Thời đại nào cũng tồn tại lo âu của thời đại ấy. Thời đại phát triển, con người với khát khao kiến tạo và hoạt động trong một xã hội hiện đại, áp lực đè lên mỗi cá nhân ngày càng tăng. Áp lực, nhìn nhận một cách công tâm, là một đòn bẩy tạo ra sự phát triển và thành công. Như một ưu đãi “mua 1 tặng 1”, đi kèm với sự thành công chính là các chứng bệnh tâm lý. 
Theo nghiên cứu của UNICEF tại Việt Nam vào năm 2017, khoảng 30% gánh nặng bệnh không lây nhiễm là do rối loạn sức khỏe tâm thần. 
Đáng ngạc nhiên hơn khi quan sát vào kết Điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên thì có 27,6 % số người được khảo sát cho biết họ đã trải qua cảm giác buồn hoặc thấy mình là người không có ích đến nỗi không thể hoạt động như bình thường. Tỉ lệ vị thành viên và thanh niên đã từng cảm thấy hoàn toàn thất vọng về tương lai là 21,3%, 7,5% vị thành viên và thanh niên đã tự gây thương tích và 4,1% người đã từng nghĩ đến việc tự tử,...
Cùng với đó, thống kê tình hình tội phạm năm 2019 cũng chỉ ra rằng, có khoảng từ 72% đến 75% số đối tượng tội phạm xuất phát từ “nguyên nhân xã hội”, mà nguồn gốc đến từ nhiều áp lực trong cuộc sống hiện tại. Đáng chú ý, trong số đó có không ít vụ phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng được nhìn nhận có những yếu tố bất thường về tâm lý, nhiều thủ phạm gây án trong trạng thái không làm chủ được hành vi, bị trầm cảm,...
Đọc đến đây chắc hẳn sẽ có không ít những anh/chị thuộc thế hệ trước sẽ nói rằng “Ai mà chẳng phải trải qua những áp lực để trưởng thành hơn”, “Đây là chuyện bình thường mà cứ làm quá lên”, “Bọn trẻ bây giờ yếu đuối và toxic quá”, “Đúng là cái lũ sướng quá hóa rồ”,... Khi nhận được những lời nhận xét như vậy, các bạn Gen Z chắc chắn sẽ bất bình và câu chuyện đằng sau không cần phải nói quá nhiều. Một trận khẩu chiến “ngang tài ngang sức”, ai cũng có những luận điểm phù hợp để bảo vệ "phe phái" của mình.
Nhưng thực chất, đây chỉ là một cuộc chiến vô bổ vì tất cả chúng ta đều đang bị cơ chế phòng ngự tâm lý “dắt mũi” mà thôi. 
Có một sự thật mà mỗi chúng ta đều phải tự thừa nhận rằng, cuộc sống ngày đã và đang ngày một trở nên khắc nghiệt hơn. Sự tác động của văn hóa, lối sống lệch lạc; sự suy thoái về đạo đức, lỗ hổng trong giáo dục, môi trường sống trở nên phức tạp hơn. Sự thay đổi tiêu cực của các gia trị sống, giá trị đạo đức trong xã hội hiện đang diễn ra từng giờ từng phút. Lối sống chụp giật, hưởng thụ,...vô hình chung trở thành chuyện bình thường. Để đến nỗi những “chuyện tử tế”, từ thiện, việc đề cao cuộc sống có tình người và trở thành vấn đề có sức ảnh hưởng. 
Trong khi đó, những câu chuyện như vậy sẽ chẳng hiếm cũng chẳng xa lạ trong xã hội cũ và thậm chí trở thành nét tiêu biểu khi chúng ta hoài niệm - một xã hội sống có tình người. Được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong một xã hội như vậy đã khiến cho nền tảng sức khỏe tinh thần của thế hệ trước có phần “nhỉnh hơn” so với lớp trẻ hiện tại. Thêm vào đó với kinh nghiệm sống cùng trải nghiệm đủ lâu giúp cho những người thế hệ trước có những kỹ năng cần thiết để vượt qua. 
Né tránh, từ bỏ, dồn nén đều là những đáp án của tất cả những hành động có phần quá khích trên. Và đó cũng còn là đáp án của muôn vàn hành động không tên, nhỏ nhặt khác trong cuộc sống. Ngay cả những người ngoài cuộc cũng chẳng thể hiểu nổi rõ ràng tại sao sự thật rành rành trước mắt mà những con người đó lại không thể chọn cách khác lại chọn con đường u mê hay không thể đối diện được. 
Mong rằng bài viết này sẽ thu hẹp được khoảng cách thế hệ. Những cánh chim đầu đàn sẽ có được cái nhìn công tâm với những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại, trao đi kinh nghiệm sống giúp cho lớp người này ngày một vững bước hơn trên con đường gian nan. Hoặc chí ít cũng đưa ra lời bàn tán tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng lại tạo ra áp lực vô hình đè nén thêm. Các bạn trẻ cũng có thể mở lòng đón nhận, cầu thị tiếp nhận kỹ năng xử lý khủng hoảng để có thể bảo vệ sức khỏe tâm lý của mình tốt nhất. 
Đừng để cơ chế phòng ngự tâm lý làm hại bạn. Hại bạn đánh mất những mối quan hệ quan trọng đáng quý trong cuộc sống. Hại bạn trong việc xử lý lo âu. Và cao hơn nữa chính là hại bạn đánh mất đi chính bản thân mình. 

Mối quan hệ giữa ID, Ego và Superego

Theo Sigmund Freud, nhân cách con người phức tạp và có nhiều hơn một yếu tố. Trong học thuyết Phân tâm học của mình, Freud cho rằng nhân cách của con người bao gồm 3 phần: Bản năng (cái nó) - ID, bản ngã (cái tôi) - ego và cái siêu tôi (superego). Ba thành tố này cùng phối hợp hoạt động và tạo ra các hành vi phức tạp của con người. 
ID, bản năng là phần nguyên thủy nhất nằm bên trong mỗi con người, tồn tại ngay từ khi chúng ta sinh ra. Đây là phần vô thức bốc đồng trong tâm trí con người; tham dự vào quá trình tư duy với đặc tính phi logic không quan tâm đến những yếu tố khách quan bên ngoài cùng với những mơ tưởng cùng sự ích kỷ. Bản năng bị chi phối bởi nguyên tắc khoái cảm cho nên luôn phản ứng trực tiếp, ngay lập tức với những thôi thúc và nhu cầu mong muốn. Nếu như những nhu cầu này không được đáp ứng thỏa mãn thì sẽ gây ra trạng thái lo lắng căng thẳng. 
Không phải nhu cầu nào cũng sẽ được áp ứng. Cũng giống như khi đói, việc tìm mọi cách để đáp ứng nhu cầu khỏa lấp cơn đói là đúng. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc đi cướp đồ của người khác để thỏa mãn bản thân mình. Chính vì vậy cái tôi (bản ngã) cùng cái siêu tôi được ra đời để kiểm soát những bản năng và hành động sao cho thực tế cũng như được xã hội chấp nhận. 
Ego (bản ngã), “phiên bản nâng cấp” hơn của ID sau khi đón nhận những ảnh hưởng đến từ thế giới bên ngoài. Bản ngã sinh ra để làm cầu nối trung gian giữa cái bản năng không thực tế ích kỷ và thế giới thực tại bên ngoài khách quan. Chịu sự kìm hãm của nguyên tắc thực tế, ego sẽ làm thỏa mãn những nhu cầu của ID nhưng với sự ràng buộc của thực tế xã hội. 
Mặc dù kìm hãm được ID nhưng cũng chính vì thế ego có xuất hiện những căng thẳng nhất định. Nhưng với mục tiêu phù hợp với thực tế, ego sẽ tìm một đối tượng trong thế giới thực phù hợp với hình ảnh tâm trí tạo ra bởi bản ngã trong quá trình tư duy. Quá trình này cho phép mỗi cá nhân kiểm soát được căng thẳng và thể hiện khả năng tự kiểm soát bản thân thông qua việc làm chủ bản ngã. 
Cái siêu tôi superego là thành tố cuối cùng của nhân cách. Đây là khu vực lưu trữ tất cả các lý tưởng, tiêu chuẩn đạo đức mà chúng ta có được từ cha mẹ hay xã hội, những nhận thức đúng và sai. 
Chức năng của superego là kiểm soát những xung động của ID, đặc biệt là những thứ mà xã hội cấm, chẳng hạn như tình dục và gây hấn. Nó cũng có chức năng thuyết phục bản ngã hướng tới những mục tiêu đạo đức hơn và phấn đấu cho sự hoàn hảo.

Lo âu xuất hiện khi nào?

Ba yếu tố trên không hoàn toàn tách biệt và có ranh giới rõ ràng. Chúng luôn trong trạng thái “động” và tương tác ngay bên trong mỗi con người để ảnh hưởng đến hành vi và nhân cách tổng thể của chủ thể. 
Bản ngã là phần tính cách đối mặt với thực tế bên ngoài. Khi hoạt động, bản ngã đóng vai trò ở giữa đòi hỏi phải xử lý cân bằng những yêu cầu của bản năng đi theo la bàn định hướng của siêu ngã. Những tưởng đây là một hệ thống hoàn hảo nhưng bản chất bên trong lại luôn gặp phải căng thẳng. Ego phải ra sức dàn xếp ba chủ thế đối địch lẫn nhau trong khi đó, ID mải chảy đi kiếm tìm sự thỏa mãn tức thì, superego thì luôn ra lệnh phải làm đúng với khuôn mẫu nhưng thực tế bên ngoài thì muôn hình vạn trạng. Cám dỗ luôn là miếng bánh ngọt béo bở mà chúng ta lại không thể coi chúng như không tồn tại. 
Điều này khiến cho nhiệm vụ của ego không phải lúc nào cũng gặp suôn sẻ và dễ dàng. Và chuyện gì sẽ xảy ra khi cái tôi không hoàn thành được công việc của mình? Không xử lý được những yêu cầu đến từ mong muốn của ta, ràng buộc của thực tế cùng tiêu chuẩn đạo đức của ta?
Lo âu xuất hiện
Lo âu phát sinh là kết quả của tất cả xung đột của các lực lượng và đây là trạng thái khó chịu tồn tại bên trong mà ai cũng muốn tránh né. Lo âu cũng giống như một tín hiệu đánh thức bản ngã trong quá trình “chiến đấu” không còn minh mẫn rằng mọi chuyện đang không ổn. Đang tồn tại những nguy hiểm đe dọa tới sự cân bằng của hệ thống. Các mối nguy hiểm này được xếp vào ba nhóm: 
Lo âu nhiễu tâm (Neurotic anxiety): Là cảm giác khó chịu, sợ rằng mình sẽ không thể kiểm soát được thôi thúc của bản năng, để rồi bị trừng phạt vì những hành vi không thích hợp của mình. 
Lo âu hiện thực (reality anxiety): Đây là dạng lo lắng cơ bản nhất, có nguồn gốc từ những vấn đề trong thực tế.  
Lo âu đạo đức (moral anxiety): Là nỗi lo mình sẽ vi phạm những nguyên tắc đạo đức của bản thân. Nó sẽ xuất hiện khi chúng ta cảm thấy tội lỗi hay hổ thẹn. 
Một khi một trong số các loại lo âu trên xuất hiện, tâm trí chúng ta sẽ phản ứng theo hai cách. Cách thứ nhất là chúng ta nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề. Cách thứ hai là phát sinh ra cơ chế phòng ngự. Cơ chế phòng ngự là những cách mà ego xây dựng để đối phó và bảo vệ cá nhân. 

Cơ chế phòng ngự tâm lý

Tất cả các cơ chế phòng vệ đều có hai đặc tính: Chúng có thể hoạt động ở cấp độ vô thức. Chúng có thể bóp méo sự thật, làm biến đổi hay làm sai lệch sự thật. Việc thay đổi nhận thức thực tế cho phép chúng ta giảm thiểu sự lo âu, giảm những căng thẳng về mặt tâm lý. 
Cơ chế phòng ngự sẽ rất tốt với chức năng xoa dịu lo âu của mình. Nhưng cũng chính chúng sẽ tạo ra tai họa nếu bản thân mỗi chúng ta không nhìn nhận rõ ràng đúng sự thật đang diễn ra.
Con gái của cha đẻ học thuyết, Anna Freud đã mô tả 10 cơ chế tự vệ khác nhau được bản ngã sử dụng như sau: 

Denial - Chối bỏ 

Chối bỏ có thể coi là cơ chế phòng vệ thường gặp nhất trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Giống với tên gọi, nó thường được sử dụng khi con người ta muốn chối bỏ sự thật. 
Bạn bị người thân thường xuyên đánh đập, bạo hành từ nhỏ tạo thành những vết thương tổn cả thể xác lẫn tinh thần. Nhưng khi được hỏi về câu chuyện đằng sau những vết sẹo, bạn lại chọn cách nói dối rằng đây là do bạn phạm lỗi, bố mẹ bạn giận chẳng may dạy dỗ bạn “mạnh tay” nên để lại. Bạn từ chối sự thật rằng bạn không giống người khác, không được cha mẹ yêu thương, không có tuổi thơ với chiếc kẹo bông gòn màu hồng. 

Repression and Suppression - Đè nén và đàn áp 

Đè nén là cũng là cơ chế phòng ngự được sử dụng với tần suất tương đối nhiều tương tự như chối bỏ. Đè nén được sử dụng với mục đích giúp giữ thông tin không được xâm nhập vào vùng vô thức. Tuy nhiên, những ký ức này không mất đi mà chúng lại tiếp tục gây ảnh hưởng đến hành vi. 
Giống như vấn đề khủng hoảng căn tính. Bạn biết bản thân mình đang gặp phải những lo âu về câu hỏi mình là ai, mục đích sống của mình là gì. Nhờ vào internet bạn nhận thấy được đó là chuyện mà ai cũng phải trải qua cho nên bạn tự “setup” cho bản thân một suy nghĩ “cứ làm đi rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi” nhằm đè nén cảm xúc lo sợ mà cuộc khủng hoảng này đem lại. Nỗi lo được giải tỏa nhờ cơ chế phòng ngự nhưng căn nguyên của mọi chuyện không được xử lý triệt để nên lo âu sẽ sớm quay lại. 
Khi chúng quay lại, bạn ý thức được việc làm điều này sẽ khiến mình ổn hơn bạn vô thức lập lại đàn áp cảm xúc để vứt chúng ra khỏi vùng ý thức. Mơ hồ mọi chuyện đã trở thành vòng tròn không lối thoát. 

Displacement - Đổi chỗ 

Cơ chế phòng ngự này nghe lạ nhưng rất quen. Quen đến nỗi chúng ta có cả một câu tục ngữ để miêu tả - “Giận cá chém thớt”. Đổi chỗ chính là trút nỗi bực dọc, cảm xúc, thôi thúc, đè nén của chủ thể lên người khác hoặc những vật được coi là không có khả năng gây hại với chủ thể. 
Chắc hẳn trong mỗi chúng ta đều đã từng là “nạn nhân” của kiểu phòng vệ này. Chủ thể sẽ có được sự thoải mái tức thì nhưng đằng sau đó cũng là nỗi đau. Nỗi đau dành cho cả người thực hiện lẫn nạn nhân. Cảm giác có lỗi trỗi dậy, sang chấn cùng tổn thương được xác lập. Cha mẹ đánh con để đổi chỗ nhưng nỗi đau bị bạo hành trong quá khứ hay chuyển dời những áp lực trong công việc nhằm giải phóng nỗi đau, bực dọc như một cách để trả thù “số phận”. Nực cười ở chỗ, nỗi đau ấy nó chẳng mất đi mà chỉ chuyển dịch sang thế hệ sau. Chỉ đến khi bậc phụ huynh nhìn nhận lại mọi thứ một cách đúng đắn, ăn năn hối lỗi thì cũng đã quá muộn màng. 
Hy vọng rằng, những bạn đã và đang bị bạo hành về cả tinh thần hay thể xác có thể thấu hiểu được vấn đề này. Thấu hiểu để cảm thông với những điều mà cha mẹ của mình đã từng chịu đựng. Cùng với đó tiến hành đối mặt và tự chữa lành cho vết thương của chính bạn. Hành trang bạn đem theo sẽ để bạn không vướng phải “vết xe đổ”, tự tin tạo ra một thế hệ khỏe mạnh và tươi sáng hơn. 

Sublimation - Thăng hoa 

Thăng hoa? Bạn không nghe nhầm đâu, có một cơ chế phòng ngự mang một cái tên vô cùng tích cực - thăng hoa. Đây là một cơ chế rất tuyệt vời cho phép chủ thể bộc lộ những thôi thúc không thể chấp nhận được bằng cách cải biến những hành vi này theo cách thức được xã hội chấp nhận. 
Bạn vừa trải qua một ngày làm việc dài với những cuộc họp không hồi kết. Thế nhưng, thượng đế lại chưa cho bạn yên, xe hỏng bạn phải dắt bộ về nhà, vì quá muộn và mệt mỏi nên bạn không muốn nấu cơm nhưng thật không may chẳng quán nào còn mở. Thay vì việc bạn giận chó đánh mèo với những người thân thì bạn chọn một cách khác đó chính là đi dạo ngắm cảnh để không làm ảnh hưởng đến ai đồng thời làm tan biến cảm xúc tiêu cực của chính bạn. 

Projection - Phóng chiếu 

Phóng chiếu là cơ chế phòng vệ đem những đặc điểm hoặc cảm xúc không chấp nhận được của bản thân mình gán cho người khác. Cuộc sống là một thước phim, với cơ chế này bạn đang là diễn viên chính trong một bộ phim đặc biệt. Ở nơi đó, chỉ có một mình bạn có thể nói được và các nhân vật khác thì không. 
Bạn thấy mình như một chú vịt xấu xí sống giữa một bầy thiên nga. Chính vì thế bạn không dám bắt chuyện làm quen với người lạ vì nghĩ rằng sẽ chẳng một ai thích một người xấu xí cả. 
Phóng chiếu cho phép bạn thể hiện những mong muốn đó ra bằng cách không tụ tập hay tiếp xúc với người lạ. Từ đó bạn sẽ cảm thấy mối lo của mình được giảm xuống vì sẽ chẳng có ai chú ý đến mình nữa. 

Intellectualization - Tri thức hóa 

Tri thức hóa làm giảm lo âu bằng cách suy nghĩ về các sự kiện theo hướng lạnh lùng và lãnh đạm. Cơ chế phòng vệ này cho phép ta tránh suy nghĩ về khía cạnh căng thẳng, kích động của tình huống mà chỉ tập trung vào yếu tố tri thức. 
Chuỗi hành động của nhân vật Ron trong phim Dallas Buyers Club sau khi nhận kết quả xét nghiệm nhiễm AIDS là một ví dụ tuyệt vời. Ron không tin kết luận của bác sĩ vì nghĩ chỉ có “lũ đồng tính” mới bị căn bệnh đáng sợ đó. Nhưng nghĩ lại, những ông bạn thô lỗ của mình đều là người đồng tính luyến ái, Ron mới thật sự sợ hãi. Ron phải trốn chạy khỏi thế giới của dân đồng tính, chuyển giới (những người Ron từng thèm muốn được làm bạn) và tìm kiếm tất cả các cách để được sống. Xin vào danh sách được thử nghiệm thuốc AZT không được, Ron hối lộ nhân viên ăn trộm thuốc, rồi sang tận Mexico tìm kiếm thứ thuốc chữa HIV mà anh nghĩ rằng có tác dụng tốt hơn AZT.

Rationalization - Hợp lý hóa 

Hợp lý hóa là cơ chế tự vệ diễn ra khi chủ thể giải thích một hành vi hay cảm xúc không được chấp nhận theo một cách thức hợp lý, có logic, tránh né những lý do thực sự đằng sau hành vi. Cơ chế này được “dân gian” chúng ta mô tả bằng một câu kinh điển “lý do to hơn mục đích”. 
Bạn muốn có nhiều thời gian hơn ở bên cạnh crush, nhiều phương án được bạn đưa ra nhưng đồng thời chính bạn lại luôn chần chừ phủ định lại tất cả với muôn vàn lý do “thuyết phục”. Bạn nghĩ ra một “chiêu thức” vô cùng sáng tạo: Tiện đường. Tiện đường đi làm về cùng hướng, tiện đường đi làm phải đi qua chỗ này chỗ kia,….
Hợp lý hóa không chỉ giúp ngăn ngừa lo âu, nó còn giúp bảo vệ lòng tự trọng và cách ta nhìn nhận về bản thân. 
Đáng buồn thay, bạn sẽ chỉ có thể dùng cách này hay cách tương tự được vài lần vì crush sẽ cảm thấy bạn là một kẻ rảnh rỗi hoặc một kẻ đeo bám. Nhưng thật gay go khi còn có sự xuất hiện một kẻ thứ 3, hắn đã dũng cảm rủ thành công crush của bạn đi chơi. Bạn thất bại. Bạn đổ lỗi tất cả là do kẻ thứ ba chứ không phải do sự hèn kém và yếu đuối của bản thân. 
Cứ giữ mãi cách xử lý lo âu như vậy, bạn xứng đáng FA. 

Regression - Thoái lui 

Khi đối mặt với những sự kiện căng thẳng, Ego lúc này bị đẩy về giai đoạn phát triển trước đây thay vì xử lý các xung động không thể chấp nhận một cách trưởng thành hơn. 
Tuy nhiên, những hành vi liên hệ với cơ chế thoái lui rất đa dạng. Nó sẽ phụ thuộc vào giai đoạn mà người này lưu luyến. 
Anh thanh niên A trong thời thơ ấu thường xuyên bị dạy dỗ bởi đòn roi của cha mẹ mà không có lời giải thích và bị đánh đến khi nào nín khóc thì thôi. Cho đến thời điểm hiện tại, mỗi khi đối diện lo âu hay mất mát người thân anh A cũng không có thể khóc được hay bộc lộ được những cảm xúc như “người bình thường”. “Kẻ vô cảm”, “kẻ lạnh lùng” đã được gán mác vào anh A. 

Reaction Formation - Phản ứng ngược 

Phản ứng ngược giảm lo âu bằng cách thể hiện cảm xúc, ý nghĩ bốc đồng hoặc hành vi theo hướng đối lập. Đọc đến đây chắc hẳn phải đến 80% các bạn đều đã chứng kiến hoặc tham gia vào cơ chế này. 
Các bậc phụ huynh thường hay dùng roi vọt để phạt mỗi khi con của mình phạm lỗi hay phạm sai lầm. Đó chỉ là bề nổi của vấn đề và ẩn sâu trong đó là nỗi sợ của mỗi bậc làm cha làm mẹ. Nếu con làm sai mà mình không có biện pháp mạnh để răn đe thì tương lai nó còn sai và thậm chí để lại hậu quả rất lớn, trở thành một đứa hư hỏng không ra gì. Nhưng làm quá thì nó sẽ trở thành vết thương trong lòng mỗi đứa trẻ, một hậu quả rất nghiêm trọng. 
Nếu các bạn nữ đang đọc bài viết này, chắc hẳn đã từng có một bạn nam trêu bạn rất nhiều nhưng thực chất không phải vì trêu đùa bình thường mà là đang để ý đến bạn và muốn lấy le chưa. Và chắc hẳn cậu bạn ấy sẽ được bạn để ý lại, nhưng không phải để ý theo ý muốn của bạn trai kia mà là để ý “ghim thù”. 
Cơ chế phòng ngự tâm lý đến hiện nay vẫn còn là đề tài nghiên cứu của rất nhiều chuyên gia. Không có cách phân loại nào về các cơ chế phòng vệ tâm lý được chấp nhận rộng rãi, mặc dù nhiều tác giả đã đề xuất nhiều cách khác nhau. 
Chúng ta không phủ nhận việc sử dụng các cơ chế phòng ngự tâm lý giúp cho chúng ta giảm thiểu căng thẳng đến từ lo âu Tuy nhiên nó chỉ dừng lại ở việc giảm thiểu ảnh hưởng của cảm xúc tiêu cực chứ không giúp chúng ta sửa chữa tận gốc. Thậm chí, việc lạm dựng các cơ chế phòng ngự tâm lý này cũng dễ khiến chúng ta mắc các chứng bệnh liên quan đến rối loạn cảm xúc, trầm cảm …
Để có một sức khỏe tâm lý tốt cũng như bảo vệ chúng trước biến động của xã hội thời đại tất cả đều nhờ vào các mà chúng ta đối diện với lo âu. Vậy nên đừng để cơ chế phòng ngự tâm lý làm hại bạn.