The Curious Case of Leonardo Da Vinci
Leonardo Da Vinci - Thiên tài của những thiên tài - Một bài viết ngắn về cuộc đời, nghệ thuật và tư tưởng của Ngài
Họa sĩ, nhà điêu khắc, người vẽ phác thảo, kỹ sư, nhà thiết kế sân khấu, kiến trúc sư, nhạc sĩ, nhà giải phẫu học, nhà tự nhiên học, nhà vật lý học, nhà thiên văn học, người vẽ bản đồ,nhà thơ,... và mỗi công trình của ông đều thể hiện được tư duy đi trước mình. Bạn có đoán được đó là ai không?
Người đó có tên bắt đầu bằng chữ cái L và kết thúc bằng chữ cái “i”. Vâng nhưng không phải Lionel Messi hay Light Yagami đâu bạn ạ. Đó chính là Leonardo Da Vinci. Nếu có một cuộc bình chọn “ai xinh đẹp nhất lịch sử”, “ai thông minh nhất thế giới”... thì tranh cãi sẽ nổ ra. Nhưng để nói “nhà khoa học sáng tạo vĩ đại nhất trong lịch sử” là Leonardo Da Vinci thì chắc chắn sẽ là lựa chọn của đa số chúng ta. Trong suốt chiều dài lịch sử được ghi lại, rất ít người có thể đứng ngang hàng với ông về óc sáng tạo cũng như kĩ năng điêu luyện trong nhiều lĩnh vực như vậy.
Nhưng có phải Leonardo bẩm sinh đã là thiên tài? Cuộc đời của ông như thế nào?
Vài nét về tuổi thơ và đời sống thanh niên
Leonardo da Vinci là con ngoài giá thú của Ser Piero, một công chứng viên giàu có ở Florence. Ông được nuôi nấng và dạy dỗ trong bí mật bởi một vị linh mục và một ông chú tại một ngôi làng nhỏ gần Florence. Ở những ngôi trường bình thường vào thời điểm đó, học sinh không được phép viết bằng tay trái và bị bắt buộc phải dùng tay phải. Nhưng vì không thể theo học ở trường, ông được phép tự do sử dụng tay trái, viết từ phải sang trái. Leonardo không có cơ hội học tiếng Latinh hoặc tiếng Hy Lạp, vì vậy ông không thể đọc các sách giáo khoa lớn thời bấy giờ được viết bằng tiếng Latinh. Ông thường tự mô tả mình là “... omo sanza lettera… (một người đàn ông không được học hành tử tế).” May mắn thay chính nhờ điều đó ông mới không bị ảnh hưởng và nhiễm ô bởi tri thức đương đại chứa đầy mê tín và sai lầm. Với sự hướng dẫn của hai người thầy bên cạnh, ông đã nhận được một hình thức giáo dục thay thế và tận dụng lợi thế của nó.
Ở tuổi 15, ông bắt đầu học nghề tại tại xưởng vẽ nổi tiếng của Andrea Verrocchio ở Florence. Ngay ở tuổi này ông đã chịu trách nhiệm thực hiện một số tác phẩm cho nhà thờ và các bức vẽ khổ lớn bằng đồng và đá hoa cương. Trong một lần hợp tác với người thầy của mình, chàng thiếu niên Leonardo đã vẽ hình thiên thần ấn tượng đến mức mà sau đó thầy đã thề là sẽ không bao giờ cầm vào bút vẽ nữa. Leonardo vẫn tiếp tục làm ở xưởng nghệ thuật cho tới năm 1477.
Bức tranh nổi tiếng đầu tiên do Leonardo da Vinci thực hiện vào năm 1973, khi ông chỉ mới 21 tuổi. Đây là một trong những bức tranh phong cảnh đầu tiên không xuất hiện bất kỳ biểu tượng tôn giáo hay con người nào. Với bối cảnh thời kì Phục Hưng tại thời điểm đó, bức tranh đã thể hiện sự dũng cảm của Leonardo khi tách nhà thờ ra khỏi các khía cạnh nghệ thuật và khoa học của đời sống.
Thay vào đó, người xem nhìn thấy một khung cảnh có tỷ lệ tương đối của Thung lũng Arno và không có bất kỳ yếu tố nào bị bóp méo hoàn toàn. Đây là một phát triển cần thiết vì các bản đồ và tranh phong cảnh vào thời điểm này bị ảnh hưởng dưới góc nhìn của Chúa và Da Vinci đã chỉ ra rằng không phải mọi thứ đều cần có mối quan hệ với Chúa hoặc nhà thờ, người xem phong cảnh hoàn toàn có thể đứng dưới vai trò là một con người bình thường để vẽ lại theo góc nhìn của chính họ.
Thời còn trẻ, Leonardo liên tục gặp khó khăn về kinh tế. 10 người anh kế và 2 người chị kế của ông, những đứa con hợp pháp của Ser Piero, đã loại đu ra khỏi số tài sản kếch xù mà họ nhận được. Trong bối cảnh chính trị khó khăn của nước Ý đương đại, với nhiều thành bang nhỏ, không ít lần tương phản và thường xuyên xảy ra chiến tranh với nhau, Leonardo phải chuyển từ thành phố này sang thành phố khác.
Năm 1492 Leonardo rời Florence đến thành phố Milan. Ông được giao vị trí phục vụ Ludovico Sforza, Công tước xứ Milan, sau khi viết một bức thư xin việc. Nội dung bức thư đó như sau:
Thưa ngài Lãnh chúa lừng lẫy nhất, nếu như Ngài đã xem xét đầy đủ mô hình của tất cả những người tự xưng là những người chế tạo công cụ chiến tranh lành nghề, và hiểu rằng việc phát minh.. các công cụ nói trên không có gì khác biệt so với những thứ đang được dùng phổ biến: tôi sẽ cố gắng… trình bày tôi với Đức ngài, cho Đức ngài thấy bí mật của tôi, và sau đó đề nghị ngài vui lòng và tán thành để làm cho Ngài những điều mà một phần sẽ được ghi chú ngắn gọn dưới đây. 1. Tôi có một loại cầu cực kỳ nhẹ và chắc chắn, được điều chỉnh để dễ mang theo nhất, và với chúng, Ngài có thể truy đuổi và chạy trốn kẻ thù bất cứ lúc nào; và những thứ công cụ khác an toàn và không thể phá hủy bằng lửa và chiến tranh, dễ dàng và thuận tiện để thiết đặt. Ngoài ra các phương pháp đốt cháy và tiêu diệt các cỗ máy chiến tranh của kẻ thù. 2. Tôi biết cách múc nước ra khỏi chiến hào, và làm vô số cây cầu, lối đi và thang có mái che, cùng các máy móc khác liên quan đến những cuộc chinh phạt như vậy. 3. Khi bao vây một địa điểm, nếu vì chiều cao của hào lũy hoặc sức mạnh phòng thủ của nơi đó kiên cố mà không thể sử dụng kế hoạch bắn phá, tôi có phương pháp để phá hủy từng tảng đá, từng pháo đài, ngay cả khi nó được xây dựng trên một quả núi, v.v. 4. Lại nữa, tôi có các loại pháo cối; thuận tiện và dễ dàng mang theo nhất; và với những thứ này, tôi có thể tạo ra một cơn bão đất đá; và với làn khói của thứ này gây ra nỗi kinh hoàng lớn cho kẻ địch. 5. Và nếu cuộc chiến diễn ra trên biển, tôi có nhiều loại máy móc hiệu quả nhất để tấn công và phòng thủ; và các tàu sẽ chống lại sự tấn công của các loại đạn pháo lớn nhất.
Trên thực tế, chính vì Leonardo tự nhận mình là một nhạc sĩ vượt trội nên ông mới được giao vị trí như đã yêu cầu. Ông vẫn là một nghệ sĩ tại Milan trong mười tám năm, vẽ nhiều bức chân dung và trang trí cho các bữa tiệc trong cung điện. Niềm đam mê của ông với các cơ chế máy móc phức tạp trở nên mãnh liệt hơn. Ông nghiên cứu vật lý, sinh học và toán học trong thời gian dài, áp dụng kiến thức mới của mình vào nhiệm vụ của mình với tư cách là một kỹ sư. Tuy nhiên, sở thích của Leonardo quá rộng nên ông thường bỏ dở các dự án. Một trong số đó không thể không kể đến đó là những nghiên cứu giải phẫu học có thể nói là đi trước thời đại của ông.
Leonardo da Vinci: Con người của khoa học
Khi Leonardo da Vinci qua đời (ngày 2 tháng 5 năm 1519), các ghi chú và bản phác thảo giải phẫu của ông được chuyển theo di chúc cho người bạn trung thành Melzi, người đã bảo vệ chúng như tài sản quý giá nhất của mình khi còn sống; nhưng thật không may, sự tôn trọng này đã không được truyền cho những người thừa kế của Melzi. Nhiều nghiên cứu giải phẫu của Leonardo đã lưu lạc từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác mà không ai hiểu giá trị thật sự của nó. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được những công trình này của ông đã biến mất ở đâu trong dòng sông thời gian.
Nhưng qua những gì còn sót lại, người ta chắc chắn rằng Leonardo bắt đầu mổ xẻ khi ông khoảng 37 tuổi trong bệnh viện Santa Maria Nova ở Florence sau đó là ở Milan nơi ông phục vụ cho Lãnh chúa, và rồi ở Rome khi ông đã 61 tuổi, cho đến khi Giáo hoàng Leo X cấm việc đó.
Người ta cho rằng tổng cộng ông đã mổ xẻ hơn ba mươi thi thể đàn ông và phụ nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau, và cả nhiều loài động vật khác nhau. Các công trình giải phẫu của ông đã thực hiện vượt xa các yêu cầu của giải phẫu nghệ thuật. Ông chú ý đến các cơ quan nội tạng hơn cả Vesalius hay các nhà giải phẫu học đương thời. Người nghệ sĩ quan tâm gì đến não thất, cấu tạo của quả tim, đường đi của các dây thần kinh và mạch máu? Chính niềm yêu thích lớn lao đối với nghiên cứu giải phẫu và sinh lý học đã khiến ông tiếp tục làm việc một cách lén lút trong suốt nhiều năm, với ánh sáng kém và nhiều khó khăn khác, nhưng đã đạt được những kết quả đáng kinh ngạc! Ông là người đầu tiên mô tả tử cung như một cơ quan có buồng chứa, mô tả chính xác bộ xương người, thí nghiệm tiêm vào mạch máu các chất đông, tạo khuôn hình não bộ, cố gắng chế tạo lại cơ bắp và các khớp xương.
Tuy nhiên dù Leonardo đã đạt được rất nhiều thành tựu trong việc hiểu đúng về cơ thể con người, tác phẩm của ông đã được định sẵn là không có ảnh hưởng đối với sự phát triển của giải phẫu và y học, bởi vì nó không được biết đến rộng rãi cho đến khi nhiều thế hệ trôi qua và sau đó chỉ được nghiên cứu thông qua các ghi chép rời rạc. Các nhà nghiên cứu Leonardo chỉ ra rằng công việc của ông trong các ngành khoa học khác cũng vô dụng giống như công việc của ông trong giải phẫu học. Trong suốt quãng đời nghiên cứu của mình, ngoài mổ xẻ cơ thể người, ông còn tìm hiểu thêm rất nhiều về cấu tạo của các loài thú, chim và cá.
Và dù đã nghiên cứu vấn đề hàng không trong nhiều năm qua việc giải phẫu chim và tuyên bố rằng thiết bị bay phải được chế tạo giống như cơ thể của một con chim để “có thể tự giữ thăng bằng và di chuyển trong không trung như một con chim lớn...” nhưng những nghiên cứu của ông không được các thế hệ tiếp theo biết đến và phải tới tận 400 năm sau chiếc máy bay đầu tiên mới có thể cất cánh.
Leonardo da Vinci: nhà tư tưởng, người truyền cảm hứng thời đại
Từ thế kỷ 15 trở đi, các nghệ sĩ châu Âu khao khát được công nhận là trí thức, ngang hàng với các nhà văn, nhà toán học, triết gia và nhà chiêm tinh. Leonardo là người đầu tiên thực sự thành công, và có lẽ là nghệ sĩ đầu tiên trở thành người nổi tiếng khắp châu Âu, được các vị vua và nhà cai trị săn đón ráo riết, sống như một ông hoàng triết học với các trợ lý, người hầu của mình. Ngay cả khi không được tham gia vào các công trình vĩ đại của Roma thời Phục hưng thì bản thân ông cũng không cảm thấy cay đắng mà thay vào đó ông đã chuyển đến Pháp để nhận một khoản trợ cấp khổng lồ và sống trong một lâu đài. Mặc dù đôi khi ông quá tham vọng về khả năng kỹ thuật của thời đại mình, nhưng các tác phẩm của ông không mang dấu vết của sự phẫn nộ, lòng tự hào bị tổn thương, sự nhạy cảm bị xúc phạm, khoe khoang, tự cho mình là đúng hoặc những biểu hiện khác của chủ nghĩa vị kỷ thường thấy ở các văn nghệ sĩ và nghệ nhân khác.
Trong quá trình tìm kiếm Chân - Thiện - Mỹ của thế giới, Leonardo đã định hình bản thân mình thông qua thực hành nghệ thuật hội họa và điêu khắc, dù phần lớn các tác phẩm được tìm thấy của ông nằm trong tình trạng chưa hoàn thiện. Ông tìm cách xóa bỏ phong cách cá nhân của mình trong các tác phẩm để tìm tới cái chung cực, Nhưng trớ trêu thay trong quá trình tạo ra một phong cách nhằm xóa bỏ cái tôi chủ nghĩa cá nhân của người nghệ sĩ, dù đã cố gắng làm cho mình trở nên vô hình, Leonardo đã tạo ra những tác phẩm trở thành biểu tượng của nghệ thuật. Tính phổ quát của Leonardo phần nhiều không phải qua giáo dục mà là do cách ông tự định hình bản thân, đón nhận thế giới mà ông tiếp cận thông qua nền văn hóa nghệ thuật phức tạp của thời Phục hưng. Tuy nhiên, cuộc đời của ông không phải là một cuộc sống khổ hạnh mà là một cuộc thăng tiến xuất sắc.
Từ bàn ăn của nông dân đến phòng tiệc của những kẻ cai trị, tinh thần xã hội bao trùm toàn bộ xã hội thời Phục hưng. Để trở thành một nghệ sĩ cung đình hoàn hảo, Leonardo phải hiểu thế giới hoàng gia và khéo léo đưa mình vào khuôn khổ của nó. Ông đã làm tốt việc hòa nhập đến nỗi đã góp phần giúp Castiglione xây dựng hình ảnh về một cận thần hoàn hảo thời Phục hưng. Những gì ông đạt được bằng cách biến mình thành những lý tưởng của thời đại, Leonardo cũng đã làm tương ứng trong hội họa bằng cách trình bày kỹ thuật Sfumato. “Đây là kỹ thuật để tạo sự chuyển tiếp mềm mại giữa các màu sắc và tông màu với nhau, ví dụ như phần ánh sáng và bóng râm, Sfumato giúp đường biên giữa 2 mảng màu mờ đi một cách tự nhiên, đặc biệt kỹ thuật này được áp dụng hiệu quả để tạo ra hiệu ứng khí quyển cũng như chuyển sắc êm dịu từ sáng sang đậm của màu da.
Theo sử gia nghệ thuật Giorgio Vasari (1511–1574), kỹ thuật Sfumato đã xuất hiện từ thế kỉ 15 thời Primitive Flemish, được tìm thấy trong những bức tranh của Jan Van Eyck và Rogier Van Der Weyden. Đến thời kỳ Phục Hưng, danh họa Leonardo da Vinci là người đã định nghĩa rõ ràng cho khái niệm của Sfumato, phát triển nâng cao kỹ thuật này và sử dụng trong hầu hết các bức tranh với đỉnh cao được thể hiện trong bức Mona Lisa.”
Trong số ít những kiệt tác của Leo, Mona Lisa có lẽ là bức tranh nổi tiếng nhất và được nghiên cứu nhiều nhất. Mona Lisa không chỉ là một bức tranh: nó là một hiện tượng, và có lẽ là thành tựu lớn nhất của Leo trong việc tái tạo lại nghệ thuật Phục Hưng. Trước khi Mona Lisa trở thành huyền thoại, nó chỉ là một bức tranh chân dung. Người mẫu vẽ được cho là Lisa Gherardini, vợ của nhà buôn lụa Florentine chung cư Francesco del Gio. Cho đến bây giờ người ta vẫn không rõ tại sao Leonardo lại nhận một bức vẽ chân dung từ một thành viên của tầng lớp trung lưu thành thị, trong khi phớt lờ những yêu cầu từ Isabella d'Este, một trong những người bảo trợ nghệ thuật giàu có nhất.
Không có tài liệu chính thức nào xác nhận rằng Francesco del Giocondo đã đặt vẽ một bức chân dung của vợ mình còn tồn tại. Tuy nhiên, một bằng chứng khác vào khoảng năm 1506, xác nhận rằng vào thời điểm này Leonardo đang thực hiện bức chân dung mà ông mới chỉ thực hiện phần đầu. Bức chân dung đã không bao giờ tới tay gia đình Giocondo. Leo đã mang theo nó đến Rome và sau đó là Pháp.
Như nhiều học giả đã quan sát, Nàng Mona Lisa bí ẩn, là hiện thân hỗ tương của con người và thế giới tự nhiên. Leo lý giải tư tưởng con người hài hòa với thiên nhiên như đã viết thế này:
“Vì con người bao gồm đất, nước, không khí và lửa, cơ thể của anh ta giống như cơ thể của trái đất; giống như con người có xương cốt để làm khung cho cơ bắp và thịt, thế giới có núi đá để nâng đỡ; giống như con người mang trong mình bể máu, phổi thì phập phồng khi thở, thì cơ thể của trái đất cũng có thủy triều lên xuống cứ sáu giờ một lần,... Cũng như trong bể máu đó có mạch máu bắt nguồn, phân nhánh khắp cơ thể con người, cũng vậy, biển đại dương lấp đầy cơ thể trái đất bằng những nguồn nước vô tận.”
Một điều đặc biệt khác được Leo đưa vào là Mona Lisa đang mang thai, đó là hình ảnh người mẹ được ẩn dụ như mẹ thiên nhiên.
Bên cạnh những thể hiện công về lý tưởng con người vào thời của mình, Leonardo đã sống một cuộc sống độc lập khác thường và bảo vệ thành công không gian riêng tư và suy nghĩ độc lập khỏi những tác động từ ngoại cảnh. Sự tương phản giữa đời sống riêng tư và công khai của Leonardo đã truyền cảm hứng cho nhiều lứa nghệ sĩ sau này, từ Cindy Sherman đến David Bowie, Madonna đến Lady Gaga. Tuy nhiên, không giống như những người nổi tiếng ngày nay mang trên mình trọng trách bảo vệ chính nghĩa và gây sức ép với những người nắm quyền, Leonardo không thể hiện thái độ bất đồng chính kiến và tinh thần nổi loạn.
Từ sau cuốn sách của Sigmund Freud về Leonardo, trong đó Freud cho rằng Leonardo có hành vi tình dục bất thường, các học giả đã tiếp cận ông dưới góc độ tính dục. Nhưng khác với Michelangelo, người được truyền cảm hứng từ sự gợi cảm của cơ thể nam giới, các ghi chép và nhận định của Leonardo đều đầy tính tả thực, nhiều lý thuyết và hàm lượng khoa học cao. Có thể những dục vọng giới là động lực thúc đẩy nghệ thuật của Michelangelo, nhưng với các công trình Leonardo thì chúng chỉ là các yếu tố rất nhỏ.
Giống như nhiều các đồng nghiệp đương thời, Leonardo da Vinci là một nghệ sĩ đa phương tiện. Cuộc sống và sự nghiệp của ông mở rộng từ mặt phẳng của hội họa cho đến thế giới tự nhiên—nơi ông tận dụng để thực nghiệm chế tạo máy móc, đào kênh mương, chuyển hướng dòng chảy sông ngòi, điều khiển quân đội và phá hủy thành trì. Ý tưởng dùng thế giới như phương thức biểu đạt nghệ thuật của ông đã có rất nhiều ảnh hưởng tới nghệ thuật, chính trị, khoa học và tư tưởng của thế kỷ 20-21. Vào thế kỷ 16, thần kinh học và các vấn đề môi trường vẫn chưa xuất hiện, nhưng những tư duy của Leonardo về thế giới cho tới ngày nay vẫn còn chứa đựng nhiều giá trị, trong đó quan trọng nhất là ông hiểu rằng: ý thức của con người chúng ta không tách rời tự nhiên, mà là bản chất tự nhiên trong con người.
Tham khảo:
Leonardo Da Vinci - Artist, Thinker, and Man of Science – Eugène Müntz
Leonardo da Vinci : Self, art and nature. (2019) – F. Quiver
Landscape Drawing for Santa Maria Della Neve - by Leonardo da Vinci
Leonardo Da Vinci and the nature of “creative genius” – Leonard Shlain
Leonardo – Sigmund Freud
Revisiting Leonardo da Vinci’s Vitruvian Man Using Contemporary Measurements – Thomas, Diana M ; Galbreath, David ; Boucher, Maura ; Watts, Krista– JAMA, 2020, Vol.323 (22), p.2342-2343
Leonardo da Vinci as Anatomist (1452-1519) – JAMA 2019, Vol.322 (8), p.788-788
Những kỹ thuật trứ danh của các danh họa (Phần 2): 4 kỹ thuật định hình hội họa thời kì phục hưng – iDesign
Leonardo da Vinci’s Handwritten Resume (1482) – OpenCulture
Leonardo da Vinci (1452–1519): A Modern Scientist – Sterpetti, Antonio V
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất