Ông Tổ nghề gái điếm và nghề ăn trộm
Tổ nghề có đôi lông mày trắng (thần Bạch Mi) lạ lùng nhất trong các Tổ nghề. Không những thế, ông còn được các nhà chứa và cả giới...
Tổ nghề có đôi lông mày trắng (thần Bạch Mi) lạ lùng nhất trong các Tổ nghề. Không những thế, ông còn được các nhà chứa và cả giới ăn trộm coi là ông tổ nghề của mình
Do gần gũi về mặt địa lý cũng như có sự ảnh hưởng, giao thoa văn hóa với Trung Quốc mà ở Việt Nam, một thời, thần lông mày trắng (thần Bạch Mi) vẫn được không ít nhà chứa và nhiều tên trộm chuyên nghiệp thờ để được phù hộ cho được đông khách, dễ “làm ăn”.
Một ông tổ hai "nghề" cùng thờ
Mặc dù là tổ nghề song lại là của những "nghề" khá nhạy cảm và bị xã hội lên án nên thường tục thờ thần Bạch Mi không được phổ biến rộng rãi hay nói khác chỉ những người trong "nghề" mới am tường.
Trong giới "buôn phấn bán hương", tục này được Đại thi hào Nguyễn Du miêu tả trong Truyện Kiều, đoạn Mã giám Sinh đưa Kiều về giao cho Tú bà, Tú bà bắt Kiều quỳ lạỵ tổ, như sau:
“Giữa thì hương án hẳn hoi/Trên treo một tượng trắng đôi lông mày/Lầu xanh quen thói xưa nay/Nghề này thì lấy ông này tiên sư/Hương hoa hôm sớm phụng thờ/Cô nào xấu vía, có thưa mối hàng/Cởi xiêm trút áo sỗ sang/Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm/Đổi hoa lót xuống chiếu nằm/Bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi”.
Như vậy, có thể thấy, phàm những nhà chứa, hoặc gái làng chơi xưa đều thờ cúng Thần Bạch Mi. Cứ đến mồng một, ngày rằm thì đều lấy khăn tay lau mồ hôi lau qua mặt Thần một lượt. Có làm như vậy mới được khách thương yêu lưu luyến không thôi.
Hoặc, trong lúc làm ăn vắng khách, bị ế hàng, chủ nhà chứa hoặc chính bản thân gái bán hoa đến trước thần Mày Trắng, trút bỏ cả quần áo, đốt hương van vái, cầu nguyện. Ðoạn lấy hoa mới cúng trên bàn thờ đem lót ở chiếu mình nằm, tất sẽ đắt khách hàng...
Trong giới "đào tường khoét vách" thì việc thờ vị thần này lại kèm theo những luật lệ nghiêm ngặt và phức tạp hơn. Chẳng hạn, ngoài những lễ cúng thông thường vào ngày rằm, mồng một, theo luật tổ, chỉ được truyền cho con cái ruột hoặc con rể chứ không được truyền cho người dưng. Nếu tuyệt tự thì có thể chọn con nuôi. Sau khi được tổ "ô kê", môn sinh uống rượu thề có pha tiết gà sống và bắt đầu theo chân sư phụ (thường là cha) học nghề ngay đêm đầu tiên.
Khi nhập môn được nhập môn với cấp "lôi". Môn sinh chỉ theo sư phụ để cảnh giới, cũng là học điều nghiên hiện trường. Đúng một năm sau, môn sinh sẽ được lên cấp "điện", được truyền dạy lý thuyết "phép" ẩn thân, độn thổ và được phép leo vô hàng rào phụ giúp khuân đồ mang ra ngoài.
Một năm sau, môn sinh mới được luyện thực hành ẩn thân và độn thổ, đồng thời học thêm "phép" bấm độn, đoán ngày xui, tháng hạn, giờ xuất hành. Thành thục phép này, có khi 2-3 năm, môn sinh mới được "thi" lên cấp "phong". Không vượt qua được cấp này, môn sinh sẽ bị sư phụ làm phép giải nghệ, cho đi... ăn mày.
Đọc thêm:
"Kỹ nữ" là một danh từ. Nghe thấy từ này, có lẽ chúng ta thường liên tưởng ngay đến nghề bán dâm. Nhưng nhìn từ lịch sử hình thành...spiderum.com
Sau khi đạt cấp "phong", môn sinh phải thực hiện thành công đủ 99 vụ trộm mà không bị nạn nhân bắt quả tang mới được tiếp tục vượt qua một bài thi rất đơn giản để leo lên cấp "hỏa": Sư phụ bảo học trò nhập nha vào một nhà. Chờ cho học trò chui khuất vào trong, sư phụ... la làng: "Bớ làng xóm! Có ăn trộm!".Gã học trò phải tìm đủ mọi cách thoát thân an toàn. Đạt cấp "hỏa" xem như gã học trò được giữ chức "trợ lý ăn trộm" và có quyền lập bàn thờ tổ và nhận đệ tử. Gã trộm đạt cấp "hỏa" có đủ bản lĩnh xuất quỷ nhập thần, lỡ vận thất thời còn có thể làm thầy tử vi xem ngày giờ cưới gả, xuất hành, mua may bán đắt để độ nhật.
Từ cấp "hỏa" gã trộm phải tiếp tục nhập nha thành công 99 vụ để lên cấp, tuần tự theo: hỏa, sơn, thủy, thổ, mộc. Ở mỗi cấp cao hơn, đạo chích có thêm một số quyền năng nhiệm mầu hơn.
Vậy Thần Bạch Mi là ai?
Dù không phổ biến và chính thống nhưng chắc chắn ở Việt Nam có tồn tại việc thờ vị thần lông mày trắng này. Vậy thần Bạch Mi có xuất xứ từ đâu và tại sao được thờ?
Có hai thuyết nói về vị thần này còn gây nhiều tranh cãi. Thuyết thứ nhất cho rằng, đó chính là Tể tướng nước Tề thời Xuân Thu.
Nguyên đời Xuân Thu, Quản Di Ngô tức Quản Trọng được Tề Hoàn công vời đến, bàn về quốc sách trước khi được phong làm Tể tướng, có hỏi: "Làm sao có của đủ dùng trong nước?".Quản Trọng hiến kế thưa: "Khai mỏ để đúc tiền, nấu nước biển làm muối cho lợi chung cả thiên hạ, buôn để một chỗ, đợi dịp cao mà bán ra lấy lãi; lập 300 nhà nữ lư cho khách buôn bán đi lại tụ họp mua vui để lấy thuế....".
Lập "nữ lư" tức là lập nhà chứa gái để khách mua vui. Ðể họ làm lén hay khi khách mua hoa - nhất là hạng thương buôn - thì biết có chỗ. Thế là bọn gái nầy vừa có tiền, lợi cho cá nhân vừa nộp thuế làm lợi cho nhà nước.
"Nữ lư" có thể được coi như một tổ chức lầu xanh đầu tiên. Cho nên, nghề làm này "thì lấy ông nầy tiên sư", suy tôn là một vị tổ để cầu cho được phát đạt, cửa hàng đông khách và cũng như nhiều nghề khác... đều có tổ!
Quản Trọng có đôi mày trắng như trong tranh vẽ, được Hoàn công nước Tề phong làm Tể tướng, lại còn được các lầu xanh tôn là thần Bạch Mi làm tổ của nghề.
Ðời nhà Minh (1368-1648), các lầu xanh có tục lạ là đuổi vía, khi cô nào vắng khách, bị ế hàng thì đến trước thần Mày Trắng, trút bỏ cả quần áo, đốt hương van vái, cầu nguyện. Ðoạn lấy hoa mới cúng trên bàn thờ đem lót ở chiếu mình nằm, tất sẽ đắt khách hàng.
Một thuyết khác lại cho rằng, thần Bạch Mi chính là Hồng Nhai Tiên Sinh trong truyền thuyết cổ đại của Trung Hoa. Sách Vạn Trai tỏa lục kể rằng, kỹ nữ Hồng Nhai người thời Tam Hoàng, là người đầu tiên mở ra kỹ viện và được coi là thủy tổ của nghề kỹ nữ. Sách Lữ Thị Xuân Thu, Cổ Thi nói: “Thần Bạch Mi nguyên là bề tôi của Hoàng Đế có danh là Linh Luân, là người chế ra nhạc luật”.
Bạch Mi Ưng Vương - Ân Thiên Chính
Linh Luân nghe được tiếng chim kêu phân ra được 12 luật, Hoàng Đế mới sai Linh Luân đúc 12 chiếc chuông để hòa với ngũ âm”. Sách Lộ Sữ cũng chép: Linh Luân chế ra khánh để hòa với bát âm, đều hòa với ngũ âm thành ra lịch pháp, phối hợp với bát âm xếp thành ngôi thứ. Từ đó mấy kỹ nữ (gái làng chơi xuất thân từ nhạc công) mới lấy Thần Bạch Mi tức Hồng Nhai Tiên Sinh, hoặc gọi Linh Luân làm tổ sư gia.
Đến thời "Phản Thanh phục Minh", thành viên các "hội kín" được huấn luyện 5 kỹ năng tình báo gồm: hành thích (ám sát), hành tẩu (bỏ chạy), hành ẩn (ẩn trốn), hành quy (hóa thân) và hành phục (nhập vai) theo từng đẳng cấp. Căn cứ vào đẳng cấp, họ được phân vào vai ăn mày, thích khách, kỹ nữ để làm "tình báo" lấy thông tin.
Có thuyết còn cho rằng, các lực lượng phản Thanh phục Minh lấy các lầu xanh làm trạm giao liên. Để phân biệt với các lầu xanh bình thường, họ thờ Bạch Mi Lão Thần để làm ám hiệu. Công cuộc phản Thanh phục Minh thoái trào, nhân sự Thiên Địa Hội tỏa khắp các nơi, bị mất gốc và chuyển hóa thành các kỹ viện, lầu xanh.
Bài viết của Thinh Vu tại Science2vn.
/lich-su
- Hot nhất
- Mới nhất