Cho Sài Gòn
Nhưng Sài Gòn vẫn đang được nhớ đến với tinh thần can đảm và mơ mộng của những người đi khai phá, với đâu đó vài xó kẹt nên thơ để an ủi những tâm hồn vốn lạc lõng và ngột ngạt bởi những nhà hộp tràn lan.
Cái Mít ở quê bảo, tại sao người Sài Gòn cứ nói chuyện lí nhí nhỏ xíu vậy chị. Em vốn không để ý kĩ điều đó, cho đến khi nghe nó phán một câu nhận xét như vậy. Nó tự hỏi và rồi tự trả lời, chắc ở quê không gian thoáng đãng rộng rãi, nhà cách nhà cả trăm bước chân, phải là kiểu người "ăn to nói lớn" để mọi người xung quanh còn nghe được. Phải đứng bên này kênh rủ bạn nhậu bên kia kênh. Còn ở Sài Gòn của chị thì san sát, nhà sát nhà, tường sát tường, cho nên phải đi nhẹ nói khẽ để không làm ảnh hưởng người khác. Con bé coi bộ rất tinh tế! Cái hay của người Sài Gòn là ở chỗ dạn dĩ, cởi mở nhưng vẫn rất ý nhị.
Sài Gòn có nhiều công trình diễm lệ mang đậm nét lãng mạn nước Pháp. So với Hà Nội, Sài Gòn còn quá trẻ để có được nét thâm trầm cổ kính gắn liền với những công trình kiến trúc văn hoá, lịch sử. Nhưng Sài Gòn vẫn đang được nhớ đến với tinh thần can đảm và mơ mộng của những người đi khai phá, với đâu đó vài xó kẹt nên thơ để an ủi những tâm hồn vốn lạc lõng và ngột ngạt bởi những nhà hộp tràn lan. Em nhớ có người hay bảo, Sài Gòn chưa xa đã nhớ, luôn biết cách làm cho người ta phải phiền lòng, giống hệt như em. Mưa thì đến rồi đi bất chợt tới nỗi áo mưa mặc vào chưa kịp ướt đã phải cởi ra. Nắng thì chói chang gay gắt như muốn thiêu cháy da thịt con người. Sài Gòn được tạo nên từ những hương vị quen thuộc của bánh mì, bánh tráng trộn, cà phê sữa đá... Trong một Sài Gòn chứa đựng cả thế giới ẩm thực, từ trong nước đến ngoài nước, không cẩn thận là rất dễ phát phì. Sài Gòn được tạo nên từ những tiếng rao không lời: tiếng xe bán kem leng keng, tiếng lốc cốc của xe hủ tíu gõ đầu hẻm, tiếng kèn hơi của cô bán ve chai giữa trưa.... Trong phạm vi mấy mét có khi nghe đâu đủ thứ giọng: Bắc, Trung, Nam ba miền có đủ, nhiều khi còn nghe "Hello", "Good morning", rồi "ngộ", "lị" trộn lẫn vào nhau loạn xà ngầu. Quận 1 có phố Tây nhạc xập xình. Qua quận 5 nghe tiếng còi xe cấp cứu inh ỏi. Tấp qua mấy khu chợ lớn lại được nghe tiếng chào mời lảnh lót: "Quẹo lựa quẹo lựa, trăm rữi trăm bảy gái ơi...". Sân bay, nhà ga, bến xe, bến cảng đều nằm nội đô. Bởi vậy mà tiếng máy bay cất cánh lên xuống, tiếng còi tàu rền vang khi vào ga... đã trở thành những thanh âm thân quen với cư dân nơi đây. Cuộc sống dẫu đổi thay bao nhiêu năm, thì những điều đó vẫn luôn quen thuộc. Tất cả dần trở thành hơi thở, thành tiếng gọi trong tâm khảm, khắc sâu vào miền ký ức của mỗi người dân Sài Gòn.
Để nói về tết của người Sài Gòn, có lẽ nên dùng từ "chơi tết" thay cho "ăn tết". Ngược lại với một bộ phận ít ỏi đón Tết theo kiểu truyền thống, đa số người Sài Gòn đón Tết khá giản đơn. Chỉ cần tạt ngang siêu thị, đi vòng vòng một tiếng là đã có đủ món ăn, vật dụng cho một cái tết. Người Sài Gòn hiện đại vốn không muốn mua sắm nhiều vì chuộng sự nhanh gọn, tối giản.
Sài Gòn lúc nào cũng có vẻ đẹp của sự năng động, sầm uất, bon chen. Thế nhưng, Sài Gòn dịp tết đến, và nhất là trong mùa covid, nó lại mang được cái nét thong dong, mơ mộng, trầm lặng. Bên cạnh những người bám trụ lại thành phố, tham gia đón Tết ở những không gian công cộng thì hầu như, một bộ phận không nhỏ người Sài Gòn luôn tranh thủ những ngày nghỉ Tết để "đi".
Tết Sài Gòn nhẹ bẫng. Nếu ở những nơi khác, tết là dịp sum họp, tề tựu. Thì ở Sài Gòn, tết là dịp để tranh thủ "đi". Đi về quê, đi du lịch, đi nghỉ dưỡng. Đi để chạy khỏi những mệt mỏi thường nhật. Ngày tết là lúc người Sài Gòn mở mắt, nhìn đồng hồ không phải xem giờ để tỉnh táo mà là xem thử còn bao nhiêu thời gian để ngủ thêm. Họ tranh thủ tết đến để tự thưởng cho mình. Không tự hỏi phải làm gì, làm gì trước, làm gì sau. Không cần phải gấp gáp, không có ai hối thúc.
Năm nay chỉ ở nhà, em lại thấy buồn chân. Em thích xách xe máy chạy nhong nhong ngoài đường vào mùng một. Với em, ngắm nhìn thành phố đang nằm yên ngủ nướng là đam mê bất diệt. Có đợt, em hẹn mấy đứa bạn ngồi cà phê bệt, ăn bắp xào rồi tám đến tận trưa. Băng qua Nguyễn Trãi quận 5 để thấy tất cả các shop quần áo đều đóng cửa im lìm. Chạy qua chợ Bến Thành nắng ơi là nắng không một bóng người. Xoay một vòng Lê Thánh Tôn thấy còn lác đác vài sạp bán trái cây nhỏ lẻ. Rồi lại ngắm những pano, áp phích rực rỡ sắc màu mà ngày thường em chẳng bao giờ chú ý đến. Để rồi nghe văng vẳng tiếng trống múa lân rộn ràng trong một con hẻm nhỏ. Tất cả những điều đó gợi lên trong lòng em chút nôn nao, xao xuyến đến lạ kì.
Sài Gòn đất chật người đông. Có những người chung một bầu trời trong cùng một thành phố, nhưng buông tay là lạc mất nhau. Điện thoại nằm im, hộp thư đến nằm im, những cuộc gọi nằm im. Mọi thứ tự nhiên đứt gãy, dở dang. Thì ra đôi bên đều bị viêm họng cùng một lúc. Người im lặng, em cũng lặng im. Việc duy nhất mà cả hai làm vô cùng ăn ý, đó chính là không ai liên lạc với ai.
Vậy thì, có lẽ, không ai trong chúng ta nên phá vỡ sự im lặng đó. Cũng giống như cách chúng ta sẽ để cho Sài Gòn được lặng yên với sự vắng vẻ rất hiếm có của mình...
Mùng 2 tết Nhâm Dần.
2/2/2022.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất