Paprika là một bộ phim khoa học viễn tưởng được đạo diễn Satoshi Kon thực hiện và ra mắt vào năm 2006. Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Yasutaka Tsutsui, bộ phim kể về một thế giới có sự tiến bộ vượt bậc về khoa học công nghệ, các nhà nghiên cứu đã phát minh ra thiết bị có thể “đọc” được giấc mơ của những ai sử dụng nó. Từ đây, hàng loạt các sự kiện khác nhau diễn ra, đòi hỏi những người nghiên cứu có mặt trong dự án phải giải quyết triệt để. Với nhiều tuyến nhân vật và sự kiện, Paprika mở ra tầng tầng lớp lớp ý nghĩa cho người xem, đồng thời việc lí giải bộ phim cũng chưa bao giờ thôi kích thích người thưởng thức.

Trong Paprika, thứ mà người xem có thể nhận ra được là sự song song cùng tồn tại của hai thế giới mà ranh giới phân chia hai thế giới này là giấc ngủ. Tức là khi người ta thức, người ta sống trong một thực tại tạm gọi là thế giới thực, còn trong khi ngủ, người ta đi vào một thực tại khác, tạm gọi là thế giới mơ. Hai thế giới này ban đầu được tách biệt rất rõ ràng, tuy nhiên, vì một sự cố (thực chất là âm mưu của một người nghiên cứu), mà cuối cùng giữa hai thực tại lại có sự xâm lấn, hòa trộn vào nhau. Trước khi nhìn nhận một thực tại thứ ba là kết quả của sự xâm lấn, ta cần xem xét hai thực tại riêng biệt ban đầu:

Thực tại trong thế giới thực là nơi khoa học và công nghệ lên ngôi. Người ta có thể dùng nó để làm rõ và xử lí hầu hết các vấn đề. Đặc biệt, khoa học – công nghệ phát triển đến mức có thể dùng nó để làm công cụ trị liệu tâm lí cho con người (bằng cách dùng DC Mini thâm nhập vào giấc mơ của khách hàng).

Những con người tồn tại trong thế giới này đều thuộc nhóm người dùng lí trí, logic, khoa học để giải quyết các vấn đề. Đó là nhà khoa học At, Tokita, Osanai, ông chủ tịch, ông cảnh sát… Vì thuộc nhóm lí trí, logic, nên ở họ còn có điểm chung không thể chối cãi về mặt tâm lí: Phần cảm xúc luôn bị dồn nén xuống dưới, hành động bị can thiệp bởi lí trí hoặc tham vọng quyền lực khá nhiều, cuộc sống chỉ xoay quanh công việc hoặc nghiên cứu máy móc. Họ trị liệu giấc mơ của người khác mà lại không tập trung xử lí vấn đề của chính mình. Từ đây, một câu hỏi được đặt ra là: Khi không giải quyết vấn đề của mình, liệu họ có thể đủ sức để xử lí được vấn đề của người khác?
Không hoàn toàn giống với thế giới thực, thực tại trong thế giới mơ được khai thác trên phổ rộng hơn. Mới đầu, nhờ thiết bị DC Mini, con người mới có thể kết nối giấc mơ của 2 người dùng lại để đọc, nghiên cứu giấc mơ, từ đó phục vụ cho quá trình trị liệu tâm lí. Nhưng về sau, sự xâm lấn diễn ra khiến mọi giấc mơ có thể tương tác với nhau và tương tác với thế giới thực. Dần dần, ranh giới thực – mơ bị xóa nhòa. Giấc ngủ không còn là cánh cổng duy nhất để đến với thực tại trong mơ nữa.

Thực tại trong thế giới mơ là sự phản chiếu đầy đủ nhất của thế giới thực. Ở nơi đó, vừa có những thái quá của khoa học công nghệ, vừa có sự quá đà của những vấn đề khúc mắc trong cuộc sống và trong tâm trí mỗi người (máy móc, chuyện ăn uống, quyền lực,…), nhưng cũng tồn tại cả điện ảnh tượng trưng cho nghệ thuật, tồn tại đủ mọi cung bậc cảm xúc của cá nhân, đồng thời cũng xuất hiện những cuộc phiêu lưu, cuộc đối đầu, có cả tình yêu, sự ghen ghét, đố kị, có cả cái chết. Có thể nói, thế giới mơ là một “liên thế giới” hoặc “siêu thế giới”. Thực tại ở nơi đây rộng lớn, đầy đủ hơn thực tại mà trước khi ngủ con người trải qua. Hay chính xác thì đạo diễn đã tái hiện lại được một thế giới hoàn chỉnh mà ở đó, không tồn tại sự phân chia thực – mơ.

Bằng việc xóa nhòa lằn ranh thực – mơ, nhà làm phim đã khẳng định tầm quan trọng của những giấc mơ, từ đó xem xét giấc mơ như một thế giới riêng tư đang vận hành bên trong mỗi cá nhân. Và để nhìn nhận thế giới một cách đầy đủ nhất, ta cần thiết phải soi rõ cả thực và mơ.
(Còn tiếp)
Đọc các bài khác tại đây: Thần Bài