Đông Á Thanh Hóa của huấn luyện viên Velizar Popov mới đây đã đánh bại Công An Hà Nội ngay tại Hàng Đẫy một cách thuyết phục. Chúng ta hãy cùng mổ xẻ và phân tích cách chơi của đội bóng xứ Thanh trong trận đấu này.
Trong mùa hè vừa qua, Thanh Hóa đã có nhiều sự xáo trộn trong đội hình, có những cầu thủ ra đi và cũng có những cái tên mới cập bến, song lối chơi mà ông Popov gây dựng tại đây vẫn giữ nguyên và hoạt động một cách trơn tru trong trận đấu mở màn cho mùa giải mới này. Vẫn là lối chơi với cường độ cao, gây áp lực một cách quyết liệt, cùng với đó là khả năng triển khai bóng từ tuyến dưới tốt, kết hợp cả chuyền ngắn và chuyền dài và thực hiện những bài phối hợp nhóm nhỏ nhuần nhuyễn với nhịp độ nhanh.

1. Đội hình ra sân

Công An Hà Nội ra sân với sơ đồ 4-4-2 trên giấy tờ với bộ đôi tiền đạo ngoại là Geovane và Janio trên hàng công, trong khi Quang Hải được sử dụng ở vị trí tiền vệ phải. Đông Á Thanh Hóa tiếp tục chơi với sơ đồ 4-4-2 kim cương mà họ đã quen thuộc từ cuối mùa giải trước.
Hình 1. Đội hình ra sân của hai đội. CAHN (đỏ), Thanh Hóa (vàng)
Hình 1. Đội hình ra sân của hai đội. CAHN (đỏ), Thanh Hóa (vàng)

2. Thanh Hóa khi kiểm soát bóng

Được chơi tại sân đấu quen thuộc Hàng Đẫy, Công An Hà Nội rõ ràng không muốn chơi một thế trận phòng thủ trước đội bóng xứ Thanh. Ngay từ đầu trận, họ tỏ rõ ý định muốn dâng cao gây áp lực khiến đội bóng áo vàng không thể triển khai bóng từ sân nhà, qua đó giành quyền kiểm soát bóng nhiều hơn. Sơ đồ 4-4-2 của đội bóng thủ đô thường chuyển đổi thành 4-3-3 khi gây áp lực với việc Quang Hải được đẩy lên tuyến đầu.
Hình 2. Cấu trúc đội hình Thanh Hóa khi có bóng
Hình 2. Cấu trúc đội hình Thanh Hóa khi có bóng

Vai trò của thủ môn Thanh Diệp

Tuy nhiên, huấn luyện viên Popov đã chuẩn bị kĩ càng các đấu pháp để đối phó với điều đó. Thanh Hóa sở hữu Thanh Diệp – một trong những thủ môn chơi chân tốt nhất V-league mùa trước, cùng bộ đôi trung vệ tạo nên bộ 3 ở tuyến dưới cùng với khả năng cầm bóng vô cùng bình tĩnh và sẵn sàng mời gọi tuyến pressing đầu của CAHN áp sát. Bên cạnh đó, họ có bộ tứ tiền vệ tạo thành hình kim cương ở tuyến giữa áp đảo số lượng so với 3 người bên phía CAHN. Khi tuyến pressing đầu của thầy trò ông Trần Tiến Đại dâng lên gây áp lực, khoảng trống giữa hai tuyến của đội bóng này sẽ lộ ra do tuyến tiền vệ không thể tiến lên một cách đồng bộ và khoảng trống này thường sẽ được khai thác bởi Thái Sơn (Hình 2). Bản thân số 12 là một tiền vệ có khả năng di chuyển thông minh nhằm thoát khỏi cover shadow của đối thủ, từ đó anh có thể nhận bóng và phát triển lên phía trên nhờ khả năng chuyền bóng của mình.
Hình 3. Thái Sơn nhận bóng giữa hai tuyến
Hình 3. Thái Sơn nhận bóng giữa hai tuyến
Bên cạnh đó, việc sở hữu thủ môn chơi chân tốt giúp hai trung vệ của Thanh Hóa mở rộng vị trí đứng về phía hai biên và hai hậu vệ cánh của đội bóng này được đẩy lên chiếm vị trí cao hơn gần với các tiền vệ và tiền đạo nhắm tạo ra các tam giác phối hợp ở hai biên.

Trọng Hùng giúp Thanh Hóa áp đảo ở biên

Bộ đôi tiền đạo của đội bóng áo vàng bao gồm 2 người với lối chơi khá khác biệt. Trọng Hùng là cầu thủ có khả năng rê bóng và cầm bóng tốt, anh ta thường chơi dạt biên và hoạt động rộng trong khi Rimario với tốc độ và khả năng càn lướt sẽ thi đấu ở trung lộ và chờ đợi những pha chọc khe của đồng đội. Về cơ bản Trọng Hùng xuất phát ở cánh trái trong khi Rimario sẽ chơi lệch phải, song cả 2 cũng thường xuyên đổi vị trí cho nhau.
Hình 4. Trọng Hùng di chuyển sang cánh phải, Rimario tiếp tục vai trò là điểm nhận bóng ở trong
Hình 4. Trọng Hùng di chuyển sang cánh phải, Rimario tiếp tục vai trò là điểm nhận bóng ở trong
Với Trọng Hùng ở một hành lang biên bất kì, Thanh Hóa tạo ra thế áp đảo về mặt quân số ở đó như trong hình 2 với một tam giác phối hợp được hình thành một cách nhanh chóng ngay sau khi vượt qua được lớp áp lực đầu tiên của CAHN. Trong khi đó, 2 tiền vệ lệch của Thanh Hóa là Ngọc Tân và A Mít là những cầu thủ với nền tảng thể lực dồi dào liên tục thực hiện những pha di chuyển theo chiều dọc sân cũng như những pha tấn công chiều sâu giúp thu hút các cầu thủ đối phương. Hình số 5 là một tình huống khi Trọng Hùng di chuyển sang cánh phải. A Mít thực hiện pha tấn công theo chiều dọc qua đó thu hút hết các cầu thủ của CAHN và tạo khoảng trống ở khu vực nách trung lộ cho đồng đội khai thác.
Hình 5. A Mít hoạt động năng nổ tạo khoảng trống cho đồng đội
Hình 5. A Mít hoạt động năng nổ tạo khoảng trống cho đồng đội

Tuyến pressing của CAHN bị đẩy lùi

Việc chơi pressing không hiệu quả khiến CAHN phải thay đổi đấu pháp. Họ chuyển về khối 4-4-2 như trong hình 6 nhằm bổ sung thêm quân số ở tuyến tiền vệ, trong khi tuyến đầu chỉ còn 2 người gây áp lực vào các trung vệ đối phương và bỏ mặc thủ môn Thanh Diệp. Với việc đối phương triển khai khối áp lực thấp hơn, bộ đôi trung vệ và thủ thành Thanh Diệp sẽ có nhiều không gian và thời gian hơn để kiểm soát bóng.
Hình 6. Khối thủ 4-4-2 của CAHN
Hình 6. Khối thủ 4-4-2 của CAHN

3. Thanh Hóa khi không kiểm soát bóng

Pressing tầm cao và những khoảng trống lộ ra

Khi có bóng, đội hình 4-4-2 của CAHN có chút thay đổi. Quang Hải – tiền vệ sáng tạo ưa thích nhận bóng ở trung lộ sẽ di chuyển vào trong để lại hành lang cánh phải cho Văn Thanh dâng cao (Hình 7). Thanh Hóa đẩy cao đội hình nhằm áp sát đối thủ. Với tuyến tiền vệ đông đảo và bộ đôi tiền đạo vô cùng năng nổ, cự li giữa các vị trí trong đội hình của họ rất gần nhau giúp họ hỗ trợ nhau tốt trong những pha áp sát. Thanh Hóa sẽ ưu tiên gây áp lực ở trung lộ để dồn đối thủ về 2 biên. Việc gây áp lực tầm cao cũng khiến sơ đồ 4-4-2 kim cương mà đội bóng áo vàng sử dụng lộ ra những điểm yếu khi mà khoảng trống ở 2 hành lang cánh là khá nhiều. Việc Văn Thanh được dâng lên cao hơn tạo ra một mối nguy hại và ông Popov chọn cách đối phó tương đối mạo hiểm đó là để hậu vệ biên Thái Bình dâng lên theo kèm. Khi đó khoảng trống sau lưng cầu thủ này lộ ra và tiền đạo bên phía CAHN là Geovane thường xuyên khai thác. Geovane có những pha chạy chỗ thông minh giúp anh có một số cơ hội rõ rệt trong hiệp 1 nhưng lại không thể tận dụng được.
Hình 7. Khối đội hình của Thanh Hóa khi gây áp lực
Hình 7. Khối đội hình của Thanh Hóa khi gây áp lực
Hình 8. Geovane khai thác khoảng trống mà hậu vệ biên Thanh Hóa để lại
Hình 8. Geovane khai thác khoảng trống mà hậu vệ biên Thanh Hóa để lại

Lùi lại bảo vệ thành quả

Có bàn dẫn trước ở hiệp 1, sang đến hiệp 2 Thanh Hóa chơi an toàn hơn khi không dâng lên áp sát quá cao nữa. Họ triển khai khối mid-block theo sơ đồ 4-4-1-1 khi Trọng Hùng lui về chơi thấp như một tiền vệ (hình 9). Điều này khiến CAHN không còn nhiều khoảng trống để thực hiện những pha tấn công, họ bắt đầu chơi bế tắc trong khi hàng thủ thì lại luôn lo ngại trước mối đe dọa từ bộ đôi Romario và Antonio trong những pha phản công.
Hình 9. Trọng Hùng lùi thấp hơn và chơi như một tiền vệ
Hình 9. Trọng Hùng lùi thấp hơn và chơi như một tiền vệ
Huấn luyện viên Trần Tiến Đại đưa ra một vài sự thay đổi người trong hiệp 2 trong đó đáng chú ý nhất là việc Quang Hải rời sân nhường chỗ Văn Hưng – một tiền đạo. Không còn tiền vệ sáng tạo khiến lối chơi của đội bóng áo đỏ đơn điệu hơn. Ý tưởng của họ là tạo ra quân số áp đảo ở vòng cấm và khu vực trung lộ của đối thủ và đưa bóng trực diện vào khu vực này nhờ những đường chuyền dài và những quả tạt sớm. Tuy nhiên bộ đôi trung vệ của Thanh Hóa đã chơi xuất sắc nhằm hóa giải tốt những pha bóng bổng. Khu vực trước vòng cấm của đội bóng áo vàng trở thành điểm nóng khi là nơi hai đội tập trung tranh chấp bóng hai. Những pha tranh chấp 50 50 như thế này mang đến hiểm họa cho CAHN từ những pha phản công nếu như họ mất bóng ở khu vực này.
Hình 10. Cầu thủ ở biên của CAHN bị cô lập và mất bóng
Hình 10. Cầu thủ ở biên của CAHN bị cô lập và mất bóng
Ngược lại, hành lang cánh của đội bóng thủ đô được bố trí khá ít nhân sự. Các cầu thủ bám biên của họ bị cô lập và rất dễ mất bóng. Thanh Hóa tuy chơi thấp hơn nhưng họ vẫn giữ cường độ áp sát vô cùng gắt gao. Họ cố gắng thắt chặt khu vực trung lộ và bắt CAHN phải chuyền bóng ra cánh, sau đó cô lập đối phương ở cánh và giành lại bóng. Bàn thắng thứ 2 của đoàn quân thầy trò Popov đến từ một tình huống kiểu này. Thanh Hóa cướp bóng khi vây bắt đối phương ở cánh để rồi thực hiện pha phản công chớp nhoáng (hình 10).
Để thua bàn thứ 2, tinh thần các cầu thủ CAHN suy sụp để rồi họ tiếp tục nhận thêm bàn thua ngay sau đó. Mãi đến phút cuối đội bóng thủ đô mới tìm được bàn thắng danh dự, khép lại trận thua toàn tập về mặt chiến thuật.