PAPERCRAFT- TẤT CẢ NHỮNG GÌ TUI BIẾT VỀ MÔ HÌNH GIẤY
Mô hình giấy đầu tiên của tui :"> Mấy bác từng nghe qua Papercraft hoặc Mô hình giấy và muốn tìm hiểu thêm, thì trong bài...
Mấy bác từng nghe qua Papercraft hoặc Mô hình giấy và muốn tìm hiểu thêm, thì trong bài này tui sẽ nói hết tất cả những gì tui biết về bộ môn ức chế này. Nếu trong Spiderum có bác nào cũng chơi Mô hình giấy (MHG) và có kinh nghiệm gì đó thì chia sẻ cho anh em với nhé :)
Trong bài này sẽ có rất nhiều hình ảnh, có đầy đủ link full HD không che, và có bao nhiêu thông tin tui biết bao nhiêu mẹo nho nhỏ tui gõ hết. Mong là sẽ có ích cho bà con :)
Đầu tiên, tui sẽ giới thiệu sơ qua về MHG:
Mô hình giấy là mô hình, làm bằng giấy.
Mô hình- là những bản sao theo tỷ lệ của vật thể. Ở trên các bác có thể thấy đó là bản sao của quả xe máy siêu ngầu của Kaneda trong Akira 1988.
Giấy- cụ thể là giấy bìa. Thông thường chúng ta dùng giấy 180gsm (gram trên mét vuông) hoặc giấy 120gsm (cho mô hình Gundam chẳng hạn, tui sẽ nói thêm sau :)). Có thể là giấy bìa trắng được in màu, hoặc là chỉ dùng giấy bìa màu để in.
Những đặc điểm nổi trội của MHG bao gồm sự tiện dụng cũng như ức chế của nó.
Ưu điểm của MHG là nó khá là dễ "chơi", dễ bắt đầu. Người mới chơi với người chơi lâu năm cũng không khác nhau nhiều về cái bộ "tool". Chưa hết, MHG rất là "rẻ" :) Tui nói thiệt, ai mà éo có tiền (như tui) thì cứ quẩy MHG, siêu phê. Tui in một tờ bìa cứng 3k, một mô hình thông thường, như một cái MBH Iron Man chẳng hạn, cũng chỉ tầm 12-15 kit, so ra không có nhiêu tiền. Và quan trọng nhất là MHG đẹp. Chỉ cần lựa tiệm in đẹp là mô hình sau khi hoàn thành đẹp ngất ngây. Ví dụ, mấy bồ tèo chơi Gundam sẽ còn cần thêm sơn lót, sơn bóng, đi line,... để mô hình của mình không-giống-đồ-chơi. Mấy bồ chơi figure thì cố gắng trồng cây vàng hoặc bán thận để theo :)
Cái ức chế nhất của MHG là nó làm bằng giấy. Nếu mấy bồ tèo bảo quản không kỹ, nó sẽ bị ẩm, và sẽ hỏng. Tất nhiên thông thường chúng ta sẽ phun một lớp sơn ATM bóng để bảo quản. Ngoài ra có thể làm một cái hộp mica. Tui đã thử, nhưng không làm :) Mẫu Megaman của tui khá bự, và khá tự hào :"> nên tui tính làm hộp mica. Mẫu Megaman in ra 12 tờ, thành ra 36k, trong khi mua mica (thường) 40x80cm người ta tính tui 80k :v Thôi về, éo làm nữa.
Nhưng đỉnh cao của MHG là các bác cực kỳ đau khổ khi làm những chi tiết nhỏ. Chưa kể làm xong còn dính nhiều vấn đề nữa. Dần dần tui sẽ nói hết trong bài :)
Giới thiệu sơ vậy là đủ, cho các bác có cái thú. Sau đây, để minh họa cho tốt thì tui sẽ viết theo các bước mà tui làm MHG Bomberman. Sau đây là thành phẩm (sau 3 ngày) :)
Đọc thêm:
Có nhiều bài trên mạng hướng dẫn về MHG, và nó đều khá đầy đủ (tui cũng bắt đầu từ trên đó :)) nhưng tui vẫn muốn viết bài này. Thứ nhất, các bài trên mạng đầy đủ nhưng chưa có bài nào làm theo kiểu minh họa mà tui dự định. Thứ hai, trên Spiderum chưa có. Và thứ ba, có nhiêu tui viết hết, anh em có ai biết thêm thì góp ý. Tui không phải trùm làm MHG, tui mới chơi chưa được 1 năm (chắc 8 tháng) nhưng tui mong những thông tin tui viết sau đây sẽ giúp ích cho bà con.
CHƠI MÔ HÌNH GIẤY CẦN NHỮNG CÁI GÌ?
Trước hết, ở mọi dòng mô hình, mô hình nhựa, mô hình giấy, mô hình kim loại, mô hình gỗ,... theo tui thấy đều có 3 phần chính: Tách chi tiết, Lắp ghép và Bảo quản. Tui sẽ viết về các bước của MHG theo 3 phần này.
TÁCH CHI TIẾT:
Để tách chi tiết thì bồ tèo cần có một cái "kit". Kit (hay runner trong Gunpla) là những chi tiết của mô hình chưa được tách rời nhau ra. Trong MHG, kit là một tờ bìa đã được in màu. Để tách các phần, bồ tèo dùng dao rọc giấy, hoặc kéo.
Khi dùng dao, bồ tèo nên dùng một miếng bìa để lót. Khuyến khích mua tấm lót cao su nếu có điều khiện, nó bảo vệ mũi dao tốt lắm. Tui không dùng tấm lót cao su nhưng tui có lấy bìa lịch block dày tầm 5mm. Mấy bồ có thể dùng một cái tạp chí cũ, dày, nhưng thường nó sẽ để lại các vụn giấy, dọn mất công hơn.
Mũi dao nếu không được bảo vệ sẽ nhanh bị cùn. Ngoài việc gây tốn kém (thay mũi) thì sẽ còn làm hỏng nét cắt trong mô hình của các bồ tèo.
Trước khi dùng dao, nên dùng bút bi hết mực. Bồ tèo dùng bút bi hết mực để tạo nếp gấp cho MHG. Tui làm mấy mô hình to to nên bút bi là ok rồi, nhưng nếu các bác có dự định làm Gundam hoặc những chi tiết nhỏ thì nên dùng một cây bút tạo lằn chuyên dụng.
Ngoài ra, còn có một dụng cụ nữa là một que xiên thịt :) đây là dụng cụ để các bác uốn cong tờ giấy. Cái này sẽ khá tiện dụng khi các bác làm các chi tiết như bánh xe, nòng súng,...
Thước: nên dùng thước kim loại để khỏi bị bay lưỡi dao vào tay :v tui đã bị 1 lần rồi :v
Keo: nên dùng keo sữa, tầm 5k/lọ. Các bác có thể dùng keo 502 cho những chi tiết nhỏ, flap (phần bôi keo) ít, tuy nhiên nên hạn chế vì nó sẽ làm xấu mô hình và khá là độc.
Dao: chỉ cần dao rọc giấy là đủ, không cần dao mổ. Tuy nhiên khi bắt đầu một mô hình nào đó thì nên bẻ lưỡi dao để mũi dao thật bén. Đó là cái đạo đức của tui :>
Sau khi tách chi tiết thì các bồ sẽ ghép lại với nhau. Ghép làm sao?
LẮP GHÉP:
Như mỗi con Gundam đều cần tờ hướng dẫn, MHG cũng vậy. Tuy nhiên, trong MHG khác hơn một chút, chúng ta dùng một phần mềm gọi là Pepakura Viewer để đọc file đuôi .pdo. Có những model cũ (như con xe Kaneda tui làm) không có file .pdo mà hoàn toàn dùng .pdf thì việc tham khảo hướng dẫn rất khó khăn. Đây là cái lợi mà file .pdo mang lại:
Mấy bồ tèo có thể click vào các part 3D của mô hình để xem nó là part 2D nào trên kit. Chưa kể, nếu các bác coi được bằng Pepakura Design (một vài tác giả sẽ đặt password cho file .pdo của mình để người xem chỉ có thể mở bằng Pepakura Viewer) thì còn có thể chỉnh sửa kích thước của mô hình nữa. Các bác cứ google thêm nhé.
À, một cái rất tuyệt nữa ở Pepakura Design là bồ tèo có thể tự tạo một cái mô hình giấy nếu bồ tèo có mẫu 3D. Nó sẽ tự động "rã kit" cho bồ tèo và bồ tèo chỉ việc in ra và làm :)
Lưu ý nhỏ khi dùng keo: các bác không nên dùng trực tiếp mà nên nhỏ một vài giọt (cả keo sữa lẫn 502) vào một tấm bìa và lấy tăm bông chấm mút :)
Có một "nghệ nhân" trên mạng chia sẻ với tui là khi mà thằng chả làm mấy cái sừng của gundam, thằng chả bơm 502 vào kim tiêm và nhỏ dần dần dể dán.
Tui hỏi chả là nếu mà keo 502 nó đóng cục và làm tắc mũi tiêm thì phải lấy cái mới à.
Thằng chả bảo thằng chả lấy mũi kim hơ lửa. Bảo phê lắm, như chơi ma túy.
Bà con nào thử xem.
Nói về keo dán thì tui nói luôn về việc dán keo :) MHG có một đặc điểm là bị cộm mép dán. Khi dán hai mép giấy với nhau thì sẽ có một phần của tờ giấy bị cộm lên. Chính cái cộm này làm cho mối nối có một vệt màu trắng. Vệt này là do mặt cắt của tờ giấy tạo nên. Để xử lý cái này, chúng ta có 2 hướng:
Với kit in trên giấy bìa trắng, chúng ta có thể dùng kỹ thuật "no-flap" hoặc "tách flap". No-flap là các bác bỏ flap luôn, nghĩa là cắt luôn phần dán keo và tạo một phần dán keo khác ở dưới tờ giấy. Nó còn gọi là flap chìm. Tách flap là kỹ thuật mà các bác tách một nửa tờ giấy bìa, để phần flap mỏng hơn và đỡ cộm hơn.
Hai kỹ thuật này tui không dùng, vì mấy mô hình tui làm cũng không quan trọng cái này lắm. Nói chung đây là tùy ý các bác muốn thôi, dùng hai kỹ thuật này thì mô hình sẽ đẹp hơn rất nhiều. Mà tui thấy nó đau khổ quá :) làm để vui chứ làm mà để khóc thì thôi không làm đâu :)
Các bác có thể đọc thêm tại đây, tui cũng tham khảo tại đây:
Với kit in trên bìa màu, thì hình như là không cần làm gì thêm vì riêng bìa màu đã có phần mặt cắt của kit nó trùng màu với màu của bìa rồi :)
Các bác có thể xem vài mẫu MHG Gundam sử dụng giấy nhũ (giấy bìa màu 120gsm và có màu nhũ như kim loại) rất đẹp. Tui không theo dòng Gundam nhưng mà nghe bảo các bác ấy thường in laser mấy mẫu này:
Tui thì không thích làm Gundam Papercraft lắm vì nhìn vào là muốn khóc rồi :) Một cái chia sẻ nho nhỏ là theo tui cái quan trọng nhất ở MHG không phải là bác khéo tay hay không mà là bác yêu cái mô hình đó đến mức nào.
Quả xe của Kaneda tui hoàn thành trong lúc đang thi cuối kỳ 2 năm ngoái. Lẽ ra để thời gian ôn tập Vật Lý Bán Dẫn, tui lại làm mô hình giấy. Mà lại là mô hình đầu tiên của tui. Tui đã xem Akira rồi. Sau đó có Ready Player One và tui thấy "nhớ" cái xe Kaneda quá. Và tui làm. Sau đó VLBD tui được 5. nhưng mà cái xe Kaneda là niềm tự hào to lớn mà tui sẽ mang theo tới lâu thiệt lâu. Bồ tèo có thể xem quá trình tui làm tại đây: https://drive.google.com/drive/u/1/folders/1czTKfimUk6HgujgWGYmk2dqoVo2xVXW6
Đại khái ý của tui là bồ tèo nên chọn một mô hình mà bồ tèo thực sự gắn bó để có thể hoàn thành. Sẽ có những giai đoạn rất nản và gần như bỏ cuộc nhưng tui tin chắc bồ tèo sẽ làm được (nếu bồ tèo muốn nó đủ nhiều :))
Đây là album quá trình tui làm em Megaman này. Tui coi như nó là kỷ niệm 1 năm RCAS :">
Ví dụ như đau đớn nhất của em Megaman này là cái tay :)
Một trong những điểm mạnh của MHG là các bác có thể làm một cái mô hình mà các bác không thể mua. Xe Kaneda, Megaman, Metaur,... toàn là những thứ em muốn mua nhưng không có lúa :) vậy nên ngoài việc rèn luyện một quả tim nhiệt huyết thì MHG còn góp phần bảo vệ bồ lúa của chúng ta các bác ạ :)
Chỉ cần lên google hình ảnh, search tên mô hình + papercraft. Gần như 85-90% cứ lần nào em search là cũng ra mẫu để mà làm :)
Một mẹo nữa là các bác hãy giữ các vụn bìa lại. Thứ nhất, vứt đi rất là tốn. Thứ hai, các bác có thể dùng nó để nhồi vào trong một vài chi tiết, giúp nó trở nên cứng và nặng hơn. Như trong hình dưới là tui nhồi vào phần thân và hai chân của Bomberman.
BẢO QUẢN
Để bảo quản đứa con tinh thần của mình thì các bồ tèo cần giữ nó khỏi ẩm thấp, nắng nôi và va đập vật lý :v Vì vậy, theo em tốt nhất nên phủ cho em nó một lớp sơn bóng ATM (có thể mua ngoài tiệm sơn hay cơ khí, tầm 30k/lọ, dùng được 4-5 mô hình) và cho vào tủ kính. Khóa lại :)
Để sơn thì các bác chỉ cần sơn 2-3 lớp, cách nhau khoảng 3-4 tiếng và phơi nắng cho khô thôi. Chú ý không nên phun quá nhiều, sơn sẽ thấm vào lớp bìa và làm hỏng màu của một vài chi tiết trong mô hình. Tui sơn con Megaman hơi quá tay và đã bị như vậy, dù bây giờ nó cứng lắm :)
Vậy là hết rồi đó. Các bác có thể làm một cái hộp mica nếu có lúa :) tui cũng muốn làm lắm mà không có điều kiện :)
Mong các bác thấy bài viết này hữu ích.
Để tăng độ hữu ích, em sẽ tổng hợp cuối bài cho các bác.
TỔNG HỢP:
1. Mô hình giấy là gì?
Mô hình giấy là một thú vui tao nhã đầy ức chế mà một con người đơn giản có thể đạt được. Chỉ cần có một cái máy tính, vài ba chục để ra tiệm in và một trái tim với ngọn lửa ham chơi mãnh liệt là có thể đắm chìm với bộ môn này.
Đặc điểm của MHG là nó rẻ, khá dễ làm, nhiều mẫu vô kể và không cần phải sơn, tô, bảo quản quá phức tạp. Tuy nhiên, người chơi cần đôi chút lưu ý về khả năng chịu ẩm, chịu nắng, chịu trẻ con của loại mô hình này.
2. Chơi Mô hình giấy cần cái gì?
Dao: dùng để rọc, cắt chi tiết. Có thể dùng bất kỳ loại dao nào, hạn chế dao phay, dao gọt trái cây. Khuyến khích sử dụng dao rọc giấy và dao chơi hobby chuyên dụng.
Kéo: kéo gì cũng được.
Thước: nên dùng thước kim loại cho an toàn.
Keo dán: sử dụng linh hoạt keo sữa và keo 502. Keo sữa dùng nhiều hơn.
Bút kẻ lằn: bút bi hết mực hoặc bút chuyên dụng.
Tăm bông: dùng để phết keo sữa. Cắt chéo phần thân để phết keo 502.
Nhíp: sử dụng để kẹp chặt các mối dán, nhất là những mối dán khá nhỏ.
Đọc thêm:
Và tải Pepakura Viewer về.
Niềm tự hào của em :"> link model đây: http://www.papercraftsquare.com/d-arts-style-mega-man-x-free-papercraft-download.html
3. Bảo quản Mô hình giấy ra sao?
Các bác có thể trưng tủ kính hoặc cho vào hộp mica. Tuy nhiên, lời khuyên thật lòng là nên phun sơn bóng ATM 2-3 lớp để tạo cho MHG độ bền và độ cứng, không bị bụi (nếu có vẫn có thể lau chùi) và kháng ẩm.
Trưng tủ kính cho đẹp và luôn khóa lại để bảo vệ an ninh.
Nếu đã có lúa thì làm cái hộp mica và làm thêm dàn đèn cho đẹp.
Nhưng đa phàn chỉ cần kiếm từ google là sẽ có :)
Một vài bài viết em đã từng đọc khi mới bắt đầu, các bác có thể tham khảo thêm :)
Cuối cùng, cảm ơn các bác đã đọc bài viết của em, mong các bác thấy vui khi làm một cái MHG cho riêng mình :*
Em muốn đăng thêm mấy hình nữa cho trót về BST của em, nhưng mà bên Spiderum có cái giới hạn số ảnh, nên em đành đăng vào trong Album trên facebook, có gì bà con vào xem cho vui :)
Life style
/life-style
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất