HCTVPG #10 - Sự nguy hiểm khi kết hợp Phật giáo và kinh doanh
Có một cái hố nuốt chửng những doanh nhân gắn hình ảnh của mình với Phật giáo. ...
Có một cái hố nuốt chửng những doanh nhân gắn hình ảnh của mình với Phật giáo.
Tôi không nói về kẻ lừa đảo vì báo chí đã làm nhiệm vụ đó rồi. Tôi sẽ cho bạn thấy sự sa lầy của kẻ lương thiện.
Nikaya có một câu chuyện thú vị như sau:
Shakyamuni có lần khất thực tại một ngôi làng Bà la môn. Khi người ta đang phân phát thức ăn cho những người nông dân gieo mạ thì ông tiến đến. Người Bà la môn từ chối phát thức ăn vì thấy ông không có lưỡi cày. Shakyamuni đọc bài kệ nói về hành trình giải thoát khỏi khổ đau cũng vất vả và lợi ích như cày và gieo hạt, khiến người Bà la môn cảm kích và dâng lên rất nhiều thức ăn. Nhưng lần này Shakyamuni từ chối. Vì thức ăn đến sau kinh kệ là vật đổi chác.(Kasibhāradvājasutta, Samyuttanikāya 7.11)
Có một khác biệt giữa “bạn buôn, mọi người phản ứng” và “bạn buôn, bạn tuyên bố giáo lý, mọi người phản ứng”. Ở nơi mà Shakyamuni được sùng bái dưới hình thức tín ngưỡng hơn là tôn giáo, bạn dễ lấy lòng, dễ “đổi kệ lấy cơm” hơn.
Nhưng đây mới là cái hố thực sự:
Thương trường là một cái trường mà không ai thương ai. Chi phí vận hành, công nợ, lương thưởng, doanh số, pháp lý, cuối cùng cũng dẫn bạn về cái La Mã: đuổi anh A hiền lành dễ mến, bôi trơn cho anh B thấy ghét nhưng được việc, . Những điều bình dị đối với doanh-nghiệp-cõi-trần, nhưng nó cấn với cái doanh-nghiệp-cõi-trên của bạn. Vậy là bạn bước một chân xuống hố: thay vì điều chỉnh hành động để khớp với giáo lý, bạn diễn giải lại giáo lý để nó khớp với mọi hành động bạn làm. Từ A bạn tạo ra A’, A’’, A bis... và cuối cùng là B, một tôn giáo mới.
Chỉ có Chúa mới biết “kệ” của bạn authentic hay không!

Do đặc thù vị thế, bạn có quyền lực, sự nể nang lẫn xu nịnh, chứng tâm thần của bạn, nếu có, sẽ khó phát hiện và khó chữa hơn người bình thường. Ngành nhân sự tại Việt Nam không thiếu chuyện về những giám đốc giảng đạo lý hôn nhân, tình dục, luân hồi khiến ứng viên ngơ ngác trong buổi phỏng vấn, hay những quản lý bắt nhân viên thực hiện các nghi lễ quái đản hằng ngày cho giáo phái mini của họ.

Kinh doanh năm 2025AD không còn là đổi thau cá lấy cái cuốc nữa. Khi kẻ bán thừa mứa còn người mua thì đã trơ lì, người ta trả tiền cho kẻ bán nào có trò tiêu khiển làm họ thích thú, như chọn phim mua vé vậy. Từ “khách hàng là thượng đế” cho đến “kể câu chuyện thương hiệu”, mục đích cũng chỉ là cố gắng vắt cho kiệt những cảm xúc ít ỏi còn sót lại để nhét sản phẩm dịch vụ vào.
Việc đó thuận đời, nhưng trái đạo.
Lịch sử Phật giáo đâu thiếu những hành giả vĩ đại từng tắm máu. Nhưng nếu họ đều bỏ xuống hoàn toàn trước khi dành trọn đời quy ngưỡng, mà không có ai độ người bằng lưỡi hái, thì có lẽ tại mỗi thời điểm, ta cũng chỉ nên dốc sức cho một vai trò, trước khi bỏ xuống cho vai trò tiếp theo. Năng lực mỏng, buôn nhiều tu ít, lại còn chia hai chân trên hai con thuyền đi ngược chiều, rách quần là điều không thể tránh.
Tôi không thể hiểu hết sự biến hóa của các pháp tu, và có chăng, giữ giới cũng là giữ cho mình, không phải cho người, để mà phán xét họ đúng hay sai. Tôi chỉ có thể nói, dù bạn chế tác thế nào:
Hãy nhớ phần cháo mà Shakyamuni không ăn.

Cảm ơn bạn đã dùng 3 phút của đời mình để dành cho tôi. Tôi biết trong trường hợp bạn không thích ý tưởng này đi chăng nữa, thì cũng chẳng lấy lại được 3 phút của đời mình. Tôi rất tiếc nhưng cuộc sống luôn là như vậy.
Bài viết này thuộc series Hãy cẩn thận với Phật giáo nếu các bạn muốn xem nhiều hơn.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hằng Chip
Em chưa trải nghiệm cả 2 điều này 1 lúc nhưng sẽ rất lưu ý những gì a viết. Cảm ơn bài viết của a 

- Báo cáo

happy_666_words

@Hằng Chip Cảm ơn bạn rất nhiều!
- Báo cáo
Trương Thanh Tuấn
chào mừng anh đã viết trở lại!!
- Báo cáo
Trịnh Nga
bài viết của bạn khiến đầu óc tôi xáo trộn nãy giờ thực sự khá khó hiểu
- Báo cáo

Nguyên Phạm
còn mình thì thấy bài này, trong 11 bài (cho đến thời điểm hiện tại) là một trong những bài dễ hiểu nhất
- Báo cáo

Nguyên Phạm
còn mình thì thấy bài này, trong 11 bài (cho đến thời điểm hiện tại) là một trong những bài dễ hiểu nhất
- Báo cáo

happy_666_words

Có một bộ phận những người có quyền hành và chức vụ kinh tế, họ lồng ghép PG vào công việc kinh doanh cũng như các phát biểu, họ hoàn toàn không phải kẻ lừa đảo gì cả, nhưng sau đó họ bị mắc các bệnh về tâm thần. Họ có thể nói liên tục về các khái niệm khó hiểu ngay cả khi không đúng chỗ, và cũng không quan tâm người nghe có nhu cầu hay không. Một số người phát triển một nhánh "PG" mà tôi gọi là "PG luxury", nơi họ có những dịch vụ hành hương VIP, trả tiền để được tiếp chuyện đôi ba câu với một số tăng sĩ nổi tiếng, mọi thứ đều có dịch vụ. Có lẽ phần đông mọi người sẽ không biết đến và cũng không tưởng tượng được là có những dịch vụ này, nhưng chúng có. Thật ra họ trả tiền hay không trả tiền không quan trọng vì họ có thể tiêu pha theo cách họ muôn, quan trọng là khi tiếp chuyện, bạn sẽ cảm nhận được rằng, mặc dù họ có thể hiện sự lễ độ và hiểu biết nhất định về PG, nhưng họ dường như quá đam mê các tăng sĩ theo khuynh hướng dị đoan và không thực sự thực hành PG ở mức độ căn bản.
Trong nhiều năm, vì tôi không sống cùng họ nên không thể biết chắc hoàn cảnh của mỗi người, nhưng tôi phỏng đoán rằng đó là do ảnh hưởng của quyền lực và đời sống vật chất. Quyền lực, sự sùng bái từ người khác là thứ hủy hoại một hành giả chỉ đứng sau sắc dục, huống hồ họ chỉ là người kinh doanh, vốn dành rất ít thời gian cho giới luật, thiền định.
- Báo cáo
Tuỳ Phong
Cảm ơn bài viết của anh vì nó đã giúp em tự nhìn lại bản thân mình và đả thông được tư tưởng để không trở thành kẻ say ôm cột đèn ^^
- Báo cáo
Nh. Vinh
Hay quá bác đã viết lại rồi, e chờ mãi
- Báo cáo