Tuyển dụng - Ứng tuyển, khi nào hết toxic?
Bài viết nói về sự toxic trong môi trường làm việc, cũng như trong quá trình tuyển dụng - ứng tuyển.
Bài viết nhằm nói về một vấn đề khá nhức nhối không chỉ ở tại Việt Nam mà ở rất nhiều nơi trên thế giới. Hiện tại bởi vì nhiều lý do khác nhau, các nhà lập pháp đã dần nhận ra rằng họ phải chăm sóc người lao động, nguồn thuế vĩ đại nhất mọi quốc gia, một cách kỹ càng hơn để đảm bảo nguồn nhân lực bền vững. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng "chối bỏ" bước tiến này vì lợi ích ngắn hạn của mình. Liệu đã đến lúc chúng ta cần một sự thay đổi trong tư duy?
Bài viết đề cập đến sự toxic trong quá trình tuyển dụng nhưng sẽ bao quát luôn một phần trong quá trình làm việc, dưới góc nhìn chủ yếu từ phía ứng viên. Các nhà tuyển dụng, theo tôi nghĩ, đã có quá nhiều sân khấu cho bản thân mình rồi. Thế nên lần này, xin hãy nghe chúng tôi nói!
Làm công ăn lương là gì?
Theo định nghĩa tôi tổng hợp được từ rất nhiều nguồn thì làm công ăn lương nó là sự kết hợp giữa "lao động và thương mại":
Lao động là quá trình hoạt động có mục đích của con người, có thể kết hợp với các công cụ để tạo ra sản phẩm vật chất hoặc phi vật chất phục vụ cho đời sống con người. Quá trình lao động theo yêu cầu của một chủ thể có tư cách pháp nhân (Cơ quan, công ty, chủ lao động) và được chi trả dựa theo thỏa thuận hợp đồng trên cơ sở luật thương mại và luật lao động thì được gọi một cách dân dã là làm công ăn lương.
Hoạt động thương mại này có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới GDP quốc gia, ảnh hưởng tới cán cân cung cầu trong ngành nghề, ảnh hưởng tới lượng lao động dự trữ và định hướng nghề nghiệp của giới trẻ, thế nên các nhà lập pháp đã phải dày công biên soạn cả một bộ Luật Lao Động để điều phối hoạt động thương mại đặc biệt này.
Tuy nhiên tôi vẫn phải nhấn mạnh một điểm, rằng đây là một mối quan hệ bình đẳng win-win cho đôi bên, chứ không phải là một mối quan hệ xin-cho, cấp phát, khi một bên thì đưa ra 10001 đòi hỏi nhưng chỉ trả lại sự bèo bọt với tư thái bề trên.
Thực trạng ở Việt Nam, nghịch lý thiếu nhân lực.
Trước hết xin điểm qua một vài thông tin quan trọng: tôi không phản đối sự thật rằng lý do nhiều cử nhân thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở Việt Nam nằm ở việc định hướng nghề nghiệp do bố mẹ đặt cho (ví dụ có thời cả làng cả xóm đâm đầu đi học Quản Trị Kinh Doanh để mong thành CEO) để rồi cuối cùng thừa cung thiếu cầu, cũng không phản đối rằng rất nhiều cá nhân được gia đình bảo bọc quá mức, có cái tôi quá lớn dẫn đến không phù hợp văn hóa doanh nghiệp.
Thế nhưng cũng có rất nhiều cá nhân cầu thị, họ chủ động đi tìm trải nghiệm từ những hoạt động ngoại khóa trong thời gian đi học, tìm đến những trải nghiệm mà họ có thể tham gia với vốn kiến thức/kinh nghiệm lúc bấy giờ của mình, chủ động tìm hiểu những phương pháp trên mạng, trong sách vở và tập tành làm theo, nhưng đến khi họ tự đưa CV của bản thân mình ra một cộng đồng thì lại nhận được cái thứ toxic đến nực cười của nhiều cá nhân mang danh Head-hunter hoặc Senior trong cùng ngành.
Có một dạo tôi nhìn thấy một bạn trong cộng đồng Spiderum mình có CV cũng khá là sáng sủa, cách ăn nói rất văn minh và có sự cầu thị bằng cách đưa CV lên diễn đàn để mọi người góp ý và cũng để tìm việc cho bản thân. Trong mục kinh nghiệm bản thân thì bạn có đề cập đến việc mình có viết bài trên Spiderum với lượng view A, lượng upvote B, lượng comment C, thì có một vài tay "sừng sỏ" nhảy vào comment:
Viết trên Spiderum thì nó có là cái đinh gì đâu, làm gì có liên quan gì đến ngành Content này mà bỏ vào CV, chừng nào viết được content viral, định hướng SEO, viết cho doanh nghiệp và cho ra sale volume lớn thì hẵng viết vào trong cái CV, chứ anh lướt qua CV như thế này thì anh cho vào sọt rác.
Cái này tôi cảm thấy nó là một cái sự toxic ngu xuẩn của một vài cá nhân trong cái cộng đồng ao làng loanh quanh vài khuôn mặt ấy. Việc nhận xét này, tôi cho là có 2 lý do:
(1) Cây gậy và củ cà rốt: Rất nhiều người ngoài comment thì chê ỏng chê eo, nhưng cuối cùng vẫn lại PM tìm hiểu ứng viên với lời dụ dỗ rằng có thể giúp ứng viên phát triển rồi lại nhẹ nhàng để lại cái Job description với tư thái họ nhận vào một "sản phẩm hiện đang lỗi" để mài dũa, nên chúng ta phải tự biết thân biết phận mà hiểu rằng chúng ta đang đi "học" chứ không phải đi "lao động kiếm tiền". Cũng chính những nhà tuyển dụng này liên tục đăng bài "tự ca" về sự vĩ đại của bản thân, những gì mình đã đạt được và đưa công ty "lên đỉnh", và sau đó thì luôn than vãn rằng giới trẻ hiện nay thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng mà luôn phải đào tạo lại.
Chỉ riêng vấn đề đào tạo lại, tôi nói thẳng đây chỉ là một biện minh đã một thời từng có lý. Vào tầm những năm 2000 đến tận 2010 khi mà Internet chưa phổ cập vào vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, các nền tảng học online chưa phát triển và kỹ năng ngoại ngữ của giới trẻ bấy giờ chưa được cao để kịp update theo kịp thị trường lao động thì đổ lỗi cho đào tạo "tụt hậu" là điều dễ hiểu. Thế nhưng bây giờ khi mà có rất nhiều giảng viên ĐH tu nghiệp tại nước ngoài, có kinh nghiệm trực tiếp từ thực tiễn và đưa hẳn kiến thức này vào chương trình giảng dạy, thì cái lý do "đào tạo lỗi" mà nhiều nhà tuyển dụng đưa ra nó rất nực cười. Nực cười ở chỗ rằng họ đang đánh tráo khái niệm.
Mỗi một công ty đều có một cấu trúc, văn hóa và Workflow khác nhau. Khi bạn muốn uốn nắn một ứng viên được đào tạo theo chuẩn chung (Industry standard) vào một cái Workflow của công ty bạn, thì bạn nên nhớ rằng cái chuẩn của bạn nó khác với chuẩn chung, chứ không phải 100% người ta thiếu năng lực chuyên môn. Đối với ứng viên chưa có kinh nghiệm, thì việc thiếu đi sự nhanh nhạy, tự tin trong giải quyết tình huống là điều dễ hiểu, nhưng về năng lực chuyên môn thì chưa chắc, và tôi cũng không nghĩ các Head-hunters ngu đến mức tuyển người thiếu chuyên môn về để rồi ca thán từ ngày này sang tháng nọ. Đừng đánh tráo khái niệm, trù dập ứng viên để rồi họ đủ lông đủ cánh sẽ ra đi không một lần ngoảnh lại.
Cũng có một anh Head-hunter nào đó (ví dụ có thật) từng ca thán kiểu này với lý do cực củ chuối rằng:
Tôi cho ứng viên vị trí content giới thiệu bản thân trong vòng 5 phút, để bạn chứng tỏ khả năng "nhảy số" trong đầu óc, để tôi xem năng lực của bạn đi đến đâu nhưng hầu như rất ít người đáp ứng được điểm này. (Sau đó là một tràng bla bla giảng dạy và "tự ca" sau đó không quên giới thiệu về môi trường làm việc, PR công ty).
Thế nhưng cái nực cười của anh này là ở chỗ trong lúc phỏng vấn không hề đưa ra yêu cầu cụ thể rằng ứng viên phải thao thao bất tuyệt trong suốt 5 phút đó. Bởi vì các ứng viên đã được biết theo Industry standard rằng HR phải tiếp một ngày hàng chục lượt ứng viên và họ cần phải thấy được "điểm sáng" của một ứng viên ngay lập tức. Nếu như cứ thao thao bất tuyệt cho đến lúc HR phải ngắt lời bạn, thì điều này gần như là tự sát trong quá trình xin việc. Đối với cá nhân tôi khi gặp HR và Senior trong ví dụ kể trên, nếu như họ gạt hồ sơ qua một bên chỉ vì điều này mà không thèm ngó qua portfolio thì tôi xin cảm ơn ngay tại đó rồi tiết kiệm thời gian cho cả đôi bên, vì tôi nghĩ rằng Mentor này chưa hẳn đã chú trọng nhất đến khả năng viết lách của một Content-writer mà đang... phỏng vấn cho vị trí MC. Đây cũng là một ví dụ cho việc yêu cầu của doanh nghiệp khác với Industry standard nhưng vẫn ca thán dập nồi dìm thuyền. Bệnh muôn thuở. Các bạn nên nhớ rằng đích đến cuối cùng trong công việc của mình là khách hàng chứ không phải Mentor hay Senior trong công ty. Một khi khách hàng đã lên tiếng thì Senior cũng phải im mồm thôi.
(2) Lý do thứ hai cho việc nhận xét toxic chỉ là vì sự toxic đơn thuần. Tôi không có bất kỳ lý giải gì thêm cho lý do quá hiển nhiên này. Có thể họ đã từng bị như vậy trong quá khứ và tự cho rằng đây là Industry standard. Đây chỉ là suy đoán của tôi, nhưng điều này có thể là một ví dụ minh chứng cho việc nạn nhân của toxic, bạo hành và sự kiềm tỏa thường lặp lại chính những vấn đề này trong cuộc sống của họ.
Đối với một quốc gia gần 100 triệu dân, tháp dân số hình kim tự tháp, số lượng người trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi đổ lên chiếm hơn 50,7 triệu người và số lượng người theo học chương trình Cao đẳng, Đại học cũng như các chương trình đào tạo ngắn hạn không chính quy khác không hề thấp, thì việc thiếu nhân lực có một phần rất lớn do sự bất đồng trong giao tiếp và tư duy giữa người lao động và đơn vị tuyển dụng.
Thế ở nước ngoài họ làm thế nào?
Bởi vì hiện tại tôi chỉ đang học tập, làm việc và sinh sống tại một quốc gia của châu Âu, nên trước mắt sẽ dẫn ra những dẫn chứng tại quốc gia này. Tuy nhiên những dẫn chứng này, theo như nhận xét của tôi, nó gần như khớp với chuẩn chung của EU và cũng đang phát triển theo định hướng chung của EU.
Trong quá trình xin việc, nếu như HR và Senior gặp được bạn trẻ đề cập đến Spiderum trong CV kể trên, họ sẽ cảm thấy có hứng thú và sẽ hỏi thêm về những nội dung bạn ấy đã viết trên Spiderum. Đối với họ, việc kinh khủng nhất là những người trẻ ngồi im không chịu trải nghiệm, chứ không phải là một người trẻ cố gắng tìm đến cho mình những trải nghiệm trong tầm với, kể cả trái ngành, khi mà họ phải lặn lội từ con số 0 trong lãnh vực ấy. Điều ấy chứng tỏ rằng ứng viên có khả năng học hỏi, tìm hiểu và tự thích ứng vào một lãnh vực. Điều quan trọng nhất là họ sẽ không "dìm" ta xuống, mà sẽ góp ý để phát triển, điều này cũng để lại ấn tượng tốt trong ứng viên, khiến họ có một sự nể phục đối với HR, tạo động lực cho họ apply lại lần sau thậm chí là giới thiệu cho người thân và bạn bè về công ty này. Họ không chê bai dè bỉu đập vào mặt và một khi gặp phản ứng lại thì lại bảo rằng "cái tôi" của ứng viên quá cao, rằng họ chỉ đang góp ý phát triển để tốt cho bản thân ứng viên mà thôi. Nhiều nhà tuyển dụng ở Việt Nam quên mất rằng chính họ nhiều khi cũng đang áp đặt cái tôi của họ lên ứng viên. Cách góp ý cũng thể hiện được rất nhiều về nhân cách con người cũng như mức độ học vấn, tu dưỡng của bản thân.
EU cũng đang thiếu nguồn nhân lực trầm trọng, nhất là ở quốc gia đầu tàu EU là Đức. Lý do chính là vì tỉ suất sinh của họ đang nằm ở mức âm trong nhiều năm qua. Mức độ tăng trưởng dân số của nhiều nước phát triển trong khối EU thậm chí là hoàn toàn xuất phát từ dân nhập cư. Thế nhưng ngoài việc tỉ suất sinh này, thì lý do chính khác là vì nhiều ngành nghề không còn thu hút được nhân lực bản địa vì môi trường làm việc toxic, mức lương thấp và điều kiện làm việc quá sức cực khổ. Ví dụ điển hình nhất là 2 ngành: F&B và Y tế.
Đối với ngành F&B thì việc chủ nhà hàng đối xử tệ với nhân viên, ăn chặn tiền boa và đuổi việc vô tội vạ không còn hiếm. Hầu như F&B chỉ tìm được nhân công từ những người nhập cư hoặc sinh viên làm ngắn hạn để kiếm tiền chi trả cho việc học.
Đối với ngành Y tế thì áp lực làm việc 10-12 tiếng một ngày, chi phí y tế bị cắt giảm để bổ sung vào những mặt khác của cuộc sống khiến cho lực lượng điều dưỡng và bác sĩ đang trong bờ vực burn-out. Đối với bác sĩ, họ phải thi kì thi đầu vào được mệnh danh là khó nhất trong các kỳ thi (không khác VN mấy ở điểm này), vùi đầu học 7-8 năm để rồi burn-out trong vòng 10 năm làm việc. Điều dưỡng thì lại còn phải ngày ngày hứng chịu những cơn hỉ nộ bất thường từ bệnh nhân. Cũng chính vì sự thiếu thốn nhân lực mà nước Đức trong khoảng thời gian 5 năm gần đây tuyển rất nhiều học viên điều dưỡng từ Việt nam để bù vào khoảng trống, vì việc tăng lương đồng bộ cho ngành này có thể dẫn tới việc sụp đổ toàn bộ hệ thống bảo hiểm y tế và lương hưu.
Có một cái rất hay mà tôi gặp được trong quá trình học tại Áo, đó là dù ở bất cứ ngành nào, bạn cũng phải trải qua một học phần về luật, trong đó quan trọng nhất là bộ Luật Lao Động. Các bạn không chỉ có những nghĩa vụ bắt buộc phải thực thi, mà còn có những quyền lợi thuộc về mình. Ở Áo có 2 cơ quan nhà nước ở 2 bờ chiến tuyến, một cơ quan đứng về phía doanh nghiệp và cơ quan còn lại thì đứng về phía người lao động. 2 cơ quan này phản pháo lẫn nhau để bảo vệ phía của mình, điều này tạo nên một cán cân cần thiết trong mối quan hệ lao động. Ví dụ có một hôm cơ quan bảo hộ doanh nghiệp đưa tin rằng:
Chúng tôi đang thiếu nhân lực chuyên biệt trầm trọng.
Thì chỉ trong 5 phút, bên cơ quan bảo hộ người lao động lên bài:
Nhân lực không thiếu, chỉ có lương là thiếu.
Ở Việt Nam tuy cũng có luật Lao Động đầy đủ quy định cả mức lương thử việc và thời hạn thử việc tối đa, nhưng nhiều công ty thích chơi theo "luật rừng" và ứng viên cũng vì rice shirt, rice money mà cắn răng làm theo. Tôi nghĩ cái này nên bỏ ngay lập tức.
Ngoài ra tại Việt Nam, tôi thấy rất buồn rằng phần lớn những người có tiền, có quyền thì lên tiếng rất to và ai cũng răm rắp nghe theo, kể cả khi họ lên tiếng một cách rất funny như lần tôi đả kích việc shark Linh cho rằng các bạn trẻ cần phải ở lại công sở sau giờ làm việc để làm việc thêm hoặc học thêm một cái gì đó. Các bạn phải nên nhớ rằng bất kì một cá nhân nào cũng sẽ hướng về lợi ích của bản thân của họ đầu tiên. Chủ lao động sẽ tìm mọi cách để cắt giảm chi phí và nâng cao lợi nhuận cá nhân lên hàng đầu. Cùng ở vị trí người làm công ăn lương như các bạn, tôi cảm thấy chúng ta phải bảo vệ lấy nhau, phải biết phản biện trước những tư duy, những phát ngôn tưởng chừng vô thưởng vô phạt của những vị "doanh nhân" ấy, đừng để nó ngấm dần vào văn hóa làm việc và tạo thành một cái Industry standard trái pháp luật. Một khi các bạn tự đưa mình vào vị trí "tình nguyện" ở lại cống hiến thêm sau giờ làm việc, thì đó là lúc không có một điều khoản luật nào có thể lấy lại được quyền lợi cho các bạn. Cứ mỗi giờ “tự nguyện cống hiến”, hay “ở lại học thêm” trôi qua tại công sở là con của bạn lại thêm một giờ vắng bóng mẹ cha, bố mẹ của bạn lại đợi thêm một giờ bên mâm cơm nguội, người yêu bạn dần xa thêm một bước hoặc ví bạn mỏng đi một mm cho một bữa ăn ngoài khi đã quá muộn và mỏi mệt để nấu cơm. Trong khi đó năng suất của bạn hoàn toàn tỉ lệ nghịch với thời gian làm việc và liệu ngồi trong cái văn phòng mỗi ngày bạn dành 8 tiếng cuộc đời ấy có khiến bạn có thêm động lực để học thêm một cái gì đó hay không? Lúc ấy shark nào sẽ bù đắp lại cho bản thân và gia đình của bạn?
Hậu quả
Sinh ra tại một nước trải qua nhiều tang thương chiến tranh, tụt hậu về kinh tế và trong một tâm thái phải "đi tắt đón đầu", tôi hiểu được rằng mọi cá nhân phải cố gắng nỗ lực, nhưng cũng đừng quên đi rằng bất cứ nước đi nào cũng có 2 mặt của nó mà tôi đã nhìn ra được từ nhiều năm trước, chỉ không ngờ rằng hậu quả đến sớm hơn tưởng tượng. Cống hiến cần phải đi kèm với sự công nhận và tưởng thưởng thích đáng, bởi vì ai cũng phải sống cho bản thân và gia đình của mình cả. Công ty không phải là Tổ quốc để ta cống hiến quên đi bản thân, thời lao động hợp tác xã đã qua từ lâu rồi và hiệu quả ra sao thì ai cũng biết.
Chúng ta đang dần có một thế hệ burn-out đầu tiên, và một thế hệ lo sợ burn-out tiếp sau. Việc có nhiều bài viết, nhiều bài hát, hay những hướng tư tưởng về việc "về quê trồng rau nuôi cá" theo tôi là một minh chứng cho việc giới trẻ càng lúc càng mệt mỏi và chán nản trong môi trường làm việc toxic. Mặc dù không phải Gen Z, nhưng tôi rất thông cảm rằng cứ mỗi một thế hệ tiếp nối là họ lại phải học lại tất cả những kiến thức tích tụ từ tất cả những thế hệ đi trước, trong khi cơ hội việc làm thì càng lúc càng hẹp hơn do tỉ lệ cạnh tranh cao. Và đến giờ trong giới Gen Z, thậm chí Gen Y đang càng lúc càng nhiều người có tư tưởng sống thiên về trải nghiệm và không sinh con vì họ đã quá bận bịu với công việc và áp lực cuộc sống.
Châu Âu đang lâm vào cơn khủng hoảng này, và có những hệ lụy mà họ không thể nào vãn hồi được nữa, thế nên họ ưu tiên "bảo dưỡng bền vững" nguồn nhân lực. Chúng ta đi sau, đã nhìn thấy được, nhưng liệu chúng ta cũng sẽ nối gót họ hay không? Việc khuyến khích sinh đẻ và kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam chỉ giải quyết được nguồn cung ban đầu, chứ không đảm bảo được sự bền vững trong suốt quá trình lao động. Châu Âu hiện tại đang lấy nguồn lao động từ những nước châu Á, châu Phi đang phát triển, nhưng đến khi Việt Nam cần, chúng ta sẽ lấy nguồn lao động từ đâu?
Kết luận
Qua bài viết này, tôi hy vọng nhà tuyển dụng và các ứng viên có thời gian để nhìn nhận lại vấn đề này một cách rõ ràng với tinh thần cởi mở, cùng nhau phát triển bền vững. Việc các nhà tuyển dụng thể hiện sự hào nhoáng của bản thân mình không hề khiến cho các anh chị có thêm ứng viên, càng không khiến cho các ứng viên ấy trung thành với mình sau thời gian "học việc".
Sự toxic chỉ mang lại một vòng lặp toxic!
P/s: Có mỗi tiền tươi thóc thật và sự đối xử tử tế mới khiến đôi ta bên nhau mãi mãi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất