18 – CON SỐ KHẲNG ĐỊNH CHO TÌNH YÊU BẤT DIỆT
Có lẽ hiện tại các cổ động viên của Quỷ đỏ thành Manchester đã quá quen thuộc với hình ảnh Bruno Fernandes, người đang mang chiếc áo...
Có lẽ hiện tại các cổ động viên của Quỷ đỏ thành Manchester đã quá quen thuộc với hình ảnh Bruno Fernandes, người đang mang chiếc áo số 18 đang “gồng gánh” CLB qua từng trận đấu. Bản thân người viết là một fan của nửa đỏ thành Manchester, vẫn luôn mặc chiếc áo số 18 ngay cả khi chơi ở vị trí thủ môn. Mặc dù vậy, ý nghĩa của số áo 18 đối với tôi khác hơn rất nhiều, đó là số áo thể hiện tình yêu không bao giờ thay đổi được của một cầu thủ dành cho đội bóng của mình – Paul Scholes.
***–––***
Nếu bạn là một người từng yêu mến Paul Scholes, điều bạn nhớ nhất về cầu thủ mang biệt danh "Hoàng tử tóc đỏ" là gì? Bạn không nghe nhầm đâu, ở Việt Nam mọi người hay gọi anh là "Hoàng tử tóc vàng", nhưng với tôi kỉ niệm về anh gắn liền với cái tên Ginger Prince… Những cú sút xa trái phá ngoài vòng cấm, những thẻ vàng chỉ để “tắt điện” pha bóng của đối phương, hay sẽ là những đường chuyền như đặt bóng cho đồng đội được nhớ đến? Riêng tôi, đó là một anh chàng đơn giản được chơi bóng hết mình cho đội bóng mình yêu quý, trân trọng từng phút giây của mình ra sân. Trên truyền thông, ai cũng biết đến những lời ca ngợi của các “siêu sao” về lối chơi của Hoàng tử tóc đỏ. Mặc dù vậy, tôi muốn nói về tình yêu giản đơn mà anh dành cho đội bóng thân yêu suốt cả cuộc đời mình, những góc khuất mà đôi lúc hiếm có những người san sẻ cho chiến binh mãi mãi màu áo đỏ đấy.
Bước chân đầu tiên của chiến binh thầm lặng
Nếu so sánh với lứa cầu thủ trẻ giai đoạn 1992 của Sir Alex Ferguson, có lẽ Paul Scholes là người được quan tâm đến muộn nhất. Cho đến khi ở tuổi 14, cậu mới được chính thức được nhận vào đội bóng Học viện Manchester United. Với vai trò là cầu thủ trẻ cùng lứa 1992, cậu không nổi bật được so với Ryan Giggs đầy tốc độ kĩ thuật, Beckham nghệ sĩ vẽ đường cong, hay Nicky Butt với lối đá đầy mưu mẹo và chiến thuật, Paul gần như không được chú ý nhiều về bất kì khả năng “thiên bẩm” nào như vậy. Khi lần đầu tiên Ngài “máy sấy tóc” lần đầu tiên thấy Scholes chơi bóng, ông còn phải thốt ra rằng: “Cậu ta chẳng có cơ hội đâu, cậu ta là tên lùn.”.
Vào năm 2016, cựu cầu thủ Lee Sharpe tiết lộ câu chuyện trước đây cho đài truyền hình BT Sport. Khi đó, một số cầu thủ đội Một cùng Sir Alex Ferguson tham gia quan sát các cầu thủ trẻ thi đấu, Robson đã hỏi Fergie về việc sẽ giữ lại ai và sẽ đẩy ai đi. Hiển nhiên, chiến lược gia người Scotland đã trả lời về việc lựa chọn Beckham, Nicky Butt, Neville, cùng một số tài năng trẻ cùng lứa 1992 đấy… Thế nhưng ngay lúc đó, ông đã khá nghi ngờ về một tiền vệ tóc đỏ trên sân. Để rồi sau đó, Scholesy đã kéo bóng tiến gần đến vòng 16m50, thực hiện hai pha sút vờ nhằm vượt qua hai cầu thủ trên sân để đối mặt với thủ môn, cho đến khi thủ môn vừa khụy xuống thì cậu ta đã lốp bóng qua đầu thủ môn và bóng rơi thẳng vào góc dưới khung thành. Robson ngỡ ngàng quay sang hỏi HLV rằng ông ấy có chắc về sự nghi ngờ đó chứ. Scholes là vậy, chỉ đơn giản là “để đôi chân thể hiện thay cho những câu chuyện trao đổi hằng ngày”.
Rồi cho đến khi bắt đầu sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp, cuộc sống của Scholes rất đơn giản: giờ tập luyện, thi đấu thì lên sân cùng với đội bóng, đến lúc hoàn tất thì về nhà chăm sóc và tận hưởng dưới mái ấm gia đình (lược trích từ câu trả lời phỏng vấn trực tiếp về cuộc sống hằng ngày của anh). Thêm vào đó, Roy Keane đã từng khái quát về việc Scholes rằng cậu ta quá “lười” trả lời phỏng vấn – trong khi cậu ta đã nên phải tham gia vì những lí do liên quan đến việc thu hút thêm thu nhập. Keane đã nói với tờ báo Shortlist như thế này: “Người ta nghĩ rằng Scholesy ngại máy quay, nhưng thật ra chỉ là cậu ta chẳng quan tâm. Chẳng ai trong số chúng tôi thích phỏng vấn, nhưng đó là một trách nhiệm trong phòng thay đồ cần san sẻ. Anh ta chỉ là quá khiêm tốn để làm việc đấy.”. Và như thế, không ai nghe đến những chuyện khác ngoài những đường chuyền, bàn thắng kì diệu đến từ chàng trai tóc đỏ mỗi lúc một nhiều trên truyền thông.
Hoàng tử tóc đỏ - nghệ sĩ "không hoa mĩ"
Trong giai đoạn “hậu” Eric Cantona, người ta thường bàn nhiều về việc ai sẽ kế thừa chiếc áo số 7 huyền thoai qua những mỗi năm, hay những cầu thủ đội hình chính sẽ luôn được ưu tiên những số áo “đẹp”. Nhưng khác với mọi người, Paul đã chọn cho mình số 18 gắn bó hơn mười năm thi đấu cho đội bóng nửa đỏ Manchester. Chắc hẳn phải chăng trong số các bạn nhiều người vẫn rõ về nguồn gốc số áo mà anh chọn gắn bó từ đâu? Từ một nguồn tin không chính thức, chuyện là vào năm 1994, các cổ động viên của Liverpool đã treo banner về việc Cantona và Quỷ đỏ hãy đạt được 18 chiếc vô địch như họ rồi hãy trở lại; đó cũng là lí do Scholes mặc số áo như là lời khẳng định về cuộc đua trên. Còn câu chuyện sau đó, như chúng ta thường nói: “Phần còn lại thuộc về lịch sử.”.
Cho đến ngay cả khi thị trường chuyển nhượng có vô vàn tin đồn về đội chủ sân Old Trafford, thì câu chuyện chuyển nhượng liên quan đến Paul Scholes rời đội bóng chủ quản sẽ luôn là trò cười, điều gây chú trên mặt báo trong khi người ta gần như không thể đưa lên những câu chuyện tương tự về Ryan Giggs hay Gary Neville. Và nếu chúng ta đi tìm hiểu chuyện cá nhân của cậu ta trên mặt báo, chúng ta gần như không thể tìm thấy gì ngoại trừ câu chuyện tình cảm vợ chồng từ thuở đi học cùng ba người con mà không có thêm bất kì câu chuyện ngoài lề khác. Đơn giản chỉ là sự trung thành hiếm hoi còn sót lại giữa giai đoạn chuyển mình của bóng đá Châu Âu với những hợp đồng béo bở và những cơ hội mở ra cho bất kì cầu thủ chuyên nghiệp nào.
Thế nên, chúng ta luôn có thể kể câu chuyện của Scholes trên thị trường chuyển nhượng và bàn đàm phán súc tích nhất như sau: “Một bản hợp đồng đưa ra cho tiền vệ sinh năm 1974 kí vào, nếu đó là tiếp tục thi đấu cho nửa đỏ thành Manchester thì Scholesy sẽ kí ngay lập tức, còn lại thì miễn bàn.”. Nhà cầm quân suốt 27 năm cho Quỷ đỏ phải thổ lộ rằng: “Kí hợp đồng với Scholes là công việc dễ nhất với tôi. Cậu ấy sẽ kí ngay lập tức mà chẳng cần biết trong đó viết gì. Cậu ấy cũng không có người đại diện hay đòi tăng lương như nhiều cầu thủ khác.”.
Tình yêu, lòng trung thành và sự hi sinh
Để nói về “máy chém” ở Nhà hát của những Giấc Mơ, chắc chắn không ai là không biết đến Roy Keane một thời điên đảo cả giải Ngoại Hạng Anh. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng Scholes đã nhận đến 99 thẻ vàng và 3 thẻ đỏ suốt cả sự nghiệp ở giải đấu cao nhất nước Anh, với tổng số thẻ nhận được chỉ ít hơn Wayne Rooney tại Manchester United. Arsène Wenger đã từng nói với báo chí Anh vào năm 2010 về “góc khuất” của Paul Scholes trong việc triệt hạ cầu thủ đối phương. Sự thật cũng không quá sai khi HLV của Pháo thủ đã chỉ ra việc anh ta chuồi bóng khá tệ và tạo ra đầy nguy hiểm cho đối thủ trước mặt. Nhưng hãy công bằng với Paul, anh ta đã đá gần 20 năm ở giải Ngoại Hạng Anh và anh ta chỉ thật sự chuồi bóng để giải nguy cho đội bóng cần ngăn cản mà thôi, cho dù có là thẻ đỏ đi chăng nữa!
Người ta hay nói về đặc ân chiến đấu trên đấu trường cao nhất châu Âu của đội bóng màu đỏ thành Manchester. Và rồi, người ta sẽ luôn ca ngợi bàn thắng “trái phá” vào lưới của Barcelona vào năm 2008 để đưa đội bóng vào trận chung kết toàn Anh năm đấy. Có mấy ai nhớ đến những “góc tối” như thẻ vàng oan nghiệt lượt về bán kết lượt về năm 1999, hay pha “đánh bóng chuyền” vào lưới của Zenit Siêu cúp Châu Âu năm 2008? Là một cổ động viên nhiệt thành, tôi đã từng tức giận ngay những giây phút như vậy, nhưng bóng đá còn là cảm xúc, còn là tình yêu. Liệu bạn có yêu đội bóng của mình đến mức nào để hi sinh cái tôi, danh tiếng của mình chỉ để đội bóng có cơ hội chiến thắng?
Như Paul Scholes gần đây đã lên tiếng về việc chia tay ĐTQG Anh vào năm 2007, việc anh nghỉ hưu sớm ở tuổi 29 đầy bất ngờ vì lí do cá nhân. Nếu anh không chia sẻ, ít ai biết đến việc người con út, Aiden, mắc chứng tự kỉ ám thị, vậy nên anh từ bỏ để có thể dành thời gian cho gia đinh, và quan trọng hơn là một người cha. Vậy đấy, không ồn ào, không kêu ca, Scholes lùi về sau những ánh sáng camera để âm thầm bảo vệ tổ ấm của mình. Nếu đó không vì tình yêu nồng ấm của chàng Hoàng tử bé, liệu rằng Scholes có thể giữ một niềm tin vững vàng về việc cân bằng cuộc sống của anh chăng? Tôi không muốn mọi người cười đùa, nhưng cũng tương tự như vậy, mọi người đã thấy Lingard đã phải trải qua với bao nhiêu khó khăn với những câu chuyện gia đình song song với bóng đá rồi…
Cũng vì sự thiếu hụt nhân sự cả hàng trung vệ lẫn tiền vệ tại Old Trafford, chúng ta đã có cũng biết đến ngày trở lại đầy bất ngờ vào đầu năm 2012 của anh. Ban đầu, Paul Scholes đã cảm thấy xấu hổ khi đi hỏi từng người một về việc tái xuất: anh em Neville, Mike Phelan rồi mới đến Sir Alex. Anh rất yêu CLB của mình, nhưng cũng đồng thời anh lại sợ tình yêu đấy bị từ chối mà đau lòng. Để rồi cuối cùng, không một lời từ chối, không ồn ào, anh trở lại trong trận đấu mà anh không chơi đúng sức, nhưng tất cả các cổ động viên phải điên cuồng vỡ òa chào mừng chiến binh mà họ vừa chia tay chưa được nửa năm trước. Tình yêu đó thật nhẹ nhàng với sự mong mỏi tái hợp từ cả hai phía.
Những kết thúc đầy viên mãn và bình yên
Nếu nói về việc “trêu ngươi” cổ động viên về việc nghỉ hưu sớm trong giới cầu thủ, có lẽ không ai có nhiều câu chuyện như Paul Scholes. Những câu chuyện không phải trò đùa, mà là sự tréo ngoe cuộc đời cầu thủ sinh năm 1974 phải trải qua.
Đầu tiên vào những ngày cuối tháng Mười Hai, 2006, anh đã thông báo về vấn đề tầm nhìn bị mờ dần đi. Phải mất hơn 4 tháng để hồi phục lại và việc hồi phục có vẻ ổn định, nhưng tiết lộ về sau thì việc trở lại không hoàn toàn, thay vào đó là Scholesy lựa chọn thích nghi với điều đó và vẫn ra sân chiến đấu hết mùa giải. Kết thúc mùa giải năm đấy, khi mà anh vừa thông báo chấm dứt tham gia ĐTQG của anh ngay lúc đấy, một số trang báo đã đồn thổi về việc Paul nghỉ hưu sớm ở CLB. Mặc dù vậy, cổ động viên Manchester United thở phào nhẹ nhõm khi anh tiếp tục thi đấu thêm nữa…
Một số người sẽ nhớ đến trận đấu chuyên nghiệp đáng lẽ là cuối cùng của Hoàng tử tóc đỏ. Thời điểm mà người ta được thấy Iniesta đứng chờ đợi chỉ nói chuyện và trao đổi áo với Scholes cùng những lời chia tay đầy tôn trọng sau trận đấu. Rồi đến ngày đầu tháng Tám năm 2011, Paul Scholes được tham dự trận đấu giao hữu với New York Cosmos, đánh dấu mốc kết thúc sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp của anh. Rất nhiều giọt lệ tuôn trào vì những kỉ niệm, kí ức mà anh để lại cho cổ động viên đội nhà. Nhưng chỉ ngay chưa đầy nửa năm sau, tất cả mọi người cũng đã nhận ra họ đã nhầm, tình yêu của Hoàng tử trở lại để giúp cho CLB vào lúc đen tối nhất.
Cho đến khi ngày mà anh thật sự dứt hẳn chiếc áo đỏ vào cuối mùa giải năm 2013, hàng loạt ngôi sao bóng đá nổi tiếng thông cáo “treo giày”: Beckham, Carragher, Owen, Nesta… Đặc biệt hơn, ngày hôm đấy danh sách người chia tay sân cỏ còn có người thầy dẫn dắt anh suốt cả sự nghiệp quần đùi áo số: Sir Alex Ferguson. Nếu bạn là một cổ động viên bóng đá trung lập vào ngày hôm đấy, có lẽ bạn sẽ không để ý đến chàng trai tóc đỏ mà ai cũng biết đến cũng thông báo nghỉ hưu. Với riêng tôi, ngay lúc cố gắng lắng nghe bài diễn văn đầy cảm xúc của Sir, tôi đã âm thầm cười trong nước mắt mà tự lập đi lập lại với mình: “Anh khôn lắm Scholes à, anh lựa chọn thông báo treo giày cùng ngày với bao nhiêu ngôi sao, không ai hay biết cả…”. Tôi đã ứa nước mắt không chỉ những lời chia tay của Ngài máy sấy tóc, mà là lựa chọn ra đi âm thầm của Scholes. Liệu rằng số áo 22 mà anh lựa chọn đấy, cũng từng tương tự với số áo 18 trước kia, có lẽ mơ ước đến một ngày mà nửa đỏ thành Manchester sẽ đạt được chiếc cúp vô địch của giải đấu hàng đầu nước Anh hay chăng?
Có lẽ, có lẽ thôi, sẽ không bao giờ, ai còn nghe thấy được mong ước đấy nữa từ những bài phỏng vấn chia sẻ, tiết lộ bí mật… Hoặc chí ít, chúng ta không thể thấy anh mặc chiếc áo số 22 để cùng ăn mừng chiếc cúp Ngoại Hạng Anh lần thứ 22 của đội bóng mình yêu quý.
Lời kết – Lời cảm ơn
Vào thời gian gần đây, các cựu cầu thủ Quỷ Đỏ đang làm việc ở vai trò là người bình luận, nơi mà ý kiến thường mang tính hai chiều. Tôi lại cảm thấy buồn những gì mà các cầu thủ đóng góp cho đội bóng, trong đó có cả Scholesy, bị trách móc chỉ vì đưa ra quan điểm cá nhân. Tôi chỉ mong những cổ động viên hãy giữ tĩnh táo, hãy tôn trọng và đừng đay nghiến họ. Họ đang làm công việc đưa ra bình luận, dù đúng dù sai, mọi người đừng vượt quá giới hạn. Người xem chúng ta nên tôn trọng họ như cách mà họ đã tôn trọng đối xử với đội bóng mà chúng ta yêu quý.
***___***
Ngay lúc này, người viết vẫn còn đong đầy cảm xúc khi trải nghiệm lại từng khoảnh khắc với cầu thủ mà mình yêu quý. Nhưng để kết thúc dòng cảm xúc này, tôi muốn mọi người hãy nhìn về Scholes và bóng đá như cách mà Sir Bobby Charton đã từng nói: “Tôi rất thích Paul Scholes, anh ấy là hình ảnh thu nhỏ của Manchester United và của tất cả những gì tốt đẹp nhất trong bóng đá.”. Là người xem bóng đá chân chính, các bạn hãy theo dõi bóng đá bằng cảm xúc tích cực và cảm nhận vẻ đẹp của môn thể thao Vua.
Tác giả: David
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất