Pháp chân đế #20: Các pháp tương hợp
Nhiều người nỏi rằng chỉ cần vài lời là “học đã xong”, sau đó cứ thế hành cho miên mật. Nhưng sự thực về pháp học, pháp hành là gì? Liệu pháp học có dễ đến thế, liệu pháp hành có nghĩa là sự thực hành?
Tâm có thể được phân loại theo các pháp tương hợp (sampayutta dhamma) và chính các tâm sở đồng sinh này khiến cho tâm đa dạng, muôn màu muôn vẻ.
Trong cách phân loại tâm là "hợp với" (sampayutta) hay "không hợp với" (vippayutta) một số tâm sở cụ thể, có năm phân loại sau thường được sử dụng:
.Diṭṭhigata-sampayutta: Các tâm hợp với tâm sở tà kiến
.Paṭigha-sampayutta: Các tâm hợp với tâm sở sân
.Vicikicchā-sampayutta: Các tâm hợp với tâm sở hoài nghi
.Uddhacca-sampayutta: Các tâm hợp với tâm sở phóng dật
.Ñāna-sampayutta: Các tâm hợp với tâm sở trí tuệ
I. Các tâm tham căn
Có tám tâm tham căn (moha mūla citta) trong tổng số 12 loại tâm bất thiện. Tám tâm này được phân loại thành hợp với tà kiến" hoặc "không hợp với tà kiến", có thể sinh khởi mà "không cần tác động" (asaṅkhārika) hay "cần tác động" (sasaṅkhārika), cụ thể như sau:
.Tham tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà kiến, không cần tác động (sommanassa-sahagataṃ, diṭṭhigata-sampayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ)
.Tham tâm thứ hai đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà kiến, cần tác động (sommanassa-sahagataṃ, diṭṭhigata-sampayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ)
.Tham tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà kiến, không cần tác động (sommanassa-sahagataṃ, diṭṭhigata-vippayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ)
.Tham tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà kiến, cần tác động (sommanassa-sahagataṃ, diṭṭhigata-vippayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ)
.Tham tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với tà kiến, không cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, diṭṭhigata-sampayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ)
.Tham tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với tà kiến, cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, diṭṭhigata-sampayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ)
.Tham tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà kiến, không cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, diṭṭhigata-vippayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ)
.Tham tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà kiến, cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, diṭṭhigata-vippayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ)
II. Các tâm sân căn và si căn
Có hai loại tâm sân căn (dosa-mūla-citta) hợp với hận (paṭigha-sampayutta, hận thực chất là một tên gọi khác của tâm sở sân). Bất cứ khi nào có tâm sở sân, một pháp có tính chất thô tháo vào khó chịu, thì lại có thọ ưu đi kèm. Đặc tính của thọ ưu thì khác với đặc tính của thọ lạc và thọ xả. Hai loại tâm sân căn (thuộc chủng loại bất thiện) đều hợp với hận và sinh kèm với thọ ưu, chúng chỉ khác nhau ở chỗ một loại cần tác động và loại kia không cần tác động.
.Sân tâm thứ nhất đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác động (domanassa-sahagataṃ, paṭigha-sampayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ)
.Sân tâm thứ hai đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác động (domanassa-sahagataṃ, paṭigha-sampayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ)
Có hai loại tâm si căn (moha-mūla-citta). Loại thứ nhất hợp với hoài nghi, loại này sinh kèm với tâm sở hoài nghi. Loại thứ hai không hợp với hoài nghi được gọi là "hợp với phóng dật".
Theo kinh điển, đặc tính của tâm sở hoài nghi (vicikicchā cetasika) là hoài nghi về Đức Phật (Buddha), Đức Pháp (Dhamma) và Đức Tăng (Sangha), hoài nghi về ngũ uẩn (khanda), về giới (dhātu) .... và một số chủ đề khác.
Tâm sở si (moha) không biết các thực tại như chúng là. Si kinh nghiệm đối tượng, nó đối mặt với đối tượng nhưng lại không biết được đặc tính thực sự của đối tượng đang xuất hiện. Ví dụ như khi ta đang thấy hiện giờ, ta có thể không biết được rằng cái đang xuất hiện qua mắt chỉ là một sắc, là một loại thực tại. Chính việc "không biết được cái đang xuất hiện chỉ là một sắc, là một loại thực tại" này là một đặc tính hay chức năng của tâm sở si.
Như đã nói, tâm si căn có thể thuộc loại "không hợp với hoài nghi", không phải lúc nào nó cũng sinh kèm với tâm sở hoài nghi. Tuy nhiên bất cứ khi nào có hoài nghi về Đức Phật (Buddha), Đức Pháp (Dhamma) và Đức Tăng (Sangha) và về những đặc tính của thực tại xuất hiện, khi ấy có tâm si căn hợp với hoài nghi. Còn sau khi có cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, nếu các tâm không phải là thiện (kusala) thì luồng tốc hành tâm sinh khởi liền sau thường là tâm si căn hợp phóng dật (uddhacca-sampayutta). Khi tâm là bất thiện nhưng không có tham, sân và hoài nghi thì đó là tâm si căn hợp phóng dật, đặc tính của tâm này là lãng quên thực tại, không biết đặc tính của đối tượng đang xuất hiện.
Hai loại tâm si căn (moha-mūla-citta) được phân loại như sau:
.Si tâm thứ nhất đồng sinh với thọ xả, hợp với hoài nghi (upekkhā-sahagataṃ, vicikicchā-sampayuttaṃ)
.Si tâm thứ hai đồng sinh với thọ xả, hợp với phóng dật (upekkhā-sahagataṃ, uddhacca-sampayuttaṃ)
III. Cần và không cần tác động
Tâm thuộc thiện, tâm bất thiện, tâm quả và tâm duy tác đều có thể là "không cần tác động" (asaṅkhārika) và "cần tác động" (sasaṅkhārika)
Sasaṅkhārika có nghĩa là "với nỗ lực" hay "với tác động", tác động này có thể tới từ bản thân hay từ một người khác. Một điều rất tự nhiên là tâm sinh khởi trong cuộc sống hàng ngày có lúc là "cần tác động", có lúc là "không cần tác động". Bất kể tâm là thiện hay bất thiện, đôi lúc nó tự động sinh khởi do những tích lũy trong quá khứ tạo duyên mạnh mẽ cho nó, khi đó nó có đủ sức mạnh để sinh khởi hoàn toàn tự nhiên mà không cần đến sự tác động từ bên ngoài. Những tâm như vậy có tính chất là không cần tác động (asaṅkhārika). Ngược lại, đôi lúc tâm thiện và bất thiện sinh khởi một cách yếu ớt, nó chỉ sinh khởi được khi có sự thúc giục từ bản thân hay từ một người khác, khi ấy tâm là cần tác động (sasaṅkhārika).
Như vậy ta thấy rằng tâm thiện và tâm bất thiện có những cường độ khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố làm duyên cho sự sinh khởi của chúng. Chẳng hạn một người có thể không có thiên hướng xem phim hay xem kịch, tự bản thân người ấy sẽ không đi, tuy nhiên khi được rủ rê thì người ấy vẫn đi. Một số người khi được nghe rằng có một lễ dâng y Kathina, họ muốn tham gia ngay lập tức và rủ những người khác đi cùng. Một số người khác, khi nghe rằng người này hay người kia sẽ không tham dự, lại quyết định không đi, kể cả khi được rủ. Đó là những ví dụ trong thực tế đời thường. Chúng ta có thể tìm ra khi nào tâm có sức mạnh và khi nào tâm yếu ớt, bất kể nó là tâm bất thiện như tham (lobha) và sân (dosa) hay là tâm thiện.
Đức Phật thuyết giảng về các tâm có thể là không cần tác động hoặc cần tác động một cách chi tiết để chỉ cho chúng ta thấy rằng tâm rất phức hợp. Một số tâm cho dù sinh kèm với các loại tâm sở giống nhau nhưng tính chất của những tâm này có thể khác biệt trên phương diện cần tác động hay không, tuỳ thuộc vào sức mạnh của các tâm sở đồng sinh.
Theo kinh điển, không gian là vô hạn, số lượng các thế giới là vô hạn, số lượng chúng sinh ở các nhóm khác nhau sống trong vô vàn thế giới đó cũng như sự đa dạng của tâm các chúng sinh ấy hẳn là bất tận. Chỉ với một cá nhân thôi đã có rất nhiều loại tâm khác nhau, dù chỉ tính trong một loại như thiện dục giới (kāmāvacara kusala citta). Mỗi tâm chỉ sinh khởi một lần, nó là độc nhất. Cũng một loại tâm như vậy như khi sinh khởi trở lại nó lại khác với tâm ở lần sinh trước đó. Khi ta tính đến tâm của vô vàn chúng sinh, ta không thể tưởng tượng được sự đa dạng của chỉ một loại tâm sinh khởi nơi các chúng sinh hữu tình các cõi.
IV. Các tâm thiện dục giới
Chúng ta có thể đọc trong cuốn Chú Giải Bộ Pháp Tụ về việc phân chia các tâm thiện dục giới thành tám loại như sau:
Bây giờ, tất cả các loại tâm thiện dục giới này đang sinh khởi nơi vô lượng chúng sinh trong vô lượng thế giới; và Đức Phật toàn giác, như thể đo lường những tâm đó với một chiếc cân vô cùng chính xác, hay như thể đo lường chúng bằng một cái thước, với chánh biến tri của mình, đã sắp xếp, gom các tâm tương tự thành tám nhóm ....
Cụ thể theo các pháp tương hợp, có tám loại tâm thiện dục giới (cũng được gọi là tám loại tâm đại thiện (mahā kusala citta)) như sau:
.Đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí, không cần tác động (sommanassa-sahagataṃ, ñāna-sampayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ)
.Đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí, cần tác động (sommanassa-sahagataṃ, ñāna-sampayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ)
.Đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí, không cần tác động (sommanassa-sahagataṃ, ñāna-vippayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ)
.Đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí, cần tác động (sommanassa-sahagataṃ, ñāna-vippayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ)
.Đồng sinh với thọ xả, hợp với trí, không cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, ñāna-sampayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ)
.Đồng sinh với thọ xả, hợp với trí, cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, ñāna-sampayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ)
.Đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí, không cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, ñāna-vippayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ)
.Đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí, cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, ñāna-vippayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ)
Mặc dầu mỗi loại trong tám loại tâm trên chỉ được tính là một loại tâm, nhưng cần hiểu rằng có sự đa dạng bất tận của các tâm này nơi một chúng sinh và còn nhiều hơn nữa nơi vô vàn chúng sinh khác.
V. Mức độ mạnh yếu của tâm và Chánh niệm
Có đôi lúc ta cảm thấy mệt mỏi, buồn chán và thiếu nhiệt huyết? Đôi khi tâm suy nghĩ về những việc thiện cụ thể nào đó nhưng nó quá yếu ớt, mệt mỏi và chán nản sinh khởi. Liệu ở những khoảnh khắc ấy, chánh niệm (sati) có thể hay biết đặc tính của tâm yếu ớt, không đủ năng lượng để làm việc thiện ấy hay không? Nếu không có chánh niệm thì sẽ có ý niệm về một cái ta đang cảm thấy như vậy.
Mệt mỏi, yếu ớt, chán nản hay cảm giác sa sút tinh thần và uể oải, tất cả những khoảnh khắc ấy đều có thực, đều là các thực tại đang xuất hiện. Nếu chánh niệm không sinh khởi để hay biết đặc tính của các thực tại khi chúng xuất hiện, chúng sẽ không thể được hiểu không phải là một chúng sinh, con người hay tự ngã nào cả mà chúng chỉ là các đặc tính của tâm sinh khởi do duyên rồi diệt đi. Khi chánh niệm sinh khởi, nó có thể hay biết đặc tính uể oải hay nhiệt huyết chỉ là đặc tính nội tại của các danh pháp mà thôi.
Chỉ các tâm dục giới, tức là các tâm ở cấp độ tâm thức thấp nhất mới được chia thành "cần tác động" và "không cần tác động". Các tâm ở cấp độ tâm thức cao hơn là tâm sắc giới (rūpāvacara citta), tâm vô sắc giới (arūpāvacara citta) và tâm siêu thế (lokuttara citta) thì không được phân chia như thế. Lý do là các tâm đó đều cần có các tâm thiện dục giới hợp trí sinh khởi ngay trước và làm duyên cho chúng. Vì vậy, các tâm thuộc các cõi trên (sắc giới, vô sắc giới và siêu thế) đều là hợp với trí và "cần tác động" (trong trường hợp này, "cần tác động" không mang ý nghĩa là mức độ yếu ớt như trường hợp các tâm dục giới).
Tâm sinh khởi mọi lúc trong những bối cảnh khác nhau của cuộc sống hàng ngày, nó không phải luôn luôn là cần tác động mà cũng không phải luôn luôn là không cần tác động. Điều ấy chỉ ra rằng tâm là vô ngã (anattā), nó sinh khởi bởi duyên riêng của nó. Tâm sinh khởi ở khoảnh khắc này có thể như thế này và ở khoảnh khắc tiếp theo lại khác, tuỳ thuộc vào duyên.
------
Về thuật ngữ saṅkhāra
Thuật ngữ saṅkhāra được sử dụng trong Tam Tạng (Tipiṭaka) có nhiều nghĩa. Nó được dùng trong các từ ghép như: pháp hữu vi (saṅkhāra dhamma); hành uẩn (saṅkhārakkhandha), hành ý (abhisaṅkhāra); không cần tác động (asaṅkhārika); cần có tác động (sasaṅkhārika) và trong mỗi từ này, saṅkhāra lại có một nghĩa khác.
Pháp hữu vi (saṅkhāra dhamma) là các pháp sinh khởi bởi những duyên riêng của chúng và một khi đã sinh khởi, chúng lại diệt đi. Tất cả các pháp hữu vi vì thế đều vô thường. Trong bốn pháp chân đế thì có ba pháp chân đế: tâm, tâm sở và sắc là các pháp hữu vi. Ba pháp hữu vi này cũng đồng thời có thể được phân loại theo ngũ uẩn (khandhas): sắc uẩn (rūpākkhanda) - tât cả các sắc; thọ uẩn (vedanākkhanda) - tâm sở thọ (= các cảm thọ); tưởng uẩn (saññākkhandha) - tâm sở tưởng (sự đánh dấu, ghi nhớ); hành uẩn (saṅkhārakkandha) - 50 tâm sở còn lại; thức uẩn (viññāṇakkhandha) - tất cả các tâm.
Như vậy trong khi các pháp hữu vi (saṅkhāra dhamma) thì bao gồm toàn bộ tất cả 89 tâm, 52 tâm sở và 28 sắc thì hành uẩn (saṅkhārakkhandha) chỉ bao gồm các tâm sở ngoài thọ và tưởng, tức là 50 tâm sở còn lại.
Trong số 50 tâm sở trong hành uẩn thì tâm sở tư (cetanā cetasika) là nổi trội, là pháp dẫn đầu trong việc tạo nghiệp. Vì thế tâm sở tư cũng chính là "hành ý" (abhisaṅkhāra), đồng thời là Hành trong Lý Duyên Khởi (vô minh duyên hành, hành duyên thức ....). "Hành duyên thức" trong Lý Duyên Khởi (Paticca samuppāda)) có nghĩa là chính nghiệp thiện và nghiệp bất thiện tạo duyên cho sự sinh khởi của tâm quả và các tâm sở quả (được gọi là thức - viññāṇa trong Lý Duyên Khởi).
Hành trong Lý Duyên Khởi cụ thể được chia tiếp làm ba loại:
.Phúc hành (puññ’ābhisaṅkhāra) - nghiệp thiện
.Phi phúc hành (apuññ’ābhisaṅkhāra) - nghiệp bất thiện
.Bất động hành (aneñj’ābhisaṅkhāra) - nghiệp bất động
Phúc hành ở đây chính là tâm sở tư (cetanā) sinh khởi với tâm thiện dục giới (kāmāvacara kusala citta) và tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala citta). Phi phúc hành chính là tâm sở tư sinh khởi với tâm bất thiện. Bất động hành là tâm sở tư sinh khởi với tâm thiện vô sắc giới (arūpāvacara kusala citta). Được gọi là bất động vì nó là loại tâm vững chắc, không lay chuyển, nó tạo ra kết quả vô lượng, tạo duyên cho sự sinh khởi của tâm quả vô sắc giới ở cõi Phạm thiên vô sắc giới trong thời gian một kiếp sống vô cùng dài, tương ứng với năng lực của tâm thiện vô sắc giới.
--- Lời bạt của người viết ----
Trong quá trình tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy, tôi có duyên được tiếp xúc với tác phẩm "Khảo cứu Pháp chân đế" của Ajahn Sujin do Vietnam dhamma home biên dịch.
Với mong muốn giới thiệu rộng thêm tác phẩm, tôi cố gắng ghi lại từng phần của nguyên bản với một số chỉnh sửa (rút gọn, viết lại ...) của cá nhân theo hướng cô đọng hơn trên tinh thần giữ nguyên ý của bản gốc.
---- Lưu ý (disclaimer) ----
Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.
Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn so với nguyên bản. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất