Brave New World 2.0: Sự lên ngôi của giải trí rẻ tiền
Chúng ta sẽ giống như John Savage bi thảm — cố gắng phản kháng nhưng cuối cùng vẫn thất bại trước sức mạnh mê hoặc của nền văn minh giả tạo.
Mở
Trong một thế giới nơi mỗi giây phút tỉnh táo đều bị lấp đầy bởi những thông báo từ TikTok, những tràng cười vô hồn từ gameshow, và những cú cuộn Instagram Stories vô tận, có lẽ Aldous Huxley đang mỉm cười từ cõi vĩnh hằng. Gần một thế kỷ trước, trong Brave New World, ông đã vẽ nên viễn cảnh về một xã hội nô lệ hóa chính mình bằng những thứ họ yêu thích: giải trí, tiêu khiển, và những viên thuốc hạnh phúc soma.
Neil Postman trong Amusing Ourselves to Death cũng nhận xét rằng: “Nhìn vào thế giới hiện tại, có thể thấy tầm nhìn của Huxley… chính xác hơn dự đoán của Orwell về một xã hội bị kiểm soát bởi chính quyền độc tài”. Quả thực vậy. Trong khi Orwell cảnh báo về những nhà tù tư tưởng được xây bằng súng đạn và màn hình giám sát, Huxley lại hiểu rõ bản chất mềm yếu của con người trước cám dỗ.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự kiểm soát không cần đến cảnh sát mật vụ — nó được thực hiện thông qua những tiếng cười giả lả, những tin tức giật gân gây nghiện, và những bữa tiệc truyền thông không hồi kết.

By Frederick O'Brien
Orwell và cỗ máy đàn áp
Trong 1984, Orwell dựng lên một thế giới nơi "Big Brother" theo dõi từng cử chỉ qua màn hình hai chiều — giống như cách chúng ta tự nguyện chia sẻ mọi hoạt động trên mạng xã hội ngày nay. Nơi Bộ Tình Yêu tra tấn bằng cú sốc điện cũng tương tự như cách chúng ta bị "sốc" bởi tin tức giả mạo lan truyền nhanh chóng trên internet. Lịch sử bị viết lại hàng ngày để phục vụ quyền lực tuyệt đối cũng chẳng khác gì việc các thuật toán AI điều chỉnh feed cá nhân hóa cho phù hợp với quan điểm đã có sẵn.
Có thể nhiều nhà độc tài đã cố gắng đàn áp theo kiểu của Orwell, nhưng nhìn vào thực tế của thế kỷ 21, ta thấy đây không phải là cách thức hiệu quả. Những chế độ độc tài kiểu cũ với nhà tù đầy ắp tù nhân chính trị đang dần nhường chỗ cho phương thức tinh vi hơn — phương thức mà Neil Postman gọi là "giải trí hóa mọi thứ". Ngay cả ở các quốc gia còn duy trì bộ máy đàn áp như Triều Tiên hay Trung Quốc cũng học cách kết hợp giữa gậy và củ cà rốt — vừa dọa nạt vừa dụ dỗ bằng phim diễm tình ướt át hoặc thả nổi cho các nôi dung vô tri trên mạng xã hội.
Huxley và nghệ thuật nô dịch bằng niềm vui
Trái ngược với thế giới u ám của Orwell, Brave New World trình diễn thiên đường giả tạo nơi con người tự nguyện làm nô lệ cho niềm vui ngắn hạn. Họ không cần ép buộc; họ yêu thích sự phục tùng này hoàn toàn tự nhiên. Huxley mô tả công dân Alpha, Beta, Gamma được sản xuất hàng loạt, từng tầng lớp lập trình để yêu thích vị trí xã hội riêng biệt. Thứ thuốc soma thần kỳ xóa tan mọi phiền muộn, buổi khiêu dâm tập thể thay cho tình yêu lãng mạn, hệ thống giáo dục coi sách vở là lỗi thời. Như Mustapha Mond — Nhà Điều Hành Thế Giới — tuyên bố: "Hạnh phúc (theo nghĩa khoái lạc) là kẻ thù nguy hiểm nhất của tự do".
Khi quan sát thời đại chúng ta, nó trở nên rõ ràng rằng việc giải trí hóa cuộc sống dẫn đến mất đi khả năng phản biện sâu sắc. Neil Postman đã chỉ ra điều này khi nói rằng: "Chúng ta đang diễu hành đến chỗ diệt vong với nụ cười trên môi". Thế giới hiện nay chứng minh rằng việc biến tri thức thành trò tiêu khiển rẻ tiền khiến chúng ta mất khả năng phân biệt giữa kiến thức nghiêm túc và giải trí tầm thường.
Và nếu bạn nghĩ đó chưa đủ tệ, hãy hình dung với sự hỗ trợ của AI, nội dung giải trí sẽ càng dễ dàng lan rộng và đẩy chúng ta tới kết cục bi thảm hơn nữa, một Brave New World phiên bản 2.0.
Brave New World 2.0
Nếu soma là thứ thuốc thần kỳ giúp công dân Huxley quên đi phiền muộn, thì thuật toán TikTok chính là phiên bản kỹ thuật số. Các video ngắn liên tục kích hoạt dopamine, tạo cảm giác hưng phấn. Như Neil Postman nhận xét, "giải trí hóa" khiến chúng ta đánh đổi chất lượng cuộc sống lấy những khoảnh khắc vui vẻ tạm bợ. Không cần nhà tù hay trại cải tạo, công dân mạng tự nguyện dành nhiều giờ xem các video nhảy nhót vô nghĩa, những trò chơi khăm dã man, và clip sống ảo được dựng kịch bản. Chúng ta trở thành nạn nhân tự nguyện, mất khả năng phân tích thông tin nghiêm túc vì quá say mê cái bóng ma quái mang tên giải trí.
Và đừng quên, AI giờ đây đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất nội dung này. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các LLM thế hệ mới, sự sáng tạo nội dung giải trí trở nên chóng mặt hơn bao giờ hết. Mỗi giây phút đều có thể biến thành cơ hội kiếm tiền nhờ quảng cáo trực tuyến hoặc bán hàng qua livestream. Tất cả đều góp phần đẩy nhanh tốc độ chạy đua vào vòng xoáy nông nổi, khi mà mỗi người đều cố gắng trở thành ngôi sao mạng xã hội mới nhất!
Công nghệ sinh học trong Brave New World từng bị coi là viễn tưởng, nay phần nào trở thành hiện thực với các thuật toán cá nhân hoá. Nhưng thay vì tạo ra các tầng lớp xã hội khác nhau nhứ Huxley mô tả, thuật toán phân chia chúng ta thành các nhóm dựa theo sở thích giải trí. Mỗi nhóm giam mình trong “buồng vọng” riêng, lọc bỏ tin trái chiều nhờ thuật toán. Liệu đây có phải phiên bản hiện đại của tầng lớp Gamma — hài lòng với vị thấp kém vì thỏa mãn thú vui tầm thường?
Gameshow truyền hình ngày càng giống lễ hội kích động cảm xúc rẻ tiền, khuyến khích khán giả cười bằng nhưng câu đùa tục tĩu, drama giật gân. Tất cả góp phần vào vòng xoáy giải trí vô tận, gợi nhớ tới "trò tiêu khiển đồi bại" mà Mustapha Mond cho là cần thiết để duy trì ổn định xã hội. Postman sẽ gọi đó là biểu tượng hoàn hảo cho việc tất cả đều trở nên nông nổi, vì mục đích cuối cùng chỉ còn là tìm kiếm niềm vui tức thì.
Ngay cả quốc gia theo mô hình Orwellian cổ điển cũng thích nghi phương pháp Huxley hiện đại. Trung Quốc vẫn duy trì hệ thống giám sát AI tinh vi nhưng đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp giải trí để xuất khẩu văn hóa mềm. TikTok (Bắc Kinh) trở thành công cụ kiểm soát tư tưởng toàn cầu. Thuật toán đẩy/chặn nội dung bất lợi chỉ trong vài giây. Kết hợp cây gậy (Orwell) và củ cà rốt (Huxley): vừa dọa nạt vừa dụ dỗ.
Các phong trào digital detox, minimalism, slow living nổi lên như những nỗ lực để thoát khỏi vòng xoáy nông nổi. Nhưng đó cũng sẽ là miếng mồi ngon của nền công nghiệp giải trí. Vì ngay khi bạn nghĩ mình tỉnh ngộ, các thương hiệu nhanh chóng biến phong trào đó thành xu hướng mới để kinh doanh. Khoá thiền chánh niệm giá nghìn đô hay ứng dụng detox gây nghiện chẳng kém gì TikTok. Chúng ta sẽ giống như John Savage bi thảm — cố gắng phản kháng nhưng cuối cùng vẫn thất bại trước sức mạnh mê hoặc của nền văn minh giả tạo.
Kết
Hơn 70 năm sau khi Aldous Huxley qua đời, thế giới ông vẽ ra không chỉ hiện hữu mà còn phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Chúng ta sống trong thế giới Brave New World 2.0, nơi mà giải trí vô bổ đã trở thành thứ không thể thiếu, tình yêu lãng mạn bị thay thế bởi những cuộc gặp gỡ tạm bợ, và thông tin sai lạc tràn ngập khắp nơi.
Hãy tự hỏi mình, liệu chúng ta có đủ can đảm để bước ra khỏi vòng xoáy nông nổi này? Neil Postman chắc chắn sẽ trả lời “không” — khi mà chúng ta vẫn còn say mê cái bóng ma quái tên "GIẢI TRÍ", và ở đó, chúng ta sẽ tiếp tục tự nguyện gắn mình trong xiềng xích bằng những tiếng cười giả tạo, những cuộc vui tức thì, và sự hạnh phúc ảo.
Tự do dần dần bị đánh đổi, trong khi niềm vui ngắn hạn được định đoạt bởi những thuật toán lạnh lùng vô tri. Cuối cùng, điều mà chúng ta đạt được cũng chính là điều chúng ta mất đi — tự do suy nghĩ và tự do sống.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất