Pháp chân đế #5: Niết bàn
Chỉ khi nào tham ái được tận diệt thì khổ (dukkha) mới có thể chấm dứt. Điều này chỉ xẩy ra khi tuệ giác (tâm sở paññā) phát triển đủ, khi đặc tính sinh diệt của tâm, tâm sở và sắc đã được xuyên thấu và niết bàn được chứng ngộ.
I. Niết bàn chân đế
Niết bàn (Nibbāna) chân đế pháp là một thực tại chân đế khác. Đức Phật gọi đó là niết bàn bởi đó là sự chấm dứt của tham ái (vāna). Niết bàn chân đế pháp cũng là sự chấm dứt khổ (dukkha). Tâm (citta), tâm sở (cetasika), sắc (rūpa) là khổ bởi chúng vô thường, sinh và diệt. Tham ái là gốc rễ, là nguyên nhân của khổ (dukkha), đồng thời cũng là nguyên nhân của sự sinh khởi của ngũ uẩn (khandha - tâm, tâm sở và sắc). Chỉ khi nào tham ái được tận diệt thì khổ (dukkha) mới có thể chấm dứt. Điều này chỉ xẩy ra khi tuệ giác (tâm sở paññā) phát triển đủ, khi đặc tính sinh diệt của tâm, tâm sở và sắc đã được xuyên thấu và niết bàn được chứng ngộ.
Niết bàn là pháp phi uẩn (không sinh không diệt), vì vậy niết bàn không có đặc tính khổ. Niết bàn là một thực tại, là pháp chân đế có thể được liễu ngộ.
Niết bàn có thể được phân thành 2 loại: Hữu dư niết bàn, tức niết bàn với ngũ uẩn còn tồn tại - có nghĩa là phiền não đã được tận diệt nhưng ngũ uẩn vẫn còn; Vô dư niết bàn, tức niết bàn không còn ngũ uẩn - có nghĩa là sự tận diệt vĩnh viễn của ngũ uẩn, không còn sinh khởi trở lại nữa, đây cũng là Bát niết bàn - parinibbāna của một bậc A la hán.
II. Niết bàn và các giai đoạn giác ngộ
Ở mỗi giai đoạn của Giác ngộ, có các phiền não nhất định được tận diệt. Có 4 giai đoạn Giác ngộ, tương ứng với 4 tầng Thánh quả như sau:
Vị Thánh Dự lưu (Sotāpanna) là người đạt được giai đoạn giác ngộ thứ nhất.
Vị Thánh Nhất lai (Sakadāgāmī) là người đạt được giai đoạn giác ngộ thứ hai.
Vị Thánh Bất lai (Anāgāmī) là người đạt được giai đoạn giác ngộ thứ ba.
Vị A la hán (Arahat) là người đạt được giác ngộ giai đoạn cuối cùng
Ở ba giai đoạn đầu tiên của Giác ngộ, trí tuệ vẫn còn cần tiếp tục phát triển cao hơn nữa, chỉ ở giai đoạn cuối cùng, giai đoạn thứ tư, trí tuệ (tâm sở paññā) mới đủ mạnh để tận diệt hoàn toàn các phiền não.
III. 3 đặc tính của Niết bàn và Tam giải thoát môn
Niết bàn chân đế có 3 đặc tính:
Không (suññatta)
Vô tướng (animitta)
Vô dục (appaṇihita)
Niết bàn được gọi là không (suññatta) bởi vì nó trống rỗng các thực tại hữu vi; được gọi là vô tướng (animitta) bởi vì nó không có tướng trạng; không có các đặc tính như các thực tại hữu vi. Niết bàn được gọi là vô dục (appaṇihita) bởi vì nó không phải là cơ sở của tham ái như các thực tại hữu vi.
Khi một người phát triển tuệ giác tới mức độ sắp đạt được giác ngộ, người ấy sẽ có khả năng xuyên thấu và chứng ngộ rằng các pháp xuất hiện tại những khoảnh khắc ấy là vô thường, khổ hay vô ngã. Tuy nhiên, tại một thời điểm, chỉ có 1 trong 3 đặc tính ấy là có thể được chứng ngộ (chứ không phải cả 3 đặc tính cùng một lúc). Khi người ấy chứng ngộ Niết bàn, lối giải thoát (giải thoát môn) của người ấy là gì được đặt tên tuỳ theo đặc tính nào trong 3 đặc tính trên được người ấy xuyên thấu trong lộ trình giác ngộ.
Khi một người chứng ngộ sự vô thường của các pháp, vị ấy được gọi là đạt giải thoát bằng vô tướng (animitta vimokkha)
Khi một người chứng ngộ tính chất của các pháp, vị ấy được gọi là đạt giải thoát bằng vô dục (appaṇihita vimokkha)
Khi một người chứng ngộ sự vô ngã của các pháp, vị ấy được gọi là đạt giải thoát bằng tính không ( suññatta vimokkha)
Phần tiếp theo
--- Lời bạt của người viết ----
Trong quá trình tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy, tôi có duyên được tiếp xúc với tác phẩm "Khảo cứu Pháp chân đế" của Ajahn Sujin do Vietnam dhamma home biên dịch.
Với mong muốn giới thiệu rộng thêm tác phẩm, tôi cố gắng ghi lại từng phần của nguyên bản với một số chỉnh sửa (rút gọn, viết lại ...) của cá nhân theo hướng cô đọng hơn trên tinh thần giữ nguyên ý của bản gốc.
---- Lưu ý (disclaimer) ----
Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.
Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn so với nguyên bản. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất