Tết đến, xuân về, nhà nhà háo hức chờ đợi một năm Chắc chắn rằng ai trong số chúng ta cũng đã từng nghe qua về hình tượng mười hai con giáp rồi. Đó là những con giáp vốn đã vô cùng quen thuộc với mỗi người chúng ta. Thế nhưng bạn có bao giờ thắc mắc rằng liệu ở những nơi khác trên thế giới có hình tượng mười hai con giáp giống như Việt Nam, thì liệu thứ tự lẫn chủng loại của mười hai con giáp ấy có giống với những gì chúng ta đã vốn quen, những gì chúng ta đã từng biết?

Mười hai con giáp là gì?

Trước hết, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản rằng Mười hai con giáp là một sơ đồ phân loại dựa trên nông lịch, gán một con vật và các thuộc tính đã biết của nó cho mỗi năm trong một chu kỳ 12 năm lặp lại. Hệ thống này, cho đến ngày nay, vẫn được sử dụng một cách tại một số quốc gia châu Á có mối liên hệ văn hoá với Trung Quốc, trong đó có cả Việt Nam.
Mười hai con giáp
Mười hai con giáp
Đây cũng là hình tượng văn hoá thường xuyên xuất hiện trong đời sống của người dân các quốc gia này, chủ yếu là dùng để tính thời gian và bói toán. Tuy nhiên, hệ thống mười hai con giáp này, tại các quốc gia khác nhau, sẽ có những sự thay đổi trong thứ tự các con giáp xuất hiện trong hệ thống.

Vì sao lại như thế?

Lí do rất đơn giản: mười hai con giáp trong mỗi nền văn hóa lại có một chút khác biệt với nhau, đấy là bởi khi du nhập vào một nền văn hóa mới, chúng lại chịu sự biến đổi bởi ngôn ngữ, môi trường sống, phong tục và tập quán của nền văn hóa đó.
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, vũ trụ được tạo nên bởi thần Trụ Trời. Thế nhưng trong văn hóa dân gian Hy Lạp, Chaos mới là người tạo nên thế giới. Ở Bắc Âu, thế giới lại được tạo nên bởi xác của Jotunn Ymir... Với người Ấn Độ, mỗi vũ trụ chỉ là một bong bóng trong hơi thở của Maha Vishnu, được tái sinh và hủy diệt vô số lần... Mỗi nền văn hóa dân gian lại có một vũ trụ quan khác nhau, vậy nên, nếu xét về nguồn gốc, diễn biễn của thế giới trong nhãn quan của những cổ nhân của những nền văn hóa khác nhau, thì đó đều là những vũ trụ riêng biệt với nguồn gốc, cách vận hành và cả những tận thế khác nhau.
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, vũ trụ được tạo nên bởi thần Trụ Trời. Thế nhưng trong văn hóa dân gian Hy Lạp, Chaos mới là người tạo nên thế giới. Ở Bắc Âu, thế giới lại được tạo nên bởi xác của Jotunn Ymir... Với người Ấn Độ, mỗi vũ trụ chỉ là một bong bóng trong hơi thở của Maha Vishnu, được tái sinh và hủy diệt vô số lần... Mỗi nền văn hóa dân gian lại có một vũ trụ quan khác nhau, vậy nên, nếu xét về nguồn gốc, diễn biễn của thế giới trong nhãn quan của những cổ nhân của những nền văn hóa khác nhau, thì đó đều là những vũ trụ riêng biệt với nguồn gốc, cách vận hành và cả những tận thế khác nhau.
Mỗi nền văn hóa lại có một vũ trụ quan riêng biệt, với những quy tắc vận hành thế giới khác nhau. Vậy nên, nếu xem mỗi nền hóa là một “vũ trụ”, thì thế giới hiện đại của chúng ta chính là một sự chồng chéo của hằng hà sa số các “vũ trụ” khác nhau trong một đa vũ trụ cực kì hỗn loạn. Vậy nên cũng không có gì là lạ khi có rất nhiều những “biến thể” của mười hai con giáp đúng không nào? Không để mất thời gian thêm nữa, chúng mình xin phép được đưa các bạn tới “vũ trụ” đầu tiên.

Trung Quốc

Vũ trụ văn hóa đầu tiên :)))
Vũ trụ văn hóa đầu tiên :)))
Đầu tiên, cần phải khẳng định rằng khái niệm mười hai con giáp có xuất xứ từ Trung Quốc. Hệ thống này đã xuất hiện nơi đây muộn nhất là từ thời Xuân Thu - Chiến quốc, gọi là thập nhị địa chi (十二地支) hay địa chi (地支), thập nhị chi (十二支). Vốn dĩ 12 các chi ở đây là chỉ 12 cung trong vòng tròn, tương ứng với 12 tháng trong năm, 12 canh giờ trong một ngày và cũng là 4 phương 8 hướng. Kết hợp với thập thiên can (十天干), chúng tạo ra hệ thống can chi dùng để tính toán về thời gian, các mùa, sự thay đổi của trời đất...
Hệ thống địa chi
Hệ thống địa chi
Có thể hiểu, ban đầu chúng đơn thuần là các khái niệm phục vụ cho toán học và thiên văn. Về sau, hệ thống địa chi được gán cho một loài vật để tăng thêm tính hình tượng và dần đi vào đời sống văn hoá dân gian, gọi là "sinh tiếu" (生肖). Trên các hiện vật khảo cổ lâu đời nhất về mười hai con giáp như những mảnh giáp cốt văn, những thẻ tre khắc chữ thời Tiền Tần tồn tại những phiên bản động vật sinh tiếu khác xa với những gì chúng ta biết ngày nay. Ví dụ, trong một số phiên bản, Thìn không phải là rồng mà chỉ là... con sâu. Tương tự, trong một phiên bản khác, Tỵ là hươu thay vì rắn, Thân là vượn thay vì khỉ, Dậu là chim trĩ và Tuất là dê.
Đến thời Tây Hán, các ghi chép về mười hai con giáp đã trở nên giống với ngày nay. Thứ tự mười hai con giáp trong phiên bản này lần lượt là: Tý (chuột) - Sửu (bò) - Dần (hổ) - Mão (thỏ) - Thìn (rồng) - Tỵ (rắn) - Ngọ (ngựa) - Mùi (dê) - Thân (khỉ) - Dậu (gà) - Tuất (chó) - Hợi (lợn).
Phiên bản tiêu chuẩn của Trung Quốc.
Phiên bản tiêu chuẩn của Trung Quốc.
Có thể nói, đây là phiên bản gốc dược dùng làm tiêu chuẩn cho mọi phiên bản mười hai con giáp về sau và cũng là phiên bản mười hai con giáp được sử dụng chính thức tại đất nước tỉ dân. Một số khu vực như Việt Nam, bán đảo Triều Tiên, Myanmar, Thái Lan và Tây Tạng có hệ thống con giáp giống đến ít nhất 80% so với phiên bản này.
Ngoài ra, dưới thời Tùy, có một phiên bản siêu cấp của mười hai con giáp khi nâng số lượng loài lên đến tận.. 36. Cụ thể, phiên bản này được sáng tạo bởi hậu duệ hoàng thất nhà Lương là Tiêu Cát. Hệ thống này về sau còn được biết đến với tên gọi là "tam thập lục sinh tiếu".
Tam thập lục sinh tiếu
Tam thập lục sinh tiếu
Trong phiên bản này, mỗi địa chi lại ứng với 3 động vật sinh tiếu khác nhau, lần lượt như sau: Tý là chim én-chuột-dơi, Sửu là trâu-cua-rùa, Dần là li miêu-báo-hổ, Mão là nhím-thỏ-lửng chó, Thìn là rồng-giao long-cá, Tỵ là lươn-giun đất-rắn, Ngọ là hươu-ngựa-la lừa, Mùi là cừu-đại bàng-chim nhạn, Thân là tinh tinh-vượn-khỉ, Dậu là chim trĩ-gà-chim diều, Tuất là chó-sói-sài, Hợi là lợn nhà-lửng-lợn rừng. Dĩ nhiên phiên bản sinh tiếu 36 con hiện nay không phổ biến bằng phiên bản 12 con, do đó cũng ít người biết và hiểu về hệ thống này hơn.

Việt Nam

Đây có lẽ là biến thể mười hai con giáp mà mọi người chúng ta đều quen thuộc nhất. Tại Việt Nam, cụ thể là trong phiên bản của người Kinh, thứ tự hệ thống mười hai con giáp này là: Tý (chuột) - Sửu (trâu) - Dần (hổ) - Mão (con mèo) - Thìn (rồng) - Tỵ (rắn) - Ngọ (ngựa) - Mùi (dê) - Thân (khỉ) - Dậu (gà) - Tuất (chó) - Hợi (lợn).
Mười hai con giáp tại "vũ trụ" văn hóa Việt Nam
Mười hai con giáp tại "vũ trụ" văn hóa Việt Nam
Dễ thấy trâu là một loài bản địa phổ biến của vùng Đông Nam Á nên đã thay thế cho bò, giống loài phổ biến hơn tại Trung Quốc. Ngoài ra, mèo cũng đã thay thế cho thỏ, dù rằng thỏ cũng là một loài phổ biến tại nước ta. Lý giải cho điều này, có người cho rằng vì từ “mão” phát âm gần giống với “mèo” nên người Việt đã có sự thay đổi như vậy. Dù thế, có một sự thật lịch sử là trong cung đình, Mão vẫn luôn là con thỏ cho đến tận thời Nguyễn, trong khi dân gian đã coi năm Mão là con mèo ít nhất là từ thời Hậu Lê. Do đó, lời giải thích thỏa đáng nhất cho trường hợp này có lẽ là ở Việt Nam, đã từng phân ra làm 2 luồng "Mão là mèo" của dân thường và "Mão là thỏ" của các quý tộc, sau đó thì do sự kết thúc của chế độ phong kiến mà mèo đã đánh bật hoàn toàn thỏ ra khỏi vị trí con giáp.
Cá biệt, ở một số khu vực sinh sống của người Chăm, Thân sẽ là rùa cạn thay vì loài khỉ hay một sinh vật họ linh trưởng nào đó.

Bán đảo Triều Tiên

Vị trí của Mùi (dê) được thay bằng cừu ở một vài vùng thuộc bán đảo Triều Tiên. Dễ thấy, với khí hậu gần vùng hàn đới, việc nuôi cừu có phần dễ dàng hơn là nuôi dê. Điều đó dẫn tới hình tượng của loài cừu cũng mang dấu ấn đậm hơn trong văn hoá bản địa nơi đây. Khi hình tượng mười hai con giáp du nhập vào bán đảo này, sự biến đổi của loài đại diện cho Mùi cũng là dễ hiểu.
Mười hai con giáp phiên bản bán đảo Triều Tiên
Mười hai con giáp phiên bản bán đảo Triều Tiên
PS: Chỗ này thì cần phải giải thích thêm một xíu. Người Đông Á xưa quan niệm dê và cừu đều là loài thuộc họ dương (羊). Để phân biệt dương này với dương kia thì họ thêm chữ miên (綿 )thành miên dương tức cừu và thêm chữ sơn (山) thành sơn dương tức dê. Do đó mà dê và cừu chỉ đơn giản là sự thay đổi nhỏ với các con vật trong cùng một họ động vật mà thôi, chứ không thay đổi lớn như mão từ thỏ thành mèo như trường hợp của Việt Nam.

Nhật Bản

Tại Nhật Bản, cũng giống như bán đảo Triều Tiên, cừu (Mùi) được thay thế bằng dê. Ngoài ra, thay vì lợn, người Nhật Bản chọn Hợi là lợn rừng.
Tạo hình thần lợn rừng trong phim hoạt hình Mononoke. Mình tin là mấy phân cảnh chiến đấu trong phim này của đám lợn rừng đã từng khiến không ít bạn nhỏ phải mất ngủ, khiếp vía đấy :))
Tạo hình thần lợn rừng trong phim hoạt hình Mononoke. Mình tin là mấy phân cảnh chiến đấu trong phim này của đám lợn rừng đã từng khiến không ít bạn nhỏ phải mất ngủ, khiếp vía đấy :))

Myanmar

Phiên bản các con giáp của Myanmar có lẽ là phiên bản có nhiều khác biệt nhất đối với một quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc. Tại Myanmar, hệ thống con giáp này thay vì 12 thì lại bao gồm 8 con giáp, dựa trên 8 hướng là Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc, Đông Nam và Tây Nam. 8 con giáp này bao gồm: Ca Lâu La (một loài chim thần trong văn hoá Ấn Độ và các nước Đông Nam Á), Hổ, Sư tử, Voi (có ngà), Voi (không có ngà), Chuột bạch và Chuột (hoặc Chuột và Chuột lang), Naga.
8 con giáp của người Myanamar (ở chính giữa không phải là con giáp, đôi khi khu vục này sẽ được miêu tả bằng một đóa sen, hoặc hình tượng Đức Phật Thích Ca hoặc con công).
8 con giáp của người Myanamar (ở chính giữa không phải là con giáp, đôi khi khu vục này sẽ được miêu tả bằng một đóa sen, hoặc hình tượng Đức Phật Thích Ca hoặc con công).
Người Myanmar gọi hệ thống con giáp này là Mahabote. Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự khác biệt ở đây là do có sự kết hợp giữa hệ thống chiêm tinh học Ấn Độ với hệ thống sinh tiếu mà thành. Một số học giả thì lại cho rằng, hệ thống 8 con giáp của Myanmar không liên quan gì tới hệ thống mười hai con giáp của người Trung Hoa. Nhìn chung, đây vẫn là một vấn đề cần được nghiên cứu sâu hơn trong tương lai - một "vũ trụ" tương đối độc lạ đang mời gọi chúng ta đến khám phá.

Khu vực dãy Himalaya

Mười hai con giáp của người Gurung ở quốc gia Nam Á Nepal có khá nhiều sự thay đổi so với bản gốc, bao gồm bò cái là Sửu thay vì thay vì bò, Mão là mèo thay vì thỏ (giống như phiên bản của Việt Nam), Thìn là đại bàng thay vì rồng, Dậu là chim thay vì gà và Hợi là hươu thay vì lợn.
Đồng chí!
Đồng chí!
Với người Tây Tạng, Dậu là chim thay vì gà, tương tự phiên bản của người Gurung.

Thái Lan

Trong văn hóa Thái Lan đương đại, hệ thống mười hai con giáp của quốc gia này cũng tương tự như Trung Quốc, chỉ khác duy nhất một điều, hệ thống này của Thái Lan không xuất hiện con rồng mà thay vào đó là naga. Trong thần thoại tại Thái Lan, naga là một dạng bò sát giống rồng có những năng lực siêu phàm. Có thể xem như đây là rồng Trung Hoa phiên bản văn hóa Thái Lan. Cũng giống như rồng Trung Quốc, loài thần thú này tương truyền sẽ mang lại sức khoẻ và sự giàu có cho người cầu nguyện. Cá biệt, tại một số vùng phía Bắc Thái Lan, mười hai con giáp có tồn tại cả loài gấu (?) và ở một số vùng khác, Hợi là voi thay vì lợn.
Mười hai con giáp của người Thái
Mười hai con giáp của người Thái
PS: Thay vì bắt đầu năm mới vào tháng 1 hoặc tháng 2 như ở Trung Quốc và hầu hết các quốc gia nông lịch khác, ngày đầu năm của người Thái Lan bắt đầu vào khoảng thời gian tương đương đầu tháng thứ năm theo lịch nông của Đông Á, hoặc trong lễ hội Năm mới Songkran (hiện đã được tổ chức từ 13–15 tháng 4 hàng năm).

Campuchia

Dù không tiếp giáp với Trung Quốc, mười hai con giáp của Campuchia lại hoàn toàn giống với Trung Quốc, mặc dù ở một số khu vực thì rắn biển neak (phiên bản naga của người Chăm) sẽ thay rồng giữ vị trí Thìn. Cừu và dê cũng có thể hoán đổi vị trí Mùi cho nhau.
Mười hai con giáp của người Campuchia
Mười hai con giáp của người Campuchia
Ngoài ra, giống với Thái Lan, năm mới của Campuchia được tổ chức vào tháng 4 dương lịch.

Quần đảo Mã Lai

Tương tự, mười hai con giáp phiên bản vùng Mã Lai giống với người Trung Quốc nhưng thay thỏ bằng con cheo cheo và lợn bằng rùa.
Cheo cheo, còn được gọi là nai chuột (mousedeer) là một loài đặc hữu ở Đông Nam Á, Nam Á và châu Phi.
Cheo cheo, còn được gọi là nai chuột (mousedeer) là một loài đặc hữu ở Đông Nam Á, Nam Á và châu Phi.
Rồng cũng thường được đánh đồng với naga nhưng đôi khi nó được gọi là rắn lớn hoặc rắn thứ nhất trong khi dấu hiệu rắn được gọi là rắn nhỏ hoặc rắn thứ hai.

Mông Cổ

Một điều dễ nhận ra trong những hệ thống con giáp kể trên đó chính là dù có nhiều khác biệt nhưng trong các hệ thống đó luôn có sự hiện diện bền vững và không thể thay thế của con hổ (Dần). Cho nên phiên bản mười hai con giáp của người Mông Cổ hiện đại là phiên bản đặc biệt nhất khi đây là phiên bản duy nhất của một quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc mà không tồn tại cố định loài hổ. Cụ thể, thứ tự hệ thống mười hai con giáp của người Mông Cổ là: Tý (chuột) - Sửu (bò) - Dần (báo tuyết/hổ) - Mão (thỏ/thỏ rừng) - Thìn (rồng/cá sấu) - Tỵ (rắn) - Ngọ (ngựa) - Mùi (cừu) - Thân (khỉ) - Dậu (gà mái) - Tuất (chó) - Hợi (lợn/lợn nhà). Điều này có thể giải thích là do người Mông Cổ chia làm nhiều bộ lạc du mục sống khắp trên các thảo nguyên Á-Âu, vậy nên việc bắt gặp loài hổ ở một số bộ lạc sẽ ít xảy ra so với các khu vực định cư khác (bởi hổ là một loài sống trong rừng rậm), nên tại một số bộ tộc, người ta đã dễ dàng thay thế hổ với một loài động vật săn mồi có mật độ xuất hiện cao ở nơi mình sống như báo tuyết.
Tai Lung trong Kung Fu Panda được lấy tạo hình của loài báo tuyết
Tai Lung trong Kung Fu Panda được lấy tạo hình của loài báo tuyết
Ngoài ra, việc không tồn tại loài rồng trong một số phiên bản cũng là một điều khó lí giải vì trong phiên bản phổ biến dưới thời đế chế Mông Cổ, rồng vẫn tồn tại như một phần của mười hai con giáp. Điều này có thể thực chứng qua phiên bản mà người Mông Cổ du nhập tới Ba Tư, sẽ được trình bày cuối bài viết này.

Trung Á

Trong phiên bản mười hai con giáp tại Trung Á, người Volga Bulgar, Kazar và các dân tộc nói tiếng Turk khác đã thay thế một số loài trong phiên bản gốc bằng động vật phổ biến tại địa phương. Có thể kể đến các trường hợp như Dần là báo thay vì hổ, Thìn là cá, ốc hoặc cá sấu thay vì rồng, Thân là nhím thay vì khỉ, Hợi là voi thay vì lợn và Tý là lạc đà thay vì chuột... Lưu ý rằng các thay đổi phụ thuộc vào từng tộc người và không nhất thiết tộc nào cũng thực hiện tất cả những thay đổi trên.

Ba Tư

Cuối cùng, chúng ta sẽ đến với phiên bản mười hai con giáp ở một xứ sở rất xa xôi: Ba Tư. Trong phiên bản do người Mông Cổ mang tới nơi vùng đất thuộc Trung Đông này vào thời trung cổ, Thìn còn được gọi là nahang (chuyển ngữ từ lóng thường dùng để chỉ rồng trong tiếng Mông Cổ). Từ này về sau còn mang nghĩa là thuỷ quái. Do đó, Thìn ở đây có thể ám chỉ bất kỳ loài động vật nguy hiểm nào sống dưới nước, cả trong thần thoại lẫn có thật.
Không ngờ tới... Phải không? :">
Không ngờ tới... Phải không? :">
Đến đầu thế kỷ XX, thuật ngữ nahang hầu như chỉ được sử dụng với nghĩa là cá voi, do đó Thìn trở thành cá voi trong biến thể mười hai con giáp tại Ba Tư. Điều này vẫn còn dược duy trì tại xứ này cho đến tận ngày nay.

KẾT

Vừa rồi, chúng ta đã dạo một vòng quanh thế giới để thấy rằng khắp "đa vũ trụ văn hóa", mười hai con giáp thực sự không chỉ giới hạn trong 12 loài, mà thực tế là rất nhiều loài khác nhau, mỗi nền văn hóa, mỗi vùng lãnh thổ lại mỗi khác. Nếu được chọn 12 loài cho hệ thống con giáp, thì bạn sẽ lựa chọn những loài vật nào nhỉ? Cùng chia sẻ cho mọi người về ý tưởng thú vị của bạn nhé. Sau cùng, Spiderum chúng mình xin chúc các bạn đang xem và người thân có một cái tết an lành, hạnh phúc, sẵn sàng tràn đầy năng lượng để đón một năm mới với tương lại rộng mở nhé. Xin chào và hẹn gặp lại.

#Backturn