Lý Tiểu Long đã thay đổi cái nhìn của người Mỹ về đàn ông châu Á như thế nào?
by Qi Sheng Luo Tháng 8 năm ngoái, bộ phim Once upon a time in Hollywood của Quentin Tarantino đã gây ra một vụ tranh cãi trên...
Tháng 8 năm ngoái, bộ phim Once upon a time in Hollywood của Quentin Tarantino đã gây ra một vụ tranh cãi trên mặt báo. Số là, trong phim, Tarantino đã khắc họa hình ảnh Lý Tiểu Long như một gã “trẻ trâu chính hiệu”, nóng nảy, kiêu căng và ngạo mạn.
Sự khắc họa này khiến những người ái mộ “Đường Sơn đại huynh” giận dữ, mà phần nhiều là những người Mỹ gốc Á. Sức ảnh hưởng của Lý Tiểu Long trong cộng đồng người Mỹ gốc Á khá lớn. Vài năm trước, trong một cuộc khảo sát ở Mỹ: “Người đàn ông Mỹ gốc Á nào mà bạn ngưỡng mộ nhất”, thì cái tên được nhắc đến nhiều nhất chính là Lý Tiểu Long.
Với chúng ta ngày nay, Lý Tiểu Long cũng giống như Marilyn Monroe hay John Lennon, những hình tượng văn hóa đã bám bụi thời gian, có thể dễ dàng đọc về họ trên Wikipedia, nhưng không thể nào cảm nhận được sức ảnh hưởng của họ lúc sinh thời, bởi vì chúng ta không được sống trong cái “không gian văn hóa” những năm 70 đó. Nhiều người thậm chí không biết vì sao người Mỹ lại đánh giá cao Lý Tiểu Long đến như vậy, xếp ông vào danh sách 100 nhân vật có sức ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 (tạp chí Time).
Muốn hiểu rõ vị trí của Lý Tiểu Long, có lẽ trước hết phải nhìn vào sự khác biệt của Hollywood trước và sau Lý Tiểu Long.
Trước Lý Tiểu Long, Hollywood mỗi khi làm phim có nhân vật nam giới Á Đông thì thể nào nhân vật đó cũng rơi vào một trong hai kiểu:
Một là những gã thâm độc da vàng với âm mưu giết đàn ông da trắng và chiếm đoạt phụ nữ của họ. Ví dụ tiêu biểu là bộ phim The Mask of Fu Manchu năm 1932.
Hai là những gã nữ tính, yếu ớt, nhu nhược hoặc gàn dở do diễn viên da trắng bôi phấn vàng lên mặt đóng giả (yellow face). Tiêu biểu là nhân vật Mr.Yunioshi trong Breakfast at Tiffany's (1961).
Như mọi người hẳn biết, thông qua các tái trình hiện (representation), truyền thông đại chúng tác động đến các chúng ta nhìn nhận thế giới. Cả hai sự khắc họa nói trên về người châu Á đều rất sai lệch. Chúng củng cố một cái nhìn không mấy thiện cảm của người Mỹ lên cộng đồng người nhập cư gốc Á, có thể đã tạo ra những định kiến, kỳ thị không đáng có.
Cho đến năm 1972, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, đàn ông Á Đông được khắc họa một cách khác hẳn: mạnh mẽ, điển trai và đầy chính trực, sẵn sàng chiến đấu vì công bằng và những người yếu thế. Đó chính là Lý Tiểu Long trong phim The Way of the Dragon. Trong phim, anh đánh bại cả Chuck Norris, một diễn viên võ thuật da trắng vốn rất nổi ở Mỹ lúc bấy giờ.
Chính Lý Tiểu Long là người đầu tiên làm thay đổi hình ảnh về đàn ông châu Á trong điện ảnh và cả trong thể thao. Điều này tạo ra một chuyển biến đáng kể với cộng đồng người châu Á sinh sống ở Mỹ.
Mike Moh, diễn viên đóng vai Lý Tiểu Long trong phim Once Upon a Time in Hollywood từng nói:
Là một trong số rất ít những thằng nhóc châu Á lớn lên ở ngoại ô Minnesota, tôi thường bị trêu chọc trong lớp và cảm thấy không thể hòa nhập. Rồi Lý Tiểu Long xuất hiện, và tôi thật sự ngỡ ngàng, anh chàng này cũng giống mình nhưng chiến đấu thật ngầu và làm bao cô gái mê mẩn. Tôi chưa từng thấy ai như vậy trước đó.
Dan Kwong, một nghệ sĩ sân khấu, cũng là người biên kịch cho vở Be like water, chia sẻ:
Ở độ tuổi đôi mươi của tôi (tức khoảng thập niên 70), chưa bao giờ tôi thấy một gã đàn ông châu Á được tôn trọng và ngưỡng mộ ở Mỹ. Nếu bạn là một gã nhập cư gốc Á, chẳng có gì ở ngoài đó để bạn hướng đến cả. Chẳng có gì hết. Cho đến khi Lý Tiểu Long xuất hiện. Nó giống như trưởng thành trên một sa mạc trống không và khô cằn, rồi một ngày leo qua ngọn đồi, bạn thấy Thái Bình Dương. Đó là Lý Tiểu Long. Anh ấy chính là đại dương.
Sự nổi tiếng của Lý Tiểu Long trong những thập niên cuối thế kỷ 20 đã đóng góp đáng kể vào việc thay đổi cái nhìn của người Mỹ và cả cách nghĩ của đại chúng về người châu Á.
Tôi thậm chí còn có một giả thuyết rằng, chính Lý Tiểu Long là nhân tố quan trọng trong câu chuyện về sự trỗi dậy của Cantopop, và nền điện ảnh Hồng Kông, với những gương mặt như Vương Gia Vệ hay Châu Tinh Trì, rồi xa hơn là đại lục và Đài Loan, mà nếu có thời gian tôi sẽ thử kiểm định điều đó.
Viết ngày 27.11.2019,
ngày sinh của mình và cũng là của Lý Tiểu Long
ngày sinh của mình và cũng là của Lý Tiểu Long
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất