LÀM GÌ CÓ QUẢ BÁO!
Việc bạn bị đối xử tệ ngày hôm nay vì trước đây bạn đã từng làm điều gì đó tồi tệ, đó là cái giá bạn phải trả. Nhưng mà khoan, nó có đúng không?
Bài viết này sẽ không nhắc gì đến vấn đề tâm linh, cũng không phân tích khoa học sâu xa. Đây chỉ là những gì mình lượm nhặt được từ cuộc sống của mình và những người xung quanh.
Bạn có tin vào quả báo không?
Ví dụ như ngày hôm nay bạn làm tổn thương bạn gái của bạn, sau đó bạn chia tay cô ấy và khi quen người mới, người đó lại là người tổn thương bạn với những điều tương tự. Sau đó bạn sẽ nghĩ, đây là cái giá mà mình phải nhận vì mình đã tổn thương bạn gái cũ như thế, bạn có từng có suy nghĩ đó chưa?
Hay ví dụ như ngày hôm nay bạn đã làm một cái gì đó rất tệ với một người bạn của bạn, sau này bạn lại bị một người khác khiến bạn tổn thương. Và bạn nghĩ bạn đáng bị như thế?
Những ví dụ trên chỉ mang tính tương đối, và nếu bạn có từng rơi vào những cảm giác tương tự như thế, thì bài viết này dành cho bạn. Những người luôn tự trách vì những lỗi lầm của chính bản thân mình.
Mình tin chắc một điều là 7 tỉ người trên thế giới này không thể nào có một ai đó hoàn hảo đến mức chưa bao giờ gây lỗi lầm với bất kỳ ai. Trong cuộc đời của chúng ta, ít nhất một lần hay nhiều lần gì đó chúng ta đã cư xử sai, hoặc tổn thương một ai đó từ hành động đến lời nói.
Và nó ổn thôi nếu bạn cảm thấy tệ vì điều đó, nếu không thì đó mới là vấn đề. Khi mình làm sai, cảm giác tội lỗi sẽ giúp chúng ta nhìn ra được lỗi sai của mình ở đâu, và cần làm gì để tốt hơn. Nhưng nếu cảm giác đó cứ mãi bám víu trong đầu bạn, đến mức bất kỳ ai giận dỗi hoặc tỏ vẻ giận dỗi thì bạn đều nhận hết trách nhiệm về mình. Vậy thì bạn cần một khoảng thời gian để định hình lại những chuyện này, vì vốn dĩ sẽ không có chuyện bạn phải chịu trách nhiệm với người khác khi bạn đã từng làm sai.
Ý mình là không phải bạn hoàn toàn không có trách nhiệm gì với những lỗi lầm mà mình đã từng gây ra, nhưng đúng người đúng việc. Nếu bạn làm sai với ai, người bạn cần chịu trách nhiệm là người bạn đã gây tổn thương. Còn người đã gây tổn thương cho bạn đó là một mệnh đề hoàn toàn khác.
Trách nhiệm của bạn là hãy chịu trách nhiệm và tìm cách để sửa lỗi sai với người mình đã gây tổn thương, chứ không phải là chấp nhận những tổn thương từ người khác và cho rằng đó là quả báo mình đáng nhận được. Việc bạn đau khổ không giúp người đã bị bạn tổn thương thấy khá hơn, cũng chẳng giúp bạn thoát ra được cảm giác tội lỗi với chính mình.
Vốn dĩ người bị tổn thương luôn cần một lời xin lỗi và những hành động bù đắp. Họ có thể không bắt bạn chịu lại những gì họ đã chịu, nhưng bạn hãy nhớ là những gì bạn làm đã khiến họ khóc rất nhiều và đau đớn rất nhiều. Một lời xin lỗi có thể chẳng giúp họ nuốt ngược lại nước mắt vào trong, nhưng đó là một lời khẳng định là bạn đã biết bạn đã sai, và họ không có việc gì phải tự trách hay buồn nữa cả.
Chúng ta thường bảo nhau rằng nếu thật lòng, và chân thành, thì người ta sẽ có thể cảm nhận được những yêu thương và sự hối lỗi mà bạn dành cho họ. Nhưng bạn biết không, mối quan hệ giữa hai người tương tự như việc hai người cùng nắm hai đầu của một sợi dây vậy đó, nếu bạn vô tình làm tổn thương họ, họ sẽ chẳng buồn mà nắm tiếp sợi dây đó với bạn nữa. Và nếu họ đi càng lúc càng xa, còn bạn thì cứ cầm theo sợi dây chạy theo họ, thì bạn biết gì không? Là họ cũng chỉ nhìn bạn và thờ ơ với sợi dây bạn đang cầm thôi, vì bạn chưa hề nói cho họ biết là bạn muốn họ nắm lấy sợi dây đó.
Đừng coi thường lời nói, và dù họ có hiểu bạn đến mức nào đi nữa thì lời nói vẫn vô cùng quan trọng để cho họ biết được những gì bạn đang thật sự nghĩ. Vì chẳng có gì có thể chứng minh hành động của bạn là thật lòng ngoài lời nói cả.
Sau một câu xin lỗi, những hành động bù đắp của bạn mới khiến họ nguôi ngoai và học cách tha thứ cho chính họ, và cho bạn nữa. Tương tự thì chính bạn cũng sẽ nhận được sự tha thứ và cảm giác yên lòng khi mối quan hệ được hàn gắn theo như những gì bạn mong muốn. Còn nếu bạn thấy họ bỏ đi, bạn mặc kệ và tự trách những tổn thương mà mình đã gây ra. Ai có thể thấy ngoài bạn? Và ai có thể cảm nhận được bạn đang hối lỗi với những điều đó?
Và khi ai đó tổn thương bạn, bạn lại cho rằng đó là cái giá bạn phải trả. Nhưng thật ra làm gì có cái giá nào ở đây, khi chính bạn là người phải chịu trách nhiệm chứ không phải là người chịu tổn thương từ người khác.
Chúng ta cứ mãi nhìn vào lỗi sai của người khác và tự trách bản thân mà quên mất chúng ta hoàn toàn có thể học cách chịu trách nhiệm với lỗi sai của mình.
Và nếu ai đó làm tổn thương lòng tin của bạn, ví dụ như mọi sự giúp đỡ của bạn chỉ đổi lại sự cau có và đòi hỏi nhiều hơn. Thì chính người đòi hỏi nhiều hơn mới đáng bị trách cứ, chứ chẳng phải là vì một người như thế mà bạn từ chối giúp đỡ những người khác.
Hãy nhớ là mỗi chúng ta đều là một cá thể độc lập, có người tốt và cũng có người xấu. Nhưng không ai là hoàn toàn tốt, cũng chẳng ai hoàn toàn xấu. Có thể họ không tốt với bạn, nhưng hoàn toàn có thể tốt với người khác, và nếu ai đó xấu với bạn, không có nghĩa là ai cũng đều xấu.
Thế giới này đúng là rất đáng sợ, nhưng đáng sợ nhất vẫn là chúng ta không chấp nhận rằng vẫn còn có người đối xử tốt với mình.
Trời sập cũng sẽ tạo ra vết nứt, và đó là nơi ánh sáng chiếu vào. Nên đừng nghĩ thế giới này luôn tăm tối với bạn, nếu bạn thấy nó tăm tối, có nghĩa là bạn vẫn đang ở một góc khuất ánh sáng nào đó. Hãy cứ thử bước xa ra một chút, ánh sáng nhất định sẽ chiếu đến và bạn sẽ lại gặp được những người đối xử tốt với mình, và cũng đừng quên hãy luôn chịu trách nhiệm với người mà mình đã gây tổn thương nhé.
Xin lỗi không khó, nhưng chịu trách nhiệm sau lời xin lỗi đó thì mới khó, vì chúng ta sẽ phải bỏ ra hai tấm vé cực đắt là cái tôi của chính mình, và sự kiên nhẫn. Và đó là cái giá của sự trưởng thành mà không phải ai cũng có thể chịu được.
-Nomad’s Mind-
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất