Khai mạc Tokyo 2021: Hãy nhìn xa hơn Bắc Kinh và một số gợi ý
Nhân Lễ Khai mạc Olympic Tokyo, nói lại về Bắc Kinh 2008 và tại sao nó tệ.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của người viết.
Tối 23/1, Lễ Khai mạc Olympic Tokyo đã diễn ra trên một sân vận động 80.000 chỗ ngồi, nhưng chỉ có khoảng 6.000 khách, đã tính cả các đoàn vận động viên.
Chuyện từ Tokyo
Đại dịch Covid-19 rượt theo Tokyo 2020, buộc Thế vận hội phải dời hẳn một năm nhưng sự đen đủi vẫn còn đi theo người Nhật đến tận lễ khai mạc (FYI: Đạo diễn lễ khai mạc bị sa thải trước giờ G chỉ 3 tiếng do từng đùa về nạn diệt chủng). Nhưng không vì thế mà Lễ Khai mạc Olympic Tokyo trở thành một sự kiện tệ hại.
Tóm tắt lại Lễ Khai mạc Tokyo 2020, đội ngũ tổ chức đã chọn dẫn dắt cảm xúc của người xem theo hướng từ thấp đến cao rất rõ ràng; Bắt đầu bằng phần mặc niệm những nạn nhân của Covid-19, tiến đến cao trào bằng những tiết mục biểu diễn hài hước và kết thúc bằng nghi thức thắp lửa.
Tối giản, hiệu quả và tích cực. Người Nhật.
Dù thiếu đi tiếng khán giả hò reo, ánh đèn flash từ khu vực khán đài, có thể nhận xét "Lễ Khai mạc Olympic đã thành công trong việc tạo ra tâm lý nhẹ nhàng, dễ chịu và yên tâm" - như bình luận từ kênh HTV Thể Thao.
Điều làm tôi chú ý là những ngày sau đó, trên các phương tiện truyền thông lại nổ ra cuộc tranh cãi "Nhật Bản nên học tập Trung Quốc làm lễ Khai mạc". Và tất nhiên, Lễ Khai mạc đỉnh-cao-vô-địch-vũ-trụ Bắc Kinh 2008 lại được mang ra làm tiêu chuẩn để đối chất.
Hãy nhìn xa hơn Bắc Kinh
Có lẽ, Olympic Mùa hè ở Bắc Kinh năm đó là kỳ Thế Vận Hội đáng nhớ nhất với người Việt, vì vị trí địa lý rất gần và những hoạt động truyền thông tương tác mạnh, trong đó có cả sự kiện ngọn đuốc Olympic đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Về Lễ Khai mạc, Trương Nghệ Mưu thành công lan tỏa dấu ấn văn hóa đặc trưng nhất của Trung Quốc đến bạn bè thế giới: Chủ nghĩa cộng đồng. Sau Lễ Khai mạc, con số đáng chú ý nhất là số lượng diễn viên tham gia biểu diễn.
Một biển người khiến yếu tố cá nhân hay vẻ đẹp thể thao trở nên thoi thóp.
Bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy kiểu đồng diễn choáng ngợp này ở các quốc gia Xã hội Chủ nghĩa khác. Tôi gợi ý xem Đại diễn Arirang ở Bắc Triều Tiên. Vì vậy, với tôi, Bắc Kinh 2008 là một sự kiện tương đối máy móc, nhưng rất Trung Hoa.
Quay lại Tokyo 2020, điều quan trọng là người Nhật đã làm tốt việc cài cắm những giá trị văn hóa (có thể cả chủ nghĩa tối giản, điều khiến nhiều người đánh giá là "không đầu tư") vào các phần biểu diễn. Và đi theo hướng đủ hài hước để kéo người xem khỏi màu xám của đại dịch.
Tất nhiên, việc lấy Bắc Kinh làm tiêu chuẩn không có gì là sai nếu bạn thực sự đã biết được bức tranh rộng hơn và vẫn thấy tác phẩm của Trương Nghệ Mưu là tuyệt nhất. Tuy nhiên, hoặc nếu bạn không hề quan tâm đến chủ đề này, nhưng vẫn thích tranh luận về nó, hãy xem nhiều hơn.
Xem sự kiện thể thao làm gì?
Các sự kiện thể thao quốc tế, đặc biệt là các lễ khai mạc và bế mạc, có tính chất tương tự những video tóm tắt phim xuất hiện trên mạng xã hội gần đây (theo một cách tích cực): Ngắn gọn, thể hiện những gì tinh túy nhất của quốc gia đăng cai, gồm cả văn hóa, lịch sử và tư tưởng.
Vì vậy, để hiểu một lễ khai mạc yêu cầu người xem phải biết được một số nền tảng nhất định về đặc trưng văn hóa của quốc gia đó, và sẵn sàng đón nhận nhiều cách thể hiện khác nhau. Mỗi lễ khai mạc sẽ là một sự kết hợp giữa tất cả các loại hình nghệ thuật, cả hiện đại và truyền thống. Tất cả được encode qua các biểu tượng, và người xem bước vào một trò chơi thú vị là decode những ý đồ đó.
Ngoài lề, đặc biệt nếu bạn thích thú mảng sự kiện, những buổi biểu diễn này là cơ hội tuyệt vời để chiêm ngưỡng sự phát triển của công nghệ sân khấu. Và xem nhiều hơn để biết nhiều hơn và đánh giá khách quan hơn. Cũng đâu mất gì nhỉ?
Dưới đây là một số sự kiện nổi bật và đáng xem mà theo đánh giá cá nhân của mình, là vượt xa Bắc Kinh 2008.
Một số gợi ý
Nếu bạn quan tâm đến câu chuyện, tôi gợi ý xem qua Lễ khai mạc Sochi 2014 hoặc London 2012 - cả hai đều kể câu chuyện lập quốc tuyệt vời của Nga và Anh.
London bắt nguồn từ những thảo nguyên xanh cỏ, đến thời kỳ Cách mạng Công nghiệp rồi hiện đại. Xen lẫn sự phát triển đó, Danny Boyle - đạo diễn Triệu Phú Khu Ổ Chuột - cũng thể hiện những thành tựu văn hóa đáng tự hào của Đại Anh, bao gồm cả James Bond và Mr. Bean.
Với năm 2014, khi thành phố Sochi của Nga đăng cai Olympic Mùa đông, sân khấu của Lễ Khai mạc đưa người xem đi từ thời kỳ mở mang bờ cõi đến giai đoạn Đế quốc, Soviet và cuối cùng là nước Nga hiện đại. Một điểm highlight khác của Lễ Khai mạc này là phần âm nhạc scoring được chọn lọc từ những tác phẩm kinh điển nhất của Nga, một số quen thuộc với khán giả Việt Nam - như bạn có thể nghe thấy Chiều Maxcova.
Nếu bạn yêu thích kỹ xảo sân khấu hơn, hãy xem qua Lễ Khai mạc Olympic Athens 2004 hoặc một kẻ ngoại lai: Lễ Khai mạc European Games 2015 ở Baku, Azerbaijan. Cả hai đều được đạo diễn bởi nghệ sĩ thị giác Dimitris Papaioannou.
Khi Thế Vận hội trở về quê hương Hy Lạp, Athens đã cho người xem thấy độ sâu của nền văn hóa này. Bằng hiệu ứng thị giác, Papaioannou thể hiện cả triết học và thi ca Hy Lạp qua những biểu tượng.
Còn với Baku, công nghệ sân khấu đã được tận dụng triệt để để kể câu chuyện sử thi của dân tộc Azerbaijan. Kết hợp giữa những gì xảy ra trên Sân vận động Baku và cách lấy hình của Đạo diễn Hình ảnh, phân đoạn Origin của Lễ Khai mạc này thực sự đẹp như một bộ phim.
Cuối cùng, nếu muốn thưởng thức âm nhạc, hãy xem qua Lễ Bế mạc Olympic London 2012 hoặc Pyongchang 2018.
Tóm tắt, London 2012 là cách Anh Quốc khoe ngành công nghiệp âm nhạc của mình với màn trở lại của Spice Girl, Queen, tri ân John Lennon cùng sự góp vui của Paul McCartney, Jessy J và One Direction.
Pyongchang cũng có cùng mục tiêu, chỉ khác đối tượng là khán giả K-pop với EXO và CL.
Rất mong nghe được những phản biện và gơi ý của các bạn!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất