Lần đầu tiên đọc được bài viết, tôi thấy nó có phần "lạ" và "đúng", nhưng cảm nhận được sự "thiếu thiếu" một điều gì đó, nên tôi đã đọc lại khá nhiều lần và suy nghĩ xem điều gì đã khiến bài này không ổn như cảm giác ảo tưởng ban đầu của tôi. Vấn đề Husky nói không hề đơn giản như cách bạn ấy diễn tả, hệ thống luận điểm luận cứ của bài tuy hay nhưng rời rạc và chúng vụng về đơn giản hóa một vấn đề cực kì phức tạp mà không phải chỉ cần một hai ví dụ là sáng tỏ ra được.
Link bài của Husky: Làm vì tiền

Vì sao lại nói vấn đề này phức tạp chứ không hề đơn giản? Vì tiền ư? Liệu có phải tất cả mọi việc xảy ra trên thế giới này đều liên quan đến tiền hay vì tiền? Liệu tất cả mọi tội ác xuất hiện cũng là vì tiền? Hay.. tất cả mọi sự tiến bộ cũng là vì tiền? 
Sau đây, tôi xin chỉ ra những gì chưa ổn trong bài "Làm vì tiền" của Huskywannafly

I. Đem lịch sử và cổ tích ra làm ví dụ


Luận cứ này vô giá trị.
Thứ nhất: bài của bạn nặng mùi chủ nghĩa tư bản nhưng lại lấy ví dụ về xã hội phong kiến và các tư tưởng nho giáo? Nên nhớ xã hội phong kiến hay nho giáo đề cao đức hạnh con người, trọng nông ức thương,... blah blah blah mục đích là để nâng cao vị thế của nhà vua. Và thời điểm ấy ở tại tất cả mọi nền văn minh phong kiến trên thế giới đều như vậy, mọi người không hướng về tiền, và họ hạnh phúc theo một cách khác. Bạn không thể nào lấy xã hội hiện đại làm thước đo cho xã hội phong kiến được, cả hai đều là bước đi của nhân loại và lịch sử không có quyền lựa chọn. Nói cách khác, các tư tưởng phong kiến là nền tảng để xuất hiện tư tưởng tư hữu, tuy nó là sơ khai so với các giá trị xuất hiện sau nhưng nó lại là mức độ phát triển cao nhất của chính nó, và nó chỉ có thể có như vậy. Đó, không phải là một hạn chế, đó là tất yếu. Và chúng ta - những thằng đang ngồi trước màn hình điện thoại sẽ thật nực cười khi bảo rằng tổ tiên mình thật ngu vì không biết lướt facebook.
Thứ hai: ở phía trên bạn nói về phong kiến và tư tưởng nho giáo nói chung nhưng phía dưới lại "kết quả là nước Đại Việt chưa một lần được cho là giàu". Sao bạn không lấy ví dụ về Trung Hoa? Một nền cực thịnh phong kiến phát triển nhất thế giới thời bấy giờ? Và thật sự là "Đại Việt chưa một lần được cho là giàu" hay "nghèo một cách khốn cùng" kể cả qua các thời Lê Thánh Tông, hay giai đoạn đầu và giữa của nhà Trần, thời đại cực thịnh của triều Lý hay đàng Trong thời các chúa Nguyễn? Và binh biến loạn lạc cũng là do nghèo mà ra cả? Chỉ do nghèo thôi? Hay do nằm sát dưới một đại quốc cực thịnh Trung Hoa mình đã nhắc phía trên?
Thứ ba: việc lịch sử đề cao các vị quan thanh liêm thì làm sao? Điều đấy có vấn đề gì à? Lịch sử vẫn đề cao các quý tộc có công với đất nước như Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Lý Công Uẩn,... và tôi thấy số lần các vị quan thanh liêm xuất hiện còn ít hơn các vị tướng xuất thân từ hoàng tộc hay các anh hùng nông dân (mà thật ra có thể gọi là thổ phỉ nếu khởi nghĩa thất bại). Lịch sử chọn anh hùng, cứ anh hùng sẽ được ghi nhớ, không phải vấn đề thanh liêm hay không thanh liêm. Tại sao phải tách cái giá trị thanh liêm ra trong khi rõ ràng nếu thêm cũng chả sao cả? Liệu một người thanh liêm nhưng chả đóng góp gì cho lịch sử vẫn được nhắc đến? Nâng cao nhận thức của giới trẻ thêm về thanh liêm là sai sao?
Còn về các câu truyện cổ tích. Thật ra đây là một vấn đề khá buồn cười bị mổ xẻ liên tục ở nhiều bài viết. Nếu chịu khó nhìn rộng ra, không phải đại diện cho cái ác chỉ có "phú ông" hay bọn giàu có nói chung. Chúng ta còn có Lý Thông, Cám, Thạch Sùng, người anh trong truyện Cây khế,... đa phần là ác nên giàu chứ không phải giàu nên ác như các bạn nhét chữ vào mồm họ. Bên cạnh đó cũng có vô số phú ông giàu có khác hay các quan xử án nghiêm minh. Cho nên không có chuyện cổ tích là để cổ xúy cho việc quy mọi sự xấu xa cho người giàu. Việc bọn quan lại thời phong kiến bị gán mác xấu xa âu cũng là xuất phát từ thực tế. Và nên nhớ, bổng lộc triều đình cho quan lại là không ít, thế sao vẫn xuất hiện lộng quyền nhũng nhiễu?

II. Vấn đề lương giáo viên và bác sĩ


Thực tế, chúng ta kì vọng những bác sĩ, những y tá hoàn thành những nhiệm vụ cao cả của xã hội. Và cũng ta cũng kì vọng y như vậy với giám đốc của công ty FPT hay Vinamilk, hay thậm chí là với cả người thân trong gia đình. Chúng ta còn kỳ vọng có thể trả cho họ thật lương thật cao nếu có thể, nhưng chúng ta không thể. Chúng ta không trả lương cao cho giáo viên hay bác sĩ không phải vì chúng ta muốn họ làm những điều thiêng liêng cao cả bằng cái giá rẻ mạt mà vì chúng ta không đủ điều kiện để trả họ một mức lương cao hơn. Chúng ta kỳ vọng họ làm điều gì đó tốt đẹp có phải là sai? Và chuyện họ có làm hay không là chuyện của họ. Còn nếu họ làm sai, nếu họ "để xảy ra tai biến khi tiêm vắc-xin" thì họ phải chịu trách nhiệm và chả thể nào đổ lỗi lý do là do lương bổng được. Có bao nhiêu bác sĩ, y tá trên đất nước? Có bao nhiêu lượt tiêm vắc-xin mỗi ngày? Có bao nhiêu vụ tai biến do tiêm vắc-xin xảy ra trong một năm? Liệu nó có tương đương giữa càng nhiều bác sĩ thì càng nhiều sai lầm xảy ra? Liệu có một công trình nào cho thấy liên hệ giữa thái độ của bác sĩ và lương bổng của họ? Việc bảo rằng thông cảm, cũng giống như việc giáo viên nên thông cảm cho bọn học sinh quên làm bài tập vì "bận đi sinh nhật bạn", "mất tập", "quên",.. vậy. Chúng ta không thể nào đổ lỗi cho những yếu tố môi trường về sự thiếu trách nhiệm của bản thân được.
Về phần giáo viên, bản chất của hoạt động dạy - học thêm không phải do tiền mà do hệ thống giáo dục của chúng ta. Nhu cầu học thêm quá lớn (do trên lớp kiến thức không đảm bảo và đầy đủ) nên cung xuất hiện, và hệ lụy sau đó lại xuất hiện sau đó nữa. Chứ không phải hệ lụy "tiền" đã tạo ra vấn nạn học thêm.
Đồng ý rằng lương bổng của giảng viên và bác sĩ khá thấp, tuy nhiên đây không phải lí do để và khiến họ trở nên biến chất. Và thực chất lương bác sĩ hay giáo viên cũng không phải tất cả đều thấp, và cũng không phải tất cả những người lương thấp đều biến chất. Vậy thì tiền đóng vai trò gì trong khi nó không phải là thứ quyết định vấn đề biến chất của giáo viên hay bác sĩ? Nó là điều kiện cần, nhưng không phải điều kiện đủ. Và bạn chả thể nào kết luận chỉ dựa vào điều kiện cần được.
Tôi tôn trọng về cái khẳng định sự tồn tại của vấn nạn biến chất giáo viên và bác sĩ trong xã hội, tôi cũng tôn trọng việc bạn bảo rằng lương giáo viên và bác sĩ là thấp. Nhưng tôi phản đối việc bạn kết nối hai điều trên lại và cho rằng điều đầu tiên là do điều thứ hai gây ra.

III. Sự tự do tài chính


Tệ nạn, hay nói về một thứ cũng không xa xôi lắm là tội phạm, không phải do sự bó hẹp về tự do hay chọn lựa. Mà do nhu cầu cá nhân không được xã hội đáp ứng, dẫn đến các hành vi chống đối sao cho đạt được mục đích của mình. Cũng cần lưu ý, nhu cầu cá nhân của mỗi người là khác nhau, không thể được quy chụp giữa nhu cầu của người này gắn với người kia như bạn nói ở đây:

Người nghèo không cần phải lên internet, không cần phải thuê luật sư, cũng chả cần phải cân nhắc du học làm gì. Họ chỉ cần có chỗ ở, cái ăn và nơi để ngủ. Họ chỉ cần được đáp ứng các nhu cầu cơ bản và một số nhu cầu giải trí phù hợp với họ. Và họ hạnh phúc khi được đáp ứng những điều ấy. Còn về những người có tiền thuê luật sư, cân nhắc đi du học hay có tiền để chọn xem tối nay ăn gì, chưa chắc họ đã hạnh phúc trên chính phương diện của họ. Ít sự lựa chọn không phải lúc nào cũng là tệ và nhiều thì không phải lúc nào cũng tốt. Và có tốt hay không lại tùy thuộc vào từng cá nhân.
Group Quora (group mà bạn hoạt động khá tích cực) gần đây có một câu trả lời về cuộc sống của người châu Phi - những người được thế giới biết tới với mức sống dưới 1USD/ngày - khá hạnh phúc và đầy đủ với mô hình tự cung tự cấp của mình. 
So sánh nhu cầu của người nghèo với nhu cầu của người giàu rồi đánh đồng các sự lựa chọn cũng giống như so sánh phong kiến với tư bản vậy. Ngay từ đầu, đã không nên đặt lên bàn cân.

Lại nói về vấn đề phát sinh phạm tội do tiền, điều này là không đúng, hoàn toàn không đúng. Mình từng đi nhiều nơi, sống ở nhiều môi trường khác nhau, tiếp xúc với nhiều tầng lớp của xã hội. Có đợt mình ở một vùng nông thôn khá lâu, ở đây đa số là dân lao động với thu nhập tương đối, đủ ăn, thỉnh thoảng thì thiếu. Nhưng họ sống rất tình cảm, phải nói là như vậy, ai có vốn sống nhiều sẽ hiểu. Tuy nhiên, có vài thanh niên khá chơi bời và trác táng, làm bạn với nhóm này có con của một số gia đình khá giả trong vùng. Bọn này quậy phá có tiếng, vụ bê bối nào cũng có mặt của bọn này. Thường thì chúng thiếu tiền để hút chích, chơi gái, số má, nhậu nhẹt và vài nhu cầu vớ vẩn đại loại vậy nên làm liều. Nhưng đôi khi bọn nó cũng làm liều không vì tiền mà chém nhau cho vui vậy. Thế câu hỏi là, chúng tệ do cần tiền phục vụ các nhu cầu đó, hay do chúng có những nhu cầu tệ? Có một vài người khác, lớn tuổi hơn, chiếm thiểu số và cũng ác có tiếng. Những người này thường có một tiểu sử khá nổi tiếng ở trong vùng, ai cũng có thể kể về tuổi thơ của họ từ lúc lọt lòng đến lúc sa ngã rồi trở thành đàn anh đàn chị. Bọn này thường chung mô tuýp hình thành: tuổi thơ bất hạnh, thất học, ăn chơi lêu lổng, hỗn từ nhỏ, bị lợi dụng,... vậy thì phải chăng cũng đều do cần tiền mà ra hết? Tất cả mọi người đều cần tiền, nhiều người không có được số tiền mình cần nhưng cả hai cái mình vừa nói chả liên quan đếu gì đến việc họ sẽ trở thành tội phạm cả. 
Đây là một vấn đề khá phức tạp, bạn không thể dùng hai chữ "vì tiền" mà đòi giải thích lí do vì sao tệ nạn xuất hiện được.

IV. "Vì tiền"



Về những lí lẽ phía bên trên, vấn đề bản quyền hay IPhone X. Vấn đề bản quyền chưa phổ biến ở Việt Nam do nó còn quá mới mẻ chứ không phải vì pháp luật chưa nghiêm, bạn có thể tham khảo mức phạt để xem thế đã nghiêm chưa. Hiện nay, vấn đề bản quyền đang ngày càng trở nên gắt gao hơn nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp là do thói xấu của một bộ phận người Việt chứ không phải chỉ do vấn đề luật pháp. Các câu bạn trích dẫn phía trên cộng với cái gãi đầu của đa phần người dùng chùa quen thói chính là thứ thâm căn cố đế xuất hiện từ trước cả khi luật về bản quyền xuất hiện. Muốn hạn chế và ngăn cản vấn nạn này cần một quá trình chứ không phải chỉ nâng cao mức phạt là xong. Tôi nói thế, bạn đồng ý chứ? Và như thế thì vấn đề đâu phải chỉ do tiền, lại một lần nữa, bạn chỉ dùng điều kiện cần để kết luận cả vấn đề.

Hmm, mình twist lại một tí. Có bao nhiêu tổng thống, thủ tướng tham nhũng trên thế giới? Hay: có bao nhiêu trường hợp cùng cấp lương thấp hơn thủ tướng Singapore bị phát giác tham nhũng? Sau vụ lộ hồ sơ Panama, có một số trường hợp. Tuy nhiên chả thể vì thế mà kết luận lương thấp -> tham nhũng. Lại càng không có quyền khẳng định những vào trong bộ máy chính trị là "tham lam, ích kỷ, có tính tàn bạo",.. nhưng vì lương cao và luật nghiêm nên họ không tham nhũng cả. Ở Trung Quốc, tội phạm tham nhũng bị tử hình nhưng cứ một thời gian lại có thằng bị lôi ra xử bắn, thế thì có phải do pháp luật chưa nghiêm? Cũng như những lí lẽ phía trên của mình, tội phạm là một dạng được cấu nên từ yếu tố chứ không thể khẳng định do luật chưa nghiêm được. Tội phạm tham nhũng thường nhiều tiền, rất nhiều tiền nhưng vẫn muốn nhiều nữa. Thế họ muốn thật nhiều tiền làm gì? Là vì họ đam mê quyền lực, vì họ tham lam. Và những thứ trên thì liên quan mật thiết tới bản chất con người. Không phải mọi cá nhân trong một bộ máy đều tham nhũng dù chung một khung luật pháp, thế thì sao có thể khẳng định luật pháp là yếu tố duy nhất? Mà nếu nó không phải yếu tố duy nhất thì liệu việc tăng hình phạt có là hiệu quả?

V. Liên hệ tiền với tình yêu và công việc

Có nhiều tổ chức phi chính phủ, hoạt động không cần lợi nhuận nhưng vẫn giúp đỡ được xã hội. 
Có nhiều người chỉ muốn giúp đỡ xã hội nhưng vô tình tạo ra lợi nhuận.
Có nhiều người đem yếu tố lợi nhuận ra sau, và chỉ mong dùng nó để thúc đẩy thành công của chính mình chứ đó không phải đích đến cuối cùng.

VI. Làm vì tiền và chỉ vì tiền

Đây là một ranh giới cực kì mong manh, còn mong manh hơn cả tờ polyme với vài con số trên đấy. Kết quả cuối cùng của cả hai là như nhau, chỉ khác nhau ở mức độ. Một người làm chỉ vì tiền chưa chắc là chỉ vì tiền, chả ai làm một chuyện "chỉ vì tiền" theo đúng nghĩa đen cả. Hãy nghĩ đến những thứ xuất hiện sau "tiền". Họ làm để lấy tiền rồi dùng tiền để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Làm vì tiền cũng lấy tiền rồi thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Khác là khác ở tâm huyết hay độ tàn nhẫn. Mà độ tàn nhẫn thì liên quan tới yếu tố con người, tâm huyết thì liên quan đến thái độ và mối quan hệ giữa người với người.
Bài của ông, chạy theo sát đít tư tưởng của chủ nghĩa tư bản, như những cuốn self-help chắp vá, bọn chưa hiểu chuyện lấy thế mà làm thánh kinh gối lên đầu, đem ra mà làm việc. Rồi thì cái suy nghĩ "vì tiền" ăn sâu vào trong đầu, làm việc ất ơ cà lơ phất phơ nhiều hơn là cống hiến. Từ cổ chí kim, nhiều người tài làm việc chả mong được trả công trước, họ biết rồi sẽ được đền đáp xứng đáng, nếu không xứng thì họ cống hiến ở nơi khác. Đồng tiền đi trước là lối suy nghĩ của tiểu nhân. Chuyện tiền bạc, người biết điều ắt tự biết mà làm cho nó rõ ràng và vừa ý nhau.
Thân ái!