Hôm nay, mình nói chuyện với chú Luke  (bạn thân của mình) và mình cuối cùng cũng hiểu được vài điều. Sự méo mó trong những khía cạnh cuộc sống này, đã khiến chúng ta có thể gặp các khủng hỏang trong tương lai ra sao và cách mà chúng ta ứng phó với những thay đổi này như thế nào. Vậy nên, phải ghi lại vài dòng này “Dặn dò” chính bản thân mình. 
Mình nhận ra chúng ta chưa có một cái nhìn khách quan (outside view) và cái nhìn tổng quan (overview) về những khía cạnh chính quanh một con người (thường nhật) trong thời cuộc này. 
Phản tư thường xuyên, và không thỏa mãn với các quan sát và trải nghiệm của bản thân, mình lúc nào cũng có rất nhiều câu hỏi. Tại sao chúng ta lại bỗng rơi vào các khủng hoảng? Tại sao chuyện này xảy ra? Tại sao lại lúc này mà không phải là lúc khác? Đặt các câu hỏi giúp mình hiểu hơn và nhìn thấy vòng lặp khủng hoảng này.
Tưởng tượng việc một ngày bỗng cuộc đối thoại của mình với người bạn bỗng đầy lo lắng về tiền nong hoặc những khó khăn trong chuyện mối quan hệ. Mình luôn không hiểu chuyện gì đang xảy ra với bạn mình và thậm chí là cả bản thân. 
Việc tập trung hết sức vào một (hoặc một số) trong những khía cạnh trong một giai đoạn cuộc đời, dẫn đến sự khủng hoảng xảy đến ở các khía cạnh khác trong tương lai. Tuổi 25, bỗng khủng hoảng tài chính, tuổi 30, bỗng khủng hoảng sự nghiệp, tuổi 40 ta bỗng khủng hoảng gia đình.
Đầu tư khía cạnh giáo dục và sự nghiệp trong suốt những năm 20s, 30s, dẫn tới sự khủng hoảng cuối những năm 30s hoặc 40s về những mối quan hệ (thường thấy là mối quan hệ lứa đôi hoặc gia đình), về vấn đề sức khỏe… Rất đa dạng cách thể hiện, tựu chung chúng ta sẽ có rất nhiều những khủng hoảng ập tới như thế. 
Thi thoảng người trẻ hay nghe rằng, còn trẻ thì nên chịu khó kiếm tiền. Nhưng bạn cũng thường hay nghe rằng, điều hối hận nhất trước khi chết của một người là họ đã làm việc quá nhiều để kiếm tiền.
Lời khuyên quan trọng nhất có lẽ là tự hỏi chính mình.
Mình sẽ chia sẻ về một mô hình mình được học ở trên trường và có phân tích cũng như tự thực hành nó cho chính mình. Mô hình này được Dr. Bill Hettler, co-founder của National Wellness Institute đã tạo ra Six Dimensions of Wellness – Sáu Khía Cạnh của cuộc sống An Bình. (Mình dịch Wellness là An Bình). Sáu khía cạnh bao gồm: Cảm Xúc, Thể Chất, Công việc, Xã Hội, Tri Thức và Tâm Linh.
Ảnh minh họa: National Wellness Institute
Ảnh minh họa: National Wellness Institute
Có thể bạn có biết hoặc từng nghe hoặc từng làm bài kiểm tra này rồi. Minh họa đơn giản ở dưới, cụ thể thì chúng mình sẽ đánh giá điểm cho từng khía cạnh, thang điểm từ 1-10, trong đó 10 điểm thể hiện sự đủ đầy, hài lòng của bạn với khía cạnh đó. 
Ảnh minh họa: stepintosuccessnow.com
Ảnh minh họa: stepintosuccessnow.com
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu rõ về mô hình này, thường chúng ta chỉ làm bài kiểm tra này trong một workshop nào đó và mọi thứ dừng lại ở đó. Chúng mình ít có cơ hội tự đi sâu, hoặc đi sâu hơn vì cần các dịch vụ coaching đồng hành dài hạn để hiểu rõ công cụ, áp dụng và cuối cùng là tạo thói quen sử dụng phương pháp này. 
Cách đây khoảng 5 năm trước, trong một khóa học phát triển thanh niên mình đã được thực hành quán chiếu bản thân qua công cụ này, vài tuần trước mình biết tới mô hình ở môn Health Psychology (Tâm lý học Sức Khỏe) trên Trường, vài ngày trước thì cũng gặp nó tiếp ở một online workshop. Tiếp cận công cụ tới vài lần, vậy mà, trong buổi sáng trò chuyện hôm nay với người bạn “lớn tuổi”, mình mới ngờ ngợ hiểu hơn giá trị của việc sử dụng công cụ này. 
Không chỉ đơn giản kết nối các điểm và xem vòng tròn của mình đang tròn hay méo mó ra sao để “sửa chữa”. Không phải bạn đang thấy tài chính có vấn đề, bạn quay sang tập trung tài chính, bạn đang thấy học tập có vấn đề bạn quay qua tập trung cho vấn đề học tập. Chúng ta cần có thái độ, tiếp cận toàn diện mọi khía cạnh này, công cụ này cho chúng mình thấy tầm quan trọng của sự “toàn diện”, sự “để tâm” một cách dài hạn và bền vững hơn.
Để tâm là một việc không dễ, nhưng nếu đã là một thói quen thì đều có thể xây dựng được. 
Hạt giống đủ duyên nảy mầm. Người làm vườn cần cù sẽ hái quả ngọt nay mai. 
Vậy mình có một số gợi ý cho bạn: 
1/ Trả lời câu hỏi “Giá trị bản thân mình là gì”, “Tại sao lại là giá trị đó?”, xác định các core values, những điều mà bạn tin rằng luôn ở trong và bên bạn trong hành trình/kiếp sống này.  Bạn có thể tham khảo Bậc Thang Giá Trị Tại Đây.

2/ Việc lên lịch cố định (tháng/quý) cho hoạt động phản tư, tự đánh giá bản thân thông qua Công Cụ Six Dimensions of Wellness để chúng ta nhìn ra sự cân bằng hoặc bất cân bằng cuộc sống. 
Hiểu thêm và thực hành về Sáu Khía Cạnh của Cuộc Sống An Bình tại đây. Hiện nay, công cụ này vẫn đang được sử dụng rất phổ biến trong holistic approach (tiếp cận toàn diện) trong nhiều dịch vụ. Các huấn luyện viên (coach) những người được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm có vai trò quan trọng như vậy đấy, chúng ta không thể đi một mình được. Chỉ tiếc là, phần đông dân số hiếm có khả năng tiếp cận lẫn khả năng tài chính để chi trả cho các dịch vụ này.
Hãy luôn quay lại Our Core Values để phản tư. Bạn đâu thể đi đường dài nếu không có nhiên liệu đúng không? Đừng quên nạp gasoline cho mình nhé. 
Hoạt động này, có thể bạn tự làm cho bạn hoặc làm cho cả gia đình (nếu bạn có gia đình), quây quần với nhau để cùng nhìn lại. Hoạt động phản tư ngoài giúp mình nhìn lại bản thân đầy đủ, chúng ta còn có thể phòng tránh các trường hợp mình nói ở trên. Một ngày đẹp trời, ngoài kia mặt trời vẫn lên và vẫn lặn, ở tuổi x0s nào đó, chúng ta đối mặt với một khủng hoảng tưởng như từ trên trời rơi xuống. Nhưng sự thật là đã và đang ở đó rất lâu nhưng thiếu đi sự chú tâm của bạn. Hạt giống đó, đủ duyên và nảy mầm, vậy thôi.
Trong hoạt động phản tư này, chúng ta còn có khả năng phát triển critcal thinking, hãy xem video đáng yêu ở đây về Critical Thinking nhé. Hãy thử vài câu hỏi bên dưới và sau đó tự có cách hỏi riêng cho chính mình.
Những khía cạnh này trong cuộc sống của chúng ta biểu hiện như thế nào?
Điểm bạn thấy cân bằng và chưa cân bằng là gì? 
Mình có thể làm thế nào hoặc tìm kiếm sự trợ giúp nào để phát triển nó hơn?
Tùy mỗi người mà chúng ta có kĩ năng critical thinking để phản tư tới đâu. 
3/ Mỗi một khía cạnh trong Mô Hình này không phải là để phát triển trong một giai đoạn nào đó, mà cần được chú tâm, để ý và chăm nom xuyên suốt. Như cái cách mà bố mẹ nuôi dưỡng tình yêu đọc sách với một em bé vậy á, mình đọc đâu quên rồi, bài hay lắm mà không nhớ để tìm được link. Cái bài đó, mình đọc xong mà rưng rưng xúc động mãi.
“Chúng ta càng biết nhiều hơn, chúng ta càng biết ít hơn”
Chú Luke chia sẻ
Cá nhân mà nói, bài viết này có thể là một thành quả nhận thức gần đây của mình, kết quả của việc mình cứ “hỏi mãi”.  Hy vọng, chúng ta hãy đủ kỷ luật để tận hưởng cuộc sống này. 
-----
Mình đã viết trong phần giới thiệu trên blog của mình, mình nhắn lại ở đây: “Đối với mình, mỗi người đi làm, đi học luôn trong một bài tập/dự án/kế hoạch nào đó mà mình phải/cần cống hiến, nỗ lực để hoàn thành với kết quả có thể là cho bạn hoặc cho công ty đó. Nhưng đôi khi, mình cũng cần thấy rằng, bản thân mình cũng là một cơ thể của hàng ti tỉ tế bào, vi khuẩn sống động cấu thành, cơ thể dồi dào năng lượng sống của chính mình đây. Mình coi bản thân là một “dự án” dài hạn, một “bài tập lớn”, mà ở đó, chỉ có chính mình mới có thể vun vén, chữa lành để làm sao sống thịnh vượng và hạnh phúc trong cuộc đời hữu hạn này. Có yêu bản thân, biết chăm lo cho chính mình, mới hào phóng rộng lượng để cho đi". Xin chúc dự án kiến tạo di sản cuộc đời của bạn “nở hoa”.
Hà Nội,
27/9/2021