Hằng năm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về là chúng ta lại có dịp cùng nhau quây quần bên người thân và gia đình, cùng thực hiện những truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc. Thế nhưng, do nhịp độ phát triển hối hả của xã hội hiện đại mà không ít truyền thống quý báu trong số đó bị mai một, thậm chí là bị hiểu sai bởi đại chúng. Vậy nên, mục đích mà mình viết ra bài viết này là để đính chính một vài sai lầm mà mọi người dạo gần đây hay nghĩ về Tết, nhằm giúp cho các bạn thính giả của Spiderum có được một trải nghiệm về Tết đúng nghĩa và được trọn vẹn nhất. Không dài dòng thêm nữa, xin được bắt đầu ngay thôi nào.

1, Tết liệu có phải phát minh của người Việt?

Hẳn không ít người đã từng đọc một bài báo, lướt qua một đoạn video hay nhìn thoáng qua những cmt có nội dung tựa như thế này:
“Khổng Tử – Nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị nổi tiếng người Trung Hoa, trong sách Kinh Lễ có viết: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó”.
Hay như thế này:
"Sách Giao Chỉ Chí cũng có đoạn viết “Bọn người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới,không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này".
Nếu cảm thấy trích đoạn trên rất quen thuộc thì xin chúc mừng, bạn cũng giống mình, đều đã từng đọc phải những thông tin sai lầm rồi đấy. Để nói cho chính xác thì cứ đến hẹn lại lên, mỗi dịp tết đến xuân về là trên internet lại lan truyền những bài viết dạng này. Hầu hết những bài viết như vậy đều dùng cách trích dẫn Kinh Lễ để chứng minh rằng Trung Hoa không phát minh ra Tết Nguyên Đán mà là tiếp thu, hay thậm chí nói đúng hơn là đã “đánh cắp” ngày lễ này từ một nền văn hóa khác, cụ thể ở đây là từ Bách Việt. Tuy nhiên, sự thật liệu có đúng như vậy?
Tết - một truyền thống lâu đời tại Việt Nam
Tết - một truyền thống lâu đời tại Việt Nam
Những thông tin sai lầm kiểu kia đều dựa trên các trích dẫn không có thật, nếu chưa muốn nói là ngụy tạo. Giao Chỉ chí là sách gì thì tra hết mọi thư viện Hán Nôm cũng không thấy có. Về câu chuyện “Khổng Tử viết” trong đoạn trích kể trên, dù bản thân mình đã tra đi tra lại rất nhiều lần thì cũng không hề thấy đoạn mà tác giả của những bài viết này “trích dẫn”. Thực ra, sau khi tìm hiểu thì mình đã thấy ở thiên Tạp ký hạ trong Kinh Lễ có một đoạn gần giống về câu cú, nhưng với nội dung hoàn toàn khác như sau:
“Tử Cống đi xem tế chạp. Khổng Tử hỏi: “Tứ, con có vui không?” Tử Cống đáp: “Người trong cả nước điên cuồng như vậy, Tứ này chưa hiểu vui chỗ nào?” Khổng Tử nói: “Làm lụng trăm ngày, hưởng lộc một ngày, con không hiểu là phải. Giương cung mà không buông, dù là Văn vương Vũ vương cũng chẳng thể; buông cung mà không giương, dù là Văn vương Vũ vương cũng không làm được. Giương rồi lại buông, đấy mới là đạo của Văn, Vũ.”
Khổng Tử và Tử Cống đối thoại với nhau về Tết
Khổng Tử và Tử Cống đối thoại với nhau về Tết
Rõ ràng chẳng có chuyện Khổng Tử “không biết Tết là gì” hay đề cập tới lễ hội của người Man nào cả. Chẳng có người Man hay người phương Nam nào phát minh ra Tết nào cả, càng không có chuyện Khổng Tử chưa từng biết tới Tết nếu không muốn nói là thông qua giọng điệu và thái độ trong câu nói thì ông còn cực kì am hiểu về lễ Tết.
Đến đây, chúng ta có thể kết luận rằng những bài viết về việc Khổng Tử hay người Trung Quốc cổ đại không biết tới Tết là thông tin không chính xác. Nhìn chung, Tết mừng năm mới vào thời điểm đầu xuân gần như là một điều bình thường với rất nhiều dân tộc. Bởi vậy cho nên việc kết luận Tết là phát minh của dân tộc này, dân tộc kia ăn cắp, dân tộc khác học theo.v.v. là những suy diễn có phần thừa thãi và vô nghĩa. Theo mình, những thông tin khẳng định người Bách Việt phát minh ra lễ Tết, rồi người Trung Hoa học lỏm hay ăn cướp về dùng thì đều là những lý luận hàm hồ của một bộ phận dân tộc chủ nghĩa cực đoan với mục tiêu kích động quần chúng mà chúng ta cần phải đề phòng và lên án vì một xã hội văn minh hơn.
Thực tế thì những thông tin kiểu này đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng trước kia cũng chỉ xuất hiện ở trên những trang web không có sự kiểm duyệt thông tin như Youtube hay Facebook. Nhưng đáng quan ngại là đến giờ, ngay cả những trang thông tin mang tiếng cơ quan ngôn luận của chính quyền cũng đăng tải lại, chẳng hạn như Cổng thông tin Đảng Bộ tỉnh Bình Thuận hay Giáo dục Việt Nam thì thật là không thể tưởng tượng được tính chất nguy hiểm của nạn thông tin học thuật giả đã lan tràn đến đâu. Thậm chí, ở các cộng động mạng quốc tế cũng đã có nhiều bài viết vạch mặt những thông tin sai lệch về Tết được lan truyền tại Việt Nam và nhận được nhiều sự chú ý. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục, việc hình ảnh người Việt trở nên xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế là một điều tất yếu sẽ xảy ra.
Bài viết trên trang giaoduc.vn
Bài viết trên trang giaoduc.vn
Bài viết trên trang binhthuan.dcs.vn
Bài viết trên trang binhthuan.dcs.vn
Tóm lại, chúng ta có quyền tự hào, nhưng chúng ta nhất thiết không nên ảo tưởng ngạo nghễ. Qua thông tin giải ảo này, Spiderum chúng mình hi vọng có thể góp phần ngăn chặn những thông tin thất thiệt kiểu này lan truyền để tránh đại chúng có nhận thức sai lệch về văn hóa và lịch sử dân tộc, tự huyễn hoặc bản thân với điều không đúng sự thật.

2, Có đúng là Nhật Bản đã hoàn toàn bỏ Tết Nguyên Đán?

Trong vài năm trở lại đây, cứ mỗi khi Tết đã đến cận kề ngưỡng cửa thì dự luận lại nổi lên một cuộc tranh cãi hết sức quen thuộc là giữ hay là bỏ Tết? Người muốn bỏ, kẻ muốn giữ, nhưng đâu đó giữa những lí lẽ được đưa ra thì luôn xuất hiện một luận điểm sáng chói: Nhật đã bỏ Tết. Vậy, Nhật có thực sự đã bỏ Tết Nguyên Đán không?
Các trang mạng xã hội.,,
Các trang mạng xã hội.,,
Cho đến các cổng thông tin truyền thông...
Cho đến các cổng thông tin truyền thông...
Năm 1873, như một phần trong chính sách Duy Tân Minh Trị để phát triển đất nước, Nhật Bản đột ngột xóa bỏ Tết Nguyên đán đã có hàng thế kỷ. Tết Nguyên đán vĩnh viễn mất đi, thay vào đó, người Nhật chỉ ăn Tết Dương lịch; các sự kiện của tết theo lịch âm được dời vào ngày lịch dương. Thời điểm đó, tầng lớp tinh hoa Nhật Bản cho rằng, những tập quán của châu Á kém hơn phương Tây và kìm hãm sự phát triển của đất nước. Họ cho rằng bỏ Tết Nguyên đán sẽ giảm bớt ngày nghỉ, tập trung làm việc, tăng sản lượng quốc gia, phát triển kinh tế…
Thiên hoàng Minh Trị của Nhật Bản
Thiên hoàng Minh Trị của Nhật Bản
Theo đó, thì quả thực là về mặt hành chính, Nhật đã bỏ Tết Nguyên Đán. Nhưng đó chỉ là về mặt quy ước luật pháp…
Đầu tiên, đó là người Nhật ngày nay ăn Tết Dương lịch vẫn theo một số truyền thống được truyền lại từ thời Tết Nguyên đán. Những ngày đầu năm mới thường là khoảng thời gian người Nhật dành cho gia đình, trước đêm giao thừa thì dọn dẹp nhà cửa, trang trí... Trong các thành phố lớn, gần như tất cả các cửa hàng mua sắm đóng cửa từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 1.
Tháp Tokyo phát dòng chữ 未来 vào dịp Tết Nguyên Đán.
Tháp Tokyo phát dòng chữ 未来 vào dịp Tết Nguyên Đán.
Thứ hai, tuy Nhật Bản đã không còn đón Tết cổ truyền theo lịch âm nữa nhưng tại một số địa phương trong nước như Okinawa hay một số hòn đảo phía nam như Kago, bạn vẫn có thể tìm thấy được không khí năm mới hân hoan vào ngày lễ này. Tuy đó không phải là những ngày lễ chính thức, nhưng người ta vẫn tổ chức ăn mừng Tết Nguyên Đán như một ngày lễ chính thức bình thường.
Ở các khu phố có nhiều người gốc Hoa sinh sống, không khí lễ hội càng thể hiện rõ hơn nữa. Dù vậy, không ai công nhận đây là một ngày lễ chính thức đâu đấy nhé, nên là nếu muốn nghỉ ngơi xả láng thì vẫn là nhờ các tổ chức tư nhân tự lên kế hoạch cho kì nghỉ Tết Nguyên Đán này.
Ở các khu phố có nhiều người gốc Hoa sinh sống, không khí lễ hội càng thể hiện rõ hơn nữa. Dù vậy, không ai công nhận đây là một ngày lễ chính thức đâu đấy nhé, nên là nếu muốn nghỉ ngơi xả láng thì vẫn là nhờ các tổ chức tư nhân tự lên kế hoạch cho kì nghỉ Tết Nguyên Đán này.
Vậy, câu trả lời cho việc Nhật Bản có bỏ Tết Nguyên Đán hoàn toàn hay không thì đó là: có và không. Về mặt hành chính, Nhật Bản đã bỏ hoàn toàn Tết Nguyên Đán khỏi danh sách những ngày lễ chính thức. Về mặt văn hóa và xã hội, Nhật Bản vẫn bảo tồn những nét truyền thống của Tết Nguyên Đán trong dịp Tết dương lịch, cũng như tại nhiều nơi trên nước Nhật có tổ chức ăn mừng Tết Nguyên Đán không chính thức.

3, Xung quanh bao lì xì

Cứ mỗi khi Tết Nguyên đán cận kề, trên nhiều diễn đàn lại nổi lên vấn đề nên bỏ hay giữ tục lì xì đầu năm? Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ phong tục lì xì, "mừng tuổi" vì nó mang đến những gánh nặng về kinh tế cũng như có thể gây ra những xích mích xoay quanh vấn đề mệnh giá của đồng tiền trong bao lì xì. Nhưng cũng không ít người phản đối vì cho rằng đây là tục lệ lâu đời của dân tộc, là nét đẹp ngày Tết.
Cứ mỗi dịp Tết là vấn đề này lại được đem ra để bàn tán.
Cứ mỗi dịp Tết là vấn đề này lại được đem ra để bàn tán.
Chín người thì mười ý, nhưng nhìn chung thì hầu hết những người tham gia vào các cuộc tranh luận có liên quan thì đều không tìm hiểu một cách kĩ càng về nguồn gốc của phong tục lì xì ngày Tết. Đại khái, phong tục lì xì cho trẻ em ngày Tết liên quan đến tín ngưỡng dân gian, mà cụ thể là câu chuyện sau:
Ngày xửa ngày xưa, xưa lắm rồi, ở cái thời kỳ xa lắc xa lơ mà người ta còn chẳng thể kiểm chứng độ tin cậy của câu chuyện này, ở Đông Hải có rất nhiều yêu ma quỷ quái luôn tìm cách gây hại bách tính. Nhưng may mắn là những ngày thường chúng luôn bị các thần tiên ở hạ giới canh giữ. Tuy nhiên, hàng năm mỗi khi Tết đến, các vị thần tiên đều phải về trời vào đúng thời điểm giao thừa. Lúc này, yêu quái lộng hành quấy rối khiến trẻ em đang ngủ thường giật mình khóc thét và bất chợt lên cơn sốt cao, vậy nên các gia đình thường không dám ngủ để thức canh con trẻ.
Một lần có 8 vị tiên đi ngang nhà nọ, thấy cảnh ấy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ, để cha mẹ chúng đem gói vào một tấm vải đỏ nhằm xua đuổi đám yêu quái. Phép lạ này nhanh chóng lan truyền ra khắp nhân gian, nên mỗi khi Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, cầu chúc cho chúng chóng lớn và khỏe mạnh hơn, từ đó trở thành tục lì xì đầu năm như hiện nay.
8 vị tiên đó, chính là Bát Tiên trong văn hóa dân gian Á Đông.
8 vị tiên đó, chính là Bát Tiên trong văn hóa dân gian Á Đông.
Hiện nay, lì xì đầu năm vẫn đang là một phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt với mong muốn những điều tốt đẹp may mắn sẽ đến từ những ngày đầu năm mới. Lì xì không chỉ giới hạn trong mùng một Tết mà có thể lì xì trong suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài đến tận những ngày mùng chín, mùng mười của Tết.
Như vậy, có thể thấy rằng, ý nghĩa của việc lì xì năm mới là một cách để chúc cho những đứa trẻ một năm mới khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn và chúc cho chúng có nhiều may mắn. Vậy nên, việc lì xì chỉ là mang tính hình thức chúc phúc chứ không đặt nặng tính kinh tế, xem mệnh giá đồng tiền ấy là bao nhiêu. Tuy nhiên, ngày nay, người ta lại quá quan trọng về tính thực dụng, dẫn đến việc vô hình trung việc lì xì cho trẻ con lại trở thành một gánh nặng về kinh tế. Theo chúng mình, hãy đưa hành động lì xì trở về đúng với tinh thần ban đầu, rắc rối này sẽ được giải quyết rất đơn giản.
Đôi khi đó chỉ là hình thức tượng trưng, nhưng lại biến tướng thành cuộc đua khoe mẽ ngầm bất đắc dĩ của vô số người. Kiểu như, <i>"người ta lì xì con mình nhiều vậy mà mình không lì xì lại bằng hoặc hơn thì xấu mặt"</i>, hoặc <i>"phải lì xì nhiều cho người ta biết mình không phải hạng kẹt sỉ, cũng chẳng phải nghèo đói"</i>...
Đôi khi đó chỉ là hình thức tượng trưng, nhưng lại biến tướng thành cuộc đua khoe mẽ ngầm bất đắc dĩ của vô số người. Kiểu như, "người ta lì xì con mình nhiều vậy mà mình không lì xì lại bằng hoặc hơn thì xấu mặt", hoặc "phải lì xì nhiều cho người ta biết mình không phải hạng kẹt sỉ, cũng chẳng phải nghèo đói"...
Ngoài ra, về mặt kinh tế, thì hẳn chúng ta đều biết, có rất nhiều bạn từ bé đến lớn bức xúc về chuyện bị bố mẹ thu tiền mừng tuổi với cái lý do rất thuyết phục "Người ta mừng tuổi con thì bố mẹ cũng lì xì cho con nhà người ta, thậm chí có khi còn nhiều hơn. Vì thế nên tiền lì xì của con, thực chất là tiền của bố mẹ" hay "Để bố mẹ giữ tiền giùm con, lớn trả" và sau này sẽ dùng 1 tỉ thứ lí do khác để vô hiệu hóa việc hoàn trả cho con mình như là "đã chuyển thành tiền nuôi ăn học cho con" (vốn là nghĩa vụ bố mẹ phải chu cấp) hay lảng tránh không nhắc tới gì khoản tiền đó nữa để nó chìm vào quên lãng... Thật lòng, mình khá bức xúc vởi đó là một tư duy rất rất vô lý. Làm như thế khác gì tước đi những lời chúc may mắn dành cho con mình đâu?
Tháng giêng là lời nói dối của vô số bậc phụ huynh... :)))
Tháng giêng là lời nói dối của vô số bậc phụ huynh... :)))
Lời nhắn nhủ: Kính thưa các bậc phụ huynh, hãy ngừng ngay cái hành động thiếu-thiện-chí đó đi.

KẾT

Trên đây là một số thông tin mà chúng mình muốn chia sẻ liên quan đến một số hiểu lầm thường thấy về Tết Nguyên Đán trong vài năm gần đây. Còn có sự thật nào đang bị hiểu sai mà chúng mình bỏ lỡ và các bạn muốn chia sẻ cho mọi người cùng biết không nhỉ? Hãy để lại cmt trong phần bình luận để chia sẻ thêm những thông tin thú vị cho mọi người cùng biết nhé. Chúc mọi người 1 năm mới vui vẻ và hạnh phúc bên người thân cùng gia đình. Còn bây giờ, xin chào và hẹn gặp lại.

#Backturn