Ngày thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, sáng dậy đọc được tin, tôi sững người một lúc và bắt đầu khóc.
Tôi chưa từng có vinh hạnh được diện kiến Thầy hay đến thăm các cơ sở Làng Mai, mà chỉ được biết Thầy qua các cuốn sách và video trên youtube. Dù vậy, tôi luôn cảm nhận được một niềm an ủi lớn lao mỗi khi đọc và lắng nghe lời thầy dạy.
Tôi nhớ lần đầu tiên biết tới Thầy là qua cuộc phỏng vấn với Oprah Winfrey. Thầy nói "to be loved is to be recognized as existing" - khi ta được yêu thương, ta được công nhận là mình tồn tại. Câu nói đó đã đánh sâu vào tâm khảm tôi, như một tiếng chuông ngân đánh thức con người bên trong tôi tỉnh dậy. Lần đầu tiên tôi nhận ra từ trước đến giờ mình luôn cảm thấy thiếu thốn và khao khát được công nhận, được yêu thương đến thế nào.
Rồi thầy nói "if the present moment has peace and joy and happiness, then the future will have also!" - nếu giây phút hiện tại có sự bình an, niềm vui và hạnh phúc, thì tương lai cũng sẽ có! Chỉ một câu nói đơn giản nhưng chắc nịch của thầy đã đủ để cứu vớt tôi mỗi khi những cơn khủng hoảng lo âu trỗi dậy. Nhớ lời thầy, tôi dần bình tâm và cho mình hi vọng vào tương lai để có thể vượt qua khó khăn của hiện tại.
Nguồn: Youtube
Nguồn: Youtube
Tôi tìm đọc những cuốn sách của thầy, đọc cuốn nào tôi cũng cảm nhận sâu sắc trí huệ và lòng trắc ẩn vô bờ của Thầy. Tôi nhớ khi đọc một bức thư thầy gửi đệ tử, kết thư thầy viết "yêu và thương các con rất nhiều". Chỉ mấy từ như vậy khiến tôi bật khóc nức nở ngay giữa công viên. Thầy nói thương các đệ tử của Thầy mà tôi thấy như Thầy nói thương tôi. Tình yêu thương đó chân thật, mạnh mẽ và ấm áp tới mức tôi cảm thấy mình cũng đang được Thầy chở che, và nó khiến tôi bật khóc.
Mọi người nói Thầy ra đi đúng vào ngày giờ rất đẹp. Nó làm tôi thấy yên lòng hơn một chút, nhưng điều thực sự làm tôi bớt buồn đau về sự ra đi của thầy là lời của đức Đạt Lai Lạt Ma rằng "Thầy (Thích Nhất Hạnh) đã sống một cuộc đời thực sự ý nghĩa!"
Đúng vậy, khi ta đã sống một cuộc đời thực sự ý nghĩa, đã trải qua mọi thăng trầm sóng gió, cả buồn vui sướng khổ, đã sống trọn vẹn với tâm niệm yêu thương và lòng trắc ẩn với mọi người, đã mang lại an ủi và sự chở che cho những người xung quanh, thì ta không còn gì để nuối tiếc. Những người ở lại cũng không cần phải nuối tiếc.
Tôi nhớ hồi nhỏ khi lần đầu tiên nhận thức được sự thật vũ trụ rằng ai cũng phải chết, tôi bắt đầu bị nỗi sợ xâm chiếm. Chết có đau không? Chết là mình không thở được thì giây phút tắt thở mình sẽ cảm thấy thế nào? Sau khi chết thì mình có nhận thức được gì nữa không? Mình sẽ thành hồn ma lang thang mọi nơi à? Mình cố gắng gọi mọi người mà không ai trả lời ư? Như vậy có cô đơn không? vv...
Vô vàn câu hỏi về cái chết làm tôi sợ hãi và bất an. Nhưng khi lớn lên dần thì tôi hiểu rằng không phải ai cũng sợ cái chết. Chính thầy Thích Nhất Hạnh khi giảng về cái chết đã rất điềm tĩnh nói cái chết chỉ là sự chuyển tiếp từ dạng này sang dạng khác. Dù thân Thầy không còn nhưng Thầy vẫn luôn tồn tại, trong những lời thầy dạy, cuốn sách thầy viết hay những đệ tử và Phật tử đang thực hành đạo Phật dấn thân và trắc ẩn của thầy.
Tôi cũng từng nghe sư thầy Minh Niệm nói rằng sau khi chết chúng ta cũng không có gì phải sợ. Kiếp này ta sống như thế nào, có sống với tâm thiện hay không, có bình an hay không, thì sau khi ta chết hay trong kiếp sau ta vẫn sẽ tiếp tục sống như thế. Đơn giản vậy thôi.
Nghe lời dạy của các thầy, tôi nhận ra rằng khi không còn sợ cái chết, con người ta sẽ có được sự tự do đích thực. Ta sẽ có sự bình tâm để đối diện với mọi thứ trong đời mình, để nỗ lực sống trọn vẹn hơn trong mỗi phút giây với mỗi người ta quan tâm yêu thương. Khi ấy, sự chuyển tiếp của ta dù diễn ra lúc nào sẽ luôn nhẹ nhàng, thanh thản và không quá nhiều đau đớn hay nuối tiếc.
Xin viết ra một vài dòng như vậy để tưởng nhớ và tri ân tới Thầy, người tôi sẽ luôn mang ơn trong cuộc đời này.