“Tôi ghét dân Ấn Độ. Họ là những kẻ bẩn thỉu với một tôn giáo bẩn thỉu. Nạn đói xảy ra là do lỗi của họ vì đã đẻ nhiều như thỏ.”
Đó là câu nói gây tranh cãi của thủ tướng Anh Winston Churchill về nạn đói ở Bengal năm 1943 - một trong những thảm kịch lớn nhất từng xảy ra ở nước này. Những con số ước tính cho thấy từ 3 - 4 triệu người đã chết vì nạn đói. Nhiều nhà nghiên cứu gọi đây là “cuộc diệt chủng gây ra bởi bàn tay con người”. Vậy nạn đói Bengal đã xảy ra như thế nào, và đâu là nguyên nhân gây ra thảm kịch này, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.

Bengal trước nạn đói

Vào những năm thập niên 1940, Bengal là một bang ở biên giới phía đông Ấn Độ, giáp với Miến Điện. Bengal, cũng như tiểu lục địa Ấn Độ, lúc đó là thuộc địa của Đế quốc Anh. Bang này có diện tích khoảng 239 ngàn km2, và ở thời điểm nạn đói diễn ra, ước tính dân số Bengal là khoảng 60 triệu người.
Trước khi nạn đói năm 1943 diễn ra, thực chất Bengal đã từng trải qua hai nạn đói lớn khác trong quá khứ. Một diễn ra vào năm 1770 và đến tận năm 1772 mới được kiểm soát, và một diễn ra trong thời gian từ năm 1873 - 1874. Nguyên nhân chủ yếu gây ra các nạn đói trong quá khứ ở Bengal là do hạn hán, mất mùa; kết hợp với giá gạo cao đã khiến số người thiệt mạng lên đến cả triệu.
Nạn đói khủng khiếp ở Bengal năm 1943 là một thảm kịch, nhưng nó không hề là một sự kiện bất ngờ, mà hoàn toàn ngược lại. Có rất nhiều nguyên nhân góp phần gây nên nạn đói ấy; mà đáng nói nhất có lẽ nằm ở chính sách cai trị của Đế quốc Anh với Ấn Độ. Hay nói cách khác, nạn đói ở Bengal là hậu quả từ cả những nguyên nhân mới và cũ. Và nếu như ta xét trên phạm vi toàn Ấn Độ, nạn đói Bengal không phải nạn đói đầu tiên xảy ra ở tiểu lục địa, mà nó chỉ là nạn đói khủng khiếp nhất; và nguyên nhân chủ đạo là do chính con người gây ra.
Những năm 1940 là thời điểm cuộc Đại chiến thế giới lần hai dần lan rộng và ngày càng trở nên khốc liệt. Tình hình ngày càng tồi tệ sau khi Đế quốc Nhật Bản phát động chiến tranh ở mặt trận Thái Bình Dương với việc đưa quân tấn công Miến Điện. Suốt trong nhiều tháng từ cuối năm 1941 đến đầu năm 1942, lực lượng không quân của Nhật Bản liên tục rải bom xuống thủ đô Miến Điện, mở màn cho chiến dịch xâm lược. Vào ngày 26/4/1942, toàn bộ lực lượng của Anh và quân Đồng minh được lệnh rút về Ấn Độ; và kéo theo đó là hàng trăm ngàn người tị nạn chạy khỏi Miến Điện. Họ tràn vào Ấn Độ thông qua các bang nằm ở biên giới như Manipur, Bengal và Assam.
Người ta ước tính có khoảng 500 ngàn người tị nạn đến được địa phận các bang biên giới Ấn Độ, chưa kể đến hàng chục ngàn người khác bỏ mạng trên đường. Số lượng lớn người tị nạn khiến nhu cầu về lương thực, nhu yếu phẩm và hỗ trợ y tế tăng lên. Nguồn lực của các bang biên giới, vốn đã chịu nhiều áp lực từ dân số khổng lồ của Ấn Độ, càng thêm suy yếu. Dần dần, tình trạng hoảng loạn bắt đầu lan dần ra toàn bang. Những người có điều kiện bắt đầu nghĩ đến việc mua lương thực với số lượng lớn để tích trữ. Lượng thực phẩm được dành ra cho dân thường Ấn Độ vốn đã ít nay còn ít hơn. Nguy cơ về một nạn đói lớn hiển hiện trước mắt.
Không kích Rangoon vào tháng 12/1941
Không kích Rangoon vào tháng 12/1941
Bên cạnh đó, việc Rangoon thất thủ và rơi vào tay Nhật Bản hồi tháng 3/1942 cũng khiến việc nhập khẩu gạo từ Miến Điện vào Ấn Độ bị cắt đứt hoàn toàn. Ở ngoài vịnh Bengal, các tàu vận tải chở hàng của Anh liên tục bị hải quân và không quân Nhật Bản tấn công và đánh đắm. Ước tính có ít nhất 100 ngàn tấn hàng đã bị mất do các vụ tấn công của Nhật Bản. Các hạm đội của Anh không thể chống trả trước sức ép của hải quân Nhật. Do đó, nhu yếu phẩm cũng như đồ tiếp tế hầu hết đều phải dựa vào vận chuyển đường sắt. Thế nhưng, việc Nhật Bản đổ bộ vào Miến Điện đã khiến chính quyền Anh ở Bengal đi đến quyết định dỡ bỏ nhiều tuyến đường sắt ở phía đông bang này. Lý do là vì quân đội Anh lo ngại Nhật Bản sẽ tận dụng chúng làm phương tiện phục vụ cho việc tấn công Bengal.
Như vậy, việc vận chuyển nhu yếu phẩm, quan trọng nhất là lương thực vào Bengal ngày càng hạn chế và ít ỏi. Hậu quả không thể tránh khỏi là giá gạo dần tăng một cách đột biến. Ngay từ thời điểm một năm trước đó, giá gạo vốn đã cao hơn rất nhiều. Các số liệu cho thấy giá lương thực vào thời điểm tháng 9/1941 cao hơn cùng kỳ năm 1939 tới 69%. Thêm vào đó, một loạt các cơn bão đổ bộ vào Bengal tháng 10/1942 đã quét qua và gây ra ngập lụt cho một khu vực rộng khoảng hơn 1000 km2. Số người thiệt mạng vì bão lốc lên đến hơn 14000, và tất nhiên là hầu như toàn bộ hoa màu trong khu vực bị ảnh hưởng đều mất trắng. Lượng lúa gạo dự trữ cũng bị ảnh hưởng và khiến khủng hoảng lương thực tăng cao.
Tuy nhiên, chính quyền thuộc địa Đế quốc Anh vẫn không thay đổi chính sách cai trị. Họ vẫn duy trì lượng xuất khẩu gạo cao, và lương thực không xuất khẩu thì cũng ưu tiên phục vụ cho quân đội. Và như đã nói ở trên, việc Miến Điện rơi vào tay Nhật Bản đã biến Bengal thành một trong các bang ở tiền tuyến, đối diện với nguy cơ phải chống trả một cuộc xâm lăng diện rộng. Do đó, chính phủ Anh và lực lượng quân Đồng minh bắt đầu đổ bộ vào Bengal, con số lên tới hàng trăm ngàn binh lính. Dĩ nhiên, lượng thực phẩm và lúa gạo cần để cung cấp cho quân đội cũng tăng lên, dẫn đến việc số lương thực được phép dành ra để bán cho dân thường ngày càng ít đi. Bên cạnh lúa gạo; các mặt hàng thiết yếu khác như vải, len, da và lụa cũng đều phải ưu tiên bán cho quân đội. Lạm phát diễn ra vào đầu năm 1943 càng khiến tình hình trở nên tồi tệ. Giá lương thực và các mặt hàng nhu yếu phẩm bị đội lên cao đến không tưởng.
Nguy cơ về một nạn đói trên diện rộng đã hiển hiện trước mắt, và đến khoảng giữa năm 1943, thảm kịch bùng phát trên toàn bang Bengal.

Nạn đói bùng nổ, và đâu là nguyên nhân?

Với việc lương thực ít ỏi và bị đội giá lên cao ngất trời, hậu quả dễ thấy là đa số dân thường Ấn Độ không có gạo để ăn. Nhiều người phải bán đất, thậm chí bán cả nhà để mua gạo. Những người nghèo phải làm mọi cách để kiếm tiền mua lương thực. Hàng trăm ngàn người từ các vùng quê tràn vào các đô thị lớn để kiếm việc, hoặc dễ thấy hơn là để xin ăn. Có những gia đình còn phải bán cả con để có tiền mua lương thực.
Tất cả những hành động đó càng khiến bức tranh về nạn đói ở Bengal trở nên kinh hoàng: người chết đói nằm la liệt trên đường; có nhiều người không thể chịu đựng nổi đã dùng chút sức lực cuối cùng để tự tử. Những người may mắn hơn một chút thì xin được chút nước gạo để cầm hơi, hoặc ăn cây cỏ để chống đói. Xác người chết đói chất đống, và những ai còn sống sót cũng chẳng đủ sức để thu dọn hoặc chôn cất. Ở các đô thị lớn, chính quyền cai trị đã cắt cử người thu dọn xác chết, nhưng còn ở các ngôi làng hoặc vùng thôn quê, họ gần như bỏ mặc các xác chết phân hủy, thối rữa.
Nạn đói tiếp tục kéo dài đến hết năm 1943, dù vào mùa thu năm đó ghi nhận sản lượng lúa gạo cao nhờ được mùa. Tuy nhiên, vì chính sách của Đế quốc Anh vẫn không thay đổi, nên phần lớn lúa gạo hoặc là bị đem đi xuất khẩu, hoặc là để dành cho quân đội. Chính quyền thuộc địa Anh ở Ấn Độ không có một động thái nào để đối phó với nạn đói một cách kịp thời. Những người Ấn Độ đang đói lả phải trông chờ vào các tổ chức từ thiện tư nhân, và tất nhiên số lương thực này không thể đủ để đẩy lùi nạn đói. Chưa kể, hầu hết những sự cứu trợ này diễn ra ở các thành phố và đô thị. Một phần nhỏ được chuyển tới các vùng quê, nhưng nhanh chóng rơi vào tay các địa chủ. Khi nạn đói lên tới đỉnh điểm vào tháng 7/1943, Toàn quyền Ấn Độ khi đó là Linlithgow đã ngừng xuất khẩu gạo và lại đề nghị Nội các Chiến tranh cho nhập khẩu 500 ngàn tấn lúa mỳ. Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 4/8 sau đó, Nội các Chiến tranh lại không xếp được lịch cho một chuyến tàu lúa mỳ tới Ấn Độ. Thay vào đó, nội các đã ra lệnh tích trữ lúa mỳ để nuôi người dân châu Âu sau khi họ được giải phóng khỏi sự cai trị của Đức Quốc xã.
Đến cuối năm 1943, đã có hàng triệu người Ấn Độ chết đói và vì các bệnh tật sinh ra từ các xác chết phân hủy không được xử lý. Nội các Chiến tranh Anh cuối cùng cũng ra lệnh gửi 80.000 tấn lúa mỳ và 130.000 tấn lúa mạch cho Ấn Độ vào tháng 11/1943. Thêm vào việc vụ mùa cuối năm 1943 thu được sản lượng lớn lương thực, nạn đói bắt đầu được kiểm soát và được coi là chấm dứt vào tháng 12/1943. Tuy nhiên, hậu quả của nó vẫn còn kéo dài sang tận năm 1944, khi vẫn còn nhiều người chết đói. Ước tính rằng có hơn 3 triệu người đã chết trong nạn đói năm 1943 ở Bengal. Một vài ước tính khác cho biết con số có thể lên tới gần 4 triệu người.
Với một thảm kịch quy mô vượt xa các nạn đói khác trong quá khứ ở Bengal, câu hỏi đầu tiên mà người ta sẽ đặt ra là: nguyên nhân nằm ở đâu? Mặc dù Bengal đã hứng chịu những cơn bão lớn vào tháng 10/1942, ảnh hưởng tới vụ mùa cuối năm; nhưng nếu nhìn vào một vài số liệu, khó có thể coi đó là nguyên nhân. Sản lượng lúa gạo thu hoạch trong năm 1943 chỉ thấp hơn sản lượng trung bình của 5 năm trước đó khoảng 5% mà thôi. Thực tế năm 1941 mới là năm có sản lượng lúa gạo thu hoạch được thấp nhất trong 5 năm; mà chúng ta đã biết, năm đó không có nạn đói quy mô lớn. Trữ lượng gạo và lúa mì của Bengal trong năm 1942 được chính quyền Anh ghi nhận là 10.9 triệu tấn. Con số này của năm 1943 là 9,2 triệu tấn - không hề ít chút nào, vượt xa con số 8,3 triệu tấn của năm 1941.
Có thể thấy, sự thực là trữ lượng gạo và lúa mì của Bengal ngay cả trong thời điểm nạn đói diễn ra vẫn khá nhiều. Vậy đâu là nguyên nhân?
Như đã nói qua trong phần trước, chính sách của Anh trong việc cai trị Ấn Độ cộng với tình hình của Chiến tranh thế giới thứ hai mới có thể coi là những nguyên nhân trực tiếp gây ra nạn đói ở Bengal. Ngay từ lúc nắm quyền kiểm soát Ấn Độ, chính sách của Đế quốc Anh đã là tập trung vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên của Ấn Độ sang các thị trường châu u và chính quốc để làm lợi. Ở thời điểm những năm thập niên 1940, việc xuất khẩu lương thực từ Ấn Độ càng được đẩy mạnh, nhằm phục vụ cho nhu cầu chiến tranh ngày càng tăng cao. Trong số lương thực được giữ lại, phần lớn được dành ra để phục vụ quân đội. Với việc Nhật Bản chiếm Miến Điện vào năm 1942, lượng nhập khẩu lương thực từ nơi này bị cắt đứt hoàn toàn. Thêm vào đó, khi chi phí cho chiến tranh ngày càng tăng, chính quyền Anh bắt đầu in tiền giấy để bù vào, và gây ra lạm phát vào đầu năm 1943. Giá lương thực vốn đã cao nay còn bị đẩy lên nữa do lạm phát. Chính quyền Anh quốc hầu như không quan tâm tới nạn đói ở Ấn Độ, và hành động rất chậm chạp để giải quyết.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Chúng ta có thể đi đến kết luận rằng nạn đói năm 1943 ở Bengal xảy ra và có hậu quả lớn như vậy là do các chính sách của chính quyền Anh. Nhưng để nói một cách cụ thể hơn, thì ai là người có trách nhiệm chủ yếu? Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, thủ tướng Anh Winston Churchill là người chịu trách nhiệm lớn nhất cho thảm kịch này. Họ chỉ ra rằng, lẽ ra nạn đói đã có thể bị khống chế và hậu quả lẽ ra đã được giảm thiểu đi rất nhiều, nếu không vì những hành động của Churchill. Nội các Chiến tranh của Chính phủ Anh đã liên tục nhận được cảnh báo rằng nạn đói có thể xảy ra ở Ấn Độ do chính sách vắt kiệt tài nguyên của Ấn Độ, nhưng thảy đều bị phớt lờ.
Khi Bộ trưởng Ấn Độ và Miến Điện Leopold Amery và tân Toàn quyền Anh ở Ấn Độ là Archibald Wavell đánh điện xin vận lương đến để giải quyết nạn đói, Churchill đã từ chối. Theo Amery, thủ tướng Anh đã nói rằng những nỗ lực đó sẽ không đạt được gì cả, bởi nạn đói xảy ra là do người Ấn Độ “đẻ nhiều như thỏ”. Thậm chí, cũng theo hồi ký của Amery, Churchill được cho là đã bảo rằng nếu lương thực ở Ấn Độ thiếu trầm trọng như vậy, thì sao Gandhi vẫn còn sống?
Tuy nhiên, trước những phát ngôn này của Churchill, nhà sử học Andrew Roberts cho rằng ông Amery đã hiểu sai lời của Churchill, và theo thư ký riêng của Churchill, thủ tướng Anh lúc đó “chỉ nói đùa”. Một số ý kiến khác - ví dụ như của nhà sử học Sir Martin Gilbert và đại học Hillsdale - cũng cho rằng Churchill đã làm hết sức trong việc giải quyết nạn đói ở Bengal, và mọi chuyện lẽ ra đã có thể tệ hơn rất nhiều. Các ý kiến này cho rằng việc bổ nhiệm Toàn quyền Ấn Độ mới là Archibald Wavell của Churchill chính nhằm mục đích giải quyết vấn đề nạn đói đang diễn ra. Churchill cũng đích thân viết cho Wavell về nhiệm vụ của ông, rằng “phải làm mọi cách [...] để giải quyết việc thiếu lương thực”. Các ghi chép cũng đã cho thấy việc Churchill yêu cầu Australia chuyển 350 ngàn tấn lương thực đến Ấn Độ.
Nhưng nạn đói ở Bengal nghiêm trọng hơn nhiều, vì nó vẫn còn tiếp diễn sang tận năm 1944, dù Nội các Anh cho rằng nó đã được kiểm soát sau vụ mùa bội thu cuối năm 1943. Toàn quyền Wavell xin viện trợ 1 triệu tấn lương thực, nhưng Churchill lại cho rằng như vậy là quá nhiều. Nội các Anh cũng giải thích rằng thiếu tàu vận chuyển và tình hình chiến tranh cũng ảnh hưởng đến việc viện trợ thêm lương thực cho Ấn Độ
Ta có thể thấy rằng, việc quy trách nhiệm gây ra nạn đói Bengal năm 1943 thực chất tương đối phức tạp. Những phát ngôn của Churchill có thể chỉ là đùa cợt, nhưng rõ ràng chúng không phù hợp và có thể nói là quá quắt. Churchill và Nội các Anh đã có một số hành động để giải quyết nạn đói, nhưng việc đánh giá sai và chậm tình hình thực tế khiến thảm kịch bị kéo dài. Thêm vào đó, có một sự thực không thể phủ nhận rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến nạn đói Bengal, cũng như nhiều nạn đói khác ở Ấn Độ trong hơn 100 năm dưới quyền cai trị của Đế quốc Anh; chính là do các chính sách bóc lột thuộc địa. Có thể Churchill không phải người trực tiếp gây ra nạn đói Bengal, nhưng không thể phủ nhận trách nhiệm của chính phủ Đế quốc Anh trong thảm kịch này. Đây là sự thực mà không ai có thể chối bỏ, và cần được nhìn nhận một cách đúng đắn.

Kết

Nạn đói xảy ra ở Bengal năm 1943 thực sự là một thảm kịch đáng sợ; và điều đáng nói nhất chính là việc nguyên nhân chính của sự kiện này là do các chính sách khai thác thuộc địa của Đế quốc Anh. Gần 4 triệu người đã bỏ mạng trong một thảm kịch mà lẽ ra có thể được giải quyết sớm, nếu các chính sách của Đế quốc Anh không khắc nghiệt đến vậy. Đáng buồn là nạn đói Bengal không phải nạn đói duy nhất xảy ra tại Ấn Độ trong suốt thời gian là thuộc địa. Nói rộng ra, những thảm kịch như vậy không phải điều quá hiếm hoi xảy ra ở các nước thuộc địa; mà đơn cử là nạn đói năm Ất Dậu 1945 ở miền bắc Việt Nam đã khiến 2 triệu người chết. Hiểu hơn về những bi kịch như nạn đói Bengal chính là một cách giúp chúng ta hiểu về một giai đoạn lịch sử đen tối cho các nước thuộc địa, để biết người dân thời kỳ ấy đã phải chịu đựng những thảm kịch khủng khiếp nhường nào.