BÊ BỐI HỌC THUẬT LỚN NHẤT CANADA
Câu truyện về vụ bê bối học thuật lớn nhất Canada. #Jordan_Peterson #Lindsay_Shepherd #Wilfrid_Laurier
Ngày 10 tháng 11 năm 2017, một nữ giảng viên trường đại học Wilfrid Laurier đã gửi một đoạn ghi âm dài 42 phút cho báo National Post và hai tờ báo địa phương khác. Không lâu sau, công chúng toàn thế giới được biết tới vụ bê bối tự do học thuật lớn nhất Canada trong gần một thế kỉ. Vậy mọi chuyện đã bắt đầu như thế nào?
1. Chút khác biệt về nền tảng
Du học nước ngoài là giấc mơ của rất nhiều học trò người Việt, một phần vì hệ thống giáo dục Tây phương đã phát triển sớm hơn và mạnh hơn. Thế nhưng khác biệt lớn nhất giữa hệ thống học thuật cũng như văn hóa Tây phương nằm ở những giá trị cốt lõi. Họ đánh giá cao sự tự do học thuật – tức là việc tạo điều kiện cho các ý tưởng khác nhau được cạnh tranh rồi dựa vào quá trình ấy để chọn lọc ra ý tưởng vững chắc nhất.
Lý tưởng này có thể được thấy rõ nhất trong tuyên bố sau của Voltaire: “Tôi có thể không đồng tình với điều anh nói, nhưng tôi sẵn sàng hi sinh để bảo vệ quyền được nói ra những điều anh nghĩ”. Vậy có nghĩa là nếu một nền giáo dục được định hướng theo đường lối xã hội chủ nghĩa như Việt Nam có quyết định ưu tiên một ý tưởng nhất định – thì đó là chuyện bình thường, nhưng nếu một nền giáo dục Tây phương làm vậy thì ối giồi ôi…
2. Mọi thứ bắt đầu từ một chương trình truyền hình
Mọi thứ bắt vào ngày 1 tháng 11 năm 2017, khi nữ giảng viên 23 tuổi Lindsay Shepherd đang dạy sinh viên của trường đại học Wilfrid Laurier môn “Bối cảnh hội thoại tại Canada”. Tại môn học này, trong khi trao đổi về chủ đề ngữ pháp và danh xưng, cô có chia sẻ 2 trích đoạn trong một chương trình “Nghị sự với Steve Paikin” của đài TVOntario (1).
Hai clip này được trích trong tập “Giới, quyền và tự do ngôn”, xoay quanh cuộc khảo sát quan điểm và tranh luận giữa Giáo sư tâm lý học Jordan Peterson với Nhà sử học Nicholas Matte chuyên dạy nghiên cứu đa dạng giới.
---------------GS Peterson là một trong những người chỉ trích dự luật C-16 với lý do rằng dự luật này là cơ sở pháp lý cho việc cưỡng bách ngôn luận, khi nó buộc mọi người phải sử dụng danh xưng như zie, zher hoặc fae… Ông cho rằng dự luật này là “một nỗ lực kiểm soát ngôn ngữ bằng quyền lực và sắc lệnh để tạo ra một kết quả bất tự nhiên”.
--------------------Trong khi đó Nicholas Matte thì cho rằng ông Peterson đã ngược đãi sinh viên qua ngôn ngữ thù địch khi “không gọi người khác theo cách mà họ tự hình dung về nhân cách và phẩm giá của mình.”
Sau khi theo dõi 2 clip này, sinh viên trong lớp đã tranh luận sôi nổi. Có em ủng hộ góc nhìn của GS Peterson, có em thì vẫn phân vân. Thế nhưng không ai thể ngờ rằng những giảng viên khác trong trường lại sẵn sàng ngụy tạo bằng chứng để kết tội cô Lindsay, nhằm định hướng cuộc hội thoại về danh xưng này.
Lưu ý rằng dù chưa biết quan điểm của ông Peterson là sai hay đúng tại thời điểm đó (đã có nhiều sự vụ chứng minh rằng lo lắng của Peterson là có cơ sở) thì trình bày các góc nhìn 1 cách trung lập là cách tiếp cận phù hợp với cốt lỗi Tây phương nhất.
3. Buổi cải tạo đầy tai tiếng
Quản trị viên Toby Finlay của trung tâm Cầu vồng, một nhóm trợ giúp cộng đồng LGBTQ kể rằng đã có một sinh viên biểu đạt sự lo lắng về hai clip tranh luận trong lớp của cô Lindsay (một điều tra viên độc lập đã chứng minh rằng thông tin này là ngụy tạo.) Rồi dựa vào đó, văn phòng Đa dạng và Quân bình của trường đại học đã tổ chức một buổi kỉ luật cảnh cáo hành động của cô Lindsay. Và trong buổi kỉ luật này, cô đã ghi âm đoạn hội thoại vô cùng căng thẳng kéo 42 phút khi cô bị Nathan Rambukkana – giảng viên giám sát, Adria Joel - ủy viên ban phòng chống bạo lực giới và Herbert Pimlott – giám đốc chương trình học thuật chỉnh đốn tư tưởng.
Vin vào tính bảo mật, ba người họ không cho cô Shepherd biết ai là người tố giác và nội dung của lời tố giác cũng như số lượng lời tố giác mà chỉ nói “một hoặc nhiều sinh viên đã chia sẻ lại” những sự lo lắng của họ.
Trong buổi họp cải tạo kéo dài 42 phút, cô Shepherd đã bị kết tội “tạo ra môi trường độc hại cho sinh viên” khi trình chiếu 2 đoạn clip và lựa chọn một quan điểm trung lập.
Với tư cách là một giảng viên, Shepherd cho rằng sinh viên cần được tiếp xúc với những quan điểm thịnh hành, và cô cần phải trình bày các quan điểm mà không chọn phe (như đã nói ở phần 1, đây là giá trị cốt lõi của Tây phương).
Còn vị giám đốc chương trình học thuật thì lại "so sánh cuộc tranh luận về danh xưng VS việc tranh luận xem liệu một sinh viên da màu có quyền con người hay không", và cho rằng "đó không phải một lập trường trung lập về tri thức".
Cô Shepherd liền đáp lại rằng "chủ đề này vẫn chưa có sự nhất trí và quả thật là các góc nhìn vẫn đang được khám phá". Thế nhưng vị giám đốc tiếp tục định hướng tư tưởng của cô bằng cách so sánh việc trình chiếu một cách trung lập clip GS Peterson phát biểu, cũng giống như “trình chiếu một cách trung lập bài phát biểu của Hitler”.
Herbert Pimlott cho rằng trình chiếu clip đó mà không kèm sự chỉ trích thì là “trái ngược hoàn toàn so với những gì chúng ta vẫn đang giảng dạy”.
Buổi họp kết thúc khi cô Shepherd nhượng bộ ba vị cải tạo viên trong nước mắt. Họ cũng yêu cầu cô phải nộp lại giáo án trước mỗi buổi học vì sự cố vừa qua. Đó là hình phạt duy nhất của cô, dù rằng Rambukkana có úp mở rằng có thể cô ấy sẽ phải chấp nhận những quyết định của các thành viên khác trong khoa.
4. Nhởn nhơ và tiếp tục gây hại
Sau khi tung đoạn ghi âm cho tờ National Post và hai đài địa phương, người dân trong nước và toàn thế giới phải ngỡ ngàng vì sự kiện đã xảy ra. Hiệu trưởng Deborah MacLatchy đã đăng một lá thư xin lỗi ngày 21 tháng 11 và nói rằng “buổi họp không phản ánh giá trị cũng
như lý tưởng của trường” (nhưng lại rút lại lời xin lỗi này không lâu sau). Ba thành viên trong hội đồng cải tạo ấy cũng đăng những lời xin lỗi mang tính hình thức mà không hề thay đổi thái độ và cũng không chịu hình thức kỉ luật nào.
Thậm chí họ tiếp tục sử dụng quyền hành để chèn ép cô Shepherd trong phạm vi quyền hạn của họ, buộc cô phải từ chức và bỏ nghề. Cô không thể tiếp tục theo đuổi con đường học thuật vì sự vụ này đã dập tắt bất cứ cơ hội ứng tuyển nào của cô. Các ban tuyển dụng rất khó tính và chỉ một scandal nhỏ tý xíu cũng đủ để loại một ứng viên.
Vào năm 2018, cả cô Lindsay và GS Peterson đã quyết định đưa việc vụ này ra tòa án và yêu cầu 3 kẻ trong hội đồng kiểm duyệt và cả Đại học Wilford Laurie phải bồi thường. Sau đây là một số cáo buộc lớn nhất của cô Lindsay trước và sau trong buổi họp.
A. Peter Urquhart, trưởng ban truyền thông tới dự giờ của cô Lindsay và cung cấp những lời động viên tinh thần cho sinh viên của cô, chứ không hỗ trợ cô. Khi báo McLean hỏi lý do dự giờ, ông trả lời “Đi mà hỏi cô ta ấy, hẳn là cô ta đã ghi âm buổi học đó rồi mà. À mà phóng
viên chuyên nghiệp các người hẳn là đã nghe bản ghi âm rồi nhỉ?” Đó là hành động sự dụng quyền lực để nhạo báng và đe dọa công khai cô Lindsay.
B. Sau khi khóa học của Rambukkana kết thúc, cô được giao làm trợ giảng cho giáo sư Judith A. Nicholson, một người đã công khai thể hiện quan điểm tiêu cực về cô Lindsay trước đó. Người giáo sư này cũng đã kí lá thư mở thể hiện sự ủng hộ hai vị cải tạo viên Nathan Rambukkana và Herbert Pimlott, dẫn đến việc cô Shepherd buộc phải làm việc trong sự bất lực tại một môi trường độc hại. Cô Shepherd đã bị người giáo sư này gây hấn và lạm dụng nhiều lần trước mặt sinh viên và các trợ giảng viên khác.
Đỉnh điểm là khi cô Shepherd xin ý kiến người giảng viên này để được đổi lịch học nhằm mục đích gặp lại các học trò khóa cũ. Người giáo sư này đã làm mọi cách để cản trở cô, bao gồm hủy buổi hướng dẫn khóa luận của Shepherd dù thời gian rất xông xênh, và cố tình sắp xếp để cô Shepherd bị trùng lịch và không còn cơ hội gặp lại và hướng dẫn các học trò khóa cũ.
C. Em Ethan Jackson - một nhà hoạt động chuyển giới đã đăng hàng loạt những cáo buộc quấy rối, ngay cả khi cô Shepherd đã hoàn
thành chương trình đào tạo và không gặp Ethan nữa. Thế nhưng trường đại học đáp trả bằng cách dựng lên một cuộc điều tra chính thức, dù những cáo buộc ấy thật vớ vẩn và đầy ác ý. Em Ethan tiếp tục gây hấn với cô Shepherd tại nhiều thời điểm khác sau khi những cáo buộc đã được bác bỏ.
5. Những bài học đắt giá
Sự vụ này đã để lại những tiếng xấu cho trường ĐH Wilfrid Laurier, dù hiệu trưởng Deborah MacLatchy và 3 thành viên của hội đồng kiểm duyệt với những người đã gây khó dễ cho cô Lindsay đều không bị ảnh hưởng gì. Người thiệt thòi nhất trong sự vụ này là cô Lindsay, khi cô bị buộc phải từ bỏ con đường học thuật và chuyển sang ngành báo chí.
Cho đến giờ, thông tin mới nhất về vụ kiện của GS Peterson và cô Lindsay là tại thời điểm tháng 11 năm 2021, trường Wilfrid Laurier đã đệ đơn xin tòa án xóa bỏ hai vụ kiện này.
Hội đồng kiểm duyệt ở Canada chỉ có 3 người, và khi thông tin về sự vụ bị rò rỉ ra ngoài thì đã có nhiều người dân lên tiếng để bênh vực cô Lindsay Shepherd. Vậy theo bạn, nếu một sự vụ tương tự xảy ra ở Việt Nam thì hội đồng sẽ có bao nhiêu người, sẽ gọi bạn lên vì lý do gì, sẽ phạt bạn theo khung hình nào và liệu có ai lên tiếng bênh vực bạn không?
Tôi xin kết thúc bài viết bằng việc copy nguyên si lại 1 meme sau, mọi người hãy thử suy ngẫm về nó 1 chút nhé:
Trong trường hợp nhóm này bị điều tra bởi các cơ quan trực thuộc bộ công an (hoặc các tổ chức chính trị tương tự phục vụ cho nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam), tôi khẳng định mình không liên quan tới nhóm hoặc những cá nhân khác trong nhóm này. Tôi không rõ tại sao mình lại có mặt ở đây vào thời điểm này, có lẽ tài khoản của tôi đã được thêm bởi một bên thứ ba. Tôi cũng xin khẳng định rằng mình không hề giúp sức cho những hành động chống phá Đảng và nhà nước của các thành viên trong nhóm này.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất