Ngày hôm trước, tôi bị chụp lén ở quán cà phê. Bởi một nhóm những khách hàng nam khác - chắc độ 30, 40 tuổi, có người thậm chí còn ôm con trai trong lòng. 
Lý do khách quan đơn giản hội tụ những điều sau : 
một nhóm toàn nữ - xinh, ăn mặc sang chảnh không phải học sinh, hành động làm họ thấy tò mò; 
địa phương có một nhóm tên “Hóng biến xxx” - ngoại trừ việc giúp đỡ cập nhật tin tức, tai nạn, … thì đa số thời gian, tôi gọi cái nhóm này là “rác” do quá nhiều phát ngôn bẩn; 
cuối cùng, họ không nghĩ chúng tôi dám chửi thẳng mặt.

1. TRÒ ĐÙA MẠNG XÃ HỘI - SỰ VÔ TÂM TAI HẠI

Trích trong đề tài tôi làm ngày trước (1) : “Trước đây, nhắc đến “cúi đầu”, người ta nhớ đến một hành động thể hiện sự tôn trọng, thậm chí là thuần phục. Ta cúi đầu trước một điều gì đó lớn lao, cao cả và đáng kính. Bây giờ, “cúi đầu” gánh thêm một tầng ý nghĩa nữa - biểu tượng của thời đại công nghệ số. Không khó để bắt gặp tình cảnh một nhóm bạn đi chơi cùng nhau, hay một gia đình quây quần sau bữa tối, nhưng cuối cùng lại chẳng ai nói gì vì tất cả đều chỉ chăm chăm nhìn vào điện thoại.”
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ số và các nền tảng số - đặc biệt là mạng xã hội phát triển hơn bao giờ hết. Chúng ta coi Facebook và Instagram như mạng sống, như một phần cơ thể và nghĩ mình sẽ không sống nổi nếu thiếu chúng. Chúng ta cập nhật thông tin hàng ngày trên mạng xã hội. “Cúi đầu” là điều không tránh khỏi, nhưng chúng ta lại “cúi đầu” theo đúng nghĩa đen - thuần phục và nghe theo - cho dù không phải mọi thứ ta thấy trên mạng đều hữu ích. Bản tính của con người là tò mò. Chúng ta lên mạng với tâm thế tương tự - muốn “hóng” cái gì đó mới, và phải hóng cho tường tận để thỏa trí tò mò, để không bị “tối cổ” so với những người khác. Mà tin tức trong cuộc sống thì có bao giờ cạn kiệt - nó như một cơn sóng cuốn ta đi, xa mãi không thấy bờ, khiến ta phải liên tục cập nhật và theo dõi. 
Con sóng ấy còn được đẩy lên cao trào bởi muôn vàn trạng thái bình luận và cảm xúc từ cư dân mạng. Đằng sau bàn phím, không ai biết được thân phận, danh tính của nhau, cũng không ai bắt ta chịu trách nhiệm vì những gì mình nói. Bởi vậy, người ta thoải mái bộc lộ hết mọi cảm xúc, suy nghĩ của mình, không cần biết đúng sai phải trái. Mạng xã hội trở thành một cơn sóng cảm xúc, còn chúng ta, bởi tâm lý đám đông, thì dễ dàng bị cuốn theo cơn sóng ấy. Sóng sau xô sóng trước, ai có thể nhớ được hàng chục sự kiện đã thấy trong ngày, đến cùng mới sinh ra một thế hệ quay lưng - chúng ta như đã chai lì với mọi câu chuyện, dù lớn dù nhỏ, dù có bức xúc bao nhiêu cũng dễ dàng quên lãng.  
Chúng ta hoài cúi đầu lướt và lướt, và rồi cũng muốn mình là một người góp phần truyền tải thông tin người khác đọc hàng ngày. 
Sự hiếu thắng, tò mò, kích thích của việc được đăng thứ gì đó mới lên và người khác hưởng ứng, được là người dẫn đầu một nhóm thiểu số “dư luận” đánh bật tất cả. Và chúng ta bắt đầu hành động. Thậm chí bằng những việc trái pháp luật - như xâm phạm quyền riêng tư hình ảnh của người khác, và thậm chí là những việc chỉ có “con” mà chẳng “người” nào làm - để lại cho những cá nhân bị giễu cợt những ám ảnh khó quên. 
Nhưng mạng xã hội được thiết kế để làm người ta lãng quên. News feed thì cứ đẩy lên đẩy lên theo từng phút. Nỗi đau thì chỉ xảy đến với nạn nhân của hành vi, chứ những kẻ gây ra những thứ, mà theo mồm chúng nói rằng “nhỏ bé” và “thế mà cũng căng” này - thì sẽ chẳng bao giờ ghi nhớ. 
Việc post, chế giễu và rồi quên đi những gì mình đã đăng trên mạng xã hội rất dễ. Lượng thông tin một ngày người ta tiếp nhận quá nhiều để có thể thật sự ghi nhớ mọi thứ. Và dù chuyện có ra sao, vòng xoáy vẫn tiếp diễn. Người bị chụp trộm và chế giễu thì vẫn ám ảnh, còn những kẻ đi chụp trộm thì vẫn chụp trộm. Vì quả báo thì chưa đến. Và cộng đồng quanh chúng thì ai chẳng vậy. 
Và cũng chẳng nghĩ đến rằng, liệu rồi đứa con mình ôm trong lòng sẽ trưởng thành ra sao. 

2. VẬY THÌ TẠI SAO TÔI LẠI GỌI ĐÂY LÀ MỘT CHUYỆN VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI?

Như điều cuối cùng tôi đã nói kia - những người đó chưa bao giờ nghĩ một nhóm khá ít người và toàn là nữ sẽ dám sang đối chất tận mặt với một đám đàn ông cao to gấp đôi mình. 
Tôi đập cái gạt tàn xuống sau khi chuyển bàn vì bạn tôi thấy sợ và không thoải mái, đi thẳng sang đặt vấn đề “Các anh vừa chụp lén tụi em ạ?” và sau đó nhờ chủ quán check cam. Mặt bọn gã tái mét và chối đây đẩy. Dù trước đó mấy gã nhìn chúng tôi chằm chặp và giơ điện thoại rất ngang nhiên cũng như cười cợt - cách mà bọn quấy rối hay cười, hẳn tôi không kể ra thì các bạn đều biết. 
Nhưng cái sự bực tức đến bây giờ vẫn chưa tan nổi trong tôi. Bởi lẽ, tôi và bạn tôi tự hỏi, nếu chúng tôi là một nhóm đàn ông, dù có bị chụp lén thì liệu chúng tôi có gặp một cái case trơ trẽn như thế này không? 
Cái tâm lý của những kẻ đi bắt nạt là nhằm vào những người nhỏ yếu và chúng nghĩ rằng không có sức phản kháng. Nếu chúng tôi là đàn ông, liệu chúng tôi còn bị nhận định như vậy? Hơn thế, những tưởng tôi sẽ không phải kiềm mình để tránh dí thẳng đầu thuốc đang cháy vào mặt bất cứ một thằng nào - một gã trong đó còn lẩm bẩm rằng “Có thế mà cũng căng”. 
Trời ơi! Năm 2022 rồi lạy Chúa! 
Liệu đến bao giờ, hả các anh ơi, đến bao giờ việc đàn ông chụp lén và catcall phụ nữ mới thôi được coi là một việc tán tỉnh bông đùa và khen ngợi không ác ý? Tại sao trong khi ai cũng có thể là nạn nhân, thì phụ nữ vẫn là những người sẽ gặp phải nhiều nguy hiểm hơn nam giới khi đi trên đường? 
Theo khảo sát năm 2014, 87% trong tổng số 2000 phụ nữ tham gia khảo sát ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, họ đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. Tại trường học, 31% em gái vị thành niên và thanh niên đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, 11% học sinh tại 30 trường phổ thông của Hà Nội từng bị xâm hại, quấy rối tình dục. Cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có 04 người đã từng bị bạo lực tình dục dưới các hình thức khác nhau. Dù không có số liệu chính thức, bạo lực tình dục ở những nhóm yếu thế như phụ nữ bán dâm, LGBT có khả năng cao hơn con số này. 
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc thường xảy ra đối với phụ nữ và không hạn chế đối với nhóm độ tuổi nào, nhưng những người trẻ ở độ tuổi từ 18 – 30 thường bị quấy rối nhiều hơn. Nạn nhân của quấy rối tình dục thường ở vị thế thấp, dưới quyền, trong tình trạng phụ thuộc vào người có hành vi quấy rối. Quấy rối tình dục cũng xảy ra đối với nhóm làm việc ở khu vực phi chính thức và nhóm lao động giúp việc gia đình. (2)
Như vậy, có thể thấy, tỉ lệ này phản ánh rõ bạo lực giới và bất bình đẳng giới tại Việt Nam. Bạo lực giới xảy ra ở mọi nơi: từ gia đình, cộng đồng, đến nơi làm việc, học tập hay những địa điểm công cộng. Những hành vi này vi phạm pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế, cản trở những nỗ lực nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Và rất nhiều nơi tôi đi qua, trên đất nước tôi vẫn yêu vô cùng, vẫn còn những kẻ không ý thức được hành vi của mình là bạo lực, không hiểu rằng mình đang vi phạm pháp luật và nhân quyền của người khác, để rồi người nhận hậu quả lại là những nạn nhân. 
Tôi tự nhủ lòng thấy may mắn vì tôi chưa kịp vớ cái gạt tàn nào. 

3. KẾT LẠI THÌ

Dù bạn là nam hay là nữ, dù bạn mấy tuổi và đang đọc bài viết này, tôi chỉ muốn nói rằng việc bị chụp lén và quấy rối bởi những người lạ mặt ở nơi công cộng HOÀN TOÀN LÀ LỖI CỦA NGƯỜI TA
Bất kể bạn có ăn mặc như thế nào, bạn có làm hành động gì, hay bạn có là ai, thì bạn hoàn toàn CÓ QUYỀN để chửi thẳng vào mặt, thậm chí là áp dụng những hành động pháp lý với những kẻ như vậy. 
Cuối cùng, tôi nói rồi đó. Tôi không phải người tốt và lương thiện gì, tôi chỉ không muốn bẩn tay. Nên tôi tin, và cầu nguyện rằng, quả báo sẽ sớm đến thôi. Không nay thì mai. Hãy để mỗi ngày chúng sống là một loại ác mộng mới. 
Tôi không bao giờ nguyền rủa người ta chết đi, vì có những thứ phải sống để trả giá. Chết thì lại dễ quá. 
Chúc các bạn không gặp phải những người như thế. Hoặc nếu gặp phải, tôi chúc các bạn đủ cứng rắn và vững vàng. 
Hãy để Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt nói riêng không còn là cộng đồng dễ bị tổn thương và đứt gãy. 
Your J. 
Tài liệu tham khảo :
(1) Chùm bài báo mạng "Dễ bức xúc, dễ lãng quên - cách chúng ta hành xử trên không gian mạng" tôi làm khi ấy : 
(2) Báo cáo rà soát : Thực hiện 25 năm cương lĩnh hành động Bắc Kinh tại Việt Nam, tập trung vào các vấn đề bạo lực trên cơ sở giới dưới góc nhìn của các tổ chức xã hội - Thực hiện bởi UN Women và các tổ chức khác tại VN: