Như đã đề cập đến ở phần đầu, các nhân vật xuất hiện trong phim đều là những người có lí trí, sống duy lí, sử dụng cái đầu nhiều hơn người khác. Cũng chính vì thế mà cảm xúc cá nhân của họ bị phần lí tính dồn nén xuống dưới, không cho thể hiện ra bên ngoài. At luôn muốn làm chủ, thích Tokita nhưng lại thể hiện ra bên ngoài một nhân cách lạnh lùng, tôn thờ trách nhiệm; Tokita dùng đồ ăn để lấp đi những phần suy nghĩ anh muốn giấu; Osanai che giấu cảm giác thua kém người khác bằng lòng khiêm tốn và tính cẩn trọng; ông chủ tịch bao che tham vọng bằng những lời lẽ đầy trách nhiệm; anh cảnh sát từ chối xem phim vì bộ phim gắn liền với kí ức không vui trong quá khứ. Những ẩn ức bị giấu kín trong thế giới thực tìm cơ hội bộc lộ thông qua giấc mơ.

Ở thế giới mơ, người ta thể hiện ra những khía cạnh bị ẩn giấu trong thế giới thực. Paprika hành động dựa trên những cảm xúc chân thực, dựa trên phần trực giác của bản thân cô. Paprika có cảm xúc đa dạng và sống động nhất phim. Không chỉ vậy, cô còn có khả năng thưởng thực nghệ thuật, xem phim mà biết cái hay của phim, trải nghiệm sự kiện diễn ra trong đó. Cuộc sống của Paprika vì thế mà sinh động hơn nhiều cuộc sống của những nhân vật khác, dù rằng cô chỉ là một nhân vật ảo tồn tại trong thực tại giấc mơ. Paprika là một phần của At, At cũng là một phần của Paprika. Hai tính cách đó tượng trưng cho phần ý thức, lí trí và phần bản năng, trực giác của trong một người. Nếu At là cô gái nhẹ nhàng, thiên về lí tính, là một nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực tâm lí trị liệu nhưng lại có xu hướng lãnh đạm với cảm xúc cá nhân và cảm xúc của những người xung quanh, thì Paprika lại thiên về bộc lộ cảm xúc, và là nhân vật đầu tiên và duy nhất có trải nghiệm nghệ thuật, có thể xuyên qua các thực tại một cách dễ dàng, cũng là người có thể gọi tên hoặc khơi gợi được những ẩn ức tồn tại trong Osanai, At, ông cảnh sát,… Chỉ cần để ý một chút, chúng ta sẽ thấy chính hai nhân cách song trùng này chịu trách nhiệm trị liệu cho các bệnh nhân, nhưng Paprika lại đóng vai trò then chốt trong việc khám phá ra những bí mật bị che giấu, bởi ở góc độ nào đó, chính cô cũng là một ẩn ức không được At bộc lộ ra ngoài, là cảm xúc cá nhân, là sự sợ hãi khi phải đối mặt với những thứ nguy hiểm,…

Một nhân vật đáng chú ý khác là ông chủ tịch. Trong phim, ông ta đại diện cho tham vọng bá chủ. Ông thao thao bất tuyệt về quyền riêng tư của con người, quyền của những giấc mơ nhưng lại muốn thống trị chúng. Ông chủ tịch trở thành hình mẫu bá chủ thống trị kẻ khác bằng giấc mơ (những mong muốn, ẩn ức, ký ức, tình cảm, cảm xúc,… của toàn nhân loại). Xem phim, chúng ta có quyền nghĩ về những kẻ luôn miệng rao giảng điều tốt đẹp nhưng chỉ toàn ham muốn và thực hiện những gì trái ngược. Chi tiết ông ta phải ghép cơ thể với Osanai – anh nhân viên luôn cảm thấy tự ti và ghen ghét với Tokita – cũng cho thấy một thực tế: Có thể coi ông ta đại diện cho một ý tưởng, và ý tưởng ấy chỉ có khả năng thành hiện thực khi có người thực hiện chúng. Ông chủ tịch với tham vọng xấu giống như một loài sống ký sinh, phải hút dinh dưỡng từ vật chủ để nuôi dưỡng sự sống của chính mình. Về phía vật chủ, những cảm xúc tiêu cực, sự nhiễu loạn thông tin chính là “thức ăn” cho giống loài kí sinh kia, đồng thời cũng là lỗ hổng để giống loài đó có thể “hack” vào hệ thống và điều khiển ngược lại vật chủ. Chỉ khi nào những vấn đề tiêu cực cũng như sự nhiễu loạn thông tin trong vật chủ được giải quyết thì giống ký sinh kia mới bị loại bỏ.

Trong phim, một mình Paprika sống thật vẫn không đủ để “cứu thế giới”. Con người chỉ có thể thoát khỏi quyền lực của ông chủ tịch khi và chỉ khi họ nhận thức được rằng bản thân đang bị nhốt trong những hoạt động lí tính, máy móc, không cảm xúc. Nếu thành thật với cảm xúc và suy nghĩ của chính mình, họ có thể thoát khỏi cảnh bị cầm tù.

Nhân vật cảnh sát cũng cần được đưa ra phân tích. Lúc đầu, ông xuất hiện với tư cách một người cần trị liệu để có thể giải quyết cho xong vụ án đang dang dở. Thế nhưng, khi đối mặt với những sự kiện diễn ra trong mơ, ông dần dần nhận ra những ẩn ức đang tồn tại phía sâu thẳm trong tâm hồn mình. Quá trình phát triển tâm lí của nhân vật này cũng được xây dựng công phu. Ban đầu, khi sống trong thực tại mơ, vì còn chưa hiểu rõ những gì đang xảy ra, ông ta liên tục sợ hãi, bị rơi vào tình trạng bị động. Tuy nhiên, khi mọi khúc mắc tâm trí đã sáng tỏ, thấu suốt được những gì diễn ra trong đầu mình, nhận ra giấc mơ không phải chuỗi hình ảnh vô nghĩa lặp đi lặp lại, ông đạt đến trạng thái minh mẫn, không còn sợ hãi, không còn ngây ngô như lúc đầu. Loại bỏ tình trạng bị động, đến nửa sau phim, ông cảnh sát trở thành nhân vật hỗ trợ đắc lực nhất cho Paprika.

Mối quan hệ giữa Paprika và ông cảnh sát cũng là một điểm thú vị. Một người sống trong thế giới mơ và có khả năng đi qua nhiều thực tại để giúp người khác thấy hiểu chính mình; một người là thành viên trong thế giới thực nhưng lại đi vào thực tại khác để khám phá tâm trí (cũng như tình cảm) của mình. Ở giữa họ không phải chỉ là sợi dây liên kết giữa bác sĩ và bệnh nhân. Hơn thế, họ phải lòng nhau. Tình cảm ấy vướng phải cách trở là sự phân tách giữa hai thực tại. Đến đây, ta không đặt câu hỏi “Paprika có thật không?”. Dường như khi thực tại xâm lấn thực tại, khi ẩn ức dâng lên và tràn ra ngoài để đối mặt cùng lí tính (thậm chí là có người định dùng nó để thâu tóm lí tính), thì cái gì cũng có thể được coi là “thật”. Mối quan hệ của hai người họ như một lời khẳng định chắc chắn có một sự liên kết giữa thực và mơ. Và mặc dù đó chỉ là mối liên kết mỏng manh, mơ hồ, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng nó không tồn tại.

Vẽ ra viễn cảnh một ngày giấc mơ tràn ra đời thực, tạo ra một mối liên hệ giữa con người với thực tại trong mơ, thực chất chính là khẳng định sự tồn tại cũng như tầm quan trọng của những gì đang bị con người cố sức dồn nén. Paprika vì thế không chỉ là bộ phim nói về hai phần thế giới, mà còn là diễn ngôn giải phóng cảm xúc cá nhân: Dồn nén cảm xúc vốn không thể làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Thế giới chỉ tốt đẹp hơn khi người ta nhận ra và hiểu rõ những cảm xúc, suy nghĩ xuất hiện bên trong tâm trí mình.
Xem thêm các bài viết khác tại Thần Bài.