Việt Nam đã kết thúc Olympic Tokyo 2020 nhưng không mang về cho mình được tấm huy chương nào. Đây là một kết quả có vẻ rất dễ để chấp nhận vì thực tế thể thao Việt Nam so với thế giới vẫn còn thua kém ở nhiều góc độ.
Về mặt thể chất, người Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng được xếp vào tầm trung bình. Thậm chí, chiều cao của người Việt còn thua kém một số nước chung khu vực như Nhật, Hàn, Thái Lan… Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do nước ta còn trong tình trạng đang phát triển, những gia đình có mức thu nhập chỉ “đủ ăn” còn nhiều. Tình trạng này còn tệ hơn trong những thập kỉ trước, trong giai đoạn các vận động viên đang phát triển về thể chất. Rất nhiều khu vực hiện chỉ đầu tư vào việc học cho các học sinh, còn những cuộc thi về năng khiếu, thể thao tiêu biểu là Hội khỏe Phù Đổng vẫn chưa được chú tâm.
Về mặt đầu tư, do kinh tế đất nước đang trên đà phát triển nên không thể đòi hỏi những khoảng đầu tư khủng (tay vợt Naomi Osaka được tặng số tiền hơn 50 triệu USD, chưa kể chi phí đầu tư cho quá trình luyện tập, lớn hơn rất nhiều so với con số 30 tỉ đồng đầu tư cho Ánh Viên). Với mức lương 7 triệu đồng/tháng (có thể thay đổi tùy vào các liên đoàn thể thao) nhưng lại đi kèm với quá trình tập luyện khắc khổ và chế độ ăn “kinh khủng”, các vận động viên, đặc biệt là những vận động viên thi đấu ở các lĩnh vực ít được chú trọng, chỉ trông chờ vào tiền thưởng từ các tấm huy chương và những thành tích khác. Chưa kể quá trình đầu tư không thể trong vài tháng mà là quá trình luyện tập lâu dài, luyện tập từ khi còn nhỏ nhằm đảm bảo yêu cầu về thể chất, kĩ năng chứ không thể ngồi chờ những thiên tài xuất chúng (hiện vẫn có những vận động viên U40 vẫn phải chiến đấu vì thiếu tài năng trẻ, và số lượng tài năng trẻ như Ánh Viên không nhiều khiến cô phải thi đấu quá nhiều nội dung và gánh trên vai một gánh nặng rất lớn). Một trong những thành tựu tiêu biểu của việc đào tạo trẻ chính là lứa học viên đầu tiên của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal – JMG với những gương mặt đã đóng góp rất nhiều vào những thành tích của đội tuyển quốc gia, đội tuyển U19, U23. Điều này cho thấy tầm quan trọng của công tác đào tạo trẻ đối với chất lượng và số lượng vận động viên chuyên nghiệp nhưng ngoài bóng đá, những lĩnh vực thể thao khác đang thiếu đi sự đầu tư lâu dài chuẩn bị cho những kì Olympic và những giải đấu khác trong tương lai xa.
Còn một vấn đề nhỏ nữa về thể thao Việt Nam là nhà nước đang gánh khá nhiều môn thể thao khi nó ít được các nhà đầu tư khác chú ý đến. Bóng đá, bóng chuyền, bơi lội… đang dành được sự quan tâm của các chủ doanh nghiệp yêu thể thao khiến cho những môn còn lại chỉ âm thầm phát triển. Một phần nguyên nhân là do các liên đoàn thể thao chưa có những chiến lược, chính sách phù hợp nhằm kêu gọi vốn đầu tư từ xã hội khiến cho tiền trở thành vấn đề nan giải.
Với những lý do trên, dĩ nhiên ta có thể dễ dàng chấp nhận thực trạng không huy chương trong kì Olympic Tokyo 2020. Nhưng đối với nhiều cổ động viên Việt Nam lại không thỏa mãn với thành tích như thế. Có thể họ đã quên Olympic là một kì thi quốc tế, với những cầu thủ chuyên nghiệp đến từ nhiều quốc gia, trong đó có những quốc gia trội hơn ta hoàn toàn về mặt thể chất. Nếu xét giải đấu khu vực như SEAGAME, trong 10 năm trở lại đây Việt Nam chưa lọt khỏi top 3, một thành tích đáng tự hào nhưng không mấy ai chịu nhìn lại. Sự tiêu cực của những cổ động viên mang lại đang đặt một gánh nặng lên vai những vận động viên và có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp thi đấu của họ.
Thực trạng thể thao Việt Nam hiện tại là điều chúng ta có thể dễ dàng nhận ra, nhưng không mấy ai chịu suy nghĩ nghiêm túc và thông cảm trước vấn đề này. Các vận động viên của chúng ta đã quá mệt mỏi sau một kì Thế vận hội, hy vọng họ sẽ không còn chịu thêm áp lực nào nữa.