danh như một hội nhóm chuyên ăn chơi và đọc đam mỹ, đi ngược lại với bầu không khí chung của ngôi trường, hẳn phải là nơi trú ẩn của những “cá thể kém thích nghi nhất của quần thể”. Tôi tham gia bộ phận chuyên tổ chức ăn chơi của câu lạc bộ chuyên ăn chơi đó: bộ phận Liên kết, ban Nhân sự.
Thật ra lúc đầu tôi đăng ký vào ban Dự án. Nơi có nhiệm vụ lưu trữ tài liệu của dự án cũ, chuẩn hóa các quy trình và hướng dẫn các dự án mới. Ít ra nghe công việc cũng có chút tương đồng với ngành đang học. Nhưng lúc tôi nộp đơn đăng ký, một anh cựu thành viên đã đọc được và quả quyết rằng: “Thằng này phải vào ban Nhân sự”, vậy là tôi vào ban Nhân sự. Tôi thì không quá chắc về quyết định này. Bởi vì từ trước tới giờ, chủ động giao tiếp là điều mà tôi làm tệ nhất, nói gì đến kết nối con người. Nhưng mà bạn biết đấy, dù sao thì tôi cũng chẳng biết gì lúc này; mà khi đã chẳng biết gì thì làm gì cũng vậy. Dù sao thì động lực lớn nhất của tôi là hòa nhập, vào ban Nhân sự có khi lại là điều tốt.
Không có gì giúp thành viên mới tạo sự kết nối nhanh bằng việc chịu trách nhiệm cho một dự án chung. Ngay khi vừa mới vào câu lạc bộ, chúng tôi được giao cho chương trình teambuilding đầu năm. Tiếp tục sau đó là dày đặc những sự kiện khác, như một phần của chiến lược giúp thành viên mới trở nên quen thuộc với câu lạc bộ. Để tổ chức các hoạt động trên, tôi phải liên hệ với rất nhiều người, cả trên cấp độ công việc lẫn cá nhân. Tìm thấy tính chính đáng và trách nhiệm trong việc giao tiếp, tôi bắt đầu có nhiều tương tác xã hội hơn.
Đây là quãng thời gian giúp tôi phát triển rất nhiều kỹ năng, từ làm việc nhóm, quản lý dự án, chịu áp lực, nói trước đám đông và cả ứng biến khi cần thiết. Từ một người ít giao tiếp và ngại tương tác, tôi trở thành một người vẫn ít giao tiếp nhưng đỡ ngại tương tác hơn. Tương tác ở đây nói tới việc để người khác gây ảnh hưởng lên mình và mình gây ảnh hưởng lên người khác, cả về mặt tình cảm, suy nghĩ và hành động; mấu chốt không nằm ở giao tiếp mà nằm ở một sự cho phép ngầm ẩn. Chính sự tương tác mới giúp một cá nhân va chạm với những cá nhân khác, trưởng thành lên trong quá trình đó và tạo ra nhiều trải nghiệm có ý nghĩa, cả những trải nghiệm đáng nhớ lẫn trải nghiệm đáng quên nhưng vẫn đáng nhớ.
Có thể nói gia nhập câu lạc bộ là quyết định đúng đắn nhất của tôi khi học Ngoại thương. Nhiều lúc tôi cảm thấy rằng FTU không phải ngôi nhà của mình, nhưng FJC bên trong FTU lại là ngôi nhà của mình. Trong ngôi nhà ấy, anh cựu thành viên là người đã dẫn dắt tôi suốt năm nhất. Từ giải quyết công việc chung đến giúp đỡ những vấn đề trong cuộc sống, hay đơn giản chỉ là thấy tôi suốt ngày ru rú ở nhà, liền lôi tôi ra công viên chơi ma sói với mọi người.
Câu lạc bộ cho tôi một mối bận tâm để tạm thời quên đi bãi lộn xộn của tôi trên lớp.
Mặc dù tôi không rớt môn nào - nhờ khả năng tự học và chương trình cũng rất dễ - nhưng điểm số thấp đễn nỗi làm tôi cảm thấy sốc. Nhanh chóng, cơn sốc được ngụy trang bằng sự tự hào. Chưa bao giờ tôi bị điểm thấp đến thế. Cứ mỗi lần gặp bạn bè cũ, tôi lại tự hào rằng giờ mình không còn “giỏi” như xưa. Tôi cho rằng đây là một vết sẹo đánh dấu sự trưởng thành của bản thân.
Cũng có một vài điều tích cực xảy ra trên lớp. Sau một thời gian gồng gánh thì ai cũng mệt mỏi. Phần khác vì mọi người đã nhẵn mặt nhau rồi, giá trị từ sự công nhận của đối phương bị sụt giảm ít nhiều. Như dân kinh tế hay nói “chi phí lớn hơn lợi ích” nên mọi người bắt đầu buông lỏng, thể hiện phần con người ít chuyên nghiệp nhưng chân thật hơn ra bên ngoài. Quãng thời gian này, tôi cảm thấy trường lớp trở nên dễ thở hơn rất nhiều, có một nhóm bạn chơi chung trên lớp. Việc đi học không còn quá tệ như trước.
Dù sao thì cũng phải thừa nhận rằng sống trong môi trường này giúp tôi học được nhiều thứ về sự chuyên nghiệp và làm thương hiệu cá nhân, rất có ích cho công việc sau này.
Cuối năm nhất có một sự kiện đặc biệt diễn ra. Đó là “Ngày hội Nhật Bản” với quy mô toàn thành phố mà lần đầu tiên câu lạc bộ tôi tổ chức. Đây là dự án được ấp ủ 2 năm và cũng là dự án làm chia rẽ câu lạc bộ tiếng Nhật của cơ sở 1 và cơ sở 2 trường đại học Ngoại thương. Nói chung, có rất nhiều kỳ vọng cho sự kiện này.
Câu lạc bộ tôi áp dụng cấu trúc kiểu ma trận để quản trị. Có thể hiểu đơn giản là bình thường câu lạc bộ sẽ hoạt động theo ban, mỗi ban một chức năng chuyên biệt; nhưng khi có dự án chung hướng ra bên ngoài, thì nhân sự của các ban được phép tham gia dưới một vai trò khác. Cấu trúc này cho phép câu lạc bộ linh hoạt trong việc sử dụng nhân sự và các thành viên thử nghiệm nhiều vị trí khác nhau.
Trong chương trình lớn đầu tiên của mình, tôi đăng ký vào ban truyền thông. Trùng hợp thay, chị trưởng bộ phận cũng là trưởng nhóm truyền thông offline. Chị giao cho tôi một nhiệm vụ đặc biệt, làm cùng một người đặc biệt. Nhiệm vụ đặc biệt đó là làm một bộ phim ngắn quảng bá cho ngày hội. Còn người đặc biệt chính là mối tình đầu của tôi.
“Má! Sao chuyên văn mà toàn bắt mình viết kịch bản không vậy?”
Ấn tượng đầu tiên của tôi là nhỏ này không có được bình thường. Nhỏ học chung lớp với tôi, cựu học sinh chuyên văn Lê Hồng Phong, cái môn chuyên mà tôi ghét nhất bởi nó thường tập hợp những con người có quá nhiều chữ nghĩa nhưng quá ít sự thông hiểu, là bí thư lớp nhưng cứ ngu ngơ thế nào, lạc quẻ hoàn toàn so với phong cách chủ đạo của trường. Nhỏ tham gia đội nhảy Taifuu (Đài Phong/Cơn Bão), một nhóm nhỏ hoạt động khá tách biệt với phần còn lại của câu lạc bộ. Dường như nhỏ này chẳng biết mình đang làm cái quái gì trong chiến dịch chuẩn bị cho ngày hội, được chị trưởng bộ phận lôi qua viết kịch bản với tôi vì cho rằng chuyện này thuộc chuyên môn của chuyên văn.
Nhưng nhỏ này nào có viết được cái kịch bản gì. Đã vậy, tôi viết cái gì ra cũng chê cho bằng được. Một hồi điên máu, tôi viết một lúc năm kịch bản, hòng sử dụng số lượng để đe dọa đối phương.
Các kịch bản tương đối đa dạng. Từ một câu chuyện viễn tưởng liên quan đến hiện tượng “déjà vu”, đến một câu chuyện cảm động về một bạn học sinh cá biệt, rồi cả một câu chuyện dễ thương kể về một đám nhỏ nuôi thỏ sau trường học. Nhỏ đọc xong, phán một câu xanh rờn: “Kiếm thỏ đâu ra mà quay?”.
Tôi điên quá mà, muốn lao vào mà cào cấu cho đỡ tức. Nhưng đồng thời, tôi nhận ra rằng đã hai tuần trôi qua mà vẫn chưa có bất kỳ tiến triển nào. Sự bế tắc đã ngăn cản một hành động bạo lực sắp sửa diễn ra. Chị trưởng nhóm thấy vậy cũng ngỏ lời về chuyện hủy nhiệm vụ.
Nhưng tôi không muốn vậy. Tôi không thích thất bại. Vì vậy, tôi liên lạc anh cựu thành viên nhờ giúp đỡ. Nếu cái trường này có bất cứ ai thật sự chuyên nghiệp, đó hẳn phải là anh cựu thành viên.
Sau khi xem qua một lượt các ý tưởng, anh ấy chọn lấy một bản thảo và bảo tôi chỉnh sửa lại cho khả thi. Thế là cái ý tưởng dài 15 trang của tôi được rút ngắn xuống chỉ còn 5 trang, sau đó chuyển thành một kịch bản quay, vừa đủ cho một bộ phim gần 30 phút. Bởi vì khoảng thời gian tiêu tốn cho việc làm kịch bản là quá nhiều, chúng tôi chỉ còn khoảng một tuần để quay và làm hậu kỳ. Đó là khoảng thời gian khắc nghiệt với một đứa sinh viên năm nhất như tôi. Mỗi ngày tôi đi phụ quay từ sáng đến chiều, sau đó làm một số việc khác của nhóm truyền thông. Khoảng 9 giờ tối, tôi về nhà, cố ăn một cái gì đó rồi đi ngủ. Đến 12 giờ đêm, tôi bật dậy và tiếp tục chuẩn bị đạo cụ cho sáng sớm hôm sau. Dù sao thì đến cuối cùng, nhóm chúng tôi cũng hoàn thành đoạn phim đúng hạn.
Đó là một đoạn phim ngắn kể về ba người bạn chôn xuống dưới đất những kỷ vật quý giá nhất của mình, hẹn 15 năm sau quay về tìm lại. Trong khoảng thời gian đó, những mâu thuẫn và sự kiện trong cuộc sống đã đẩy ba người tách xa nhau, từ lâu không còn liên lạc. Vào dịp kỷ niệm 15 năm, mỗi người vô tình tìm về trường cũ theo những cách khác nhau, lần theo những dấu vết năm xưa để tìm lại kho báu. Không ngờ những kho báu này đều liên quan đến tình bạn của bộ ba. Cuối phim, họ gặp lại nhau đúng gốc cây khi xưa, nơi đưa ra lời hẹn ước. Tên của đoạn phim là “Ký ức”, cũng là chủ đề của ngày hội.
Tôi hy vọng bạn thấy ý tưởng trên là thú vị. Bởi vì khán giả có vẻ không thấy như vậy. Đoạn phim gần như không đóng góp thêm giá trị gì cho dự án chung. Một phần là vì thiếu sự ăn khớp giữa các hoạt động truyền thông - chỉ khi các hoạt động được thiết kế bổ trợ lẫn nhau thì hiệu ứng cộng hưởng và hiệu ứng tích lũy mới xuất hiện để mang lại kết quả đáng kể. Trong khi đó, đoạn phim ngắn của chúng tôi chỉ là một nội dung rời rạc, không phụ trợ cho hoạt động nào khác và cũng không có hoạt động nào khác phụ trợ. (Nói vậy chứ, có lẽ lý do chính là nó không hay.)
Nhưng chuyện này không mấy quan trọng. Bởi vì trong quá trình thực hiện đoạn phim, tôi và cả nhóm đã học được rất nhiều điều, cũng để lại những kỷ niệm khó quên. Sau chương trình, tôi và con nhỏ nhiễu sự kia cũng nói chuyện với nhau nhiều hơn, rủ nhau tham gia một vài cuộc thi viết và dần dần trở thành bạn thân.
Đó là ngày 14/2/2015, mùng hai Tết của một sinh viên năm hai, tôi lẻn ra khỏi nhà, bắt xe buýt từ Vũng Tàu lên Sài Gòn để gặp nhỏ, mục đích trong đầu là tỏ tình. Lúc này, nhỏ đang tranh thủ làm nhân viên bán hàng cho một hãng đồ nội thất trong Vincom. Suốt cả ngày, tôi ở đó phụ bán hàng, thế nào mà hai đứa bán được một cái giường trị giá 25 triệu thật (tiếc là không có hoa hồng).
Đến 10 giờ, Vincom đóng cửa, hai chúng tôi đi dạo khắp Thủ Đức suốt đêm, chia nhau suất xôi cuối cùng và ngồi ghế đá công viên trò chuyện đến sáng. Khoảnh khắc trọng đại cuối cùng cũng đến, chúng tôi trở thành người yêu chính thức. Sáng ra, điện thoại tôi tràn ngập những cuộc gọi nhỡ và tin nhắn của gia đình. Nhưng không sao, đối với một chàng trai đang yêu thì đây chỉ là một phiền phức nho nhỏ.
Tiếp theo đó là chuỗi những ngày tháng ngọt ngào. Chúng tôi cùng nhau lang thang khắp mọi ngóc ngách của Sài Gòn xuyên đêm suốt sáng. Những chuyến đi chơi xa. Những lần kéo xe hết ga. Những lần cãi vã. Những lần to tiếng. Những giọt nước mắt. Những lần đi tìm nhau. Những cuộc điện thoại trước làn xe tải. Trầm cảm và lo âu. Hưng cảm và cuồng loạn. Những sợ hãi của tuổi trẻ, nhưng tuổi trẻ nào đâu thật sự biết sợ.
Tôi đứng trên đỉnh Bà Đen, tầm mắt bao quát làng mạc và rừng núi, tay phải ôm người yêu, cảm tưởng rằng mình là vị vua của thế giới. Không một thử thách nào có thể làm khó.
Cuối năm hai, sau quãng thời gian cháy hết mình ở câu lạc bộ, tôi nghĩ đã đến lúc phải ra đi để thực hiện những dự định riêng của bản thân.
Suy cho cùng năm ba cũng là quãng thời gian đa số sinh viên bắt đầu suy nghĩ đến sự nghiệp tương lai, sao mà suốt ngày ăn chơi lêu lỏng ở câu lạc bộ mãi được. Hồi đó tôi cũng giống như mọi người, bị áp lực phải thành công và có cảm tưởng rằng thời gian còn lại là không nhiều để bắt kịp “cuộc đua lớn” của xã hội. Cái cuộc đua mà bạn biết đấy, nơi người ta sẽ tìm kiếm tiền tài và danh vọng, được người khác tung hô, rồi bước lên các nấc thang địa vị; sau khi bì bõm mệt nhoài với đời, sẽ lặng lẽ chấp nhận một buổi xế chiều trong thầm lặng, rồi một cái chết trong cô độc. Nếu nhanh chân lên thì tôi có khi sẽ được hưởng cái quãng thời gian tung hô bởi những người xa lạ dài hơn một chút. Nếu nhanh chân hơn nữa, có khi quãng thời gian được tung hô còn dài tương đương một vị vĩ nhân, mà mãi ngàn năm sau, khi đã an vị dưới ba tấc đất, vẫn được đắp lên mình các huyền thoại để trở thành công cụ thao túng xã hội của những nhà độc tài. Nhưng có hề gì đâu, bởi vì “con người không sợ chết, chỉ sợ bị lãng quên” mà nhỉ?
Phòng trường hợp bạn không nhận ra thì tôi chỉ đang mỉa mai mà thôi. Nhưng dù sao, lúc ấy, tôi thực sự cảm thấy áp lực phải làm cái gì đó.
Sau một số thành tựu đạt được ở năm hai, tôi đang bay trên mây và tin rằng mình có thể làm được cái gì đó thật, dù tôi cũng chưa biết cái đó là cái gì. Chẳng là trước đó, giữa năm hai, câu lạc bộ có tổ chức một cuộc thi tiếng Nhật toàn thành phố. Tôi quyết định làm một cái gì đó lớn, thế là tôi cùng nhỏ người yêu (lúc này vẫn chưa tỏ tình), đăng tin tuyển cộng tác viên toàn thành phố cho một chiến dịch nhảy flashmob. Điểm đặc biệt là chúng tôi làm việc này mà không không qua bất kỳ sự cho phép nào (thôi nào, cuộc đời mà cứ chờ người khác xét duyệt thì chán chết), thế nên không được cấp phí để làm. Tôi quyết định quyên góp mỗi người trong đội nhảy 10 ngàn đồng để thuê dụng cụ biểu diễn, tôi bù thêm một chút nữa, thế là đủ tiền thuê một cái loa kẹo kéo đi biểu diễn. Dù kết quả cũng chẳng quá thành công, nhưng sau đợt này tôi có thể tự hào với bản thân: “Tuyển cộng tác viên, đã không cho người ta lợi ích gì mà còn bòn tiền nữa. Vậy mà ai cũng vui vẻ. Đa cấp phải gọi mình bằng cụ!”
Tin rằng mình đã vượt trình đa cấp trong khả năng truyền cảm hứng, có lẽ vẫn còn thua Steve Jobs một xíu, nhưng thời cơ đã chín muồi rồi, tôi dự định xin anh trưởng ban rút khỏi câu lạc bộ để làm một thứ đó nứt Trái Đất sau khi kết thúc năm học.
Khi đang lang thang ở công viên Lê Thị Riêng học quân sự, tôi nhận được một cuộc điện thoại:
“Chuẩn bị đi tập huấn trưởng ban.” - giọng phát ra từ đầu dây bên kia, chậm rãi.
“Gì vậy anh?” - tôi ngạc nghiên.
“Em không làm thì ai làm?” - tỏ vẻ hiển nhiên, anh trưởng ban đáp lại.
“Nhưng em không đi tập huấn đâu.” - tôi là một người dễ dụ.
“Ừ. Để anh lo.”
Vậy là tôi lên làm trưởng ban Nhân sự của một câu lạc bộ có hơn 60 thành viên, trong khi bản thân gặp vấn đề với việc nhớ mặt và tên người khác.
Ngày nay mọi người sẽ gọi đây là “hội chứng kẻ mạo danh”, hồi đó thì người ta chưa đặt tên cho mọi thứ trên đời, nhưng tôi biết rõ mình cảm thấy không sẵn sàng. Các thành viên thuộc lứa của tôi cũng đã rút ra hết. Lúc này, tôi rơi vào hoàn cảnh chỉ còn một mình để vừa dẫn dắt lứa thành viên mới, vừa đảm nhận các trách nhiệm thuộc ban điều hành câu lạc bộ. Cả hai vai trò mà tôi không nghĩ mình sẽ phù hợp. Thứ nhất, tôi không phải là một tấm gương tốt để làm gương cho bất kỳ ai. Thứ hai, con người tôi quá thiếu “chuyên nghiệp” để đứng ở một vị trí đại diện cho thẩm quyền.
Trong mớ hỗn độn cảm xúc này, chỉ có một điều tôi biết chắc rằng mình muốn. Đó là tiếp tục mang đến cho lứa thành viên mới cái môi trường mà tôi đã may mắn được hưởng hồi mới vào câu lạc bộ. Nghĩa là đủ an toàn để trải nghiệm và đủ tự do để khám phá. “Anh chỉ hơn mấy đứa có một/hai tuổi thôi, cũng chẳng biết gì đâu.” – hơn một lần tôi lặp lại câu này.
Nhưng có lẽ cái gì thái quá cũng không tốt. Nhanh chóng sau đó tôi nhận ra mình đang đưa những sinh viên năm nhất chưa hề có bất kỳ kinh nghiệm nào vào các vị trí trưởng dự án. Sự tin tưởng trở thành sự thiếu trách nhiệm. Sự tự do trở thành sự thiếu định hướng. Những chương trình đầu năm vì vậy mà rối tung, tổn hại nghiêm trọng tới sự tự tin của đám nhỏ và tầm ảnh hưởng của ban Nhân sự.
Học quản trị, tất nhiên tôi biết đến khái niệm “lãnh đạo theo tình huống”, rằng tùy theo năng lực và độ sẵn sàng của người được lãnh đạo mà điều chỉnh mức độ can thiệp. Sẽ là người quản lý tồi nếu quản lý vi mô một nhân sự tài năng, nhưng sẽ là quản lý tồi hơn nữa nếu dùng lệnh ủy quyền cho một nhân sự chưa có kinh nghiệm. Chỉ là tôi đã tảng lờ tất cả, bởi vì so với trí tuệ thì sự lạc quan tiện lợi hơn rất nhiều.
Song song với đó, công việc ở ban điều hành lại càng tồi tệ. Chưa có thầy cô quản trị nào dạy cho tôi điều này, nhưng chắc chắn nó vẫn diễn ra như một lẽ thường tình trong mọi tổ chức. Đó là một tổ chức muốn hoạt động hiệu quả và lành mạnh, thì cấu trúc của nó phải được thiết kế đảm bảm các phòng ban giám sát được lẫn nhau. Rất thường xuyên cấu trúc này đặt những con người vốn không có vấn đề gì với nhau vào các vị trí đối đầu nhau. Tổ chức càng lớn thì tình trạng “thế chế hóa” càng mạnh mẽ, tức cấu trúc của tổ chức biến thành cấu trúc tương tác của các cá nhân. Nghĩa là một cấu trúc quản trị hiệu quả, bản thân nó, tạo ra mâu thuẫn nội bộ.
Họa chăng chỉ có những cá nhân ý thức rõ ràng điều này mới tránh được sự áp đặt của hệ thống. Nhưng đám sinh viên bọn tôi hồi ấy thì làm gì có đủ năng lực như vậy. Mâu thuẫn nội bộ râm rỉ xảy ra và tôi thấy mình trở thành người bị cô lập. Một lần nữa, cơn ác mộng lớn nhất đời sinh viên của tôi ở Ngoại thương quay trở lại: sự chuyên nghiệp; nhưng lần này nó quay trở lại với sát thương cao hơn gấp bội, khi mà giờ đây tôi thấy mình bị công kích trực tiếp bởi sự “thiếu chuyên nghiệp” của bản thân.
Có một sự biến đổi sâu sắc trong văn hóa câu lạc bộ, bởi vì khi nội bộ không vững chắc, nó không thể giữ vững được bản sắc. Nhanh chóng, cái văn hóa chuộng sự “chuyên nghiệp” từ bên ngoài tràn vào bên trong câu lạc bộ. Chúng tôi chạy đua tổ chức sự kiện để chứng tỏ câu lạc bộ này không chỉ có ăn chơi và các thành viên này không thua kém bất kỳ ai. Chúng tôi tin rằng mình có thể làm tốt hơn các thế hệ tiền nhiệm, rằng có thể tổ chức hai sự kiện quy mô toàn thành phố trong cùng một năm. Kết quả của việc này là hoạt động nội bộ bị bỏ bê, sự gắn kết giữa các thành viên - thứ mà chúng tôi vẫn hằng tự hào - bị phá vỡ. Điều tồi tệ nhất? Đây là nhiệm vụ của ban Nhân sự mà tôi là người chịu trách nhiệm trực tiếp.
Không cần đến ai khiển trách. Chỉ cần nhớ lại hình ảnh câu lạc bộ hồi mới vào so với thời điểm này, đã đủ tạo cho tôi một sự dằn vặt dai dẳng. Như một người lính canh có nhiệm vụ giữ gìn văn hóa, giờ đây bất lực chứng kiến nó thay đổi; mặc dù không thể chắc sự thay đổi là tốt lên hay xấu đi, nhưng có thể chắc chắn là người lính canh cảm thấy một sự mất mát. Mức căng thẳng tăng cao kéo theo nồng độ axít dạ dày tăng cao, chứng rối loạn tiêu hóa của tôi thêm trầm trọng. Có những lần, tôi thức dậy lúc nửa đêm ôm bụng đau quằn quại, tay chân tê dại và bắt đầu mất hết cảm giác. Đỉnh điểm là lần nhập viện cấp cứu lúc 4 giờ sáng một năm sau đó, tưởng chừng như sắp ngất đến nơi.
Có thể mọi chuyện đã không thật sự tồi tệ như vậy, nhưng dưới lăng kính của tôi thì lỗi của bản thân là rất lớn. Có thể nó đã kích hoạt một vài niềm tin cốt lõi méo mó của tôi, hoặc cũng có thể là khả năng nhận thức bản thân - xã hội hồi đó của tôi chưa trưởng thành nên có xu hướng kịch tính hóa vấn đề. Nhưng dù sao thì trong ban quản trị hồi ấy, tôi là người duy nhất học quản trị. Tôi cũng là người có sức ảnh hưởng mềm lớn nhất nhờ sự nổi tiếng của mình trong hai năm qua. Vậy mà chỉ vì một chút không tin vào bản thân, tôi đã trốn tránh những việc tôi có thể làm, trốn tránh sự ảnh hưởng tôi có thể tạo ra để không phải hối tiếc sau này. Tôi đã sợ điều gì? Sợ đánh mất hình ảnh thánh thiện của bản thân ư? Rằng tôi chỉ là một con người lương thiện cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình và không gây tổn hại đến ai, tránh xa những thứ xấu xa như là quyền lực và chính trị tổ chức? Vậy thì cái mục đích ban đầu của tôi - đi học quản trị kinh doanh để có thể nắm trong tay cuộc sống của mình - làm sao có thể thực hiện được với sự đạo đức giả lẫn hèn nhát này?
Đây là bài học cực kỳ quan trọng cho tôi. Chính trị, các cơ cấu quyền lực/sự ảnh hưởng luôn tồn tại ở bất kỳ tổ chức nào, kể cả đó là tổ chức gia đình. Một cơ cấu quyền lực rõ ràng và linh hoạt sẽ giúp gia đình lành mạnh và tổ chức hoạt động hiệu quả. Một cơ cấu quyền lực có tính phá hủy sẽ làm gia đình và tổ chức trở nên bệnh lý. Nếu không có ai nhận lãnh trách nhiệm quy hoạch các cơ cấu quyền lực thì khả năng cao nó sẽ đi về hướng hủy hoại. Nếu tôi quan tâm tới một tổ chức nào đó thì tôi không được trốn chạy khỏi trách nhiệm này. Đó là khi tôi học được rằng không được bỏ chạy khỏi cuộc chiến của mình.
Buổi đi chơi xa cuối năm 3 có lẽ là chương trình cuối cùng của tôi dưới danh nghĩa trưởng ban Nhân sự, trước khi rời khỏi câu lạc bộ.
Trước đó, sau một vài trầy trật hồi đầu năm, hoạt động của ban cũng dần đi vào ổn định và các thành viên cũng đã trưởng thành ít nhiều qua những chương trình chung. Một số dự án riêng của ban cũng thành công tốt đẹp, trong đó có một buổi cắm trại dịp trước Tết với thời gian rất dị: Chủ Nhật đến sáng Thứ hai; buổi sáng hôm đó, sau khi thu dọn đồ đạc, chúng tôi đã gật gà gật gù trên đường chạy tới trường cho kịp tiết đầu. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy còn thiếu điều gì đó. Ban Nhân sự không đạt được sức ảnh hưởng lên văn hóa câu lạc bộ như nó vốn được thiết kế. Tôi cũng thấy mình chưa tạo được môi trường để các thành viên ban bộc lộ hết tiềm năng. Chính vì vậy, buổi đi chơi xa này sẽ là cơ hội để phát tiết hết mọi thứ bị chất chứa và dồn nén bao lâu nay. Cơ hội cuối cùng. Bây giờ hoặc không bao giờ.
Chuyến đi chơi xa này thực chất là một chương trình teambuilding, mà cả câu lạc bộ sẽ cắm trại hai ngày tại một khu du lịch biển, kết hợp với những hoạt động gắn kết đội nhóm, do khoảng 7 người ban Nhân sự chúng tôi tổ chức. Trong các hoạt động đó, hoạt động quan trọng nhất là trò chơi lớn diễn ra vào sáng chủ nhật.
Đợt đó, ban tôi có một thành viên biết làm tên lửa nước, thế là chúng tôi bàn nhau dạy mọi người làm tên lửa nước. Trò chơi diễn ra như sau: Khoảng 60 người chơi được chia thành 5 đội để tham gia vào một thị trường. Trên thị trường này, vật liệu, công cụ và thông tin hướng dẫn làm tên lửa nước đều trở thành hàng hóa. Các đội sẽ tham gia các thử thách để có tiền mua hàng hóa từ ban tổ chức, sau đó có thể tự do trao đổi hàng hóa trên chợ đen.
Những tưởng trò chơi sẽ diễn ra một cách gay gấn, viễn cảnh mọi người chạy đua với nhau để chế tạo chiếc tên lửa nước cho đội mình. Nào có ngờ chúng tôi đã quá coi thường sự hiểu biết thị trường của những sinh viên kinh tế. Rất nhanh chóng sau khi bắt đầu, các đội triển khai chiến lược lũng đoạn thị trường. Đội thâu tóm hết cưa, đội thâu tóm hết ổng nước, đội thâu tóm hết băng keo. Ai cũng đòi giá cắt cổ mới chịu buông hàng, đưa thị trường thành thế đối đầu bất biến của 5 định chế độc quyền. Thị trường đóng băng và trò chơi phá sản.
Tất nhiên vẫn có một số thành viên hợp tác. Một số cố gắng thuyết phục mọi người như Kanzaki Nao. Một số khác lại giống Akiyama Shinichi tìm cách hoàn thành trò chơi trong tình trạng thiếu thốn dụng cụ. Nhưng không có điều kỳ diệu nào xảy ra như trong “Liar game”. Lúc đó đã là giờ trưa, cái nắng của Bình Thuận thật đúng là chói chang, làm con người ta mất bình tĩnh. Tôi thông báo dừng trò chơi và phóng tên lửa nước đã chuẩn bị của ban tổ chức như một hành động vớt vát sau cùng.
Một lúc sau, khi mọi người đang nghỉ ngơi hoặc xuống biển nghịch nước, chuẩn bị ăn trưa rồi lên chiếc xe 50 chỗ thuê hợp đồng trong vòng 2 ngày để quay về thành phố, anh cựu thành viên, người đã đồng hành với tôi trong suốt năm nhất, cũng có tham gia chuyến đi chơi xa này, kéo tôi ra một góc, hướng tầm nhìn ra biển. Anh hỏi tôi: “Mục đích của teambuilding là gì?”.
Quay trở lại trò chơi, anh cựu thành viên là một trong số những người đã cố gắng hoàn thành trò chơi và cũng cố gắng thuyết phục mọi người trong đội làm như vậy. Cái lúc mà tôi thông báo dừng trò chơi, cả đội anh đã rất bất ngờ. Cái sự đoàn kết tạo ra được trong một nhóm nhỏ này chính là viên ngọc quý, là ước mơ đạt được của mọi chương trình teambuilding. Vậy mà trong ngay giây phút ấy, tôi đã dập tắt nó. Mệnh đề anh ấy đưa ra làm tôi nhớ đến tận bây giờ và có lẽ sẽ khó có thể quên mãi sau này: “Teambuilding không cần thành công, không cần màn kết thúc. Teambuilding chỉ cần gắn kết được thành viên, có bể thế nào cũng được.”
Câu nói này quan trọng với tôi không hẳn vì chính cái teambuilding ấy. Mà bởi vì nó giúp tôi nhận ra một sự thật cay đắng. Vậy là không chỉ câu lạc bộ của tôi đang trở thành thứ tôi ghét, mà chính bản thân thôi cũng đang trở thành điều đó. Sự chuyên nghiệp sáo rỗng trong khi quên mất mục đích ban đầu. Mặc dù tôi cũng không dám chắc điều này là tốt hay xấu. Đây là thời điểm tôi không còn phân biệt rạch ròi được hình tượng muốn nhắm tới. Một lần thăng chức có thể hủy hoại con người đến thế nào ư? Cho hắn ta thấy được sự bất lực của bản thân, rồi kéo sập tòa nhà giá trị của hắn. Cũng rất có thể tòa nhà giá trị ấy đã được xây trên cát ngay từ đầu. Sự việc chỉ đơn giản là giúp cho hắn nhận thấy sự thật này.
Tên lửa nước phóng lên bầu trời và mọi người ngước nhìn nó. Trời trong veo và nước biển mặn nồng của miền Trung nắng gió.
Dù sao thì cũng là kỷ niệm đẹp cuối cùng của tôi trước khi rời câu lạc bộ. Sau đó, tôi còn hẳn một năm học trên trường. Tôi chưa biết làm gì với nó.
Đầu tư bao nhiêu cho cuộc sống câu lạc bộ, thì tôi lại bỏ bê bấy nhiêu cho cuộc sống trên giảng đường. Tôi gần như không tham gia bất kỳ hoạt động nào của lớp, trừ một lần đi cắm trại toàn trường (bằng một cách nào đó, một sinh viên cá biệt như tôi lọt vào nhóm 5 người đại diện đi cắm trại/chắc vì bạn gái tôi là bí thư lớp). Tôi cũng không có nhiều kết nối trên lớp, trừ một nhóm sinh viên cá biệt giống tôi. Cái nhóm ấy không bao giờ đi học, mà nếu có đi thì cũng chui xuống một góc lớp bàn chuyện riêng.
Hẳn nhiên là khi cúp học, người ta sẽ có lý do nào đó. Lý do của đám sinh viên cá biệt này là bận bịu với các dự án khởi nghiệp riêng. Tôi thỉnh thoảng cũng tham gia. Có đợt tôi tham gia một dự án giáo dục, khởi đầu với loạt video “Lăng ba vi bộ” dạy Toán khá nổi trên Youtube, kết thúc với việc thành viên sáng lập xé toạc chiếc áo đồng phục giữa sân trường, chỉ vào mặt một thành viên khác, nén phẫn nộ vào từng con chữ: “Q không tin H!”, sau đó biến mất trong nhiều ngày, cuối cùng tôi là người lãnh hậu quả, vô tình trở thành người thuyết trình thay thế môn Quản trị học ngay trong buổi chiều hôm sau. Một thời gian sau, thằng bạn xuất hiện trở lại với một dự án mới, được báo chí tung hô, được bí thư thành phố Đinh La Thăng bắt tay động viên, được các nhà đầu tư quan tâm, nhưng cũng chỉ sau khoảng 3 năm là tan đàn xẻ nghé. Yên tâm, hiện nay nó vẫn kiên trì khởi nghiệp, lần này thì có vẻ chắc chắn hơn các lần trước đó. Một đợt khác, tôi chứng kiến mấy đứa bạn loay hoay khởi đầu một dự án thủy canh. Có lẽ là dự án thành công nhất trong các dự án của đám sinh viên loi choi thời ấy. Gần đây, tôi biết tin nông sản của thằng bạn đã được vào siêu thị và công nghệ được xuất sang Nhật. Nó tự hào khoe có thể trồng bắp cải ôm một vòng tay và trồng cà chua ở cái nắng nóng của Đồng Nai.
Tất nhiên ngoài một số đứa khởi nghiệp nổi bật như vậy thì còn lại đều không có gì đặc biệt, trong đó có tôi. Nhưng vì chơi chung với đám này, tôi được hưởng ké ánh hào quang. Tôi có chơi với một thằng bạn khá thân trên lớp (là thằng Q đóng vai phản diện trong câu chuyện trên). Hai đứa có nhiều điểm tương đồng, mà tương đồng nhất là việc có rất nhiều ý tưởng nhưng dễ dàng từ bỏ sau chỉ đôi ba tháng. Có đợt chúng tôi thử đẩy xe đi bán takoyaki ngoài đường, đợt khác lại lên Zalo bán dung dịch vệ sinh phụ nữ, một lần thiết kế phụ kiện tai nghe (mà khách hàng không dấu nổi sự khinh bỉ khi nhận hàng). Tất nhiên là không dự án nào được triển khai ra hồn cả. Dẫu vậy, trong các hội nhóm khởi nghiệp, mọi người đề cao chúng tôi vì hào quang học Ngoại Thương. Khi ở lên lớp, mọi người lại đề cao vì hào quang khởi nghiệp. Thật là một tình huống oái ăm.
Nhưng thứ mang lại nhiều ánh hào quang cho tôi nhất là những buổi thuyết trình trên lớp. Bởi vì nếu tôi có bất kỳ tài năng nào, đó hẳn phải là việc đọc hiểu những thứ phức tạp, sau đó diễn giải lại bằng một câu chuyện hấp dẫn, dễ hiểu và mang tính “tái cấu trúc trực giác” (ý tôi là tôi có khả năng thuyết phục người nghe phát triển một trực giác mới về các vấn đề). Dù sao thì, nhờ khả năng này và nhờ được tôi luyện qua những lần dẫn chương trình hoặc quản trò ở câu lạc bộ, tôi thuyết trình rất tốt.
Để bạn có một chút hiểu biết về bối cảnh của tôi, thì ngành Quản trị kinh doanh hồi đó ở Ngoại thương, người ta không dạy quản trị và cũng không dạy kinh doanh, người ta dạy thuyết trình và vấn đáp! Cũng có thể là chỉ mình tôi nghĩ vậy. Nhưng bạn có thể tưởng tượng rằng gần như mọi môn học hồi đó, nếu không có thuyết trình thì cũng có vấn đáp. Sinh viên không học hành gì cả, chỉ chờ đến ngày báo cáo hoạt động nhóm để xem ai thuyết trình giỏi hơn ai và hóng “drama” lúc trả lời câu hỏi. Thuyết trình tốt sẽ đảm bảo cho bạn một định vị thương hiệu cao cấp trong tâm trí mọi người. Tôi là người được hưởng lợi trực tiếp từ mô-típ nhận thức này.
Tôi hiện lên như một sinh viên kỳ dị, có phần quái gở. Không bao giờ xuất hiện, nhưng khi xuất hiện là sẽ trên bục thuyết trình với màn thể hiện đủ ấn tượng. Điểm danh bao giờ cũng ngấp nghé ngưỡng cấm thi, nhưng cuối kỳ lại được 9 – 10 điểm (không ai để ý rằng đa số các môn khác chỉ tầm 6 điểm). Năng động ở câu lạc bộ. Quyết liệt với các dự án khởi nghiệp. Lúc nào cũng lẹt xẹt dép cao su dưới chân (những lúc không đi chân đất). Đầu tóc thì không bao giờ cắt. Râu ria thì lồm xồm. Như thể đang quá chú tâm với những dự định của bản thân để mà quan tâm tới những lời gièm pha xung quanh. Nhiều người tưởng tôi chắc phải thuộc dạng thiên tài lập dị gì ở đây. Thậm chí, có lần bạn gái tôi được hỏi: “Làm người yêu một người giỏi như P có áp lực không?”. Bằng cách nào đó mà bạn gái tôi chấp nhận cái mệnh đề đầu tiên của câu hỏi và đưa ra câu trả lời không nào thể chính chuyên hơn, về cái gì mà mỗi người có điểm mạnh riêng, rồi nói về việc chia sẻ, tôn trọng, giúp đỡ nhau gì ấy, quên rằng cô ấy đang học hai trường và GPA (điểm trung bình) ở cả hai trường đều cao hơn GPA của tôi chỉ học một trường.
Hy vọng khi đọc đoạn trên, bạn phải nhăn mặt vì một cơn xấu hổ thứ phát. Bởi vì đó là những gì tôi đang cảm thấy. Không! Thật lố bịch. Tôi khó chịu, thật ra cũng có chút huênh hoang, khi có người nói tôi giỏi trong thời điểm mà tôi cảm thấy mình như một thằng thất bại. Thành thật mà nói thì tôi tin mình thông minh và có tiềm năng. Nhưng tôi cũng bắt đầu tin rằng nhân cách của mình có vấn đề, và vì vậy, sẽ không bao giờ hiện thực hóa được cái tiềm năng đó. Một con người luôn được bơm thổi niềm tin rằng có thể làm được điều gì đó lớn lao, nhưng sự thật hóa ra không làm được cái lớn lao đó, hắn sẽ quay lại chỉ trích bản thân với mọi tính từ tồi tệ nhất có thể, “thiếu động lực”, “thiếu cam kết”, “không biết giá trị của sự cố gắng”, “không xứng đáng với những điều tốt đẹp”, “chỉ biết chạy trốn mọi thứ”. Có lẽ không có tiềm năng là một sự khó chịu, có tiềm năng nhưng không hiện thực hóa được nó là một nỗi đau.
Cứ như vậy, tôi trải qua năm cuối đại học với cảm xúc lẫn lộn, mâu thuẫn trong đánh giá bản thân và mơ hồ trong định hướng tương lai. “Vết nứt trên vỏ Trái Đất” ư? Nghe thật quá đỗi xa lạ.
Tôi sẽ không cố gắng tỏ ra khiêm tốn và nói rằng thi vào Ngoại thương là một thành tựu gì quá đặc biệt đối với mình. Thật ra tôi chọn Ngoại thương vì nó có điểm đầu vào cao nhất trong các trường kinh tế ở phía Nam. Lúc thi xong môn cuối cùng (môn Hóa), tôi đã nói với mẹ: “Đậu rồi, về Vũng Tàu thôi”, đồng thời bỏ thi khối D.
Không hẳn vì tôi đã làm bài xuất sắc. Điểm của tôi chỉ vừa đủ đậu, cộng thêm 0.5 điểm vùng nữa thì dư đúng 0.5 điểm, dù sao cũng nằm ở ranh giới đậu-rớt. Sở dĩ tôi tự tin như vậy bởi vì tôi có một “kim bài miễn tử”, rằng nếu điểm thấp một chút vẫn được xét tuyển là đậu, mà nếu thấp hơn chút nữa thì vẫn có thể mang kim bài này sang Bách Khoa hay Khoa học tự nhiên để được tuyển thẳng vào ngành Khoa học máy tính. Thậm chí, tôi nghĩ mẹ còn muốn tôi thi rớt thật để phải học Khoa học máy tính, thế nên mới đồng ý ngay tắp lự khi tôi đòi bỏ thi khối D như vậy.
Cái ngày mà tôi nói rằng sẽ thi Ngoại thương, mẹ đã không đồng ý. Ba năm trước đó, khi chị tôi đòi thi Ngoại thương, mẹ cũng không đồng ý. Hồi ấy thì quy trình vẫn là chọn trường trước rồi thi vào sau, nếu đăng ký trường vượt quá khả năng, coi như rớt Đại học. Mẹ tôi vốn có ngưỡng lo âu rất thấp, nghĩa là nhìn đâu cũng thấy rủi ro. Không chỉ vậy, mẹ còn tin những rủi ro này là rất thật, nên hành động quyết liệt tương ứng để ngăn cản. Thỉnh thoảng sau này, trong những lần gây nhau giữa chị và mẹ, câu chuyện lại được lôi ra làm dẫn chứng cho sự lo âu của phụ huynh có thể giới hạn tiềm năng của con cái như thế nào.
Trong trường hợp của tôi thì khác. Mẹ cản tôi không phải vì cho rằng tôi sẽ không đậu, mà cho rằng tôi đang từ bỏ một con đường hứa hẹn để theo đuổi một con đường hoàn toàn lạ lẫm, đầy rẫy rủi ro. “Tại sao từ bỏ giải ba Quốc gia Tin?”. “Tại sao từ bỏ học bổng dầu khí?”. Vẫn như mọi cuộc đối thoại giữa tôi và mẹ cho đến thời điểm đó (và nhiều năm nữa về sau), tôi chỉ có một câu trả lời duy nhất cho mọi yêu cầu và sắp đặt của mẹ: “Tại không thích!”, hoàn toàn không có một chút hy vọng rằng gia đình sẽ hiểu mình để mà mở lòng ra và chia sẻ.
Đó là hiện thực của tôi trước khi vào đại học và tôi không muốn tiếp tục sống với một thực tại như vậy nữa. Tôi cho rằng việc suốt ngày ngồi trước màn hình máy tính đang làm héo mòn cuộc sống của mình và tước khỏi tay tôi những kỹ năng cơ bản để thể hiện bản thân, phát huy tiềm năng và sống cuộc sống mình mong muốn. Từ rất sớm, tôi đã thấy cuộc sống này ngột ngạt và tự dặn mình khi mới chỉ là học sinh lớp 8: “Nếu đủ giỏi, mình có thể làm bất cứ cái gì mình muốn”. Đúng là vậy thật. Khi còn học giỏi và cuộc sống còn chỉ xoay quanh việc học, tôi có thể không tôn trọng người lớn, tôi có thể phá phách nội quy, tôi có thể lười biếng và trốn tránh mọi trách nhiệm chung, không ai đả động gì đến tôi. Nhưng bạn biết đấy, tôi có đủ nhận thức nội tâm để lờ mờ nhận ra rằng có cái gì đó không đúng - rằng sau này tôi biết đây chỉ là trạng thái chống đối, một dạng phản ứng mang tính trung thành với môi trường, chứ không phải là thoát ly khỏi nó để nắm trong tay cuộc đời của mình.
Lên cấp ba, tôi đủ giỏi như cái tầm nhìn tôi thấy được từ năm lớp 8. Nhưng cuộc sống vẫn là ngột ngạt, giới hạn và không chịu nổi. Tôi nghĩ là do mình giỏi chưa đúng lĩnh vực, thế rồi tôi đổi ngành với hy vọng thay đổi được thực tế.
Một trong những chiến thuật bán hàng thường thấy của dân kinh doanh là “ngụy trang” sản phẩm như một cơ hội mới của cuộc đời, cơ hội mà nếu giơ tay nắm bắt lấy thì mọi vấn đề trước đó của cá nhân sẽ dường như biến mất một cách thần kỳ. Đó có thể là một cuốn sách mà sau khi mua, bạn sẽ có tư duy hoàn toàn mới. Một chiếc laptop mà sau khi mua, bạn sẽ có năng suất hoàn toàn vượt trội. Một chiếc tivi mà sau khi mua, bạn sẽ có những phút giây quây quần với gia đình. Không có gì sai đạo đức với cách tiếp cận bán hàng này, nếu sản phẩm đó thực sự hoàn thành được lời hứa. Tuy nhiên, thường thì không.
Sở dĩ cách bán hàng trên hiệu quả là bởi vì con người luôn tìm kiếm những cơ hội mới để sửa chữa những vấn đề cũ trong cuộc sống. Rằng một chuyến du lịch là cơ hội để hàn gắn mối quan hệ gia đình. Một lần chuyển nhà là cơ hội tái cấu trúc lại môi trường sống. Và một lần chuyển ngành là cơ hội thay đổi thực tế xung quanh. Cách tiếp cận này sẽ phát huy công dụng nếu vấn đề nằm ở những thứ bên ngoài. Tuy nhiên, thường là không.
Đó là một buổi chiều mưa trắng xóa, tôi về nhà với bộ quần áo ướt nhẹp. Hôm nay là một ngày mệt mỏi, tôi cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ đã nhận. Nhưng vì khả năng sắp xếp công việc nghèo nàn mà mọi chuyện rối tung cả lên. Tất cả những gì tôi muốn bây giờ chỉ là nằm ngủ và tạm thời quên đi mọi vấn đề của bản thân. Nhưng đèn bật không lên bởi vì tôi quên đóng tiền điện. Quần áo để thay không có bởi vì tôi quên phơi đồ. Dưới bóng tối, tôi mò mẫm và cảm thấy cuộc đời mình thật bế tắc.
Sau đó tôi làm gì ư? Để nguyên quần áo ướt, đi bộ ra quán nét gần nhà và ở lại đó qua đêm, như một thói quen trốn chạy khỏi các vấn đề. Hồi còn nhỏ, nếu tôi chạy trốn khỏi các vấn đề thì sẽ có ai đó xuất hiện và giải quyết các vấn đề cho tôi, trước cả khi tôi kịp nhờ vả. Nhưng giờ đây, lần đầu tiên tôi nhận ra nếu mình không tự giải quyết vấn đề, thì vấn đề sẽ không biến mất một cách thần kỳ. Sau một đêm ngủ ngoài tiệm nét, khi về nhà, điện sẽ không tự có lại và cô Tấm sẽ không bước ra khỏi quả thị để giúp tôi dọn dẹp nhà cửa.
Đây là một khoảnh khắc khi tôi học năm nhất. Bây giờ thì tôi còn nhận ra một điều nữa. Mô-típ này là thứ đã diễn ra bên trong tôi, khi tôi quyết định thay đổi hoàn toàn ngành học của mình hồi đó. Ngoại thương giống như quán nét gần nhà và 4 năm học ở đây giống như một đêm ngủ lang, hy vọng sáng hôm sau khi mở mắt thì mọi chuyện sẽ thay đổi một cách thần kỳ.
Đến cuối cùng, sau bốn năm trốn chạy dưới danh tính một người sinh viên - chưa là gì cả vì vậy có tiềm năng trở thành bất cứ thứ gì - phải rời khỏi nơi trú ẩn tạm thời, tôi đối diện với thực tế rằng đã chẳng có điều gì thay đổi, từ lúc tôi vào trường cho đến lúc tôi ra trường. Phần nào đó, tôi chấp nhận vấn đề không nằm ở ngành học. Sẽ không chỉ vì tôi thay đổi ngành học mà thực tế của tôi sẽ tự động thay đổi. Vấn đề chưa bao giờ nằm ở ngành học, nó nằm bên trong tôi.
Vậy thì, nếu tôi muốn nắm trong tay cuộc đời của mình - thực chất cũng là một nỗi ám ảnh/vấn đề khác của tôi - thì có lẽ tôi nên làm việc với bản thân mình trước. Nếu có cuộc hành trình tiếp theo thì đây sẽ là manh mối cho nó. Lại một cơ hội mới ư?
… (còn tiếp)
Viết + vẽ minh họa: Surphi10
Chê bản thảo: Nhỏ chuyên văn nhiễu sự
Dàn trang: Spiderum
Tranh minh họa đầu bài viết: "The shape of ideas: An illustrated of exploration of creativity", Grant Snider, 2012
Tp. Hồ Chí Minh, Tháng 5 & 6, 2022