Lord of the Flies | Viennale

Chúa Ruồi của William Golding kể về một đám trẻ lạc vào đảo hoang, chúng tự tổ chức lẫn nhau để hình thành một xã hội nhỏ, nuôi hy vọng được một con thuyền nào đó ghé ngang qua cứu. Một truyện ngắn dễ đọc, dễ hiểu, nhưng không nghi ngờ gì tại sao nó lại giúp ông đạt được giải Nobel văn chương 1954.
Trong truyện có ba hình ảnh nổi bật - Hình ảnh ngọn lửa & cái tù và, Hình ảnh những khuôn mặt vẽ vằn vện, và Hình ảnh cái đầu heo rừng - có thể ví như những nguyên mẫu thể hiện quy luật của xã hội loài người.

Simon và cái đầu heo rừng, tác giả: Life by Martini - “Simon cuối cùng cũng nhận ra điều gì đã xảy ra. Cậu ta nhân cách hóa Chúa Ruồi thông qua cái đầu heo và nỗi kinh hoàng của cậu. Simon nhận ra không có con quái vật nào thực sự ngoài kia, chỉ có con thú nằm sâu trong chính bọn nó."

Hình ảnh ngọn lửa & cái tù và

Ngọn lửa đại diện cho sự hy vọng. Ngọn lửa không chỉ là ngọn lửa, đối với lũ trẻ, ngọn lửa là mọi thứ - thứ để sưởi ấm, thứ để nướng thịt, và quan trọng nhất là thứ để nuôi niềm hy vọng được cứu. Niềm hy vọng là thứ liên kết bọn trẻ lại, giúp bọn nó nhìn về cùng một hướng, tuân thủ luân lý, và trung thành với một tầm nhìn chung.
Ngọn lửa giúp biến một nhóm người không liên quan thành một cộng đồng có quan hệ gần như cùng huyết thống. Nó luôn phải được duy trì, để không làm đứt quãng cái sự thờ phụng này. Để ý trong mạch truyện, mỗi khi ngọn lửa bị tắt, những suy nghĩ kỳ lạ sẽ bắt đầu nhen nhóm trong từng thành viên. Ngọn lửa bị tắt càng lâu, những suy nghĩ kỳ lạ sẽ ngày càng kỳ lạ. Khi ngọn lửa bị tắt quá lâu, Ralph - người có đức tin nhất trong cả đám - thậm chí còn quên mất lý do tại sao mình phải duy trì ngọn lửa.
Không một xã hội nào có thể tồn tại nếu thiếu hình ảnh ngọn lửa này, bất kể đó là một bộ lạc nguyên thuỷ xa xưa hay một xã hội hiện đại ngày nay. Ở một bộ lạc cổ xưa đó là những lời sấm truyền, những huyền thoại, là lão già làng và những nghi lễ, phong tục, văn hoá, tín ngưỡng bất khả xâm phạm. Ở một xã hội hiện đại đó là hệ tư tưởng, là lý tưởng, tầm nhìn chung, là tôn giáo, là mong muốn được trở thành một phần của thứ gì đó vĩ đại hơn, cũng bất khả xâm phạm không kém.
“Nếu Chúa không tồn tại, mọi thứ đều được cho phép” - Fyodor Dostoyevsky nói về Chúa, nhưng hoàn toàn có thể hiểu rằng ông đang nói đến một hệ thống giá trị phổ quát, ví dụ như văn hoá. Cái hệ thống giá trị cao hơn này giúp những thành viên bên trong xác định được nên hành động thế nào trong cuộc sống, duy trì luân lý và trật tự. Ngọn lửa chính là cái hệ thống giá trị cao hơn đó. Bản thân nó không thể hiện bất kỳ giá trị rõ ràng nào, nhưng ngầm ẩn một điều rằng “Hãy cư xử bình thường và một ngày nào đó các ngươi sẽ được cứu!” - đây là lý do bọn trẻ vẫn cố gắng giữ lại trong mình sự văn minh, vì tụi nó vẫn tin rằng một ngày nào đó mình sẽ quay trở lại với văn minh. Ngọn lửa chính là Chúa, hay văn hoá/văn minh.
Đến khi ngọn lửa bị tắt hoàn toàn, đức tin của lũ trẻ cũng tắt theo. Nếu phải sống cả đời trên hòn đảo hoang này, tại sao chúng còn cần những luật lệ văn minh của thế giới ngoài kia? Nếu ngọn lửa không còn, mọi thứ đều được phép.
Cái tù và tượng trưng cho trật tự. Ngược với trật tự là sự hỗn độn. Tự nhiên vốn là một sự hỗn độn lớn, nhưng dưới góc nhìn chủ quan của văn hoá loài người, nó trông như là có trật tự. Ngọn lửa là văn hoá loài người, khi nào ngọn lửa còn thì cái tù và còn, giúp đám trẻ tự tổ chức lẫn nhau. Khi ngọn lửa tắt thì cái tù và sớm muộn cũng phải bị vỡ. Và cái tù và đã bị vỡ thật.

