Vừa rồi đọc mấy bài viết của bác @Huỳnh Nguyễn Nhất Bảo về cái gọi là "áp lực công việc" thấy không đồng tình lắm. Có thể góc nhìn của mình khác. Mình thấy áp lực công việc là thứ vô hình nhưng nó tồn tại thật. Mình nghĩ nếu có thể dùng 1 phép tính để biểu diễn nó thì ta có thể phần nào đo đếm, xác định được nó.

Phải nói ngay từ đầu là áp lực công việc không đến từ 1 phía. Nó đến từ cả 2 phía: Bản thân ta và người khác.

Phép tính áp lực công việc

Coi năng lực của ta là A, kết quả công việc là B, cái người ta (sếp) mô tả là B', thời gian cần hoàn thành là C. Tạm chia ra 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Mất C1 thời gian để xác định B với B' nó  thế nào. Bởi bạn không thể biết đích đến, kết quả của công việc ngay lập tức. Mà dựa trên mô tả của sếp, bạn sẽ cần kết nối tới nhiều thứ mới xác định được.
B= B' * i (%)
Trong đó i là sai lệch so với thực tế.
Tất nhiên đừng kỳ vọng cái sếp nói chính là cái sếp cần. Việc tìm ra i khá quan trọng chứ không phải lúc nào i cũng là 100%.
Áp lực lúc này là i/C1
- Mất C2 thời gian để đáp ứng được công việc
B = (A+D)
Bởi năng lực không bao giờ đáp ứng được ngay 100% công việc. Bạn sẽ thấy có thể thừa/thiếu năng lực, nhưng vẫn phải làm việc đó. Bởi bạn được trả tiền cho việc này. Cũng không bao giờ có thể chắc chắn 100% năng lực đáp ứng thì mới nhận làm, bởi như thế thì chẳng còn việc cho bạn làm nữa. Bạn cần phải bổ sung thêm D (học thêm, hỏi thêm, tìm kiếm thêm, luyện tập thêm...) thì mới được
Áp lực lúc này là (A+D)/C2
Áp lực trên 1 ngày = i/C1 + (A+D)/C2

Những điều rút ra

Dựa vào phép tính trên, mình rút ra:
- Nhận việc thì cần làm rõ yêu cầu càng rõ càng tốt, để tránh áp lực i/C1. Hay khi giao việc cho ai thì cần mô tả thật chi tiết cái mình cần càng tốt. Chính việc ra mệnh lệnh chung chung, kết quả chung chung khiến chúng ta bị áp lực rất lớn khi làm ra kết quả mà kết quả lại không dùng được (hoặc bị chửi là Không hiểu ý tôi). Việc này cũng gây ra 1 áp lực  khác là "Không biết thì phải hỏi", nhưng hỏi quá nhiều thì lại "Cái gì cũng không biết", "tự làm còn hơn".
- Năng lực phải tăng lên liên tục để D càng nhỏ càng tốt. Bởi A là cái không thay đổi được tại thời điểm nhận việc. Bạn chỉ có thể tăng thêm D mà thôi. D càng lớn thì áp lực càng lớn. Cố gắng học tập, tìm hiểu cái mới liên tục, chủ động, như thế sẽ giảm tải áp lực khi làm những việc vượt khả năng của bạn mà vẫn có thể đáp ứng được.
- Làm  rõ thời gian hoàn thành (Deadline). Bởi khi ko đánh giá được 
C = C1 + C2, 
bạn sẽ thấy thời gian quá eo hẹp. Mà mẫu số càng nhỏ thì kết quả (áp lực)  càng lớn.
Chủ động trong thời gian, phân phối thời gian khi làm việc sẽ giúp bạn phân phối đều áp lực công việc, không bị dồn ép quá nhiều.
- Dựa trên phép toán này, bạn có thể đánh giá 1 công việc có thể đáp ứng được không, hay có chịu nổi áp lực từ việc đó không. Nếu không ổn thì hãy mạnh dạn từ chối. Đừng tham công tiếc việc để rồi than vãn "công việc quá áp lực" mà chẳng biết áp lực từ đâu ra.
---
Nội dung này mình rút ra từ kinh nghiệm cá nhân thôi. Theo mình nghĩ những yếu tố khác ngoài các yếu tố trên đều không phải áp lực công việc. Mọi người có thể góp ý chia sẻ làm rõ thêm vấn đề này. Mình thấy điều này rất tốt cho các bạn trẻ có thể hiểu rõ hơn rằng khi làm việc thì cần chú ý những gì, khi nhận việc thì cần tiếp cận vấn đề thế nào, hướng giải quyết ra sao, đồng thời cũng giúp chúng ta tránh được những thứ không cần thiết khiến bạn hiểu sai về áp lực công việc.