Miêu tả về hình dáng của một khu vực, trong hóa học nói riêng, tiếng Anh dùng rất nhiều từ như band (dải), region (vùng), zone (đới), domain (miền), site (khu), field (trường), position (vị trí) … mà nội hàm của chúng cũng khác nhau chứ không thể giao hoán, vậy chúng ta cũng cần dịch phân biệt. Thật ra, đây chỉ là những từ dân dụng được di nghĩa cho khoa học dựa trên hình dáng, vậy ta cũng có thể dựa vào cách dịch trong dân sự để gán cho từng chữ, và đôi khi cũng phải đánh giá theo từ nguyên.
Trong số trên, từ được dịch cố định nhất là field (trường), đây cũng là ví dụ điển hình cho nhận định của chúng tôi ở trên. Trường vốn mang nghĩa một khu đất dọn dẹp sạch sẽ, san bằng để cúng tế, sau chỉ chung những chỗ rộng rãi bằng phẳng đông người tụ tập. Bản thân từ field trong tiếng Anh cũng có sự di nghĩa tương tự.
Tiếp đến là những vùng có sắc thái hành chính là site, region domain. Site là một từ quen thuộc, nhưng cũng vì thế mà được dịch tam sao thất bản, thậm chí còn lấn sân field, như construction site là công trường, hoặc dịch trùng với position là vị trí. Tuy nhiên, những cách dịch ngắn gọn mà sát nhất là khu, nơi chỗ. Chúng tôi chọn khu vì nghe phù hợp nhất với từ site trong khoa học, rồi site-selective có thể dịch là chọn lọc định khu (đối sánh với regioselective là chọn lọc định vùng) ổn hơn định nơi hay thậm chí là định chỗ. Khó mà phân biệt giữa site với position, nhưng dịch positionvị trí đã hằng định trong hóa học, như positional isomerđồng phân vị trí, rồi khi ghép từ thì chỉ rút còn vị, chẳng hạn như transposition là sự chuyển vị.
Region có từ nguyên regere là lãnh đạo, sau phái sinh nhiều nghĩa nhưng nói chung đều chỉ một khu vực do con người “chia để trị”. Trong hóa học, region cũng chỉ những khu vực được chia ra để xét tính chọn lọc, các đỉnh phổ đặc trưng … mà chúng ta cũng sẽ dịch là vùng. Đây cũng là cách dịch của giải phẫu học và địa lý học. Ta có regioselectivechọn lọc định vùng, regiospecificđặc thù định vùngregioisomerđồng phân định vùng.
Nói về một khu vực hành chính, tiếng Anh cũng có từ domain đã đi vào hóa văn nhằm chỉ những “vùng” nhỏ. Chẳng hạn khu vực mà electron khu trú trong mô hình VSEPR được gọi là domain chứ không phải region. Tiếng Việt có một từ khá sát là miền và đó cũng là lựa chọn của chúng tôi. Đây cũng là cách dịch của tin học: domain name là tên miền.
Tiếp đến là hai khu vực có dạng vệt dài thay vì trải rộng trong không gian: bandzone. Band có nghĩa đen là dải băng mà tiếng Anh di nghĩa rất gợi hình để miêu tả một sự vật dồn lại thành một dải, nên cũng dịch gọn là dải mà vẫn đủ nghĩa, tránh dùng băng để không trùng lặp với nước đá. Ta có thuyết dải năng lượng (energy band theory) chia mức năng lượng electron tụ tập thành các dải, gồm (từ dưới lên trên) dải lấp đầy (filled band), dải hóa trị (valence band), dải cấm (forbidden band, phổ biến hơn là band gap) và dải dẫn (conduction band). Trường hợp này không nên dịch là vùng như nhiều người hay nghĩ, vì không lột tả được hình dạng vệt dài của đối tượng của lý thuyết này là band. Dải cấm lại chia thành hai loại: hướng thẳng (direct) và hướng xiên (indirect), tùy vào việc electron có thể chuyển từ dải hóa trị lên dải dẫn trực tiếp hay gián tiếp. Ta thấy dải mới là cách dịch phù hợp, vì nó có thể hướng về một phía cố định, còn vùng thì hướng về nhiều phía.
Zone có từ nguyên Hy Lạp zōnē chỉ một cấu trúc có hình vòng đai, thắt lưng mà ta sẽ dịch là đới, vì nếu bạn để ý thì tropical zone đã được dịch là nhiệt đới. Cũng có thể dùng là đai, nhưng chúng tôi tự thấy từ đới nghe hay hơn và tạo từ dẫn xuất cũng tiện lợi hơn, như gian đới (interzonal). Từ đai có thể để dành cho belt, nếu có sử dụng. Chúng tôi thấy hóa văn phương Tây dùng tương đối rạch ròi những khái niệm này, nhằm gợi cho người đọc hình tượng về vật thể đang xét, vậy chúng ta cũng cần phải dịch sát nghĩa và phân biệt. Một số ví dụ:
1. Kỹ thuật nguyên tử hóa ngọn lửa (flame atomization) phân chia rất rõ cấu trúc ngọn lửa thành đới đốt cháy sơ cấp/thứ cấp (primary/secondary combustion zone) và vùng gian đới (interzonal region). Vậy ta đã phân biệt region với zone.
Cấu trúc ngọn lửa trong kỹ thuật nguyên tử hóa ngọn lửa. Nguồn: <i>Principles of Instrumental Analysis</i> (7th edition).
Cấu trúc ngọn lửa trong kỹ thuật nguyên tử hóa ngọn lửa. Nguồn: Principles of Instrumental Analysis (7th edition).
2. Đối với nguồn bức xạ trong phương pháp hấp thu nguyên tử (atomic absorption), linewidth (độ rộng vạch) và bandwidth (độ rộng dải) được dùng giao hoán, nhưng line thì hẹp hơn band, cũng như vạch thì hẹp hơn dải.
3. Trong phép phổ nghiệm hồng ngoại (infrared spectroscopy), khoảng tần số của một nhóm chức nói chung được gọi là vùng (region), còn khoảng tần số trong từng trường hợp cụ thể (theo lai hóa, bao trường ...) chỉ được gọi là tầm (range). Mỗi tín hiệu được quen gọi là peak (đỉnh), nhưng riêng với IR thì được gọi là band (dải), vì band thì rộng hơn peak. Miêu tả hình dạng của một dải là thoải (broad) hay nhọn (sharp) cũng tự nhiên hơn.
Phổ hồng ngoại của decan (chất lỏng không dung môi, bản KBr). Nguồn: <i>Introduction to Spectroscopy</i> (5th edition). Ta thấy các tín hiệu làm thành các dải chứ không hẳn là đỉnh.
Phổ hồng ngoại của decan (chất lỏng không dung môi, bản KBr). Nguồn: Introduction to Spectroscopy (5th edition). Ta thấy các tín hiệu làm thành các dải chứ không hẳn là đỉnh.