Hình ảnh những khuôn mặt vẽ vằn vện

“Nếu Chúa tồn tại, mọi thứ đều được cho phép” - lời phản biện của Slavoj Žižek về câu nói của Dostoyevsky. Khi này con người chỉ là công cụ thực hiện ý chí của Chúa, mọi hành động cực đoan nhất đều có thể được biện minh.
Hành động vẽ mặt không còn nhận ra chính bản thân mình là hành động tước bỏ phần nhân cách trước đó của bản thân. Jack đầu truyện không dám giết một con heo nhỏ bị mắc bẫy. Jack sau khi vẽ vằn vện có thể giết được một con heo mẹ đang kiếm ăn cho lũ heo con. Jack sau khi không rửa lớp vằn vện có thể giết được người.
Nếu lũ trẻ tước bỏ nhân cách của mình, giờ chỉ còn coi mình là một sinh vật trong tự nhiên, làm theo bản năng và tước bỏ đi sự văn minh vô tích sự, thì chúng có thể làm mọi thứ. Một cách hình tượng, giờ chúng chỉ là công cụ thực hiện ý chí của Chúa Ruồi - tất nhiên mọi thứ đều được cho phép.
Hiện tượng này được quan sát trong đủ mọi tình huống của cuộc sống, từ những việc xảy ra trong chiến tranh, hiện tượng hôi bia, đến những bình luận độc hại trên mạng - khi một người từ bỏ trách nhiệm của mình về chính bản thân mình, và dâng hiến ý chí của mình cho một thứ gì đó khác mình.

Hình ảnh đầu con heo rừng cắm trên cái cọc trông như đang cười

Hình ảnh đầu heo với đám ruồi bu xung quanh tượng trưng cho Chúa Ruồi - Beelzebul, vị chúa của sự tha hoá. Vua Solomon miêu tả Beelzebul như là nguồn cơn gây ra sự phá huỷ thông qua các bạo chúa, khiến loài người thờ phụng quỷ dữ, khiến linh mục bị cám dỗ bởi dục vọng, gây ra sự ganh tỵ trong thành phố, và mang chiến tranh đến.
Chúa Ruồi không phải là một thế lực nào đó đến từ bên ngoài, Chúa Ruồi nằm sâu thẳm bên trong mỗi con người. Nó không hề xa lạ, nhưng không mấy người dám nhận thức và thừa nhận nó. Nó là Bóng tối theo ngôn ngữ của Carl Jung.
Một người không trở nên tốt đẹp hơn khi họ chối bỏ cái Bóng tối này trong mình. Một người chỉ có thể tốt hơn khi họ ý thức rất rõ ràng rằng mình có thể trở nên xấu xa như nào, và chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát nó. Những đứa vẽ vằn vện cắt đứt sự liên hệ của chúng với chính bản thân của chúng, trở nên xa lạ với chính mình, và tất nhiên không thể nào ý thức được những gì chúng đang làm.
Trong truyện, Simon là kẻ thông thái nhất. Không phải thông thái kiểu biết nhiều kiến thức như Piggy, mà là một kiểu thông thái tâm linh, rất nhạy cảm với những diễn biến trong tâm hồn mọi người. Nếu Piggy là một nhà phát minh, một nhà khoa học, thì Simon là lão già làng, một nhà hiền triết. Piggy biết có chuyện không đúng đang xảy ra, Simon hiểu được chuyện gì đã xảy ra. Simon nhìn thấy cái đầu con heo, sự kinh hoàng của cậu báo hiệu rằng có một điều gì rất quan trọng đã sụp đổ. Simon chết đầu tiên và Piggy chết tiếp theo, chết dưới sự cuồng loạn của đám vằn vện.
Ralph là kẻ cuối cùng còn lại chiến đấu cho lẽ phải, cho cái đức tin của mình. Cuối cùng nó cũng được giải cứu, đám vằn vện khi nhìn thấy đức tin trở thành hiện thực bỗng thức tỉnh và khóc. Ralph là sứ giả của Chúa, có thể coi là đã cứu rỗi đám vằn vện kia. Câu hỏi được đặt ra là: Nếu Ralph bị giết trước khi con thuyền đến, thì đám vằn vện có thức tỉnh không, hay sẽ tấn công những người lớn trên thuyền?
* Ghi chú: Tôi xin trích một đoạn của Carl Jung để nói về từ Chúa được sử dụng trong bài: “Tâm lý học không phải là ngành để đưa ra các kết luận siêu hình. Nó chỉ có thể kết luận rằng biểu tượng về sự toàn vẹn tâm hồn trùng khớp với hình ảnh của Chúa. Nhưng Tâm lý học không bao giờ có thể chứng minh được rằng hình ảnh của Chúa này chính là một vị Chúa có thật hay là the self thay thế cho vị trí của Chúa.” (Jung, 1951, para. 308)