TÌNH YÊU VÀ TRÒ ĐÙA CỦA GIỚI TRẺ - BÀN SÂU CÙNG TÌNH YÊU ĐỘC HẠI CỦA KRAVEN
Nếu bạn thích các cuộc tình rượt đuổi, vờn nhau, bài viết này không dành cho bạn - Hoặc bạn có thể phản biện nếu thích.

Tôi không còn trẻ để có thể hiếu được giới trẻ nghĩ gì, nhưng tôi đã từng trẻ và luôn tin là tình yêu của mình thì vẫn còn trẻ mãi theo thời gian nếu tôi chân thành.
Tôi là một người theo chủ nghĩa lãng mạn. Và dù ai nói ngã nói nghiêng, hay bị bạn thân rủa xả sau bao lần thì tôi vẫn là Call me Duy lụy tình đến đau thương theo từng năm tháng. Mà tôi cũng chả việc gì phải xấu hổ về nó. Mà thật ra tôi không lụy ai cả, tôi chỉ lụy tình yêu - một loại tình yêu thuần túy mà giới trẻ bây giờ xem là một trò đùa.
TẠI SAO NÓ LẠI LÀ TRÒ ĐÙA - GAME HÓA TÌNH YÊU
Nếu trước đây những chuyện tình đẹp xuất phát từ những vụng dại tuổi học trò, hay những lần gặp gỡ bạn bè mà trao nhầm ánh mắt cho một ai đó trong nhóm bạn chung - Ý tôi là những tình cảm xuất phát thuần túy từ người thật, việc thật và va chạm thật. Thì hiện tại mọi thứ gói gọn trong những cái app mang tên Tinder, Bumble, hay Facebook Dating, đụng là lướt trái lướt phải và rồi lướt luôn qua đời nhau.
Tôi không lên án các ứng dụng công nghệ hóa tình yêu, nhưng bởi vì công nghệ quá phát triển mà chọn lựa cho tình yêu của mỗi người cũng tăng dần lên. Nếu trước đây để yêu một người, chúng ta phải đi đến những câu lạc bộ trong trường học, quen biết qua bạn bè, hoặc học chung một lớp gì đó với nhau thì mới biết tới nhau. Biết nhau thì mới thích nhau qua ánh mắt, mái tóc, thú vui, sở thích hoặc là mục tiêu chung chung gì đó, rồi mới tìm hiểu, và hẹn hò. Giờ đây mọi thứ gói gọn trong một hai dòng bio mà chúng ta còn không thể xác định thực hư.
Quá dễ dàng cho một cuộc cách mạng ngoại tình, và trò chơi hóa tình yêu, cũng như quá nguy hiểm cho bản thân khi gặp một đối tượng qua mạng xã hội. Gần đây nhất tôi có đọc một bài trên thread kể rằng cô ấy đi date với một anh chàng trên app, và rồi ngay ngày đầu đã bị sờ mó thậm chí là dí tới tận nhà. Bên dưới thì là mấy chục bình luận cũng đại loại tình trạng như thế.
Việc gặp gỡ một đối tượng thực sự ở bên ngoài và bắt đầu tìm hiểu nó không giảm khả năng bạn gặp phải một anh chàng/cô nàng biến thái, nhưng nó tăng khả năng bạn gặp được một đối tượng phù hợp và “thực tế” hơn. Vì cơ bản những nơi bạn có thể gặp đối tượng bạn sẽ hẹn hò là một nơi mà bạn thích đến như câu lạc bộ, nhà sách, hay các buổi workshop. Nhìn chung thì hiện tại mọi người dần bỏ qua hết những bước cơ bản của hẹn hò trước đây mà nhảy vọt vào app tìm bạn, hên thì gặp đúng người, sai thì có khi lại được một đêm nồng cháy.
TRÒ CHƠI MINDSET TRONG TÌNH YÊU
Tizi, Đích Lép, hay các kênh tiktok chỉ bạn cách yêu đều là những người làm content dạy người ta “yêu” như thế nào. Thật ra việc chia sẻ không mang ý nghĩa độc hại, nhưng việc đem lý thuyết của bản thân áp lên người khác thì là sai hoàn toàn. Ví như có một vid Tizi nói về việc chị ấy dọn vớ bừa của Đích Lép, hay dọn dẹp nhà cửa cho anh là một đặc quyền khi yêu, và khi được chăm sóc người yêu. Phân tích kĩ thì nó không sai, vì chị ấy vui vẻ làm chuyện đó, nhưng áp dụng lên người khác có thể khiến người khác trở thành người cam chịu những thứ mình không thích.
Thỏa hiệp và cam chịu là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, nếu bạn khó chịu vì sự bừa bộn của bạn trai hay bạn gái, thỏa hiệp với chuyện đó bằng việc đồ ai người đó giặt, đồ ai người đó dùng hoặc bằng một cách nào đó mà bạn thấy dễ chịu hơn nhưng không phá vỡ quy tắc của bạn thì cũng được đi. Nhưng còn nếu nhân danh tình yêu để chịu đựng những việc khiến mình không thoải mái, thì về lâu về dài những thứ đó đều trở thành chiếc dầm nhức nhói mà bạn không thể nào gỡ ra được trong chuyện tình của mình.
Tình yêu là tình yêu, không có sách giáo khoa nào có thể viết được yêu là phải như thế nào. Nó không phải một bài toán của lý trí, nó là trò chơi của cảm xúc mà cần chúng ta phải có kĩ năng giao tiếp, phát triển bản thân, và hiểu chính mình. Thứ tốt nhất để có thể thấy tình yêu trọn vẹn thì mình thấy là cứ dẹp bớt mấy cái kênh dạy về yêu đi và học những thứ về ngôn ngữ tình yêu để biết mình cần được yêu như thế nào, và người ta muốn được yêu ra làm sao, hoặc những thứ như thuyết gắn bó để biết mình đang gặp vấn đề gì và có thể giúp người ta giải quyết ra sao. Những thứ mà tôi liệt kê không phải là hướng dẫn bạn cách yêu, nó chỉ hướng dẫn bạn biết nhiều hơn về bản thân, còn bạn yêu thế nào là do những kinh nghiệm yêu và cảm xúc của bạn mách bảo, tôi không liên quan đến vấn đề này.
NỮ QUYỀN, HẠ CÁI TÔI XUỐNG ĐI NÀO.
Con gái là không nên chủ động trước, không cần lớn khi yêu, chi trả sòng phẳng hoặc sao tôi phải trả vân vân và mây mây đều là những định kiến từ nữ quyền mà hình thành. Dù tôi là con gái, và tôi tự tin bản thân mình tự lập, tự chủ và tôn trọng nữ quyền, nhưng tôi không đồng tình việc con gái phải làm “giá” trong tình yêu, mà những ai đến với tôi đặt nặng vấn đề đó thì tôi cũng thấy nó không còn là “tình yêu”, nó là “trò chơi” của riêng họ. Họ có thể thấy vui, thấy kích thích, và họ hạnh phúc, nhưng tôi không nằm trong số đó. Mà tôi nghĩ bản thân họ cũng không thể giữ mãi tình yêu bằng chút dopamine tạm thời như thế.
Chủ động trước không có gì là tệ, bạn thích một người thì thẳng thắn thể hiện quan điểm, được thì tiến tới, không được ừ thì mất luôn một người bạn. Nhưng mà bạn có thiếu bạn đến thế đâu. Vờn nhau qua lại thì vui đấy, nhưng vờn lâu và đi trái cảm xúc của mình, đến khi quen nhau bạn lại trở thành cô nàng bám bồ 24/7 hoặc nhắn tin liên tục thì đừng hỏi tại sao người ta lại chê bạn chán. Vì người ta thích một cô nàng lạnh lùng nhắn một tin mấy tiếng sau mới rep, hoặc hẹn mãi mới được một buổi đi chơi, vừa thử thách vừa kích thích, chứ đâu phải người ta thích chính con người bạn mà lại chuyển sang chê trách người ta ? - Tình yêu không phải là một trò chơi vượt chướng ngại vật, việc biết giá trị của bản thân và dừng lại ở những ranh giới có thể tổn thương bản thân, hoặc chạm vào giá trị của bạn nó khác với bạn biến bạn thành một bản thể khác để người ta thấy thử thách trong tình yêu.
Ví dụ như việc người ta nhắn tin bạn liên tục, bạn có quyền thích thì trả lời, không thì thôi, trả lời nhanh cũng được, không nhanh cũng không phải vấn đề. Vì người ta thích trò chuyện với bạn, chứ không phải đang xem phản ứng của bạn đang lạnh lùng bí hiểm tới đâu. Việc không phải gì cũng nói tuốt là phòng bị cho bản thân, chứ không phải là đang làm giá. Đừng đánh tráo hai khái niệm này với nhau.
Xem trọng bản thân là khi người ta nhắn tin với bạn, bạn nhiệt tình đáp lại nhưng người ta lại bơ đi và bỗng một ngày đột nhiên trả lời lại với bạn. Thì bạn hoàn toàn có quyền từ chối trả lời họ, chứ không phải là tiếp tục cuộc đẩy đưa rượt đuổi này. Hoặc hiểu đơn giản hơn là bạn cần gì, thích gì thì cứ thẳng thắn nói - tùy trường hợp có thể là nói thẳng hoặc tìm cách khéo léo hơn để nói thay vì cứ vòng vo, hoặc vì cái tôi nữ quyền mà bảo tôi làm được tất thì chỉ có bản thân chịu thiệt.
Cứ là chính bạn trong quá trình tìm hiểu, và giữ lại những góc khuất cho mình để đảm bảo một sự an toàn về cảm xúc nhất định. Vì sau cùng người mà bạn muốn tìm là một người bạn đồng hành, chia sẻ và yêu thương chứ không phải một bạn game để đấu trí ngày này qua tháng nọ. Còn bạn cần điều đó, thì Steam hân hạnh tài trợ chương trình này và 13 này họ khuyến mãi lớn á.
KẾT
Hy vọng mọi người sẽ yêu như một loại cảm xúc thuần túy nhưng vẫn giữ được những bản ngã của riêng mình. Thay đổi trở nên tốt hơn và là bản thân chứ không phải vì một trò đấu trí trong tình cảm mà bóp méo tính cách của mình.
Tôi là một người theo chủ nghĩa tình yêu thuần túy, việc gì là vấn đề của cảm xúc, hãy để nó được như thế, chỉ kiềm chế nó khi nó có thể gây ra những hậu quả to lớn chứ đừng bóp méo nó. Học cách để giao tiếp hiệu quả với cảm xúc của chính mình, khác với việc đè nén hay nhân danh tình yêu mà bóp méo nó.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

happy_666_words

Tôi sẽ chia sẻ suy nghĩ của mình về chuyện tình yêu ngày nay nói chung, nhưng trừ phần Nữ quyền ra nhé, phần đó tôi không có ý kiến gì cả.
Cũng như nhiều người, tôi cũng phải trải qua giai đoạn yêu đương này trước khi lập gia đình. Chỉ có điều, sau một kha khá số năm trải nghiệm hôn nhân, tôi không chỉ đúc kết và phát biểu bằng trải nghiệm cá nhân, mà còn từ những gì tôi chứng kiến từ gia đình khác, và cả những tư liệu tôi đọc.
Nếu bạn có đọc bài “Hôn nhân có phải mồ chôn của tình yêu” của tôi thì:
Tôi thấy rằng, cảm xúc nam nữ ham muốn nhau thì hầu như nó vẫn vậy từ thời cha ông ta, nghĩa là bản năng sinh vật ấy, tuy nhiên cách mà con người tìm hiểu nhau rồi kết đôi lại để thành một gia đình, thì nó tiến hoá theo thời đại.
Ví dụ vào thời người ta xây kim tự tháp chẳng hạn: anh A có nhu cầu tình dục cao và muốn quan hệ với nhiều cô gái, cô B bỗng dưng chỉ thích một mình anh C, anh D cảm thấy rằng giới tính nam dường như không dành cho mình... Tất cả những cảm xúc đó nó đều có y như ngày nay. Tuy nhiên, người ta không có quan niệm rằng, họ sẽ tổ chức hôn lễ, tổ chức lễ hội gì đó, dựa trên những cảm xúc đó. Nghĩa là hôn lễ sẽ diễn ra, nhưng dựa trên sự hợp nhất của cải, và mở rộng quyền lực giữa 2 gia đình chẳng hạn, là quan niệm vào thời đại đó. Có thể vào thời đó, con người đặt yếu tố sinh tồn lên cao hơn, nên việc đảm bảo tài nguyên có ích hơn là phục vụ cho một vài cảm xúc như nụ hôn hay quan hệ tình dục. Và như vậy thì, nó cũng chẳng tồn tại khái niệm "tìm hiểu nhau trước khi cưới" nốt. Và cha ông ta đã từng xây dựng thế giới rực rỡ này dựa trên cái lịch sử "phũ phàng" đó.
Đến thời có hiệp sĩ, có những khái niệm lãng mạn, dân thường trong xã hội cũng có chút của ăn của để dự trữ, và người ta bắt đầu có những ý niệm về cá nhân hơn, thì người ta mới bắt đầu "tôi thích anh này, cô này, thì tôi sẽ kết hôn". Và như vậy việc "tìm hiểu" cũng bắt đầu hình thành để phục vụ cho nhu cầu đó, và văn chương, thơ ca trai gái cũng xuất hiện để lãng mạn hóa mọi thứ. Ở thời điểm này, việc mến mộ tìm hiểu có khi chỉ thô bỉ là nhìn thấy một chàng trai đánh lộn thắng rồi cô gái nảy sinh tình cảm chẳng hạn.
Tôi nhớ có một bộ phim của VN, bối cảnh lịch sử hay truyện cổ gì đấy, quay trắng đen chắc là lâu rồi, tôi cũng không biết tên, bạn nào nghe tình tiết chắc là biết. Thì cái anh này đi ngang qua một ngôi làng, chợt bắt gặp trong một cái nhà (gọi là nhà nhưng thời đó là cái nhà tranh vách nứa thôi), anh chồng đang đè chị vợ ra đòi thêm đứa nữa, chị vợ hoảng hốt vùng dậy chạy khắp nhà la lên rằng mệt quá rồi, đẻ nhiều quá mệt quá rồi. Bạn có thể cảm thấy đoạn đó rất tức cười, giống y như trong chuồng gà và con gà trống đang tìm cách đạp mái vậy. Anh thanh niên thấy vậy nên bất bình, lao vào cứu chị vợ. Nhưng thật bất ngờ là, chị vợ không những không cảm ơn mà cả hai vợ chồng còn đánh đuổi anh thanh niên ra khỏi đó ^^ Điều này khiến tôi liên tưởng rằng, thời phong kiến như vậy ở VN, chuyện ăn ở với nhau nó đơn giản như gà đạp mái vậy thôi, tuy vậy thì các cụ cũng đã kết hôn dựa trên một chút tình cảm cá nhân rồi (bằng chứng là hùa với nhau ăn ý như vậy cơ mà), mặc dù có thể các cụ cũng không thể có quá nhiều lựa chọn do giới hạn địa lý và các hủ tục.
Quay lại đến thời hiện tại, là cái bạn đang đề cập trong bài viết, thì việc yêu đương, tìm hiểu, kết đôi nó lại tiếp tục tiến hóa nữa rồi. Kết cấu gia đình nó cũng khác thời xưa.
Có một điều mà tôi nghĩ mọi người ít để ý đó là, người ta thường xem xét phong cách yêu đương của một thời đại dựa trên văn hóa giải trí, ca nhạc, phim ảnh, nhưng lại không xét trên... văn hóa làm việc. Người ta làm việc ít nhất là 8-10h/ngày cho đến 12h/ngày, nửa ngày còn lại là bao gồm cả sinh hoạt cá nhân, ngủ 8 tiếng, rồi còn lại mới đến tiêu thụ giải trí. Văn hóa làm việc ảnh hưởng đến thói quen suy nghĩ, ra quyết định. Và trong một bối cảnh mà nhịp làm việc hối hả, độ phân rã kiến thức quá cao khiến kiến thức lỗi thời quá nhanh, buộc phải cập nhật nhanh, nhiều, và đặc biệt là phải hiểu tường tận các thủ thuật tâm lý của con người để bán được dịch vụ => công thức hóa mọi thứ (công thức kịch bản phim, công thức khởi nghiệp, công thức chọn vợ, công thức phát hiện red flag) => phong cách đó khiến người ta ko hứng thú mấy với những thứ trừu tượng, không có công thức, phải chiêm nghiệm lâu nữa. Chắc bạn cũng nhận ra việc "gói gọn trong 1 hay 2 dòng bio" là công thức đúng không ^^
Tôi nghĩ, có lẽ việc yêu đương ở thời đại này khiến chúng ta sợ hãi vì nó có thể phá hủy những trật tự gia đình mà ta đã biết ở thời đại cũ. Nhưng thật ra thì, chúng ta không làm gì được cả, vì nó chỉ là biểu hiện của một nền tảng thời đại bên dưới. Việc bắt người ta phải chiêm nghiệm gì đó trong khi cả ngày họ phải có một phong cách làm việc hoàn toàn trái ngược, cũng giống như bắt nghe nhã nhạc cung đình ở hộp đêm vậy. Có thể tình yêu và cấu trúc gia đình nó sang một lịch sử mới: trai gái đến với nhau vì tình dục, triết học yêu đường tiktok, rồi ở với nhau trong khoảng 3 năm, rồi phân rã, lập gia đình mới... Và những người như bạn, trở thành những kẻ thiểu số, bạn kết đôi với những kẻ thiểu số giống như vậy, như cái ngày xưa mà người ta yêu nhau nhưng không dám nói vì hủ tục không cho phép, hoặc đồng tính nhưng người ta không dám nói.
Chúng ta sợ nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận nhìn nó thay đổi thôi. Nhìn ở góc đó chúng ta cũng dễ thông cảm, có những phương pháp thực tế hơn là việc "đúng hay sai", vì thật ra, môi trường lao động của giới trẻ ngày nay cũng có cho phép họ có một lối sống như trước kia nữa đâu mà yêu đương giống như vậy được ^^
- Báo cáo

Lâm Duệ Nghi

Mình đồng ý với bạn việc tình cảm, văn hóa làm việc và kể cả thói quen sinh hoạt cũng sẽ thay đổi theo thời đại. Công nghệ hóa các dịch vụ để mọi người tiếp nối với nhau dễ hơn cũng chẳng phải là vấn đề. Mình không phê phán việc dùng app hẹn hò, mình hoàn toàn bình thường với vấn đề này và nó là lựa chọn của mỗi người. Nhưng mình nghĩ dù theo thời đại nào thì việc bỏ qua các giai đoạn tìm hiểu để đẩy bản thân vào một tình cảnh nguy hiểm, hoặc xem việc dễ dàng tìm hiểu qua online app mà trở nên buông thả thỏa mãn tính dục của bản thân mà bỏ qua cái cốt lõi và đạo đức thì mình nghĩ không nên và mọi người cũng nên nhìn nhận lại vấn đề để có thể tỉnh táo trong công cuộc tìm thấy một người bạn tri kỉ của mình - nếu họ có nhu cầu. Giống như thời trước là hôn nhân sắp đặt, ba mẹ đặt đâu con ngồi đó, nhưng càng phát triển người ta nhận ra mối hôn nhân như vậy không ổn, vì không tôn trọng tình cảm cá nhân của người trong cuộc. Nên họ thay đổi và phản đối, mình nghĩ ở thời đại này mọi người cũng có thể thấy góc tối của những cách yêu đương đang làm tỉ lệ ly hôn tăng cao như hiện tại mà tìm cách khách phục hậu họa cũng nên mà nhỉ.
- Báo cáo

