Phụng Sự
Trong những ngày ở Nhà, mình tìm thấy quyển số nhỏ “21 Ngày Tri Ân Cuộc Sống” của Đại học Không Giảng Đường và ServiceSpace gửi tặng năm 2019. Thấy mình mới viết được có ngày 5 rồi bỏ dở, mình nhớ khoảng thời gian khó khăn ấy của mình. Trong cuốn sổ là tập hợp những hành động nhỏ và ý nghĩa. Mình bỗng nhớ lại hai bài học cuối  cùng của khóa học Thân Khỏe Tâm An, (1) Nghỉ ngơi và Phục Vụ (2) Đáp đền tiếp nối. Ở đó, cô giáo nhắc tới “nghỉ ngơi”, “tinh thần phục sự” và “thân giáo - giáo viên hạnh phúc”. 
Tối qua, đứng trước giá sách, mình chọn đọc lại “Tôi nghĩ gì khi nói về chạy bộ” của Murakami. Thú thực, mình thích Murakami, không phải mấy quyển dầy cộp, lạ lùng mà ông viết (đọc xong đến ám ảnh), và vì ông ấy có nhiều trải nghiệm và cái sở thích “một mình” giống mình. Mình thích cảm giác, mình không phải hơi hâm hâm, mình rất bình thường và có vài người giống mình. Thấy an ủi thôi. Ông và gia đình vận hành Câu lạc bộ jazz (kèm bán rượu) trong suốt nhiều năm, gặp gỡ và vất vả phục vụ rất nhiều người trước khi quyết định đóng quán và trở thành một nhà tiểu thuyết gia. Murakami cảm thấy giai đoạn đó của ông ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông. Sau này, ở vai trò, người phục vụ bạn đọc. 
“Làm kinh doanh thiên về dịch vụ, nghĩa là bạn phải chấp nhận bất kỳ ai bước qua cửa. Bất kể là ai, trừ phi họ thật sự khủng khiếp, bằng không ta phải chào đón họ với nụ cười thân thiện trên môi. Tuy nhiên, nhờ vậy mà tôi đã được gặp mọi hạng người khác thường và có những gặp gỡ lạ thường”.
(Tôi nói gì khi nói về chạy bộ, trang 44)
“Ưu điểm duy nhất của tôi vẫn luôn là ở chỗ tôi chịu khó làm lụng và chịu đựng về mặt thể chất”.
(Tôi nói gì khi nói về chạy bộ, trang 39)
(Mình thích đọc “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” lắm, sự kỉ luật bền bỉ của Haruki Murakami thật là tỏa ánh sáng mà.) 
Mình như mọi người khi đọc sách, trong đầu mình nảy sinh phản tư, mình hay rơi ra khỏi quyển sách và nghĩ về bản thân. Ai đọc blog của mình nhiều năm cũng thấy rõ, lần viết lại nhiều này, không có gì đặc biệt. Chỉ loanh quanh sự phản tư cá nhân.
Nhận ra công việc Host trong 3 năm qua cũng vậy, cho mình một cơ hội lớn lao: phục vụ người khác qua nghề dịch vụ. Được học, được thực hành, nói cảm ơn và xin lỗi, thức khuya, dậy sớm, quên này quên kia, ăn cơm dở bữa, tắm vội vàng, chạy bở hơi, bị căng thẳng, nghe mắng, bị hiểu lầm, làm sai, nói sai….chỉ để đi phục vụ nhu cầu của người khác. Tính cả 4 năm Đại học, lựa chọn ngành Công tác xã hội. Khoảng 7 năm tất cả.
Thôi thì, có những người như mình, sinh ra với một tâm thế và cả sở thích: phục vụ người khác. Cô giáo Nam Phương nói là: “hạnh phục vụ”. 
Chắc vậy, mà vừa rồi trong khóa Giao Tiếp Trắc Ẩn, “compassionate communication”, một trong bài học mình ấn tượng đó là thương mình - thấu cảm cho chính mình -  nhìn nhu cầu bên trong mình, mình thấy nhu cầu bên trong của mình chưa dành được sự chú ý cần thiết ra sao trong suốt nhiều năm qua. 
Bài viết “Nhìn lại những khía cạnh khác trong cuộc sống”, là bài học mà mình tìm thấy một giải pháp cho mình. Vài dòng, mình tóm lại:
+ Thấu cảm cho chính mình 
+ Thấu cảm cho người khác 
+ Phụng sự/phục vụ 
+ Nghỉ ngơi  
+ Phản tư/ Đánh giá bản thân như một dự án
Nghỉ ngơi thực sự
Sau nhiều năm “phải” thực hành phục vụ, không muốn nói là cả lợi cả hại. Nó tạo cho mình một cái sense khá là khó tính bên cạnh kiến thức và kĩ năng trong ngành dịch vụ. Mình cũng không thích cái phần khó tính và cảm xúc thiếu cân bằng của bản thân tẹo nào. 
Nhìn sâu, mình nhận ra, năng lượng của mình không cân bằng là do bản thân chưa biết nghỉ ngơi “thực sự” trong suốt thời gian đó. Mỗi lần nghỉ ngơi, thì vẫn sợ là công việc chưa ổn, vẫn sợ khách có vấn đề gì, phải trả lời ngay tin nhắn vì sợ khách đợi lâu, có thể phòng ốc vấn đề, rồi lại nhớ ra cái việc này việc kia, chưa kể điện thoại ting ting từ đủ các loại app…Mình chưa thực sự nghỉ ngơi, cho tới lúc này. Ở Nhà và Nghỉ Việc Full-time. 
Vậy nên, dù có nhiều chia sẻ tiêu cực hơn tích cực về việc mình về nhà từ những người quen biết. Mình cảm thấy đây vẫn là quyết định đúng đắn. 
Phụng sự cha mẹ 
Mình muốn về vì mình muốn không chỉ hòa giải với Mẹ đơn thuần (mình từng chia sẻ trước đó) mà cho mình một cơ hội lớn: phụng sự người Mẹ, người sinh ra và đã chăm nom mình. Và cũng bởi, thương mình, nếu có lỡ lấy chồng và đi xa.
Trong những lúc khó khăn, thật cảm ơn Ng đã hỗ trợ mình về thông tin thuốc chữa bệnh gần đây. Những cuộc điện thoại nho nhỏ, Ng ngoài chia sẻ thông tin về thuốc, cũng không quên bảo mình đừng quá lo lắng về tình hình sức khỏe của Mẹ. Bởi vốn sức khỏe đi xuống là chuyện không thể tránh.
Hôm rồi, mình có nói chuyện với Mẹ. Mình nói hơi gay gắt về việc thuốc Mẹ mua uống toàn thuốc linh tinh, không rõ nguồn gốc. Trách Mẹ và bác bá tốn tiền, nghe người này người kia mà rồi toàn tiền mất tật mang. …Đang nói, thì Mẹ bảo đại loại: Sao bao năm qua mình không đả động, mà giờ để ý rồi ầm lên, nói xong Mẹ bỏ ra ngoài hiên. Sau đó, Mẹ quay vào và đồng ý với mình về việc từ bây giờ mình sẽ mua thuốc chính hãng và sẽ hỗ trợ cái gì. 
Thực ra mình không cảm thấy có lỗi, vì bao thời gian qua mình ngoài phần công việc, mình dành cho những chuyến đi bạn bè, người yêu cũ, những cà phê, những tấm ảnh…nhưng, tới việc Mẹ mình đang uống thuốc gì, Mẹ mình đang mệt mỏi ra sao, Nhà cửa mình như thế nào. Thú thực, mình chưa bao giờ dành trọn vẹn chú tâm để biết và để hiểu. Mình chỉ cảm giác, bất ngờ và tiếc nuối. 
Mình phục vụ nhiều người, nhưng chưa có Mẹ mình.
Nhờ ở Hà Nội nhiều năm, nhờ quan sát và gặp gỡ những người có tiền, có giáo dục sống. Mình thấy rõ cái khoảng cách giữa tri thức giàu có và người nghèo. Mình đồng ý với một người Thầy của mình: Trí thức là tầng lớp có trách nhiệm cho khoảng cách. Mỗi sự hưởng thụ thoải mái của người ở thành phố, chính là sự hy sinh của những người ở vùng khác. 
Sự thật, nếu bạn ở Phố, hoặc bạn sinh ra trong một khu vực phát triển, bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu. Trong cùng một món đồ, đồ ở thành phố đẹp hơn, chất lượng hơn, an toàn hơn và bền hơn. Món đồ nhái tương tự, sản xuất không rõ nguồn gốc được tiêu thụ bởi người nghèo hoặc người “ở quê” ra sao. Bạn cũng không hiểu được, đèn điện của bạn được tiêu thụ đúng mức lượng điện áp cần thiết, nhưng ở quê, điện thiếu và đèn không đủ mức điện cần thiết, tối om và chập chờn, vài tháng sử dụng đã hỏng và cần thay mới. Những người như Mẹ mình và những người phụ nữ ở Quê, đang và đã trở thành nạn nhân của rất nhiều trò bịp bợm bán hàng đa cấp, từ thuốc, sữa, cho tới đồ nội thất.
Bạn tiện nghi hơn, đồng nghĩa, bạn sử dụng nhiều tài nguyên hơn và bạn cần có trách nhiệm hơn trong giải quyết các vấn đề liên quan tới năng lượng, biến đổi khí hậu,…Trái Đất thì là chung, Mẹ Đất chỉ có một. Cái này thì các tổ chức thế giới như Oxfam đã nghiên cứu ở Việt Nam nhiều năm trước rồi, ai làm về công tác xã hội và phát triển bền vững đều nhìn thấy những cái gap này.
Mình mua cho Mẹ máy ngâm chân và cả lên danh sách các thuốc Mẹ đang dùng để chuyển sang nhà cung cấp tốt và uy tín. Cũng như xem xét các nội dung mà Mẹ đang follow trên cả Facebook và Youtube…
Nói vậy chỉ để chia sẻ rằng, việc học, việc biết, việc trải nghiệm nhiều năm qua cuối cùng để mình thấy: thương thân, thương Mẹ mình và thương bác bá và những con người ở Quê. Mình thương lắm. 
Thương Mình, Thương Người
Sự trọn đầy của chúng mình hướng ra bên ngoài chắc chắn sẽ tới từ bên trong. 
Ây gu, mình biết ơn lắm lắm những khuôn mặt đã hiện diện trong giai đoạn vừa rồi. 
Hết rồi, viết dài dòng vậy thôi. ahuhu, cũng dài đáo để.
8/11/2021 
Se Lạnh 
Bật mí nho nhỏ: Nhờ phụng sự nhiều người, mình nhận lại rất nhiều sự phụng sự từ người khác. Mình tin, là nhiều người cũng có trải nghiệm tương tự.