RATING: 3/5⭐️

"Người nhạy cảm trong thế giới vô cảm - Một tâm hồn rất mong manh nhưng cực kỳ sâu sắc"
Tác giả: Ilse Sand, một mục sư người Đan Mạch. Bà là Thạc sĩ Thần học với luận án tập trung vào các tác phẩm của bác sĩ tâm thần Carl Jung cũng như của triết gia Soren Kierkegaard. Sau nhiều năm làm mục sư, bà quyết định theo học và thực hành tham vấn tâm lý theo trường phái Gestalt, trường phái Nhận thức, trường phái Tâm động học và nhiều trường phái khác.
Dịch giả: Quang Đỗ

📌 NHẬN ĐỊNH CHUNG CỦA MÌNH VỀ CUỐN SÁCH NÀY

Chia sẻ của mình với Câu lạc bộ Yêu Sách Thái Hà về cuốn sách này
Chia sẻ của mình với Câu lạc bộ Yêu Sách Thái Hà về cuốn sách này
Mình biết tới cuốn sách này qua chia sẻ của các thành viên trong Câu lạc bộ yêu sách Thái Hà. Ban đầu, mình cũng khá do dự khi quyết định nhận lời chia sẻ về chủ đề "những người nhạy cảm" thông qua cuốn sách này. Bản thân mình ít khi đọc sách Tâm lý học dịch do:
1) Mình thường đọc sách chuyên ngành, sách giáo khoa, chuyên san khoa học hoặc sách của các tác giả lớn trong ngành. Các đầu sách này ít khi được các công ty sách Việt Nam mua bản quyền.
2) Các sách Tâm lý học thường khá khó dịch do các khái niệm Tâm lý học tuy nghe rất giống các từ "bình thường" nhưng thực chất định nghĩa của chúng lại rất khác. Nếu không hiểu đúng định nghĩa của các khái niệm này thì rất dễ dịch sai và gây hiểu nhầm. Chưa kể, nếu dịch giả không quen dịch các sách khoa học thì nhiều đoạn đọc sẽ rất trúc trắc, đôi khi là khó hiểu.
Dù sao thì, sau khi tìm hiểu về tác giả cuốn sách cũng như review trên Goodreads thì mình thấy cuốn sách này sẽ có ích lợi với một nhóm độc giả nhất định, cũng rất đáng để đọc, suy ngẫm, phản biện và chia sẻ.

📌 ĐÂY CÓ PHẢI CUỐN SÁCH PHÙ HỢP VỚI BẠN?

Ilse Sand không phải là một nhà nghiên cứu nên sách của bà sẽ không có quá nhiều các trích dẫn nghiên cứu khoa học. Các thông tin bà chia sẻ chủ yếu được tổng hợp từ kinh nghiệm nhiều năm làm tham vấn tâm lý và một số lý thuyết và nghiên cứu tâm lý học phổ biến.
Nếu như bạn là một sinh viên Tâm lý học đề cao nguồn khoa học cũng như tính chính xác của thông tin thì có lẽ bạn sẽ hơi thất vọng khi đọc cuốn sách này. Trong cuốn sách có một số thông tin rất thú vị mà mình tin rằng tác giả đã cố tình đơn giản hóa nó và bỏ đi trích dẫn khoa học để cuốn sách trở nên phù hợp hơn với đám đông. Vì vậy, khá khó khăn để truy lại đúng lý thuyết và nghiên cứu gốc để tìm hiểu và khám phá thêm các thảo luận khoa học xung quanh các thông tin đó.
Nếu bạn là một người không theo chuyên ngành tâm lý, có hứng thú với các kiến thức tâm lý và đơn giản chỉ muốn tìm một cuốn sách có tính ứng dụng cao và dễ đọc thì đây chắc chắn là cuốn sách dành cho bạn. Tuy nhiên, khi đọc, ta cũng cần chú ý rằng các kinh nghiệm của tác giả xuất phát từ tiến trình thực hành tham vấn của bà với một nhóm người nhất định. Vậy nên sẽ không lấy làm lạ nếu như trong lúc đọc, bạn có suy nghĩ "Ủa, đâu phải vậy. Đâu nhất thiết phải vậy. Nhận định này đâu có đúng với mình!". Ừ thì. Chúc mừng bạn, ít nhất là bạn đang có ý thức về việc phản biện và không cho rằng mọi thông tin trong sách là đúng.

📌 MÌNH THÍCH GÌ NHẤT Ở CUỐN SÁCH NÀY?

1) Tính ứng dụng cao

Đây là một điểm mình rất thích ở "Những người nhạy cảm trong thế giới vô cảm". Tác giả có các tips và lời khuyên cực kỳ cụ thể cho người nhạy cảm theo đúng tiêu chí cầm tay chỉ việc! Mình cực kỳ ấn tượng với mức độ chi tiết của nhưng lời khuyên được đưa ra trong sách. Đúng chất một cuốn sách được viết bởi nhà tham vấn trị liệu!
Sau hàng trăm ca tham vấn, bà có thể nhận diện được chính xác những khó khăn mà những người nhạy cảm sẽ gặp phải khi biến lý thuyết thành hành động và đưa ra những lưu ý rất rõ ràng để bạn dễ thực hành những lời khuyên bà đưa ra hơn.
Nội dung có ích nhất cho cá nhân mình là phần hướng dẫn cách giao tiếp và duy trì các mối quan hệ cho người nhạy cảm. Là một người nhạy cảm, việc dễ bị dao động trước cảm xúc của người khác và của chính bản thân mình là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Ilse Sand đã chỉ ra những cách giao tiếp cực kỳ hữu ích để việc "nhạy cảm" trở thành điểm mạnh thay vì ngăn cản các mối quan hệ.
Bà đưa ra những hướng dẫn cực kỳ rõ ràng trong rất nhiều trường hợp thường xuyên gây bối rối cho người nhạy cảm như khi cho người khác biết điều mình không thích, khi mình và người khác trở nên tức giận, khi cần phải nói không, khi cần cuộc nói chuyên trở nên sinh động hơn, khi muốn cuộc trò chuyện trở nên sâu sắc hơn v.v... Nhiều đoạn, mình phải vỗ đùi đen đét vì trời ơi!! Quá hiểu mình mà! Đúng thật,
"Là một người nhạy cảm cao, bạn cần có khả năng đào sâu vào cuộc trò chuyện. Nếu một cuộc trò chuyện diễn ra hời hợt, bạn sẽ phải vật để duy trì sự chú tâm trong một khoảng thời gian không hề ngắn. Bạn bắt đầu phải bỏ ra nhiều năng lượng hơn để cố tỏ ra quan tâm, đơn giản vì bạn nghĩ rằng đây là điều cần làm." - Ilse Sand
Nói đi cũng phải nói lại, chắc chắn việc đọc hướng dẫn và việc thực hành là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Mỗi cá nhân sẽ có những cản trở tâm lý rất riêng biệt. Để thật sự vượt qua được những cản trở tâm lý này thì mình thực lòng khuyên bạn nên tìm tới các dịch vụ hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp!

2) Nhiều kiến thức thú vị! Trả lời được những câu hỏi căn bản về "người nhạy cảm"

Nhạy cảm có phải một đặc điểm sinh lý hay không?
Người nhạy cảm với người hướng nội khác gì nhau?
Người nhạy cảm có phải người yếu đuối?
Vì sao người nhạy cảm thường suy nghĩ tiêu cực?
Vì sao người nhạy cảm lại chịu đựng những mối quan hệ độc hại trong thời gian dài?
Vì sao người nhạy cảm lại dễ cảm thấy tội lỗi và xấu hổ?
Đây là những câu hỏi mình cho là thú vị nhất được tác giả khám phá xuyên suốt cuốn sách này.
Trả lời được những câu hỏi trên, những trái tim nhạy cảm sẽ có nhiều lý do hơn để thương yêu và kiên nhẫn với chính bản thân mình. Những ai không quá nhạy cảm cũng sẽ hiểu hơn phản ứng thường được cho là làm quá của những người nhạy cảm hơn.

📌 MÌNH CHƯA ƯNG CUỐN SÁCH LẮM Ở ĐIỂM NÀO?