Kraven

cảm ơn chị đã bàn sâu cùng em nhé
.
Nếu trong bài viết em nói về trò "kéo thả" của mấy gã bad boy, thì trò tương xứng với nó là trò "làm giá" của chị em. Dấu hiệu thì dễ thấy đó là các cô gái liên tục đăng ảnh được chỉnh sửa công phu và đắp cả chục lớp filter kèm caption "Xấu thế này thì ai mà yêu?". Khi đã có cảm tình với chàng trai rồi nhưng vẫn thích chơi trò "giả vờ" không hứng thú chàng, chảnh, tin nhắn đến thì trả lời chậm hoặc seen không rep,... cốt chỉ để các anh bỏ công sức ra cua mình như thể mình là kho báu không bằng. Vâng rất hợp với cái trò "kéo thả" của dân bad boy.
Con trai háo thắng thì thích chứ đàn ông trưởng thành hơi đâu dành thời gian cho mqh nhảm nhí này

- Báo cáo

Lâm Duệ Nghi

Ui đồng ý, c thấy các kiểu như thế nó theo độ tuổi trưởng thành. Trẻ thì thích "game hóa" tình cảm tạo chất kích thích, chứ trưởng thành rồi, đi học đi làm cũng đã đủ mệt thì người ta chỉ cần một người tâm sự, bầu bạn. Mà các mạng xã hội chủ yếu cũng dành cho độ tuổi vừa lớn như thế nên thành ra các kênh lại vẽ tiếp đường cho hươu chạy, càng làm giá, càng tỏ ra bad boy thì lại càng tạo ra giá trị.
- Báo cáo

ThảoNhem
Một thời gian dài mình cũng hoài nghi về bản thân, kiềm chế cảm xúc và không yêu đương gì. Một phần mình trải qua khủng hoảng về tình cảm và gia đình, công việc. Đến hiện tại mình nhận biết giá trị của mình ntn và bắt đầu yêu trở lại. Mình thấy cứ là chính mình thôi, có khá nhiều thứ mình chủ động và mình không quan tâm đến việc giữ giá hay ko. Chỉ cần để đối tác thấy mình độc lập và tự chủ mọi việc của bản thân thì họ sẽ biết điều chỉnh.
- Báo cáo

Lâm Duệ Nghi

Mình cũng nghĩ thế, cái vấn đề nhận ra giá trị bản thân và cường điệu hóa các đặc quyền nó khác nhau hoàn toàn nhưng thường bị đánh tráo khái niệm. Với người từng tổn thương trong tình cảm, càng đùa với tình cảm bản thân sẽ càng rơi vào đáy sâu cảm xúc nhiều hơn. Thật may là bạn đã tthoát ra được nó, chúc bạn sẽ hạnh phúc hơn trong hành trình yêu người yêu mình này,
- Báo cáo

ThảoNhem
Cảm ơn bạn, mong bản hãy yêu thương bản thân mình và có thêm nhiều bài viết ý nghĩa nhé.
- Báo cáo

ThảoNhem
Cảm ơn bạn, mong bản hãy yêu thương bản thân mình và có thêm nhiều bài viết ý nghĩa nhé.
- Báo cáo