1) Dịch thuật

Vâng, một lần nữa :((( cảm giác đang đọc mà phải ngưng lại, đọc đi đọc lại một câu mà vẫn không hiếu ý tác giả là gì thực sự rất bực... ủa ủa ủa là sao, ý gì?? Nửa trước của cuốn sách dịch hay hơn nửa sau rất nhiều, từ văn phong cho tới cách chọn từ ngữ. Chắc dịch đến gần cuối là anh cũng đuối lắm rồi :(
Một số từ/ khái niệm chuyên ngành cần được lưu ý khi đọc:
Ngày xưa mình chỉ nghĩ dịch là tìm từ gần nghĩa nhất để hiểu là được rồi. Tuy nhiên, đến khi nghe thầy mình giải thích các khía cạnh khác nhau của từ ngữ, mình mới nhận ra rằng, ngoài nghĩa thô (mình tạm gọi vậy, không biết các bạn chuyên ngành dịch gọi là gì) thì từ ngữ còn có rất nhiều yếu tố khác mình cần để tâm, ví dụ như bối cảnh, sắc thái, v.v... Dưới đây là một vài lưu ý
- Trang 198: "Nhân cách", dịch từ từ "personality". Trong tiếng Việt, "nhân cách" thường được dùng để nói tới một cá nhân nào đó thông qua sự đánh giá xã hội. Ví dụ, "nhân cách tồi" ám chỉ một người thiếu đạo đức và có những hành vi không trái với lương tâm. Trong khi đó, "personality" lại là một từ rất trung lập. Ví dụ, "hướng nội" hay "hướng ngoại" là hai từ mô tả "personality". Chúng không đúng cũng không sai mà thuần túy chỉ là hai từ mô tả. Vì vậy, thầy mình có đề xuất từ "tính cách" để dịch "personality".
- Trang 198: "Rối loạn thần kinh", dịch từ từ "neuroticism". Trong Tâm lý học, "rối loạn" chỉ được dùng để dịch từ "disorder", nghĩa là các rối loạn có thể được chẩn đoán bởi chuyên gia. "Neuroticism" là một đặc điểm tính cách trong mô hình tính cách "Năm yếu tố [Big 5] chứ không phải là một rối loạn. Vì vậy, mình nghĩ từ này nên được dịch là "nhiễu tâm" - tức những người dễ bị kích động và khó điều hòa cảm xúc.

2) Ý KIẾN CHỦ QUAN CỦA TÁC GIẢ

Vấn đề này xuất phát từ việc đây không phải một cuốn sách được viết hoàn toàn dựa trên các nghiên cứu khoa học. Vì vậy, đương nhiên đã là kinh nghiệm cá nhân thì cho dù chuyên gia có giỏi tới cỡ nào cũng sẽ có người hợp ý, người không không hợp tình.
Trong phần các gợi ý dành cho người nhạy cảm để "hòa nhập" hơn với số đông, tác giả không đồng tình với việc một số nhà trị liệu yêu cầu thân chủ (khách hàng) phải cố gắng tham gia vào những đám đông ồn ã. Bà cho rằng, họ nên:
Sắp xếp sao cho môi trường xung quanh bớt gây ra những quá tải về mặt cảm xúc và phù hợp với những nhu cầu của bạn hơn. - Ilse Sand
Mình không phản đối với tác giả nhưng mình cũng cho rằng, thay vì hoàn toàn né tránh những tình huống gây choáng ngợp, những bạn nhạy cảm hoàn toàn có thể học cách "tự vui" ở môi trường đó. Ví dụ như học các cách điều hòa cảm xúc, điều hòa hơi thở, tập trung vào từng giác quan để giảm thiểu sự choáng ngợp của chúng; hay học cách phát triển những cuộc trò chuyện có ý nghĩa hơn, etc. Vậy thì có lẽ, cuộc sống của những tâm hồn nhạy cảm sẽ nhẹ nhàng và thoải mái hơn rất nhiều!
Ngoài ra, vì là nhà tâm lý trị liệu nên Ilse Sand cũng có một cái nhìn khá chủ quan và tiêu cực về cách định nghĩa "hướng nội" và "hướng ngoại" của mô hình tính cách "Năm yếu tố". Mặc dù đây là mô hình tính cách cập nhật nhất và khoa học nhất hiện nay. Để nói về các mô hình tính cách, có lẽ mình sẽ cần một buổi khác.
Rất hy vọng được tiếp tục cùng trao đổi với mọi người về cuốn sách này. Dưới đây là cảm nghĩ của một bạn cực kỳ dễ thương sau khi tham gia nghe chia sẻ của mình về cuốn sách cùng Câu lạc bộ Yêu Sách Thái Hà.
Thân cảm ơn bạn đã ở cùng mình tới tận những con chữ cuối cùng này,
Keira Ngo